"Nhà Ôsin" ra mắt khán giả Thủ đô

19:00 | 11/12/2012

416 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - "Nhà Ôsin" - kịch bản của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết năm 2008 đã được dàn dựng và ra mắt khán giả Thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 20h ngày 23/12/2012.

“Nhà Ôsin” – kịch bản của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết năm 2008 và tên vở kịch “Nhà Ôsin” cũng được chọn làm tên chủ đề cho tập kịch bản văn học của Nguyễn Huy Thiệp xuất bản năm 2010. Nguyễn Huy Thiệp là cây bút tên tuổi được công chúng yêu mến và hâm mộ với nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng từng được chuyển thể sang điện ảnh như “Tướng về hưu”, “Những người thợ xẻ”, “Thương nhớ đồng quê”… và trên sân khấu kịch như “Sang sông”, “Nhà có năm anh em trai”…  gần gũi đời thường, mang giá trị nhân văn sâu sắc, tính thẩm mỹ cao nhưng cũng không kém phần gai góc, dữ dội phản ánh những vấn đề nhức nhối trong đời sống hiện nay.

Vở diễn được dàn dựng bởi NSND Lê Khanh – một “đạo diễn trẻ” của sân khấu kịch phía Bắc. Công chúng đã rất quen thuộc với chị trong vai trò một diễn viên tài năng trên sân khấu và điện ảnh, nhưng ít người biết, chị cũng là một đạo diễn tâm huyết với nghệ thuật sân khấu. Nữ nghệ sỹ từng được ghi nhận ở vở kịch dàn dựng đầu tay Từ thiên đường đi về phía Bắc 3km.

Vốn rất quen thuộc với nhiều tác phẩm đề cập đến những vấn đề trong gia đình, Nhà Ôsin của Nguyễn Huy Thiệp kể về cuộc sống không hề êm ả trong một gia đình giàu có ở thành thị. Chủ nhà là một đại tá về hưu, quây quần xung quanh là một đội ngũ “ôsin” đông đảo. Câu chuyện hiện lên qua góc nhìn của Thủy Trần, một người khách lạ không ai đón chào…

Nhà Ôsin được đánh giá là một vở diễn có nhiều “cái mới”: sân khấu được bố trí với những khối trụ cao như những mặt gương phản chiếu ánh sáng tạo nên không gian đa chiều cho diễn xuất của diễn viên và cho cảm thụ của khán giả, sự tiết chế đầy ẩn ý trong thiết kế ánh sáng của NSƯT Phạm Việt Thanh cũng là một điểm nhấn cho vở diễn, NSND Lê Khanh đã mạnh dạn đưa những vũ đạo hình thể hiện đại kết hợp với âm nhạc của Hiphop, nghệ thuật đường phố nhằm chuyển tải nhịp sống trong vở diễn trở nên gần gũi hơn với đời thường.

Vở kịch Nhà Ôsin được trình diễn với âm thanh thực của diễn viên, không sử dụng các thiết bị hỗ trợ tiếng nói, đây cũng là một yếu tố góp phần rút ngắn khoảng cách giữa khán giả và chuyện kịch trên sân khấu. Người xem sẽ thực sự hòa mình vào vở kịch để lắng nghe và cảm nhận được từng diễn biến tinh tế nhất của vở diễn…

Một số hình ảnh trong vở diễn:

Thanh Huyền