Nhà cung cấp và doanh nghiệp vận tải "bắt tay" làm hộp đen rởm

07:00 | 06/07/2013

673 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định, từ ngày 1/7/2013, các phương tiện vận tải theo diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) nếu không lắp hay lắp nhưng hoạt động đúng quy định thì bị phạt 2-3 triệu đồng và tước bằng lái xe 30 ngày.

Sau hai đợt ra quân thanh kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trước khi Nghị định 71 có hiệu lực, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã quyết định rút giấy chứng nhận hợp quy của 8 nhà cung cấp có nhiều sản phẩm không đạt chuẩn, bao gồm: Công ty Viễn thông Vạn Xuân; Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Sao Việt; Công ty TNHH thiết bị và công nghệ tự động Tân Á Châu; Công ty Cổ phần Công nghệ thông tin C.S.S.E; Công ty TNHH Viễn thông Tít; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuân Phi; Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất - Thương mại T.H.V; Công ty Cổ phần Định vị Việt.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 52 nhà sản xuất thiết bị giám sát hành trình và được phép cung cấp thiết bị cho các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, thực tế lắp đặt tại một số doanh nghiệp sản xuất cho thấy, không phải thiết bị hộp đen nào được cấp giấy chứng nhận hợp quy cũng đáp ứng quy chuẩn đã đề ra.

Lực lượng Thanh tra GTVT đang tiến hành kiểm tra hộp đen xe khách vào sáng ngày 1/7 tại bến xe Mỹ Đình.

 

Điển hình về vấn đề này là Công ty Cổ phần Công nghệ trực tuyến Skysoft. Từ tháng đầu tháng 3/2013 đến nay, Thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện nhiều thiết bị của Công ty Cổ phần Công nghệ trực tuyến Skysoft không có dấu hợp quy, không nhập được tên lái xe, không trích xuất được đầy đủ thông tin bắt buộc, bị cắt xén linh kiện, rút nguồn điện nhưng đèn vẫn báo...

Thậm chí, thiết bị của Skysoft không có màn hình theo mẫu đăng ký với Bộ GTVT nhưng nhà sản xuất lại cấp cho khách hàng giấy chứng nhận hợp quy để hợp thức hóa các thiết bị. Quan trọng hơn là đơn vị này biến hàng nhập ngoài thành hàng nội. Skysoft đã nhập nguyên chiếc sản phẩm về rồi chế thêm dây kết nối thêm để hô biến từ sản phẩm nhập khẩu thành sản xuất lắp ráp trong nước.

Mặc dù bị phát hiện nhiều sản phẩm không đạt chuẩn nhưng Skysoft vẫn không khắc phục. Ngày 3/7, lực lượng thanh tra giao thông tiến hành kiểm tra xe khách tại bến xe Giáp Bát cho thấy, Skysoft vẫn lắp đặt thiết bị có gắn mác hợp quy nhưng sai hoàn toàn so với quy chuẩn đã đăng ký.

Tiến hành kiểm tra hộp đen của xe khách mang BKS: 16L.8772; 36M-4660 do Skysoft cung cấp, lực lượng chức năng vẫn phát hiện sai phạm. Theo quy định của Nghị định 71, các nhà xe lắp phải thiết bị không đúng mẫu thiết bị hợp chuẩn như trên sẽ bị phạt 2-3 triệu và lái xe bị tước bằng lái 30 ngày.

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, các doanh nghiệp vận tải ký hợp đồng với các doanh nghiệp lắp đặt hộp đen được Bộ GTVT cấp Giấy chứng nhận thiết bị hợp chuẩn, nhưng đại đa số doanh nghiệp vận tải không biết quy định kỹ thuật được quy định tại Thông tư 08/2011/TT-BGTVT nên khi nghiệm thu không giám sát được chất lượng của hộp đen.

Lưu giữ các thông tin hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe... và trích xuất được dữ liệu.

Đề cập đến việc thiết bị hộp đen bán ra thị trường có sự thay đổi so với quy chuẩn đăng ký với Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Ích - Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GGTVT) cho rằng: "Các thiết bị hộp đen tối thiểu phải đạt được các quy chuẩn quy định trong bộ Quy chuẩn quốc gia. Để thử nghiệm, các đơn vị sản xuất phải tới các cơ quan đăng kiểm được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép. Những hộp đen có sự thay đổi so với mẫu đăng ký quy chuẩn đã được Bộ GTVT cấp phép thực chất là những sản phẩm không hợp chuẩn. Những hộp đen khi bị phát hiện sai phạm, Bộ GTVT sẽ thu hồi giấy chứng nhận hợp quy chuẩn của sản phẩm".

Còn ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho rằng: “Thiết bị không đạt chuẩn là do lỗi của cả đơn vị cung cấp lẫn doanh nghiệp vận tải. Đơn vị cung cấp có trách nhiệm lắp đặt cho các đơn vị vận tải. Doanh nghiệp vận tải phải chủ động phối hợp với nhà cung cấp để hoàn thiện sản phẩm”.

Ông Thạch Như Sỹ cũng thẳng thắn chỉ ra lỗ hổng trong cơ chế khiến nhà cung cấp và doanh nghiệp vận tải lợi dụng để tự thỏa thuận với nhau, đưa ra những sản phẩm chỉ để ứng phó với cơ quan chức năng.

 

Thiên Minh