Người nuôi bò “mù tịt” thông tin tăng giá sữa

20:27 | 12/03/2012

1,140 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Từ đầu năm 2012 đến nay, giá sữa nội, sữa ngoại như nhãn hàng Vinamilk, Abbott, Mead Johnson, Cô gái Hà Lan đều tăng đồng loạt từ 5 – 20% khiến người tiêu dùng rất hoang mang. Tuy nhiên, người nuôi bò sữa hiện chưa nắm được thông tin sữa thành phẩm tăng giá, chứ không nói tới việc được hưởng lợi từ việc điều chỉnh giá bán của các hãng sữa.

Đầu tư lớn, lãi ít

Vùng nuôi bò Ba Vì là nơi cung cấp nguồn sữa nguyên liệu cho các công ty sữa miền Bắc như Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Sữa Quốc tế (IDP), Công ty sữa Ba Vì. Tính đến thời điểm này, tổng đàn bò sữa của huyện Ba Vì đã đạt 3.921 con, trong đó bò đang vắt sữa là 2.504; bò hậu bị là 1.417 con. Ba xã Yên Bài, Tản Lĩnh, Vân Hòa là nơi có nhiều hộ nuôi bò sữa hơn cả. Ở các xã này, hộ nuôi nhiều có đến 20 – 30 con, hộ ít cũng nuôi từ 2 – 5 con. Mỗi con cho khoảng 17 – 15kg sữa/ngày, với giá thu mua 11.000 – 12.000 đồng/kg, nhẩm tính mỗi gia đình thu nhập hàng ngày lên tới tiền triệu.

Tuy nhiên với tình hình hiện nay, khi giá thức ăn (gồm cám và cỏ) cùng giá nhân công tăng cao, nhiều gia đình chỉ mong đủ ăn chứ không dám nghĩ tới chuyện làm giàu từ bò sữa.

Tự trồng cỏ nuôi bò cũng không giảm được chi phí

Ông Đào Duy Sự (thôn Cẩm Phương, xã Tản Lĩnh) chia sẻ: “Nhà tôi nuôi 4 con bò sữa, đầu tư mỗi con vào khoảng 40 – 45 triệu, trong đó chi phí thức ăn cho mỗi con gần 250.000 đồng/ngày và công cắt cỏ cũng tăng từ 70.000 đồng lên 150.000 đồng/ngày”.

Trước đó, thu nhập mỗi ngày của gia đình ông có thể lên 500.000 – 800.000 đồng/ngày, nhưng với giá bán sữa cho nhà máy như hiện nay, gia đình ông Sự xác định “lấy công làm lãi”.

Chăn nuôi bò sữa tốn rất nhiều chi phí, hiện nay giá thức ăn cho bò tăng lên mà giá sữa bán ra lại không tăng. Chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Việt Yên, xã Yên Bài) cho biết: “Mặc dù nhà tôi trồng hơn 1 mẫu cỏ xanh, nhưng từ tháng 10 đến tháng 2 đã phải sang các tỉnh lân cận để kiếm cỏ về cho bò ăn. Thức ăn chính cho bò sữa là cỏ xanh, nhưng phải kết hợp với cám ngô, đỗ tương, rơm ủ chua thì mới tạm đủ nguồn thức ăn cho bò”. Tiêu chuẩn ăn của bò sữa trong một ngày khoảng 5 lạng cám/kg và 35 – 50kg cỏ, trong khi giá cám hiện nay bán vào khoảng 330.000 đồng/túi 40kg.

Người nuôi bò phải đầu tư máy vắt sữa, thùng chứa theo tiêu chuẩn

Trong đó, 1kg sữa chỉ được trả 11.500 đồng/kg, nếu đáp ứng đầy đủ yêu cầu về vệ sinh và bảo quản tốt thì mới được 12.000 đồng/kg.

Do đầu tư cho việc chăn nuôi quá lớn, từ mua bò, xây chuồng trại, đến hệ thống chứa chất thải và hệ thống biogas đi kèm, ước tính chi phí đầu vào lên tới 200 – 250 triệu/ 4 con bò sữa. Trong khi đó, giá bán sữa nguyên liệu chỉ được điều chỉnh từ 9.000 – 12.000 đồng/kg vào giữa năm 2011 và dự kiến tăng thêm 300 – 500 đồng/kg từ 3/2012. Như vậy, sau khi trừ các khoản chi phí cho thức ăn (cám và cỏ) cùng nhân công, mỗi hộ gia đình chỉ được lãi từ 100.000 – 200.000 đồng/ngày.

Ông Nguyễn Văn Vân (thôn Cẩm Phương, xã Tản Lĩnh) cho biết nghề nuôi bò sữa của Ba Vì có thu nhập khá hơn so với làm nghề nông thông thường, nếu thuận lợi thì thu nhập cao hơn làm ruộng rất nhiều, tuy nhiên nghề này có độ rủi ro rất cao. Ông ví von, nuôi bò sữa và đi phụ hồ cũng thu nhập ngang nhau (khoảng 150.000 – 200.000 đồng/ngày), nhưng nuôi bò sữa phải đầu tư lớn và rất vất vả.

Nhiều rủi ro, mù mờ thông tin

Không chỉ có khoản đầu tư rất lớn, các hộ nuôi bò sữa của Ba Vì còn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, ảnh hưởng lớn tới thu nhập. Một con bò sữa mua với giá 40 – 45 triệu, cho sữa tốt nhất vào 9 tháng đầu, sau đó thì lượng sữa giảm dần. Nếu thuận lợi, một con bò sữa có thể mang lại thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu cho người nuôi.

Tuy nhiên, bò sữa là giống cao sản, rất dễ gặp những bệnh tật như lở mồm long móng, tụ huyết trùng hay đơn giản là đau chân, người nuôi sẽ phải bán tháo con bò giá vài chục triệu chỉ với giá … 8 – 10 triệu để làm thịt. Trong thôn Cẩm Phương, xã Tản Lĩnh, có gia đình chị Nguyễn Thị Phượng đã phải bán đi 3 con bò chỉ trong vòng 1 năm, thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng, chưa tính các chi phí thức ăn và chăm sóc.

Khi nuôi bò sữa, các hộ gia đình còn phải quan tâm tới các vấn đề chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải và hệ thống biogas kèm theo phải đáp ứng tiêu chuẩn mà công ty sữa đặt ra. Nhưng khi giá sữa nguyên liệu chỉ đứng ở mức 11.000 – 12.000 đồng/kg, thu nhập hàng ngày chỉ khoảng 200.000 – 300.000 đồng như hiện nay, rất nhiều người phải “cố” nuôi để mong bù lại khoản tiền gần 200 triệu đã đầu tư.

Khi bò sinh bệnh, người nuôi có thể bị lỗ cả trăm triệu

Hầu hết các hộ nuôi bò sữa tại Tản Lĩnh, Yên Bài và Vân Hòa đều kí hợp đồng bán sữa cho Công ty CP sữa Quốc tế (IDP) nên không thể bán sữa ra bên ngoài và giá sữa cũng do công ty quy định. Thời điểm chúng tôi về Ba Vì, hầu hết các gia đình nuôi bò sữa được hỏi không biết về thông tin tăng giá sữa thành phẩm. Anh Nguyễn Văn Được (thôn Việt Hòa, xã Vân Hòa) tỏ ra ngạc nhiên: “Tuần trước chúng tôi có họp với đại diện công ty sữa nhưng họ không nhắc tới việc tăng giá sữa, mà chỉ thông báo việc tăng 300 – 500 đồng/kg sữa cho những gia đình có sữa đạt tiêu chuẩn”.

Trong khi đó, tiêu chuẩn của sữa cũng không được rõ ràng. Tính từ 1/3/2012, công ty CP sữa Quốc tế (IDP) có đưa thông báo tới các trạm thu mua sữa đối với các hộ chăn nuôi bò sữa toàn miền Bắc về tiêu chuẩn tính thưởng như vệ sinh tại trạm, vệ sinh chuồng trại và chất lượng sản phẩm. Trong đó, chất lượng sữa được đánh giá với tiêu chuẩn độ khô và chất béo, độ thưởng dao động từ 100 – 500 đồng.

Thông thường việc đánh giá chất lượng sữa ở đây là chỉ đo nhiệt độ sữa. Sữa đạt yêu cầu là từ 22 đến 25 độ. Sữa tốt là từ 26 độ trở lên, dưới 22 độ là không đạt. Các công ty trả tiền cho hộ dân vào nhiệt độ đạt hay không đạt này. Với những loại sữa không đạt yêu cầu, công ty sẽ trả tiền hỗ trợ thức ăn, vào khoảng 7000 – 8000đồng/kg.

Thông báo của Công ty CP sữa Quốc tế về mức tính thưởng

Người dân nuôi bò chỉ có thể đảm bảo nhiệt độ sữa chuẩn đến khi thu mua, còn điều kiện về độ khô, độ béo thì họ hoàn toàn “mù tịt”. Anh Đặng Ngọc Thanh (thôn Việt Yên, xã Yên Bài) cho biết: “Chúng tôi chỉ có thể đảm bảo nhiệt độ sữa, còn chất lượng cụ thể, họ mang về nhà máy kiểm tra. Mấy lần họ thông báo sữa nhà tôi bị tủa, tôi cũng chịu không hiểu làm thế nào mà tủa nên đành chịu mất gần nửa tiền. Chúng tôi chỉ biết nuôi bò, vắt sữa, làm thế nào mà biết sữa khô hay béo ra sao”.

Ông Bùi Văn Quân (Đại diện UBND huyện Ba Vì) cho biết: “Giá sữa hiện nay quá thấp, không thể đáp ứng được chi phí đầu vào cũng như thức ăn, nhân công … cho người dân nuôi bò sữa. Nhưng đây là giá do công ty niêm yết, chính quyền chúng tôi không thể can thiệp, chỉ hi vọng công ty điều chỉnh tăng giá để cải thiện đời sống cho người dân. Tránh tình trạng bán bò làm nghề khác như hiện nay”.

Vương Tâm