Danh ca Khánh Ly

Người kể chuyện rong bằng âm nhạc

09:28 | 25/08/2018

466 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trời Hà Nội mưa như chưa từng được mưa, từng con phố thành những dòng sông nhỏ, nhưng điều đó không thể ngăn dòng người đổ về Nhà hát Lớn Hà Nội. Họ đến để được gặp lại người kể chuyện rong bằng âm nhạc - nữ danh ca Khánh Ly.

Giọng ca trở thành huyền thoại

Dù đêm nhạc “Như một lời chia tay” ở Hà Nội của Khánh Ly đã trôi qua, nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong lòng mỗi người nghe. Cơn mưa tháng 8 không ngăn nổi bước chân người hâm mộ giọng ca Khánh Ly về với Nhà hát Lớn. Họ từng có một thời cùng thức, cùng ngủ với giọng hát liêu trai của “nữ hoàng chân đất” Khánh Ly. Bởi vậy, đến với “Như một lời chia tay” trước hết họ là những người đi tìm kỷ niệm.

nguoi ke chuyen rong bang am nhac

Chẳng thế mà, khi bắt gặp một cụ ông chậm chãi nắm tay cụ bà tiến vào sảnh nhà hát, hẳn ai nhìn thấy cũng rưng rưng xúc động. Lấy chiếc khăn sạch lau những giọt nước mưa còn đọng trên cặp kính của chồng, cụ bà tên Hồng tiết lộ, ông bà đã phải đi hơn chục cây số từ Mai Dịch tới để được nhìn thấy Khánh Ly bằng xương, bằng thịt. Bà kể, đã lỗi hẹn với Khánh Ly mấy lần rồi nên lần này ông bà nhất quyết đến bằng được. Cưới nhau được gần 50 năm thì cũng ngần ấy năm họ đã cùng nhau nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh.

Vợ chồng bà cũng giống như nhiều khán giả khác tới đây gặp mặt Khánh Ly, tìm lại cảm xúc. Họ không màng giọng hát hay hay dở, mà chỉ cần thấy danh ca hiện diện ở đó bằng xương, bằng thịt và cất tiếng hát. Đủ để thấy, đó chính là tình yêu, là sự ái mộ dành riêng cho cõi nhạc Trịnh Công Sơn và tiếng hát Khánh Ly.

Khánh Ly, ở cái tuổi 74, đứng trên sân khấu, hát liền một lúc 25 ca khúc, quả là xưa nay hiếm. Mặc dù giọng nói, dáng đi hay cả giọng hát đều cho thấy dấu hiệu của thời gian, nhưng “Như một lời chia tay” thực sự đọng lại cho mỗi khán giả những cảm xúc riêng.

Trong đêm nhạc, nhiều lần Khánh Ly đã phải nhờ người đỡ khi lên, xuống bậc thang nhưng “tình” vẫn đầy đặn trong từng câu hát, ở đó vẫn có những mê mị khó cưỡng mà chỉ riêng Khánh Ly làm được. Khán giả đi hết từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác. Một Khánh Ly sâu lắng, muộn phiền thế sự; một Khánh Ly khác lại nhí nhảnh, vui vẻ như thuở ban sơ gặp được Trịnh Công Sơn. Với những “Thương một người”, “Ướt mi”, “Phôi pha”, “Rơi lệ ru người”…, có ca khúc lần đầu Khánh Ly hát trên sân khấu, cũng có ca khúc không phải Trịnh Công Sơn viết cho riêng bà, nhưng ca khúc nào cũng cho thấy một điều: Nhạc của Trịnh nhất thiết phải có Khánh Ly.

nguoi ke chuyen rong bang am nhac
Không phải ngẫu nhiên người ta nói Khánh Ly là người kể chuyện rong bằng âm nhạc, bởi “đặc sản” trong show diễn của bà là lối dẫn dắt kể chuyện đan xen vừa là âm nhạc, vừa là những câu chuyện tự sự rất đời, ở đó là cả sự thông tuệ, trải đời của một con người phải đi qua cả quãng đời trầm luân.

Trên sân khấu, Khánh Ly đứng đó như cả một khoảng trời kỷ niệm, kéo khán giả về với một thời tuổi trẻ. Một Khánh Ly của thuở ban đầu run rẩy như thể lần nào cũng như hát lần đầu, từ việc đứng trên sân khấu sơ sài của Quán Văn hay phủ sóng trên khắp sân cỏ các trường đại học miền Nam cuối những năm 60, để rồi hơn 60 năm qua, từ khi bài hát “Ướt mi” của Trịnh Công Sơn ra đời, vẫn chưa có ca sĩ nào hát nhạc Trịnh quyến rũ bằng Khánh Ly. Khánh Ly và nhạc Trịnh thực sự là “cặp bài trùng” không thể thiếu đi một nửa.

Đời tôi chỉ biết hát

Thoạt đầu, tên của chương trình “Như một lời chia tay” khiến nhiều người thắc mắc, phải chăng Khánh Ly muốn gửi gắm điều gì? Nhất lại là khi Khánh Ly vừa phải đối mặt với tin đồn mình đã… chết. Dù Khánh Ly có nói rằng: Chọn “Như một lời chia tay” chỉ đơn giản là tên một sáng tác của Trịnh Công Sơn, còn Khánh Ly chỉ nghĩ đơn giản, đó như thay một lời chào. Thì sau đêm diễn, những hình ảnh về “người đàn bà hát” vẫn cứ ám ảnh mãi.

Còn nhớ năm trước khi về nước biểu diễn, nhiều ý kiến ác ý cho rằng, Khánh Ly chạy show vì tiền. Có lẽ điều này đã chạm đến lòng tự ái của Khánh Ly, thời điểm ấy bà đã nói: “Người nào hát thì cũng lấy tiền cả thôi. Hình như chưa có ai hát mà không lấy tiền. Vấn đề là lấy nhiều hay lấy ít. Nhưng tôi nghĩ, cả điều đó cũng không quan trọng bằng việc Khánh Ly từng này tuổi rồi, vẫn còn được hát và hát được cho khán giả của mình nghe”.

Những tưởng với những tự ái đó, Khánh Ly sẽ không còn muốn trở về. Thế nhưng lần này, bà lại về và hát như chưa từng được hát.

Bà thú nhận: “Đi hát bao nhiêu năm nhưng đến giờ tôi vẫn run lắm. Đứng trước khán giả Hà Nội, được hát tại Hà Nội, nơi mình sinh ra, kiểu gì cũng vẫn run”. Cũng phải, không run sao được khi tâm thế của bà là một người con xa quê, không bồi hồi sao được khi đã một thời tuổi trẻ dành cho nhạc Trịnh.

Khánh Ly tiết lộ, ca khúc “Rơi lệ ru người” được Trịnh Công Sơn viết cho bà khi ông tưởng bà đã chết hồi năm 1975. Mãi đến năm 1992, khi hai người gặp lại nhau tại Canada, Trịnh Công Sơn mới đưa sáng tác này ra và hướng dẫn Khánh Ly hát.

“Tôi tự thấy mình không đáng để được Trịnh Công Sơn viết riêng cho mình một ca khúc. Tôi rất yêu nó, dù rất ít khi được trình bày”. Khánh Ly vẫn vậy, khiêm tốn khi nhắc đến người nhạc sĩ lớn trong cuộc đời mình.

nguoi ke chuyen rong bang am nhac

Theo Khánh Ly thì Trịnh Công Sơn là người yêu cái đẹp, chỉ có cái đẹp trong cuộc sống là chinh phục ông được thôi. Có lần, ông kể với Khánh Ly về một người đi xa đã lâu trở về thăm ông. Ông nói: “Giá đừng về”. Nghe xong, Khánh Ly hiểu và cố tránh để ông thấy tuổi già của mình. Bà nói: “Ai cũng phải già, Trịnh Công Sơn hay Khánh Ly cũng vậy”. Không biết có phải vậy không mà lần trở về này, bà nhắc quá nhiều đến sự chia tay.

Khánh Ly trải lòng: “Tôi yêu cuộc sống này, dẫu như một lời chia tay. Ai cũng phải chia tay nhưng nếu tôi có kỷ niệm thì đó là điều tôi sẽ mang theo. Cuộc đời này, đến một lúc nào đó, sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, chúng ta đều không mang theo được gì, chỉ mang theo được kỷ niệm, còn để lại cho đời với Khánh Ly có lẽ chỉ có tiếng hát mà thôi”.

nguoi ke chuyen rong bang am nhac

Không biết có hồ đồ khi nói nhạc Trịnh vận vào Khánh Ly? Nhưng nhiều người thấy ở bà vừa có cả sự không tuổi lẫn cái đa đoan. Không phải ngẫu nhiên người ta nói Khánh Ly là người kể chuyện rong bằng âm nhạc, bởi “đặc sản” trong show diễn của bà là lối dẫn dắt kể chuyện đan xen vừa là âm nhạc, vừa là những câu chuyện tự sự rất đời, ở đó là cả sự thông tuệ, trải đời của một con người phải đi qua cả quãng đời trầm luân. Còn cuộc đời bà, hạnh phúc tưởng chừng nắm giữ đấy nhưng lại tuột khỏi tay. Và rồi cũng như Trịnh Công Sơn, mang lời ca tiếng hát cho đời nhưng vẫn đi bên lề cuộc đời để thấy “đời vui”, còn mình nhận về những buồn tủi.

Khánh ly kể về những năm tháng xa quê, bà chỉ biết điều duy nhất là nương tựa vào nhạc Trịnh để tìm kiếm sự cân bằng trong tâm hồn. Khánh Ly nói: “Có những lúc buồn bã, nghe nhạc Trịnh, tôi cảm thấy được chia sẻ, không còn tuyệt vọng nữa. Nhạc Trịnh buồn nhưng không phải cái buồn khiến người ta chết được, mà là cái buồn nhè nhẹ”.

nguoi ke chuyen rong bang am nhac

Hãy mở lòng với ca sĩ trẻ

Có người nói: “Tiếng hát Khánh Ly đã trở thành tượng đài khi nhắc tới nhạc Trịnh, đến tận bây giờ vẫn chưa ca sĩ nào thay đổi được vị trí ấy”. Khánh Ly dường như không vui về điều này, bởi bà cho rằng, có lẽ khán giả đã quá ưu ái mình.

Bà kể, trong suốt gần 60 năm hát nhạc Trịnh, bà vẫn hát những gì mà mình cảm. Bà may mắn hơn những ca sĩ khác vì đã có thời đứng bên cạnh Trịnh Công Sơn và hát. Đến giờ, đó vẫn là khoảng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng ý nghĩa nhất của cuộc đời bà. Và dù, đứng cạnh, trực tiếp nghe Khánh Ly hát nhưng Trịnh Công Sơn không bao giờ góp ý, ông cứ để Khánh Ly hát theo những gì bà cảm nhận. Khánh Ly không cố gắng sửa, cũng không thêm hay bớt ca từ của Trịnh Công Sơn, bà chỉ gắng hát những gì mà bà cảm nhận được, có khi bà cũng không hiểu hết những điều mà ông viết, nhưng Trịnh Công Sơn không bao giờ nói. Khánh Ly cứ nghĩ ông không nói gì tức là ông đồng ý, nên có thể tưởng mình đúng mà bà cứ thế hát cho đến tận bây giờ.

nguoi ke chuyen rong bang am nhac

Bà kể, sau này khi nhạc Trịnh có Cẩm Vân, Hồng Nhung hát, lúc ấy ông mới nói với bà rằng: “Cứ để mọi người hát nhạc của anh như họ muốn, khi mọi người hát là họ mang lại hạnh phúc cho anh rồi”. Khánh Ly đồng quan điểm với Trịnh Công Sơn, bởi mỗi người đều có quyền tự do thể hiện những gì mình thích, không phải theo ai cả. Thế nên, bà nhắn nhủ: Sau này có thêm ca sĩ trẻ nào yêu mến Trịnh Công Sơn, công chúng hãy đón nhận, hãy để họ thể hiện nhạc Trịnh theo cảm xúc riêng, đừng nên bắt họ phải thế này, thế kia, cũng như việc hãy sống như bản thân mình vốn thế, đó mới là điều đáng quý.

Lần trở lại Việt Nam này, sau “Như một lời chia tay” ở Hà Nội, khán giả Đà Nẵng sẽ có dịp được nghe người kể chuyện rong bằng âm nhạc hát vào ngày 1/9 tới đây. Ở đó, một lần nữa khán giả sẽ lại được thấy Khánh Ly thăng hoa với nhạc Trịnh

Khánh Ly chia sẻ, bà hát nhạc Trịnh hát sai lời như thường. Bây giờ, bà 74 tuổi rồi, không thể hát như gái 20, da phải nhăn, tóc phải rụng, cổ không còn đẹp, khuỷu tay cũng không nõn nà nữa… thì giọng hát cũng như vậy thôi. Thế nhưng, có một cái khổ là các ca sĩ trẻ hát quên lời thì bị chê trách, còn bà hát sai lời mà chẳng ai nói gì cả. “Nói vậy để thấy công chúng yêu mến tôi quá, nhưng dù mọi người yêu mến tôi thì nên yêu một cách công bằng, hãy mở lòng để tình yêu được dàn trải cho các ca sĩ khác nữa. Khi một người hát một ca khúc tức là đã trao ra tất cả tình cảm, trái tim của họ rồi”.

Khánh Ly vẫn vậy, vẫn chỉ nghĩ cho người khác. Thế nên, khi nghe Khánh Ly giãi bày về tin đồn mình đã chết, lại thấy đôi khi cuộc đời thật bất nhẫn với bà. Khánh Ly bảo, cuộc đời này bà đã phải đối diện với nhiều tin đồn, tin đồn mình đã chết thì quá nhiều lần, người ta còn đồn bà làm tới 5 đám cưới, có đến 5 ông chồng. Khánh Ly không thể hiểu người ta nghĩ và sống thế nào mà cứ mong mang nỗi bất hạnh đến cho người khác hoặc nghĩ bất hạnh của người khác là hạnh phúc của mình?

nguoi ke chuyen rong bang am nhac

Thế nhưng đối diện với những nỗi buồn ấy, Khánh Ly lại luôn tâm niệm rằng: “Đời đem đến cho ta những bầm dập, nhưng trong đời có lẽ ai cũng phải trải qua, không cách này thì cách khác. Vậy không nên trách ai cả. Chỉ có điều, đời mình thì mình sống và vẫn phải trả ơn đời”.

Trong lần trở về Việt Nam này, dù tuổi đã cao nhưng Khánh Ly vẫn nhiệt tình tham gia vào các chương trình thiện nguyện. Sau tất cả, những tâm sự về sự vô thường cuộc sống, về sự chia ly, nhìn hình ảnh bà lặn lội tới tận nơi trao quà cho các em bé bị bệnh, mới hiểu sau bao giông bão của cuộc sống vẫn là một Khánh Ly không trộn lẫn.

Còn tình cảm của khán giả, chỉ riêng việc sau gần 60 năm vẫn có biết bao người không quản ngại mưa gió đến để nghe bà hát, đã là niềm hạnh phúc mà không phải danh ca nào cũng có được!

Khánh Ly sinh ra tại Hà Nội, tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, cũng có khi cô lấy tên Phạm Thị Lệ Mai theo họ Phạm của người cha dượng. Năm 1956, Lệ Mai theo mẹ di cư vào Nam.
Khi còn ở Hà Nội, dù chưa tới 9 tuổi nhưng Khánh Ly đã tham dự một cuộc thi hát với bài “Thơ ngây” của nhạc sĩ Anh Việt nhưng không được giải gì. Cuối năm 1956, mới 11 tuổi, Khánh Ly đã dám đi nhờ xe chở rau, một mình từ Đà Lạt về Sài Gòn tham dự cuộc thi tuyển lựa ca sĩ nhi đồng do Đài Pháp Á tổ chức tại rạp Norodom. Cô hát bài “Ngày trở về” của nhạc sĩ Phạm Duy và đoạt giải Nhì, chỉ sau “thần đồng” Quốc Thắng.
Năm 1962, Khánh Ly bắt đầu bước chân vào sự nghiệp ca hát, cô hát cho phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện, Sài Gòn. Nhưng mối lương duyên với nhạc Trịnh lại không ở Sài Gòn, khi cuối năm đó, cô chuyển lên sống tại Đà lạt và hát cho các phòng trà ở xứ sở sương mù.
Như định mệnh, đến năm 1964, Khánh Ly gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Đà Lạt. Khi nghe Khánh Ly hát, Trịnh Công Sơn khi đó còn chưa nổi tiếng, đã đưa Khánh Ly hát thử nhạc của mình. Ông mời Khánh Ly về Sài Gòn biểu diễn, nhưng Khánh Ly từ chối.
Năm 1967, tình cờ gặp lại Trịnh Công Sơn tại Sài Gòn, Khánh Ly bắt đầu cùng Trịnh Công Sơn đã trở thành một hiện tượng của tân nhạc Việt Nam.
nguoi ke chuyen rong bang am nhac Khánh Ly: “Hãy thông cảm cho những ca sĩ… hát đúng lời nhạc Trịnh”
nguoi ke chuyen rong bang am nhac Danh ca Khánh Ly: "Ở tuổi này, tôi đã tự chuẩn bị tất cả cho sự ra đi"
nguoi ke chuyen rong bang am nhac Khắp nơi nhớ Trịnh...

Huyền Anh