Nhịp đập năng lượng ngày 22/11/2023

20:21 | 22/11/2023

1,520 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thị trường sẽ dư cung ngay cả khi OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng; Hungary quyết không từ bỏ hợp tác năng lượng với Nga vì Ukraine; Trung Quốc khởi động lại ngành công nghiệp diesel sinh học… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 22/11/2023.
Nhịp đập năng lượng ngày 22/11/2023
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

JP Morgan dự báo giá dầu năm 2024 đạt trung bình 83 USD/thùng

JP Morgan dự báo giá chuẩn dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 83 USD/thùng vào năm 2024 trong bối cảnh thị trường ổn định. Dự báo dựa trên kỳ vọng của các nhà phân tích về nhu cầu dầu ổn định ở Mỹ, tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ ở các thị trường mới nổi và sự ổn định ở thị trường châu Âu.

Các nhà phân tích của JP Morgan cũng dự đoán giá dầu thô Brent trung bình sẽ đạt 75 USD/thùng vào năm 2025. Cũng như nhiều dự báo khác, dự báo này dựa trên kỳ vọng về mức tăng hiệu quả sử dụng năng lượng đáng kể và tăng trưởng doanh số bán xe điện thay vì sử dụng xe động cơ đốt trong, dẫn đến nhu cầu nhiên liệu thấp hơn.

Về phía cung, JP Morgan dự kiến tăng trưởng sản lượng ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Điều này có thể làm suy yếu nỗ lực của nhóm trong việc giữ giá trên một mức nhất định. Nếu tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC đủ mạnh, nó có thể đẩy Brent xuống dưới 70 USD/thùng. Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích của JP Morgan kỳ vọng OPEC và các đối tác (OPEC+) sẽ hạn chế sản lượng để hỗ trợ giá.

Thị trường sẽ dư cung ngay cả khi OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng

Toril Bosoni, Giám đốc Bộ phận Thị trường và Công nghiệp Dầu mỏ tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 21/11 cho rằng, thâm hụt thị trường dầu hiện tại sẽ chuyển sang thặng dư nhẹ vào năm tới ngay cả khi OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng và xuất khẩu cho đến năm 2024.

Hiện tại, thị trường dầu mỏ đang thâm hụt và tồn kho đang giảm "với tốc độ chóng mặt", bà Toril Bosoni cho biết bên lề một hội nghị ở Oslo. Bà nói thêm: “Dự trữ dầu toàn cầu đang ở mức thấp, nguy cơ biến động gia tăng trong trường hợp có bất ngờ từ phía nguồn cung hoặc cầu”.

Trong khi đó, 3 nguồn tin từ OPEC+ nói với Reuters rằng OPEC+ dự kiến ​​sẽ xem xét gia hạn cắt giảm nguồn cung tại cuộc họp vào cuối tháng, vì giá đã giảm khoảng 16% kể từ cuối tháng 9.

Hàn Quốc đi theo con đường ngược với xu hướng LNG toàn cầu

Bộ Năng lượng cho biết Tập đoàn Khí đốt Hàn Quốc (Kogas) thuộc sở hữu nhà nước có kế hoạch phụ thuộc vào các giao dịch ngắn hạn, hay mua hàng giao ngay để đáp ứng nhu cầu nguồn cung của mình. Theo dữ liệu từ Kogas, công ty này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung gần 5,5 triệu tấn bắt đầu từ năm 2025, sau khi các hợp đồng dài hạn hiện có từ Qatar và Oman hết hạn.

Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, 2 thỏa thuận cung cấp LNG lớn nhất của Hàn Quốc được ký kết vào giữa những năm 1990 sẽ hết hạn vào năm tới. Nguồn cung ở 2 thỏa thuận này chiếm 20% lượng tiêu thụ hằng năm của đất nước. Kogas đã ký 2 hợp đồng dài hạn với Qatar và BP, các hợp đồng này sẽ được cung cấp từ năm 2025 với tổng khối lượng hằng năm là 3,58 triệu tấn, nhưng công ty vẫn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu cung.

Theo người phát ngôn của công ty, sự gia tăng nhanh chóng của các nhà nhập khẩu tư nhân, trong đó có Posco Energy Co. và GS Energy Corp., cũng có nghĩa là Kogas không cần nhiều hợp đồng LNG dài hạn như cách đây vài thập niên. Họ cũng dự đoán nhu cầu LNG sẽ giảm khi Hàn Quốc theo đuổi các mục tiêu năng lượng sạch.

Hungary quyết không từ bỏ hợp tác năng lượng với Nga vì Ukraine

Xem xét những điều kiện thực tế thay vì chính trị, Hungary sẽ không từ bỏ hợp tác năng lượng với Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine, và sẽ tiếp tục tương tác như vậy, Bộ trưởng Ngoại giao và Quan hệ kinh tế đối ngoại của Hungary, Peter Szijjarto, nhắc lại trong một cuộc họp báo.

Phát biểu sau cuộc gặp ở Budapest với các Bộ trưởng Năng lượng của Azerbaijan, Georgia, Romania, ông Szijjarto nói: "Hungary coi việc mua năng lượng là vấn đề mang tính thực tiễn hơn là vấn đề mang tính chính trị, và sẽ không cho phép bất kỳ ai gây áp lực buộc họ phải từ bỏ bất kỳ nguồn năng lượng nào".

Trước đó, ông Szijjarto đã nhiều lần lưu ý rằng những bộ trưởng này đang cố gắng thúc đẩy Hungary ngừng nhận nguồn cung dầu khí của Nga. Ông nhắc lại rằng chính phủ nước này vẫn cam kết đa dạng hóa, nhưng điều này không có nghĩa là họ sẽ từ bỏ các nguồn và tuyến giao hàng đáng tin cậy.

Trung Quốc khởi động lại ngành công nghiệp diesel sinh học

Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một loạt dự án nhằm khởi động lại ngành công nghiệp diesel sinh học. Theo Reuters, Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc đã kêu gọi nhà chức trách nước này thực hiện các dự án dầu diesel sinh học và tổ chức tài trợ cho các sáng kiến ​​khác trong khu vực.

Trung Quốc là nước sản xuất diesel sinh học lớn nhưng tiêu thụ trong nước chỉ chiếm khoảng 40% trong số đó. Năm nay, Trung Quốc dự kiến sản xuất 1,9 tỷ lít dầu diesel sinh học. Nhờ sản xuất tăng mạnh, Trung Quốc là nước xuất khẩu nguyên liệu diesel sinh học lớn.

Trong 12 tháng tính đến tháng 9 năm nay, thị trường diesel sinh học Trung Quốc đã tăng lên 390 triệu USD và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ châu Âu và Mỹ, nơi xuất khẩu tăng vọt nhờ Đạo luật giảm phát.

Nhịp đập năng lượng ngày 20/11/2023Nhịp đập năng lượng ngày 20/11/2023
Nhịp đập năng lượng ngày 21/11/2023Nhịp đập năng lượng ngày 21/11/2023

H.T (t/h)