Nhạc xưa đang lấn át nhạc nay?

19:22 | 12/09/2013

2,333 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghệ sĩ đổ xô nhau đi sản xuất sản phẩm nhạc xưa, hát nhạc xưa, công chúng trẻ cũng say mê với nhạc xưa hơn. Đó là điều bất thường của đời sống âm nhạc hiện tại?!

Nhạc xưa và nay: Nhạc nào hơn?

Nhạc sĩ Quốc Trung đưa ra quan điểm trong một bài phỏng vấn rằng: Những thanh niên, trí thức trẻ tuổi thông thạo công nghệ, sành điệu hoặc sở hữu những bộ dàn Hi-End đắt tiền nhưng lại đắm đuối với những ca khúc uỷ mị, sướt mướt có cách đây gần 100 năm… là không bình thường và thẳng thắn gọi đó là sự lệch lạc!

Không những thế nhạc sĩ này còn thẳng thắn “đổ tội” cho nhạc xưa, nhạc sến là kiềm hãm và bóp chết sự phát triển của dòng nhạc đương đại. Anh kết luận: Nhạc xưa càng phát triển bao nhiêu thì nhạc nay càng yếu đi bấy nhiêu...!

Quan điểm của nhạc sĩ “Cầm tay mùa hè” đang vấp phải sự phản ứng của dư luận.

NS Quốc Trung: Thanh niên nghe nhạc sến là bất bình thường?!

Thế nào là nhạc xưa, nhạc sến hay nhạc sang, nhạc hiện đại? Thật ra không có một quy tắc nào để phân chia dòng nhạc vì thế sự phân chia sang – sến cũng chỉ là tự phát, mang nặng tính chủ quan, áp đặt và chỉ mang tính tạm thời để dễ phân biệt giữa các thể loại nhạc khác nhau mà thôi.

Nhạc xưa là dòng nhạc gắn với lịch sử, văn hóa và tâm lý con người của xã hội thời chiến, nó gợi lên sự mất mát, chia ly nên dòng nhạc này đa phần là những ca khúc lãng mạn, bay bổng. Đó cũng là lý do nhiều người gọi là nhạc sến, nhạc tiền chiến. Dòng nhạc này là những ca khúc có giai điệu đẹp, ca từ trau chuốt, có chiều sâu, phần lớn là những ca khúc ảnh hưởng từ nhạc Pháp. Chính vì thế mà nhiều ca khúc của dòng nhạc này vẫn đang có sức sống mạnh mẽ trong đời sống âm nhạc đương đại.

Còn âm nhạc hiện tại, nhất là những “tình khúc” ngày nay (tạm gọi là nhạc nay) là gì? Đa số đó là dòng nhạc mà một thời công chúng gọi là nhạc nhảm, là những ca khúc có ca từ, giai điệu ngô nghê, thô thiển, chủ yếu cóp nhặt từ nhiều dòng nhạc khác. Không những thế, ca sĩ thể hiện dòng nhạc này cũng tồn tại quá nhiều bất ổn, họ lên sân khấu chỉ để khoe thân với những bộ đồ ngắn trước, hụt sau, uốn éo khiêu gợi mà không hề chú trọng đến giọng hát hay cảm xúc gì!

Nhạc xưa và nhạc hiện đại từng vui vẻ "sống chung"!

Có nhiều ca khúc có từ nhiều thập niên trước như: Cỏ úa, Nửa hồn thương đau, Thoáng mây bay, Vết thương cuối cùng, Phút cuối, Thời hoa đỏ, Hai sắc hoa Tigon… đến bây giờ vẫn là những ca khúc hấp dẫn trong danh sách nhạc của nhiều tầng lớp công chúng! Hàng loạt những gương mặt ca sĩ nổi tiếng hiện tại đã tạo được ấn tượng với công chúng khi thể hiện nhạc xưa như: Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Thu Minh, Mỹ Lệ, Đức Tuấn, Hiền Thục… Những gương mặt này không hoàn toàn đi theo nhạc xưa, đa số họ là những ca sĩ nổi tiếng với dòng nhạc trẻ. Nhạc xưa đối với họ như là một sự thay đổi phong cách, một sự làm mới mình, nhưng quan trọng hơn cũng là cách để họ đáp ứng nhu cầu thật của công chúng trẻ: ca sĩ trẻ “làm mới” nhạc xưa.

Lệ Quyên - Hiền Thục rất được yêu thích với dòng nhạc xưa

Được yêu mến nhất nhưng cũng gây nhiều tranh cãi nhất về chuyện hay - dở đó là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, anh liên tục cho ra những ca khúc, album và cả những liveshow lớn với nhạc xưa. Và sản phẩm nào của anh với dòng nhạc xưa cũng được công chúng đợi chờ sở hữu. Kế đến là ca sĩ Lệ Quyên, nữ ca sĩ đã thành công một cách vượt trội khi chuyển sang hát dòng nhạc xưa. Có thể nói ở ca sĩ nữ trẻ hát dòng nhạc này, Lệ Quyên đang đứng số 1!  

Rất nhiều ca sĩ trẻ khác cũng hát nhạc xưa, thậm chí là trong album nhạc trẻ, họ cũng cố gắng chen vào một vài ca khúc nhạc xưa cho… phong phú. Nhưng dù là ca sĩ trẻ hát nhạc xưa với mục đích gì thì có thể nói đến thời điểm hiện tại chưa có ca, nhạc sĩ nào bị lên án là phá hủy nhạc xưa qua bản phối khí hay cách thể hiện của mình; đó cũng là điều đáng ghi nhận của ca sĩ trẻ hát nhạc xưa hiện nay!

Nhạc xưa và nhạc nay đã và đang tồn tại song song, ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước, nhạc xưa cũng đã len lỏi, tồn tại trong âm nhạc hiện đại mà không hề gây ra bất cứ sự “cản trở” nào, ngược lại thậm chí âm nhạc thời đó còn được gọi là thời kỳ hưng thịnh của nhạc Việt.

Giai đoạn 1997 - 2000, đó là thời điểm nhạc Việt phát triển rất mạnh, số lượng ca khúc mới ra đời hằng ngày có thể đủ làm vài album. Các ngôi sao hàng đầu lúc bấy giờ như: Cẩm Vân, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Quang Linh, Lam Trường, Phương Thanh, Đan Trường… nổi đình đám với hàng loạt các “hit” mới. Nhưng, đó cũng là thời thịnh vượng của dòng nhạc xưa, những ca sĩ ngôi sao của dòng nhạc trẻ vẫn miệt mài thu âm nhạc xưa, các chương trình, đĩa nhạc Tình khúc vượt thời gian bán đắt như tôm tươi cả trên kệ đĩa lẫn vé biểu diễn.

Nhạc xưa có lấn át?

Và ngày nay, dễ thấy rằng công chúng đang say mê với nhạc xưa nhiều hơn, nghệ sĩ thì đua nhau chọn nhạc xưa để sản xuất, biểu diễn trong khi đó thì nhạc mới đang có dấu hiệu bão hòa; các ca khúc mới, các đĩa nhạc mới ra đời liên tục nhưng tất cả đều nhàn nhạt, không để lại dấu ấn gì. Điều đó làm cho những nhà sản xuất âm nhạc hiện tại, như nhạc sĩ Quốc Trung lo lắng về sự lấn át của nhạc xưa, về sự “lép vế” của nhạc nay.

Đức Tuấn cũng ghi dấu ấn với nhạc xưa

Nhưng vì sao nhạc mới lại “lép vế” như thế mà không thể sống chung với nhạc xưa như giai đoạn thập niên 90 thế kỷ trước? Đó là vì nhạc mới không thể vượt qua được những đỉnh cao thành công đã được xác lập từ các ca khúc nhạc xưa, nhưng quan trọng còn là vì nhạc mới đang có quá nhiều bất ổn từ ca từ, giai điệu, lẫn cách thể hiện của người nghệ sĩ. Như đã nói, nhiều ca khúc hiện nay không những nông về nội dung, ca từ mà còn nhạt, thô về giai điệu; ca sĩ lên sân khấu thì múa may quay cuồng với bộ đồ hở hang, hát như thét vào tai người nghe.   

Khi có quá nhiều những ca khúc được viết và hát dễ dãi như thế thì người nghe càng tìm về những sản phẩm nghiêm túc cũng là điều hết sức bình thường. Vì thế, không có chuyện dòng nhạc nào lấn át, bóp chết dòng nhạc nào mà tự bản thân dòng nhạc ấy quyết định trụ lại lâu trong lòng khán giả hay không là vì tài năng và cả cái tâm của người làm ra, thể hiện nó.

Hư Trúc

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps