Định hướng nghề nghiệp:

Nhiều người “né” ngành khoa học xã hội

09:45 | 29/11/2012

1,505 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Khối ngành KHXH&NV có vai trò đặc biệt quan trọng và được ví như nền tảng của tri thức, mà muốn giỏi các lĩnh vực khác, nhất thiết phải có kiến thức về KHXH. Nhưng hiện nay, thí sinh thi ĐH và những nhà tuyển dụng dường như quay lưng với khối ngành này, tạo nên một thực trạng đáng báo động về lệch lạc cán cân ngành nghề ở nước ta.

“Chạy cùng sào mới vào… KHXH”

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hồ sơ ĐKDT năm 2012 vào ngành KHXH&NV chỉ chiếm tỷ lệ 4,43% thí sinh dự thi cho thấy sự “lép vế” rất rõ của ngành này. Trong số hơn 1,8 triệu lượt hồ sơ chỉ có hơn 80.000 hồ sơ ĐKDT vào ngành KHXH&NV. Thực tế, khi xét theo số lượng hồ sơ thì nhóm ngành này lại giảm đến gần 8%, từ khoảng 87.000 hồ sơ năm 2011 còn 80.298 hồ sơ.

Như trường hợp ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), dẫu đứng trong số các trường khá dễ dàng về tuyển sinh và điểm tuyển đầu vào thuộc nhóm cao, nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm số thí sinh thi khối C cũng giảm khoảng 10%, nhiều ngành phải lấy cận điểm sàn mới đủ học viên.

Ở các trường khác, tình trạng còn "thê thảm" hơn, không ít trường phải chấp nhận xét tuyển chỉ bằng điểm sàn mà vẫn không đủ chỉ tiêu, tệ hại hơn là phải đóng ngành, ngừng tuyển sinh… Sự sụt giảm này là có hệ thống, là một xu hướng trong thực tế chứ không phải hiện tượng bất thường, nhất thời. 

Số lượng thí sinh đăng kí các ngành KHXH ngày càng thấp

Việc thí sinh đăng ký thi khối C giảm thê thảm đồng nghĩa với việc thí sinh đang quay lưng với các ngành Khoa học xã hội. Điều này đã dễ dàng nhận thấy ở ngay cấp học phổ thông, đa số thí sinh không mặn mà với ban Khoa học xã hội, nhiều trường không có ban này.

Giải thích nguyên nhân của tình trạng này, hầu hết các chuyên gia tập trung vào hai khía cạnh. Thứ nhất là do các ngành KHXH ngày càng kém thu hút được nhân lực vì tìm việc khó khăn, lương thấp… Thứ hai, việc giảng dạy các môn KH ở các cấp học hiện nay quá khô cứng, thiên về học thuộc lòng, không hấp dẫn học sinh khiến học sinh quay lưng với môn học. Tại bậc đại học, giáo trình của những môn học này thường nặng về tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, xa rời thực tiễn, không tạo hứng thú cho sinh viên.

Hơn thế nữa, nhiều thí sinh cho rằng, chỉ khi nào không thể học được các môn khác mới chọn khối C và các môn chuyên ngành KHXH để theo học. Chỉ có một số rất ít thí sinh có niềm đam mê thật sự với chuyên ngành KHXH mới đăng ký thi và quyết tâm theo đuổi. Điều này vô hình trung đã tạo nên cách nhìn lệch lạc của chính thí sinh đối với chuyên ngành KHXH.

Chị Nguyễn Hoàng Anh là cựu sinh viên khoa Ngôn ngữ học (ĐH KHXH&NV), sau khi tốt nghiệp ra trường, chị lại vấp phải khó khăn khi xin việc. Chị chia sẻ: “Ngành Ngôn ngữ nói chung cũng hơi khó xin việc hơn các ngành khác vì nó khá đặc thù. Khi lựa chọn chuyên ngành, nhiều người cũng nói tôi gàn dở vì không biết đường chọn kinh tế, ngân hàng hay truyền thông”.

Không chỉ những thí sinh bình thường “né” ngành KHXH, mà cả những học sinh giỏi Quốc gia cũng không mặn mà với ngành học này. Em Đào Phương Bình, học sinh lớp 12, THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương, giải nhất môn Sử cũng cho biết ưu tiên số 1 của em là Học viện An ninh nhân dân. Hay em Vũ Thị Vân, học sinh 12 Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, giải nhất môn Sử cho biết em không chọn gắn với sử mà đi theo con đường mình thích, đó là nghề báo.

Gắn giáo dục với thực tiễn

Về vấn đề nhiều thí sinh “né” ngành KHXH, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch TƯ Hội khuyến học Việt Nam cho biết: “Ban C (khối ngành KHXH) từ lâu rồi không hấp dẫn học sinh bởi nhiều lý do, trong đó vấn đề hướng nghiệp. Việc dạy dỗ có hấp dẫn hay không, hướng nghiệp ra sao, học ra trường để làm gì? Giáo dục hiện nay rất coi nhẹ hướng nghiệp”.

Theo ông, dạy một bài văn, bài sử, bài địa lý, phải làm sao cho trẻ hiểu được đây là một ngành khoa học rất quan trọng, nhất là trang bị cho những cử nhân tương lai hành trang kiến thức xây dựng đất nước. Chứ còn dạy buồn tẻ thì học sinh không thích nghe hoặc chẳng biết theo học thì tương lai sẽ thế nào? Đó chính là trách nhiệm người dạy không chỉ ra được điều đó. 

Một thực trạng nữa là các thầy cô có muốn, nhưng lại không có chuyên môn hướng nghiệp. Ví dụ thầy dạy sử thì không biết hướng học sinh áp dụng vào đâu trong thực tiễn, tương lai làm nghề gì? Thành ra thầy chỉ dạy hết kiến thức là xong.

Hiện nay, hoạt động giáo dục hướng nghiệp đã được Bộ GD-ĐT đưa vào chương trình học chính khóa. Trong những giờ học này, giáo viên sẽ giới thiệu, phân tích đặc điểm của một số ngành nghề, những yêu cầu cần thiết để đáp ứng với từng lĩnh vực nghề…

Cần có sự hướng nghiệp cụ thể và hiệu quả ngay từ trong nhà trường

Đồng thời, học sinh cũng được giới thiệu những hướng đi lập nghiệp khác nhau sau khi tốt nghiệp THPT: Học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hay học nghề… để có thể lựa chọn cho mình một nghề phù hợp, khoa học.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông còn gặp nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả cao. Nguyên nhân là do các trường thiếu giáo viên hướng nghiệp chuyên trách, hầu hết giáo viên dạy hướng nghiệp là những giáo viên phụ trách Đoàn, giáo viên Văn hay những giáo viên… dạy thiếu giờ, chỉ được đi tập huấn một vài buổi rồi về dạy.

Trong khi đó, yêu cầu của giáo dục hướng nghiệp đòi hỏi giáo viên phải có hiểu biết thực tế sâu, rộng về nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, có kỹ năng giao tiếp, thuyết trình tốt… Thêm vào đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy hướng nghiệp ở nhiều trường còn thiếu thốn; học sinh coi đây là môn phụ nên lơ là… đã dẫn đến chất lượng giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông chưa mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, tuy bước đầu đã có sự hướng nghiệp trong nhà trường, cùng một số chính sách thu hút thí sinh vào ngành nông lâm ngư nghiệp và sư phạm; thế nhưng, thực tế cho thấy, tất cả những chính sách đó chưa đủ sức hút thí sinh vào học ngành đang bị coi là yếu thế so với nhóm ngành tài chính, kinh tế, ngân hàng. Hấp dẫn về cơ hội việc làm, về mức thu nhập của các ngành thời thượng vẫn dư sức khiến thí sinh quay lưng lại với các ngành nghề cơ bản, nhất là các ngành xã hội.

Vì vậy, để thu hút được thí sinh và nguồn nhân lực vào ngành KHXH, các trường ĐH tuyển sinh khối ngành này nên có sự kết hợp chặt chẽ với các trường THPT trong công tác hướng nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường. Khi đã có sự hiểu biết, cũng như nhận thức rõ vai trò của các ngành học KHXH, số lượng thí sinh đăng ký và theo học khối ngành này sẽ được cải thiện; đồng thời sẽ góp phần giảm bớt sức ép nhu cầu của nền kinh tế, của xã hội về nguồn nhân lực KHXH. 

Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.