Nhịp đập năng lượng ngày 24/11/2023

22:11 | 24/11/2023

1,092 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Quảng Ngãi; Mối đe dọa gia tăng đối với tuyến vận chuyển dầu quan trọng; Nga kêu gọi 4 quốc gia nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 24/11/2023.
Nhịp đập năng lượng ngày 24/11/2023
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Quy hoạch Quảng Ngãi hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1456/QĐ-TTg ngày 22/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo mục tiêu tổng quát này, tỉnh Quảng Ngãi hình thành trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển - đảo.

Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh, trong đó, với ngành công nghiệp, tiếp tục khai thác những thế mạnh, tiềm năng sẵn có về các lĩnh vực công nghiệp nền tảng (với chủ lực là lọc hóa dầu, hóa chất, luyện kim và chế tạo cơ khí) và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này theo chiều sâu, thân thiện với môi trường và mở rộng theo chuỗi giá trị.

Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng xanh có sức cạnh tranh cao, tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, tăng nhanh tỉ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng lớn…

Châu Âu buộc phải sống chung với cảnh giá khí đốt biến động khó lường

Thị trường khí đốt tự nhiên châu Âu và các nước đã ổn hơn nhiều vào đầu mùa đông này so với năm ngoái, nhờ có các kho lưu trữ chứa đầy khí đốt và dòng nguồn cung cấp LNG ổn định, bao gồm cả các kho nhập khẩu LNG mới được xây dựng trong năm qua.

Tuy nhiên, các nước và các nhà dự báo tiếp tục cảnh báo không được tự mãn, bất chấp lượng hàng tồn kho dồi dào và sự suy giảm cơ cấu trong tiêu thụ khí đốt của châu Âu. Bởi châu Âu vẫn sẽ phải đối mặt với thực tế là giá khí đốt tự nhiên của họ hiện đang được quyết định ở những nơi xa xôi, chẳng hạn như Úc, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. Sự khó lường và sự biến động luôn tiềm tàng.

Nhà phân tích thị trường John Kemp của Reuters viết: Châu Âu không khó khi mua LNG, nhưng cái giá mà nước này phải trả cho khí đốt “sẽ ngày càng được xác định ở một nơi khác”.

Angola không có ý định rời OPEC+

Sau khi cuộc họp tiếp theo của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) bị hoãn lại trong 4 ngày đến ngày 30/11, một quan chức Angola nói với Bloomberg rằng, nước này không xem xét việc rời khỏi liên minh dầu mỏ. Vị quan chức này nói "không có suy nghĩ nào theo hướng đó", cũng như bảo đảm với thị trường rằng nhà khai thác lớn thứ hai châu Phi không có ý định gây xáo trộn đến mức đó.

Các quốc gia châu Phi như Angola, Nigeria và Congo được cho là đang tìm kiếm hạn ngạch cao hơn mức đã thỏa thuận tại cuộc họp tháng 6. Các quốc gia châu Phi đã giảm hạn ngạch sản lượng trong tháng 6 do năng lực giảm, trong đó Angola đã không đạt được mục tiêu khai thác. Nước này khai thác 1,17 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 10.

Theo Bloomberg, OPEC+ cần thêm thời gian để giải quyết hạn ngạch, cho thấy Ả Rập Xê-út đã bày tỏ sự bất bình với những "đòi hỏi" của châu Phi trong khi Vương quốc này phải gánh phần lớn gánh nặng cắt giảm sản lượng.

Mối đe dọa gia tăng đối với tuyến vận chuyển dầu quan trọng

Phiến quân Houthi ở Yemen đã cảnh báo Israel và các đồng minh rằng bất kỳ con tàu nào đi qua eo biển Bab el-Mandeb nối Biển Đỏ với Biển Ả Rập sẽ bị coi là "mục tiêu hợp pháp", trong đợt leo thang mới nhất về mối đe dọa đối với một trong những nút thắt dầu quan trọng nhất thế giới.

Eo biển Bab el-Mandeb là tuyến đường biển nối liền vùng Sừng châu Phi và Trung Đông, nối Biển Đỏ với Vịnh Aden và Biển Ả Rập. Hầu hết xuất khẩu dầu mỏ và khí tự nhiên từ Vịnh Ba Tư đều đi qua Kênh đào Suez hoặc đường ống SUMED đều đi qua cả Bab el-Mandeb và Eo biển Hormuz.

Mối đe dọa gia tăng đối với vận tải thương mại ở Trung Đông xuất hiện vài ngày sau khi phiến quân Houthi bắt giữ một tàu chở hàng có liên quan đến một công ty của Israel ở Biển Đỏ. Tàu Galaxy Leader bị bắt giữ, thuộc sở hữu của một công ty được đăng ký thuộc Ray Car Carriers có trụ sở tại Isle of Man - một đơn vị của Ray Shipping do Tel Aviv thành lập, theo dữ liệu của LSEG được Reuters trích dẫn.

Nga kêu gọi 4 quốc gia nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran

Đại diện thường trực của Liên bang Nga tại các Tổ chức quốc tế tại Vienna, ông Mikhail Ulyanov kêu gọi Mỹ và nhóm E3 (Pháp, Đức và Anh) quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ông Ulyanov nhấn mạnh, Nga kêu gọi Mỹ và E3, thay vì cản trở sự tương tác giữa Iran và IAEA, nên tập trung sức lực vào việc khôi phục JCPOA, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Tehran tuân thủ thỏa thuận.

Iran ký JCPOA với một số nước hồi tháng 7/2015, theo đó Tehran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận trên hồi tháng 5/2018 và tái áp đặt biện pháp trừng phạt đơn phương với Iran, khiến Tehran từ bỏ một số cam kết trong JCPOA. Các nước đã khởi động việc khôi phục thỏa thuận trên vào tháng 4/2021 tại thủ đô Vienna, Áo. Mặc dù các bên đã tiến hành một số vòng đàm phán, nhưng chưa đạt được đột phá đáng kể nào từ khi kết thúc vòng đàm phán gần đây nhất hồi tháng 8/2022.

Chính phủ Australia tuyên bố mở rộng trợ cấp cho các dự án năng lượng sạch

Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu Australia Chris Bowen, ngày 23/11, đã thông báo Chương trình Đầu tư Năng lực (CIS) hiện tại - vốn lấy kinh phí từ nguồn nộp thuế của người dân - sẽ được mở rộng để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo mới nhằm giúp đạt được mục tiêu năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Theo kế hoạch mở rộng, CIS sẽ bảo lãnh cho các công ty tư nhân xây dựng 32 gigawatt (GW) dự án điện mới, bao gồm 9 GW dự án lưu trữ và 23 GW dự án phát điện tái tạo. Nếu giá điện quá thấp, không đủ để các công ty có được lợi nhuận, CIS sẽ trả khoản chênh lệch. Tuy nhiên, nếu thu nhập của công ty vượt quá mức trần quy định, chính phủ sẽ chia sẻ lợi nhuận với công ty đó.

Công đảng cầm quyền đặt mục tiêu 82% điện năng của Australia sẽ đến từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030. Theo Bộ trưởng Bowen, khoản đầu tư này sẽ giúp tăng cường năng lượng sẵn có trong lưới năng lượng, mang lại hệ thống năng lượng đáng tin cậy lâu dài, giá cả phải chăng và ít khí thải mà người dân Australia xứng đáng có được khi lưới điện của đất nước thay đổi.

Nhịp đập năng lượng ngày 22/11/2023Nhịp đập năng lượng ngày 22/11/2023
Nhịp đập năng lượng ngày 23/11/2023Nhịp đập năng lượng ngày 23/11/2023

H.T (t/h)