Nhà báo tác nghiệp như thế nào?

07:00 | 30/04/2019

409 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Làm báo trong thời buổi công nghệ thông tin hiện đại hôm nay thuận lợi gấp nhiều lần trước kia. Có những chuyện mà hôm nay kể lại, các nhà báo trẻ không thể hình dung nổi mới mấy chục năm trước, nhà báo lại gặp những khó khăn, vất vả như thế. Bây giờ sự kiện gì xảy ra, cả thế giới có thể theo dõi trực tiếp được, nhưng trước đây phải mất 2-3 ngày.

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, bộ đội ta đã tiến vào Dinh Độc Lập, chứng kiến giờ phút Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đầu hàng. Sự kiện lịch sử vĩ đại như thế nhưng 2 ngày sau (ngày 1 và 2/5), các báo lớn như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam cũng chỉ đưa tin chứ không có ảnh minh họa. Cả nước háo hức đón chờ xem hình ảnh quân ta tiếp quản Dinh Độc Lập và quang cảnh Sài Gòn ngày đầu giải phóng. Vậy mà lực bất tòng tâm. Phải đến số báo ra ngày 3/5/1975, bạn đọc mới được chiêm ngưỡng những hình ảnh ấy. Nguyên nhân đơn giản là lúc đó chúng ta chưa có phương tiện kỹ thuật truyền ảnh từ Sài Gòn ra Hà Nội, phải có phóng viên trực tiếp mang phim ra.

nha bao tac nghiep nhu the nao
Nhà báo Ngọc Đản (bên phải) và các đồng nghiệp vượt đèo Hải Vân, từ Huế đến TP Đà Nẵng tháng 3/1975

Ngay từ đầu chiến dịch, Thông tấn xã Việt Nam và các báo lớn đã cử một số nhóm phóng viên vào chiến trường, bám theo đội hình của các cánh quân để tường thuật chiến đấu. Tin thì chỉ có thể nhờ đọc qua máy bộ đàm sóng ngắn về tòa soạn. Song, các bài có ảnh minh họa đều ra chậm sau 1-2 ngày. Nhiều phóng viên còn ở Hà Nội đều háo hức được ra trận, có người liên tục ngủ lại ở tòa soạn để đợi lệnh xuất phát. Có một điều bất ngờ là không ai nghĩ quân ta đánh nhanh, thắng nhanh và giải phóng miền Nam sớm như thế.

Ngày 28/4/1975, Báo Quân đội nhân dân cử tiếp một nhóm 3 phóng viên: Đức Toại, Phú Bằng và Vũ Ba vào chiến trường. Một chiếc xe com-măng-ca mới tinh cùng 2 lái xe phục vụ đoàn với tinh thần “tốc chiến”, đuổi kịp các mũi tiến quân của ta. Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước tiễn anh em đi còn nhắc: “Có thể chúng ta sẽ giải phóng Sài Gòn vào ngày 7/5, chậm nhất là ngày 19/5, nên mọi người cố gắng vào đến Sài Gòn cho kịp thời khắc lịch sử ấy”. Thế là xe chạy suốt ngày đêm không nghỉ, ăn uống ngay trên xe, 3 phóng viên tin chắc sẽ có mặt ở Sài Gòn sớm nhất so với các đồng nghiệp. Nhưng đến chiều 30/4, xe mới tới được Dinh Độc Lập. Nhiều phóng viên đi theo các cánh quân từ vài tháng trước đã có mặt đầy đủ ở đây từ trưa rồi.

Hôm sau, ngày 1/5, chuyến bay dân dụng đầu tiên từ Hà Nội vào Sài Gòn. Có 3 phóng viên Báo Quân đội nhân dân và 3 phóng viên Báo Nhân Dân được ưu tiên đi theo chuyến bay này.

Phóng viên Nguyễn Mạnh Hùng (Báo Quân đội nhân dân) kể lại: Sáng ngày 30/4, ông đi theo cánh quân của Quân đoàn 2. Từ Biên Hòa về đến cầu Thị Nghè còn phải qua 2 đợt chiến đấu nữa nhưng một chiếc xe tăng địch cháy nằm chắn mất mặt cầu. Ông bám theo xe con của Thông tấn xã Việt Nam để vào Dinh Độc Lập. Các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có chiếc máy thông tin 15W để truyền tin về Hà Nội nhưng sóng rất nhiễu, không thể liên lạc được. Ông leo lên một cây cao trước cửa Dinh Độc Lập để mắc ăng-ten nhưng vẫn không có tác dụng. Ai cũng sốt ruột, muốn đưa được bản tin nhanh nhất về tòa soạn. Vậy là cũng phải 2 ngày sau, các tin, bài, ảnh mới được phóng viên Đinh Quang Thành của Thông tấn xã Việt Nam mang theo chuyến máy bay đầu tiên từ Sài Gòn ra Hà Nội. Mấy hôm sau, nhóm phóng viên theo tàu hải quân ra giải phóng Côn Đảo, tin bài cũng cứ bị chậm như thế.

Đài Tiếng nói Việt Nam là phương tiện truyền thông hữu hiệu nhất thời đó. Nếu như các báo in đưa tin, bài chậm mất 2 ngày thì với Đài Tiếng nói Việt Nam, có sự kiện gì, chỉ sau 30 phút là đã có tin phát trên sóng. Và, trong những năm chiến tranh, báo chí hiếm, hầu hết người dân đều nghe đài. Hệ thống loa truyền thanh được phủ sóng khắp các phố phường, thôn xóm. Vì vậy, thính giả đều háo hức đón nghe đài phát theo 3 khung giờ: từ 5-8 giờ, 11-13 giờ 30 trưa và 16 giờ 30-23 giờ.

nha bao tac nghiep nhu the nao
Xe tăng Lữ đoàn 203 tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 (ảnh Ngọc Đản chụp lúc 11h30’ ngày 30/4/1975)

Từ tháng 3/1975, sau chiến thắng Phước Long, Đài Tiếng nói Việt Nam và Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phối hợp tổ chức một xe tải đặc chủng mang theo phương tiện kỹ thuật thu phát sóng, hành quân vào chiến trường. Chiếc xe thu phát tin này là xe Zin, lấy mật danh là “Sơn ca” gồm có báo vụ, kỹ thuật viên thu phát tin, máy nổ. Phía quân đội, 2 phóng viên Khánh Toàn và Vĩnh Ổn thuộc Ban Biên tập phát thanh quân đội được cử đi cùng để viết tin, bài. Nhờ có xe thu phát này mà diễn biến các trận đánh dọc đường xe đi, tin thắng trận được truyền về và phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam rất kịp thời. Người nghe đài nhiều khi bất ngờ với những tin tức nóng hổi ấy.

Có thể nói, suốt Chiến dịch Hồ Chí Minh, không có cơ quan thông tấn, báo chí nào cạnh tranh được tính thời sự với Đài Tiếng nói Việt Nam. Thông qua hai chương trình phát thanh Thời sự và Quân đội nhân dân, đồng bào và chiến sĩ cả nước đã từng giờ theo dõi được diễn biến của chiến dịch. Đặc biệt hơn, qua chiếc xe lưu động “Sơn ca” ấy, nhiều chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh từ Hà Nội được truyền đạt kịp thời tới chỉ huy các đơn vị, các hướng tiến công.

Cần nói thêm về những bức ảnh đầu tiên cảnh Sài Gòn giải phóng, đăng trên các báo ra ngày 3/5/1975. Đó là công lao của 2 phóng viên thông tấn quân sự là Ngọc Đản và Hoàng Thiểm. Đi theo mũi tiến quân của bộ đội từ đầu chiến dịch, 2 phóng viên này đã có mặt ở Dinh Độc Lập đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4. Mỗi người một túi phim ảnh mà không biết chuyển ngay ra Hà Nội bằng cách nào cho nhanh. Hôm sau, ngày 1/5, 2 ông quyết định nhảy xe đò đi suốt ngày đêm ra Đà Nẵng. Rất may là chiều 2/5 có chuyến bay vận tải quân sự từ Đà Nẵng ra Hà Nội, hai ông đã đi nhờ được chuyến bay này. Thế là hôm sau, Thông tấn xã Việt Nam và các báo ở Hà Nội mới có những bức ảnh về nội các Sài Gòn, cờ giải phóng tung bay trên Dinh Độc Lập và ảnh Sài Gòn ngày đầu giải phóng…

Ngay từ đầu chiến dịch, Thông tấn xã Việt Nam và các báo lớn đã cử một số nhóm phóng viên vào chiến trường, bám theo đội hình của các cánh quân để tường thuật chiến đấu. Tin thì chỉ có thể nhờ đọc qua máy bộ đàm sóng ngắn về tòa soạn. Song, các bài có ảnh minh họa đều ra chậm sau 1-2 ngày.

Đức Toàn