Nguy hại từ… thức ăn đường phố!

07:00 | 12/04/2014

5,368 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm với chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố” do Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế phát động sẽ chính thức diễn ra từ 15/4-15/5 tới đây. Tuy nhiên, để chiến dịch có hiệu quả, bên cạnh sự mạnh tay của cơ quan chức năng thì vấn đề tiên quyết vẫn phải là ý thức từ chính cộng đồng!

Mới đây, 14 học sinh ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) phải vào bệnh viện cấp cứu sau khi ăn bánh tráng trộn bán rong. Ngay sau đó, ngày 4/4, gần 30 công nhân ở Lâm Đồng lâm vào tình trạng nguy kịch sau khi ăn bánh mỳ đường phố ở chợ Thái Phiên. Như vậy, chưa đầy một tuần đã xuất hiện hai vụ ngộ độc thực phẩm mà nguyên nhân chính là từ… thức ăn đường phố. Điều này khẳng định, việc ăn uống xô bồ, cẩu thả, bạ đâu ăn đấy của người Việt đang ở tình trạng đáng báo động.

Điều đáng nói là trong khi các cơ quan chức năng và truyền thông liên tục cảnh báo thì người dân thì vẫn cứ thờ ơ.

Gánh hàng rong trên đường phố

Ngồi tràn xuống cả lòng đường, thản nhiên ăn uống bên cạnh cống nước thải, chủ hàng vừa bán vừa “canh” công an, khi lực lượng chức năng ập đến thì cả chủ và khách đều té tát.... chạy. Đó là những cảnh tượng thường thấy trên các tuyến phố của Hà Nội.

Mục sở thị trên nhiều tuyến đường dễ dàng bắt gặp những "quán ăn" dã chiến được lập từ vài ba chiếc ghế nhựa, ô dù che chắn tạm bợ nhưng các hàng ăn này lại rất đông khách. Trong khi, chất lượng thực phẩm đang có quá nhiều vấn đề thì việc lựa chọn đồ ăn một cách dễ dãi như hiện nay, vô hình trung nhiều người Việt đang tự giết mình.

Theo thống kê từ bộ Y tế thì hiện nay có tới 70 - 80% thực phẩm đường phố là nhiễm khuẩn trong đó có E.coli, loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Điều này lý giải vì sao tình trạng ngộ độc thức ăn ngày một nhiều hơn, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa tăng đột biến và đặc biệt là trọng bệnh ung thư.

Chính bác sĩ Phạm Duệ, trưởng khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai lo lắng: “Tỷ lệ bệnh nhân đến chữa trị tại Trung tâm Chống độc thì số ngộ độc do thực phẩm là cao nhất. Điều đó phản ánh đúng thực trạng ăn uống vô tội vạ của người dân. Bên cạnh đó, việc lựa chọn những thức ăn lề đường không rõ nguồn gốc tiềm ẩn rất nhiều bệnh tật, tích tụ trong quá trình lâu dài sẽ xuất hiện nhiều bệnh lạ, nguy hại trực tiếp đến thân thể”.

Dễ dàng bắt gặp những hàng ăn "dã chiến" trên địa bàn Hà Nội

Thừa nhận thức ăn đường phố biết nắm bắt tâm lý ưa chuộng rẻ và ngon, đặc biệt là nhanh gọn nên mặc dù đã nhiều lần được cảnh báo ẩn chứa nguy cơ nhiễm độc nhưng người dân vẫn cứ “tặc lưỡi” cho qua. Theo BS. Phạm Duệ thì điều này rất nguy hiểm, bởi những đồ ăn đường phố thường không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nguyên liệu không đủ tin cậy vì không có điều kiện lựa chọn kỹ càng, nơi bán hàng lại chủ yếu ở các địa điểm dễ sinh bệnh như bệnh viện, bến tàu xe, đường phố…đều là những tụ điểm dễ gây bệnh nhất. Về lâu dài, tất cả những yếu tố này kéo đến một hệ lụy khôn lường.

Trong khi người dân chưa tự ý thức được việc bảo vệ mình trước những thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc thì các cơ quan chức năng cũng chưa thực sự có những động thái quyết liệt. Ngay như, thông tư 30/2012 của Bộ Y tế quy định người bán thức ăn đường phố phải tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm và khám sức khỏe nhưng tất cả đều rất thờ ơ. Hơn 2 năm kể từ ngày thông tư có hiệu lực, vấn nạn về thức ăn đường phố dường như không thuyên giảm mà còn nhức nhối hơn.

Vì vậy, với tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2014 diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5 tới đây nhằm triển khai những biện pháp tích cực để đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố. Nhưng thiết nghĩ các cơ quan chức năng chưa thực sự mạnh tay xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và bản thân người dân không tự cải tổ cách ăn uống xô bồ thì an toàn thực phẩm vẫn là một điều xa xỉ.

Theo quy định của Bộ Y tế, thức ăn đường phố phải bảo đảm 10 tiêu chuẩn:

Bảo đảm đủ nước sạch; Có dụng cụ riêng gắp thức ăn chín. Không để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống; Nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống, rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm…); Người trực tiếp làm dịch vụ chế biến, kinh doanh thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ;  Nhân viên phải có tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; Sử dụng nguyên liệu chế biến thực phẩm có nguồn gốc tin cậy. Không sử dụng các chất phụ gia, phẩm màu không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm; Thức ăn phải được bày bán trên giá cao trên 60 cm; Thức ăn chín phải được bày bán trong tủ kính; Thức ăn phải được bao gói hợp vệ sinh;  Có dụng cụ chứa đựng chất thải tại nơi kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố.

Chiểu theo những tiêu chí này thì có đến 90% hàng quán hiện nay vi phạm về Vệ sinh an toan thực phẩm.

Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.