Nhịp đập năng lượng ngày 3/12/2023

20:06 | 03/12/2023

1,108 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chính phủ cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; EU tăng cường nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga; Indonesia hồi sinh dự án khí đốt Abadi Masela… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 3/12/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Chính phủ cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư

Sáng 3/12, trong chương trình làm việc tại UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Robert Helms, Thành viên HĐQT Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch) và ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy (Anh). Hai tập đoàn lớn này dự kiến đầu tư hàng chục tỷ USD vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các tập đoàn tiếp tục đồng hành, hợp tác với Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, góp ý xây dựng, hoàn thiện chiến lược, thể chế, triển khai các dự án cụ thể trên cơ sở quy hoạch, với các chính sách ưu tiên phù hợp (về thuế, giá, sử dụng đất, mặt nước, mặt biển…).

Với các dự án cụ thể của các tập đoàn, Thủ tướng cho rằng cơ bản phù hợp với Quy hoạch Điện VIII, đề nghị phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) để nghiên cứu, triển khai hiệu quả các dự án đầu tư cụ thể.

Thủ tướng đề nghị các tập đoàn hành động nhanh chóng, triển khai, hoàn thành nhanh, gọn, dứt điểm một số dự án, sau đó rút kinh nghiệm và mở rộng triển khai các dự án khác. Chính phủ cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các tập đoàn nói riêng đầu tư hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.

EU tăng cường nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga

Hãng Reuters ngày 1/12 dẫn thông tin từ Cơ quan hạt nhân Euratom (ESA) của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, EU đã tăng cường nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân và dịch vụ từ Nga trong 2 năm qua bất chấp các lệnh trừng phạt và hạn chế xuất khẩu nhắm vào nước này liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo báo cáo, khối này tiếp tục dựa vào nguồn cung cấp để vận hành các lò phản ứng VVER do Nga thiết kế được Bulgaria, Cộng hòa Czech, Phần Lan, Hungary và Slovakia sử dụng.

5 quốc gia này đã mua thêm 30% dịch vụ chuyển đổi từ Nga và làm giàu thêm 22% cho các lò phản ứng của họ vào năm 2022 so với năm 2021, và có khả năng vượt qua lượng nhập khẩu năm 2021 trong năm nay.

Indonesia hồi sinh dự án khí đốt Abadi Masela

Một quan chức của Bộ Năng lượng Indonesia cho biết hôm 2/12, chính phủ nước này đã phê duyệt kế hoạch phát triển sửa đổi cho dự án khí đốt Abadi Masela bị trì hoãn từ lâu với khoản đầu tư 20 tỷ USD nhằm bắt đầu sản xuất vào năm 2029.

Dự án do công ty dầu khí Nhật Bản Inpex làm nhà đầu tư chính, đã phải đối mặt với sự chậm trễ trong nhiều năm do nhiều thay đổi, bao gồm việc chuyển dự án lên đất liền để đáp ứng nhu cầu của chính phủ và thay đổi nhà thầu.

Dữ liệu của cơ quan quản lý thượng nguồn cho thấy dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Abadi dự kiến sẽ sản xuất 9,5 triệu tấn LNG/năm, 150 triệu feet khối tiêu chuẩn mỗi ngày trong đường ống và 35.000 thùng condensate mỗi ngày vào thời điểm cao điểm.

Tổng thống Brazil xác nhận sẽ tham gia OPEC+

Lời mời của Brazil được công bố hôm 30/11 trong cuộc họp của OPEC+, một liên minh được thành lập bởi 13 thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và 10 quốc gia đối tác, bao gồm cả Nga. Và việc xét duyệt tư cách thành viên của Brazil sẽ diễn ra vào tháng 1/2024.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tuyên bố tại Dubai trong cuộc thảo luận bàn tròn tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) rằng: "Mọi người đều sợ hãi trước ý tưởng Brazil gia nhập OPEC (...). Nhưng Brazil sẽ không tham gia OPEC mà tham gia OPEC+".

Brazil là nước sản xuất dầu lớn nhất Mỹ Latinh với trữ lượng dầu lớn bị mắc kẹt tại khu vực tiền muối ngoài khơi. Theo số liệu từ Tập đoàn Argus, sản lượng dầu thô trong tháng 9 là 3,7 triệu thùng/ngày, tăng gần 17% so với năm trước và là “mức cao kỷ lục”.

Đức cảnh báo hậu quả của việc chậm xây dựng các nhà máy điện chạy bằng hydro

Người đứng đầu tập đoàn năng lượng lớn 3 của Đức EnBW, ông Andreas Schell nói với tạp chí Der Spiegel: "Nếu chiến lược nhà máy điện không sớm thực hiện, Đức sẽ không thể thoát khỏi than vào năm 2030".

Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ thành phố VKU cảnh báo rằng phải tránh bất kỳ sự trì hoãn nào nữa đối với chiến lược nhà máy điện chạy bằng hydro đã được công bố vào mùa hè này.

Phát ngôn viên của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết hôm 1/12 rằng công việc xây dựng chiến lược nhà máy điện vẫn đang được tiếp tục. Nó phải được trình bày càng nhanh càng tốt. Về quyết định ngân sách ở Karlsruhe, bà nói rằng mọi thứ đều có mối liên hệ với nhau. Đây là một đề án lớn. Bộ đang bám sát mục tiêu xây dựng các nhà máy điện chạy bằng hydro.

Nhịp đập năng lượng ngày 1/12/2023Nhịp đập năng lượng ngày 1/12/2023
Nhịp đập năng lượng ngày 2/12/2023Nhịp đập năng lượng ngày 2/12/2023

H.T (t/h)