Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV

Nhiều “kẽ hở” quản lý tạo tiêu cực, lãng phí

11:11 | 05/06/2019

223 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận, các công trình tư nhân thường được quản lý chặt chẽ hơn công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước bởi tư nhân tiếp cận trực tiếp với cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và tiết kiệm chi phí chung nên giá thành xây dựng thấp hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định “sẽ kiểm soát tốt hơn để có giá thành hợp lý, đúng, đủ chi phí”.

Chậm sửa đổi bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn, đơn giá xây dựng

Phát biểu mở đầu phần trả lời của mình trong phiên chất vấn ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ, trong những năm qua và đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Bộ Xây dựng, các bộ phận xây dựng chuyên ngành đã luôn nỗ lực, cố gắng và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng, cố gắng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội.

nhieu ke ho quan ly tao tieu cuc lang phi
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. “Chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình về những hạn chế, tồn tại này, đã và đang thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động và sớm khắc phục các hạn chế tồn tại của toàn ngành và của Bộ Xây dựng”, Bộ trưởng nói.

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Xây dựng liên quan đến các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Theo đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình), các công trình xây dựng sử dụng vốn Nhà nước thường có giá thành cao hơn nhiều lần so với công trình xây dựng tương tự do tư nhân thực hiện. Vì thế, đại biểu băn khoăn, phải chăng việc chậm sửa đổi bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn, đơn giá xây dựng là kẽ hở cho lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong xây dựng? Đồng thời, đại biểu Phương đề nghị Bộ trưởng cho biết bao giờ sửa đổi bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn và đơn giá xây dựng?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, đây là tình trạng có thực trong thực tiễn, nguyên nhân do đã làm xong bộ tiêu chuẩn nhưng chưa sửa đổi kịp thời định mức xây dựng. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đánh giá các đơn giá, trong đó hiện đã loại bỏ, sửa đổi khoảng trên 2.000 đơn giá. “Việc áp dụng định mức giá mới sẽ giúp giá thành xây dựng sử dụng vốn nhà nước giảm xuống. Năm 2021 bắt đầu thực hiện phương pháp định giá mới, đáp ứng nhu cầu thị trường và hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận, các công trình tư nhân thường được quản lý chặt chẽ hơn, tiếp cận trực tiếp với cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, và tiết kiệm chi phí chung nên giá thành xây dựng thấp hơn. Và Bộ trưởng khẳng định: “Chúng tôi sẽ kiểm soát tốt hơn để có giá thành hợp lý, đúng, đủ chi phí”.

Cùng tham gia phiên chất vấn về vấn đề trên, đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) dẫn chứng, ở không ít dự án, việc thực hiện trình tự, thủ tục, quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định pháp luật trong công tác lập, thẩm định, nghiệm thu công trình còn vi phạm, gây thất thoát vốn ở một số khâu có nguyên nhân chủ quan từ ý chí chủ thầu theo nguyên tắc “chuyên môn càng sâu, vi phạm càng tinh vi”, “chi phí cho việc càng cao thì việc phê duyệt càng thuận lợi”. Tùy thuộc vào tính chất dự án, nguồn gốc dự án khác nhau thì tồn tại tỷ lệ phần trăm tương ứng cho chủ đầu tư. Trước thực trạng trên, đại biểu Diến cho rằng, những vi phạm nêu trên chủ yếu do Kiểm toán nhà nước phát hiện, có kiến nghị xử lý. “Bộ trưởng đã có chỉ đạo gì với thanh tra chuyên ngành để thanh tra xử lý, chủ động ngăn chặn những vi phạm nêu trên?”, đại biểu Diến nêu câu hỏi.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự toán có nguyên nhân từ cán bộ thực hiện, có hiện tượng “bôi trơn”. “Trong thực hiện có thể có tình trạng này, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm túc về trách nhiệm công vụ, vi phạm hành chính, nếu phát hiện vi phạm hình sự sẽ xử lý theo quy định pháp luật hình sự. Chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra xây dựng để thanh tra một số công trình riêng, qua đó phát hiện, ngăn chặn vi phạm này”, Bộ trưởng khẳng định.

Vi phạm trật tự xây dựng vẫn ngổn ngang

Trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) về những vi phạm trật tự xây dựng còn khá phổ biến, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, về trật tự xây dựng, pháp luật đã quy định tương đối đầy đủ. Về quản lý trật tự xây dựng, chúng ta có nhiều cố gắng để giám sát, quản lý, hạn chế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Đã có chuyển biến theo chiều hướng vi phạm giảm dần, nhất là hành vi xây dựng sai phép, không phép. Tuy nhiên, vẫn còn ở mức cao, gây lệch lạc trong hoạt động xây dựng và bức xúc của cử tri.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng cho biết, những hạn chế, tồn tại thuộc về quy định quản lý “tuy rằng cơ bản đủ, nhưng một số nội dung còn bất cập, quy trình còn phức tạp, thiếu khả thi, chưa đồng bộ”. Số lượng vi phạm trật tự xây dựng đã giảm qua từng năm. Nguyên nhân do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, mô hình thanh tra xây dựng chưa hợp lý. Một bộ phận thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực, nhiều bộ phận chậm phát hiện nhưng xử lý chưa kịp thời, chưa kiên quyết, triệt để… Ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, doanh nghiệp người dân chưa tốt. Nhiều trường hợp nhắc nhở nhưng cố tình vi phạm.

Liên quan đến vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Xây dựng với TP Hà Nội đối với vi phạm xảy ra ở công trình nhà 8B Lê Trực và chung cư HH Linh Đàm. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay, hai vụ việc này thuộc trách nhiệm xử lý của Hà Nội. Theo thông tin ông được biết, công trình 8B Lê Trực hiện đang thực hiện cưỡng chế, phá dỡ vi phạm theo giấy phép. “Với công trình này, phá dỡ theo chiều ngang thì làm rồi, nhưng theo chiều dọc thì liên quan đến kết cấu, tính khả năng, chịu đựng của công trình, nếu cần Bộ Xây dựng sẽ giúp Hà Nội đưa ra phương án phá dỡ tốt hơn, còn chung cư HH Linh Đàm vi phạm đã rõ rồi, trách nhiệm xử lý của Hà Nội không phải của Bộ Xây dựng”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Chưa đồng tình với trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) tham gia tranh luận. Theo đại biểu Hồng, trong việc xử lý các sai phạm, nhận thấy “sự lúng túng” của Bộ Xây dựng, vì bộ có nói nếu Hà Nội yêu cầu thì mới phối hợp - đó là chưa đúng với vị trí của cơ quan quản lý nhà nước. “Bộ trưởng chia sẻ sai phạm đã có, vậy cử tri muốn biết bao giờ thì xử lý được những vấn đề đó? Tại sao trách nhiệm lại bị đưa về chính quyền địa phương? Trong thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu cùng lãnh đạo địa phương phản ánh việc tham mưu cho Chính phủ giải quyết những vấn đề ở địa phương đang rất yếu. Có khó mới hỏi đến các bộ nhưng các bộ lại trích dẫn những văn bản quy phạm pháp luật và còn gây khó hơn cho địa phương cho nên câu trả lời của Bộ trưởng thì có lẽ phải đến tầm Chính phủ”, đại biểu Hồng bức xúc nói.

Minh Loan (ghi)

nhieu ke ho quan ly tao tieu cuc lang phiHôm nay (5/6): Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn Quốc hội
nhieu ke ho quan ly tao tieu cuc lang phiBộ trưởng Tô Lâm đưa ra 3 giải pháp xử lý tội phạm tín dụng đen
nhieu ke ho quan ly tao tieu cuc lang phiLuật Đầu tư công (sửa đổi): Phải chỉ ra được nguồn vốn của dự án