Nhật Bản gửi công hàm lên LHQ phản đối Trung Quốc ở Biển Đông
![]() |
Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp phi pháp và biến thành đảo nhân tạo (Ảnh: Reuters) |
Theo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, trong một công hàm được gửi lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 19/1, phái bộ thường trực của Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng "việc Trung Quốc vẽ các đường cơ sở lãnh hải trên các đảo và các đá ở Biển Đông" không thỏa mãn các điều kiện được nêu rõ trong Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc.
Công hàm cũng cáo buộc Trung Quốc hạn chế tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông đã bị Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay, Hà Lan bác bỏ vào năm 2016, vốn phán quyết rằng các thực thể "nửa chìm nửa nổi" không có lãnh hải riêng.
"Trung Quốc không chấp nhận pháp quyết này và đòi "chủ quyền" trên biển và trên không quanh đối với các thực thể đó", công hàm viết. "Trung Quốc đã phản đối các máy bay Nhật Bản bay qua bãi Vành Khăn và muốn hạn chế tự do hàng hải ở Biển Đông".
Công hàm trên được xem là một động thái mạnh mẽ hiếm thấy của Nhật Bản. Mặc dù Tokyo trước đây đã kêu gọi Bắc Kinh công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài, nhưng hiếm khi Nhật Bản công khai chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Công hàm trên được gửi đi vài giờ trước khi diễn ra một cuộc tham vấn cấp cao về các vấn đề hàng hải giữa Trung Quốc và Nhật Bản, trong đó các nhà ngoại giao Nhật Bản đã phản đối sự hiện diện ngày càng gia tăng của các tàu cảnh sát biển Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa hai nước ở Hoa Đông.
Một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Biển Đông ở Hải Nam, Trung Quốc nhận định rằng thời điểm mà Nhật Bản gửi công hàm rất quan trọng.
"Đây có thể là một cách để Nhật Bản gia tăng vị thế trong các cuộc đàm phán ở Hoa Đông với Trung Quốc. Vì Nhật Bản và Mỹ là các đồng minh thân cận, một lập trường cứng rắn hơn của Nhật Bản về Biển Đông sẽ được Mỹ hoan nghênh, dù là chính quyền Donald Trump hay Joe Biden", chuyên gia trên nhận định.
Động thái của Nhật Bản diễn ra sau các công hàm tương tự từ Mỹ, Australia, Anh, Pháp, Đức, Indonesia, Philippines... nhằm hối thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.
"Việc Nhật Bản tham gia vào liên minh pháp lý quốc tế giúp gia tăng sức nặng cho phán quyết năm 2016", Yoichiro Sato, một giáo sư Nhật Bản chuyên về an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương tại Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản), nhận định.
Nhưng khác với Mỹ và các đồng minh, vốn bác bỏ điều mà Bắc Kinh gọi là "các quyền lịch sử" ở Biển Đông, công hàm của Nhật Bản chỉ đề cập tới việc Trung Quốc cản trở tự do hàng hải và hàng không quanh các thực thể chìm và nửa chìm nửa nổi không được hưởng lãnh hải. Các nhà quan sát cho rằng điều này có thể nhằm tránh đẩy Trung Quốc ra xa.
Giáo sư Sato cũng lưu ý rằng, Nhật Bản không đi vào chi tiết các thực thể đó, mà chỉ đề cập cụ thể tới đá Vành Khăn, nơi Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ quân sự phi pháp sau khi biến nó thành đảo nhân tạo.
Ông Sato cho rằng tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ở Hoa Đông có thể tác động tới lập trường của Tokyo ở Biển Đông. Nhật Bản có thể lo ngại rằng sự tham gia của nước này ở Biển Đông có thể vấp phải sự trả đũa từ Trung Quốc về Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông.
Theo Dân trí
-
Xung đột Israel - Iran khiến Trung Quốc xem xét lại dự án đường ống khí đốt với Nga
-
Giới lọc dầu Trung Quốc thận trọng trước căng thẳng Iran – Israel
-
Trung Quốc tăng xuất khẩu than do cung vượt cầu
-
Trung Quốc tiến gần đến vai trò cường quốc xuất khẩu năng lượng
-
IEA: Nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể đạt đỉnh sớm hơn dự báo
-
[VIDEO] Tổng Bí thư Tô Lâm: Chính quyền phải đổi mới tư duy, cách làm và tác phong phục vụ nhân dân
-
Tổng Bí thư Tô Lâm: "Quản lý, quản trị đều phải tốt"
-
1/7/2025: Ngày hội non sông và bước ngoặt lịch sử
-
Quảng Ngãi công bố quyết định sáp nhập đơn vị hành chính, thành lập tổ chức bộ máy mới
-
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm với nhân dân TPHCM và thông điệp gửi nhân dân cả nước