Nhà ở xã hội: Quá nhiều thủ tục chồng chéo

19:42 | 10/05/2023

28 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Doanh nghiệp mất kiên nhẫn, người dân khó tiếp cận là hai vấn đề chính của mô hình nhà ở xã hội trong giai đoạn này.
Nhà ở xã hội và quá nhiều thủ tục chồng chéo
Nhiều bất cập trong thi công và bán nhà ở xã hội. Ảnh: Nhật Dương

Nhiều bất cập

“Nhà ở xã hội hay nhà lưu trú cho công nhân được hưởng chính sách ưu đãi tăng hệ số gấp 1,5 lần so với chỉ tiêu quy hoạch chung của cả khu vực” - ông Nguyễn Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng sản xuất dịch vụ du lịch Thiên Phát nói.

Để được chấp nhận đầu tư, thụ hưởng chính sách ưu đãi, phê duyệt quy hoạch 1/500, doanh nghiệp cần phải chờ đợi cơ quan chức năng điều chỉnh và quy hoạch phân khu 1/2000. Ngoài ra, những dự án nhà ở xã hội còn được miễn tiền sử dụng đất.

Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho biết thêm: “Thay vì ra quyết định miễn ngay tiền sử dụng đất, doanh nghiệp vẫn phải chờ đợi các cơ quan có thẩm định thời gian để tính toán số tiền sử dụng đất phải nộp, rồi mới quyết định có miễn hay không tiền sử dụng đất đó”.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh thì khi phân tích sau khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kết thúc, công tác phân bổ nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều mặt hạn chế.

“Một số dự án chậm tiến độ hoặc phải tạm dừng thi công do chủ đầu tư và người mua không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi” - ông Châu nói thêm.

Đáng chú ý về chính sách, doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội được vay vốn lên đến 70-85% với lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất ngân hàng thương mại (khoảng 5-6%). Nhưng trên thực tế, từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các ngân hàng không có nên doanh nghiệp vẫn phải vay với mức lãi suất 11% và không thể giảm giá bán nhà xuống được.

Trong khi đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới đây của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là vẫn còn khá cao (8,2-8,7%) nếu so với mức lợi nhuận 10% làm nhà ở xã hội.

Theo như số liệu từ Bộ Xây dựng, nhu cầu mua nhà ở xã hội của công nhân thu nhập thấp tại các khu công nghiệp đạt mức khoảng 2,5 triệu căn cho giai đoạn 2021-2030. Nếu tính hết cả nguồn cung hoàn thành và nguồn cung tương lai, nước ta sẽ vẫn còn thiếu hơn 1 triệu căn hộ mô hình nhà ở xã hội, tương đương 45-50% nhu cầu.

Người dân gặp khó

Nhà ở xã hội và quá nhiều thủ tục chồng chéo
Mua được nhà ở xã hội vẫn luôn là nỗi trăn trở của người lao động. Ảnh: Nhật Dương

Theo thống kê gần đây từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), quý I/2023 chỉ riêng khu vực Hà Nội có tới 36 dự án nhà ở xã hội đang được bán, với hơn 3700 căn, giá giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng chỉ yếu ở mức cao, khoảng 40 triệu đồng/m2.

“Mình đến đây đã 3 lần rồi, mỗi lần đều phải chờ trên dưới 2 tiếng vì còn phải xếp hàng lấy số thứ tự nữa, nhưng đến khi mình làm việc thì lại thiếu một số giấy tờ này, giấy tờ khác, đi bổ sung được thì lại phải xếp hàng lại, thực sự rất mất công và mệt mỏi” - một người mua nhà cho biết.

Hay như bạn Đức (sinh năm 1988, Hà Nội) có chia sẻ: “Kể từ 2015 đến nay, những đối tượng có thể mua được nhà ở xã hội chỉ có người có tiền, nhưng đa phần những người đủ điều kiện để được ưu đãi mua nhà ở xã hội thì lại không có tiền”.

Quả thực, vấn đề nhà ở dành cho công nhân lao động vẫn còn quá nhiều những bất cập cần phải được giải quyết. Ngoài ra, thủ tục và điều kiện mua vẫn còn quá nhiều, khiến cho người dân, đặc biệt là những người lao động chưa hiểu rõ ràng và chi tiết được hết các điều khoản trong hợp đồng mua bán.

Gỡ “nút thắt” để người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở xã hộiGỡ “nút thắt” để người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở xã hội
Người mua nhà ở xã hội chùn tay với lãi suất gói 120.000 tỷ đồng?Người mua nhà ở xã hội chùn tay với lãi suất gói 120.000 tỷ đồng?
Nhọc nhằn mua nhà ở xã hội: Qua đêm ở bậc thềm, tranh cãi, xé nát danh sáchNhọc nhằn mua nhà ở xã hội: Qua đêm ở bậc thềm, tranh cãi, xé nát danh sách

Thanh Lâm