Nguồn cung khí từ Azerbaijan có cứu được EU

09:11 | 16/08/2022

1,765 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Liên minh châu Âu chuyển hướng sang tìm kiếm các giải pháp thay thế mới cho nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng, Gazprom của Nga đã giảm xuất khẩu sang châu Âu, gây ra thâm hụt kho dự trữ và tăng giá.
Nguồn cung khí từ Azerbaijan có cứu được EU

Mỏ Shah Deniz, Azerbaijan. Ảnh: Socar.

EU có kế hoạch tăng công suất của các đường ống dẫn khí đốt xuyên Adriatic (TAP) và xuyên Anatolian (TANAP) để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

TAP và TANAP tạo thành một phần của đường ống dẫn khí lớn của Hành lang khí phía Nam (SGC) cung cấp khí Azerbaijan cho Türkiye và châu Âu kể từ cuối năm 2020. Công suất hàng năm theo hợp đồng của TAP và TANAP là 10 tỷ mét khối (bcm) và 16 bcm mỗi năm, tương ứng. Về mặt kỹ thuật, có vẻ như có thể tăng công suất của TAP từ 10 bcm lên 20 bcm. Đồng thời, việc tăng công suất của TANAP từ 16 bcm lên 24 bcm lúc đầu và sau đó lên 31 bcm được coi là mục tiêu có thể đạt được thông qua đầu tư.

Nguồn cung khí từ Azerbaijan có cứu được EU
South Gas Corridor SGC. Nguồn: Bộ Năng lượng Azerbaijan.

Đường ống South Gas Corridor SGC dài 3.500 km củng cố an ninh năng lượng của châu Âu, đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và thúc đẩy nỗ lực khử cacbon bằng cách cung cấp dòng khí tự nhiên Azerbaijan không bị gián đoạn. SGC được xác định là một trong những đường ống phức tạp và đắt tiền nhất thế giới được xây dựng cho đến nay, là một tuyến đường năng lượng duy nhất mang khí đốt tự nhiên từ các khu dự trữ của Biển Caspian trực tiếp đến thị trường châu Âu. Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên chính cho SGC là mỏ Shah Deniz ngoài khơi của Azerbaijan, với trữ lượng ước tính đã được chứng minh là 1,2 nghìn tỷ mét khối.

Châu Âu từ lâu đã phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Năm 2021, Liên minh châu Âu nhập khẩu 155 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga, chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU và gần 40% tổng lượng khí đốt tiêu thụ của khối này.

Cuộc chiến ở Ukraine đã dẫn đến các lệnh trừng phạt lớn của phương Tây chống lại Nga, Vào tháng 7, Gazprom thông báo rằng họ không thể đảm bảo cung cấp khí đốt cho các nước EU do những trường hợp "bất thường". Matxcơva cũng đã ban hành một quy tắc thanh toán mới kêu gọi người mua châu Âu chuyển số tiền bằng đồng rúp của Nga. Sau đó, Moscow đã cắt giao khí đốt cho một số nước EU, do các nước này từ chối thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng tiền của Nga.Gazprom cũng giảm công suất khí chuyển sang Châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 20%.

Với mục tiêu lấp đầy khoảng trống còn lại sau khi nguồn cung khí đốt của Nga giảm, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã ký Bản ghi nhớ về quan hệ đối tác năng lượng chiến lược với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tại thủ đô Baku của Azerbaijan vào tháng 7. Mục tiêu cuối cùng của thỏa thuận là cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu từ Azerbaijan.

Theo thỏa thuận này, bắt đầu từ năm 2023, Azerbaijan sẽ cung cấp 12 bcm khí đốt cho Liên minh châu Âu, lượng khí này sẽ được sử dụng để bù đắp cho việc cắt giảm việc cung cấp khí đốt của Nga và đóng góp đáng kể vào an ninh nguồn cung cấp của châu Âu. Đến năm 2027, tổng khối lượng giao hàng đến Liên minh Châu Âu sẽ đạt 20 bcm mỗi năm.

Thị trường châu Âu hiện chiếm thị phần lớn nhất trong xuất khẩu khí đốt hàng ngày từ Azerbaijan. Người tiêu dùng châu Âu được cung cấp khoảng 27 triệu mét khối khí Azerbaijan mỗi ngày.

Trước đó, các quan chức ở Azerbaijan đã tiết lộ ý định đưa hai mỏ khí đốt mới vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về khí đốt tự nhiên trên thị trường toàn cầu. Dự trữ mới dự kiến ​​sẽ bổ sung một phần đáng kể vào khối lượng hiện tại đến tay người tiêu dùng châu Âu.

Một trong những mỏ khí và condensate lớn nhất của Azerbaijan là “Absheron,” dự kiến ​​sẽ khai thác 1,5 tỷ mét khối mỗi năm trong giai đoạn đầu tiên. Các mỏ lớn khác có tiềm năng chưa được khai thác là “Babak” với trữ lượng ước tính khoảng 400 tỷ mét khối và “Umid” với ít nhất 200 tỷ mét khối.

Các nhà chức trách Azerbaijan trước đây đã xác nhận 2,6 nghìn tỷ mét khối trữ lượng khí đốt tự nhiên đã được chứng minh, mà họ tin rằng có thể cung cấp cho các đối tác nước ngoài trong nhiều thập kỷ tới.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ địa chính trị thì mọi sự không hề dễ dàng. Cơ quan nghiên cứu quốc tế của Nga INOSMI đưa ra bức tranh hoàn toàn khác.

Azerbaijan là trung tâm trong nỗ lực của châu Âu nhằm loại bỏ sự phụ thuộc năng lượng vào Nga. Nhưng việc nối lại các hành động thù địch chưa đầy hai năm sau cuộc chiến đẫm máu giữa Armenia-Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh là bằng chứng thêm về sự thất bại trong chính sách của phương Tây đối với Baku. Phương Tây không có một chiến lược thích hợp để giảm nguy cơ xung đột ở Nagorno-Karabakh. Châu Âu muốn tăng nhập khẩu khí đốt, những mục tiêu này hiện không thể đạt được, nguyên do là thiếu công suất đường ống dự phòng ngoài tầm kiểm soát của Moscow.

Nghiên cứu của INOSMI chỉ ra rằng Châu Âu đã đứng ngoài cuộc chiến Nagorno-Karabakh vào năm 2020. Nga đã đóng vai trò quan trọng đưa đến một lệnh ngừng bắn ở khu vực này, và đóng vai trò gìn giữ hòa bình, bao gồm kiểm soát hành lang Lachin, con đường duy nhất nối Nagorno-Karabakh với Armenia. Chính sách ngoại giao của phương Tây hầu như không thể hiện trên bất kỳ phương diện nào.

Giới phân tích Nga cho biết, Baku nỗ lực kêu gọi đầu tư của phương Tây vào năng lượng với mục đích duy trì độc lập với Nga. Azerbaijan đã ký hợp đồng thế kỷ với B và BP bắt đầu bơm dầu Azerbaijan đến các thị trường thế giới thông qua một đường ống dẫn mới đến một bến xuất khẩu ở Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ trên bờ biển Địa Trung Hải.

Chiến lược của Châu Âu về SGC phụ thuộc vào khí đốt của Azerbaijan. Nhưng vào năm 2013, Châu Âu đã từ bỏ dự án Nabucco, chọn hai đường ống nhỏ hơn là Trans-Anatolian và Trans-Adriatic. Theo quan điểm của các nhà phân tích Nga thì dự án Nabucco lẽ ra đã giúp Châu Âu có thể tăng đáng kể tiềm năng xuất khẩu của mình.

Trong thời gian gần đây, các công ty năng lượng hàng đầu đã rút các khoản đầu tư của họ khỏi Azerbaijan. Chevron bán cổ phần của mình vào năm 2020. ExxonMobil cũng từng có ý định chuyển nhượng cổ phần trong chính mỏ dầu lớn nhất Azerbaijan Azeri-Chirag ở biển Caspi. Tháng 9 năm ngoái, BP đã bán một nửa cổ phần của mình trong một dự án thăm dò lớn Absheron cho Lukoil của Nga. Vào tháng 7 năm nay, có tin rằng BP, do không tìm được nguồn dự trữ khí đốt công nghiệp đáng kể, có thể sẽ bán phần còn lại của cổ phần.

Một vấn đề cấp thiết nữa để Azerbaijan để Azerbaijan có nhiều khí đốt hơn để xuất khẩu là vốn đầu tư.

Tại hội nghị thượng đỉnh G-7 tháng 6, EU và Mỹ đã nhất trí về Quan hệ đối tác đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu mới. EU vào tháng 12 năm ngoái đã công bố phê duyệt kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 300 tỷ euro được gọi là Cổng toàn cầu. Nhưng để chuyển một phần số tiền này đến Azerbaijan, cần có ý chí chính trị ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Các nhà nghiên cứu INOSMI cho rằng, phương Tây còn cần phải ngăn chặn một cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ ba, phải tìm kiếm phương thức đàm phán mới. Các lực lượng thân Nga có thể trở lại nắm quyền ở Armenia. Những người được gọi là lực lượng gìn giữ hòa bình Nga cũng có thể hành động gây hấn, tìm kiếm sự nhượng bộ từ chính quyền Azerbaijan. Trong trường hợp này, hy vọng về sự gia tăng cung cấp năng lượng cho châu Âu sẽ chấm dứt. Và sự thống trị của Nga ở Nam Kavkaz sẽ tăng lên.

Đây là một nhiệm vụ khó khăn, và cho đến nay, không có kế hoạch thực sự nào để thực hiện lời hứa của Chủ tịch EU von der Leyen về việc nhập khẩu nhiều hơn gấp đôi khí đốt từ Azerbaijan.

Elena