Nhận diện các thủ lĩnh của cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

09:07 | 18/07/2016

1,819 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/7 đã tiết lộ tên tuổi thực sự của bộ 3 nhân vật được cho là nhóm lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự ở nước này ngày 15/7 vừa qua.

Cựu Tư lệnh Không quân Akin Ozturk: Thủ lĩnh cuộc đảo chính

Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/7, rất có thể là thủ lĩnh cuộc đảo chính quân sự do một nhóm quân nhân nước này thực hiện vào ngày 15/7 vừa qua không phải là cựu đại tá Muharrem Kose mà là tướng Akin Ozturk, cựu Tư lệnh Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, tướng Ozturk có thể liên quan đến nhà thuyết giáo đối lập Fethullah Gulen (hiện đang tị nạn chính trị ở Mỹ) - người bị các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là người đứng ra lệnh tiến hành cuộc đảo chính.

Rất có thể ông này cũng có liên quan đến vụ quân đảo chính bắt giữ làm con tin đương kim Tư lệnh không quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là tướng Abidin Unal, khi ông đang tham dự tiệc cưới con gái một vị tướng thuộc quyền là tướng Mehmet Shamver, ở Istanbul.

Tư lệnh Không quân Abidin Unal đang tham dự đám cưới thì đột nhiên có 5 chiếc máy bay trực thăng bay tới hạ cánh xuống khu vườn trong lễ cưới, sau đó của quân đảo chính nổ súng và bắt cóc ông Unal cùng một số các quan chức khác có mặt tại đám cưới.

Hiện lực lượng quân đội và an ninh ủng hộ chính phủ đang nỗ lực giải thoát ông Unal và các quan chức khác vẫn còn trong tay của quân đảo chính. Lực lượng đảo chính tuy mỏng nhưng do yếu tố bất ngờ, họ đã chiếm được một số cứ điểm và đại bộ phận vẫn đang chống cự quyết liệt.

Theo Sabah, hiện tướng Ozturk đã bị bắt giữ để điều tra vì có liên quan đến giáo sĩ Fethullah Gulen.

nhom thu linh dao chinh o tho nhi ky co lien quan den my
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cáo buộc ông Gulen là người ra lệnh đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Cựu Đại tá Muharrem Kose: Nhà tổ chức của cuộc đảo chính

Ngoài tướng Akin Ozturk được cho là lãnh đạo cuộc đảo chính, cựu Đại tá quân đội Muharrem Kose - nguyên là cố vấn pháp lý cho Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, được coi là “nguồn cảm hứng” và cũng là “bộ não” vạch kế hoạch của cuộc đảo chính.

Hồi tháng 3/2016, Đại tá Kose bị cách chức và sa thải do những cáo buộc là thành viên của phong trào Gulen và phong trào Hồi giáo Hizmet, đều do giáo sĩ Fethullah Gulen lãnh đạo.

Sau đó, ông này chủ trương thành lập một tổ chức mang tên "Hội đồng Hòa bình" nhằm hất cẳng chính phủ hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức này bị chính quyền Erdogan cáo buộc là đang tiến hành thành lập một “chính quyền song song” bất hợp pháp.

Hiện cũng như tướng Akin Ozturk và 4 tướng, 28 đại tá khác, ông Muharrem Kose đã bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ để phục vụ cuộc điều tra về âm mưu đảo chính của giới quân sự.

Giáo sĩ Fethullah Gulen: Lãnh tụ tinh thần của cuộc đảo chính

Theo hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, người ra lệnh tiến hành cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ là giáo sĩ Fethullah Gulen. Ông này được Mỹ chứa chấp từ năm 1999, đồng thời bảo vệ và dung túng cho những hoạt động chống phá Thổ Nhĩ Kỳ “từ xa”.

nhom thu linh dao chinh o tho nhi ky co lien quan den my
Cựu Tư lệnh không quân Akin Ozturk mới thực sự là người đứng đầu cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Erdogan đã tuyên bố rằng, chính vị giáo sĩ được Hoa Kỳ đỡ đầu này đã ra lệnh đảo chính từ bang Pennsylvania của Mỹ, do đó, dù trực tiếp hay gián tiếp thì chính quyền Washington cũng phải chịu một phần trách nhiệm về vụ đảo chính này.

Trong bài phát biểu hôm 17/7 tại Istanbul, Tổng thống Erdogan cũng đã kêu gọi chính quyền của ông Barak Obama trao trả ông Gulen, hiện đang cư trú tại bang Pennsylvania của Mỹ, để nước này tiến hành công tác điều tra, xét xử.

Tuy nhiên, ông Gulen đã lên truyền hình bác bỏ mọi cáo buộc của chính quyền Ankara, đồng thời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã thanh minh với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavosoglu rằng, những cáo buộc Mỹ liên quan đến vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ là vô căn cứ.

Ông Kerry đã khẳng định, những lời nói bóng gió hay trực tiếp cáo buộc về vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính bất thành này là hoàn toàn sai và sẽ gây tổn hại đến quan hệ song phương của hai nước đồng minh NATO.

Vị Ngoại trưởng Mỹ cũng khuyên chính quyền Ankara đừng vội vã ra những tuyên bố hay kết luận khi mọi chuyện chưa rõ ràng, đồng thời cam kết sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc điều tra, trả lại sự trong sạch cho Mỹ.

Được biết, hiện chính quyền của ông Erdogan đã ra lệnh cấm máy bay của Mỹ và liên quân được sử dụng căn cứ không quân Incirlik của nước này để tiến hành các phi vụ không kích vào các căn cứ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria.

Nguyễn Ngọc Toàn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc