Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc:

Nhiệm vụ trọng tâm của TP. Hồ Chí Minh là tái kiến thiết sớm phục hồi kinh tế

22:38 | 12/10/2021

500 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chiều ngày 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh cùng các Sở, ngành về việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; các giải pháp để kiểm soát dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới.

Tưởng niệm đồng bào mất do Covid-19

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với chính quyền, nhân dân TP.HCM trước những tổn thất, mất mát trong trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Đề cập việc TP.HCM có gần 16.000 người tử vong vì Covid-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần thiết phải có hình thức tưởng niệm đồng bào, đồng chí đã mất trong đại dịch, TP HCM cần chủ động hình thức phù hợp để tưởng niệm những mất mát, đớn đau do đại dịch Covid-19.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với HĐND, UBND TP.HCM về giám sát công tác phòng chống dịch, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2021
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với HĐND, UBND TP.HCM về giám sát công tác phòng chống dịch, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2021

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; các tổ chức, cá nhân đã trực tiếp, gián tiếp đóng góp tinh thần, vật chất cho thành phố

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ thành phố đã trải qua những ngày tháng hết sức khốc liệt chưa từng có do đại dịch Covid-19 hoành hành. "Trong đại dịch, một lần nữa TP HCM nhận thấy rõ tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, kiên cường chịu đựng, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng của đồng bào, của cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua những thời khắc hết sức cam go" - Bí thư Thành ủy TP HCM nhìn nhận.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng cho biết qua đại dịch nhận thấy rất rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự chia sẻ, động viên, tinh thần trách nhiệm và quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở; đặc biệt là hệ thống y tế, lực lượng vũ trang, các lực lượng tuyến đầu đối với công tác phòng chống dịch tại thành phố.

Cụ thể, khi thành phố thực hiện "ai ở đâu, ở yên đó", số lượng người dân trên địa bàn thành phố không phải là 10 triệu người mà có thể 14 triệu người. Ông nhìn nhận việc kiến thiết lại một thành phố, một đô thị làm thế nào để người dân đến làm ăn, sinh sống yên ổn, yên tâm và được đảm bảo các yêu cầu cho cuộc sống an toàn thì cực kỳ khó khăn.

Do đó, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh mong muốn Chủ tịch nước, các đại biểu Quốc hội tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy cơ chế chính sách giúp thành phố sớm xây dựng nhà ở xã hội cho người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, TP HCM chuẩn bị nhiều chiến lược trong giai đoạn tới. Trụ cột là chiến lược về y tế; trong chiến lược về xã hội, có quan tâm đến dân cư, nhà ở cho người lao động. Ông cũng cho hay TP HCM mời người dân ở lại, quan tâm tiêm vắc-xin và an sinh xã hội cho người lao động. Đối với người lao động có nhu cầu về quê thì thành phố phối hợp tổ chức cho người dân về quê một cách an toàn.

Chủ tịch nước bày tỏ sự ủng hộ trước chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn trong điều kiện kiểm soát tốt dịch của thành phố. Bởi sự thành công, bền vững của TP HCM phụ thuộc vào khả năng phục hồi và thích ứng.

“TP HCM nên có tiêu chí để quản lý an toàn, chặt chẽ, mếu không, việc mở cửa rồi lại phải đóng lại sẽ rất khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Nếu tiếp tục đóng cửa kéo theo sự đói nghèo, không chỉ tăng trưởng âm mà có thể phát sinh nhiều điều tồi tệ", Chủ tịch nước lưu ý.

Đánh giá cao những nỗ lực của TPHCM để đưa địa phương này trở lại hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thời gian tới, nhiệm vụ cấp bách của Thành phố là tái kiến thiết và tái cấu trúc để phục hồi kinh tế.

TP.HCM phát huy vai trò sáng tạo, lấy lại đà tăng trưởng

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, TPHCM nên hướng đến mô hình nền kinh tế sáng tạo. Thành phố không có đất để phát triển chiều rộng thì phải tăng giá trị gia tăng trên một đơn vị đất. Từ nay đến cuối năm 2025, Chủ tịch nước đề nghị TPHCM nhanh chóng xây dựng chương trình trung hạn phục hồi kinh tế nhằm lấy lại đà tăng trưởng, tạo sức bật cho các năm sau.

Nhiệm vụ trọng tâm của TP. Hồ Chí Minh là tái kiến thiết sớm phục hồi kinh tế
Quốc hội sẽ xem xét việc sớm tăng tỷ lệ điều tiết lên 23% đầu năm 2022 để TPHCM có điều kiện phục hồi đầu tàu kinh tế

Về giải pháp thời gian tới, Chủ tịch nước cho rằng TP.HCM chịu tác động tiêu cực của đại dịch nên chính sách hỗ trợ, phục hồi doanh nghiệp cần cao hơn mức chung của cả nước. TP.HCM cũng cần nâng cao năng lực quản trị của chính quyền các cấp, chính quyền phải sát dân, lo cho dân hơn. Chủ tịch nước cũng nhắc nhở thủ tục hành chính tại TP.HCM còn chậm và cần giải quyết điểm nghẽn này.

Theo Chủ tịch nước, đây là vấn đề cấp bách và căn cơ nên Thành phố phải khẩn trương từ đây đến cuối năm, nghiên cứu các giải pháp để có đề án khoa học, thực tế, hiệu quả. “Thành phố cần sớm xây dựng trung tâm tài chính khu vực như nhiều quốc gia trên thế giới. Chủ tịch nước cho biết nhiều doanh nghiệp đang muốn đầu tư nhưng TP.HCM còn chậm triển khai”, Chủ tịch nước nêu.

Ngoài ra, theo Chủ tịch nước, TPHCM cũng cần nghiên cứu phối hợp giữa Thành phố và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt 3 địa phương Long An, Bình Dương, Đồng Nai để có liên kết vùng rõ hơn. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, khẳng định để bạn bè quốc tế yên tâm về một Thành phố năng động, phát triển, nghĩa tình.

Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc, tái kiến thiết Thành phố sau đại dịch là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng, làm nhanh các dự án đường vành đai để kết nối với các trung tâm xung quanh…“Quốc hội sẽ xem xét việc sớm tăng tỷ lệ điều tiết lên 23% đầu năm 2022 để TPHCM có điều kiện phục hồi đầu tàu kinh tế”, Chủ tịch nước nhấn mạnh

Chủ tịch nước cũng đề nghị TP nâng cao năng lực, hiệu lực quản trị chính quyền các cấp thông qua mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Triển khai mô hình chính quyền đô thị ở những nội dung phân cấp, phân quyền, sắp xếp bộ máy và chính sách đãi ngộ cán bộ cụ thể.

Theo Chủ tịch nước, một xã bình thường chỉ có 5.000 - 7.000 dân, trong khi TP có những xã, phường có 80.000 - 100.000 dân. Chủ tịch nước đề nghị TP.HCM tổng kết việc thực hiện nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM. “Muốn làm được việc này, Thành phố phải đấu giá đất sạch, cổ phần hóa doanh nghiệp mạnh mẽ hơn. Cùng với đó phát triển một số thành phố vệ tinh, bên cạnh triển khai TP Thủ Đức...", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

Từ đó đề nghị Quốc hội có nghị quyết mới mở rộng phân cấp, phân quyền mang tính hệ thống, phù hợp với quy mô và vai trò TP trên các lĩnh vực quản lý nhà nước như quy hoạch, đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách, đất đai, môi trường và tổ chức bộ máy hành chính

M.C

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc