Người gắn bó với dòng điện trên đảo xa

08:00 | 01/05/2020

755 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm 1980, một chàng trai trẻ, nghe theo tiếng gọi của trái tim, đã tình nguyện đi xây dựng Côn Đảo. Đến nay, tròn 40 năm, chàng trai đã trở thành người đàn ông dạn dày sương gió, gắn bó với dòng điện trên đảo xa. Ông là Đoàn Văn Tranh - Giám đốc Điện lực Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Quyết định “liều lĩnh”

nguoi gan bo voi dong dien tren dao xa
Người gắn bó với dòng điện trên đảo xa

Sau khi tốt nghiệp THPT, chàng thanh niên Đoàn Văn Tranh quê ở Trà Vinh đã quyết định “ly hương”. Lý giải cho quyết định “liều lĩnh” đó, ông Tranh tâm sự: Thời điểm đó, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, mỗi người trai trẻ đều hừng hực khí thế, nung nấu ý định phải đi đâu đó để tái thiết đất nước sau chiến tranh, cũng để thử thách chính mình. Khi nghe thông tin Côn Đảo đang cần thanh niên tình nguyện ra xây dựng đảo, chàng thanh niên 18 tuổi lập tức đăng ký lên đường.

Tháng 3-1980, chàng trai Đoàn Văn Tranh lên tàu ra Côn Đảo. Ông Tranh nhớ lại: “Đó là chuyến đi bão táp nhất đời tôi. Hơn 100 người cộng với hàng hóa dồn trên một chuyến tàu, đi được nửa đường thì máy hỏng, phương tiện liên lạc với đất liền cũng hỏng. Cả người, cả... lợn, cả hàng hóa lênh đênh trên biển 7 ngày đêm. Đến ngày thứ 7, tàu dạt về Năm Căn (Cà Mau), được bộ đội biên phòng phát hiện, lai dắt vào cảng. Hú vía! Sau này, tôi mới biết lúc đó ở đất liền, người ta đã niêm yết danh sách người mất tích. Tin bay đến nhà, mẹ tôi khóc ngất...”.

Sau chuyến đi bão táp ấy, chỉ 1 tuần sau, chàng thanh niên lại tiếp tục ra đảo trong sự phản đối kịch liệt của gia đình. Sau khi ra đảo, ông được phân công về làm việc tại Trạm điện nước Côn Đảo. Những năm 80 của thế kỷ trước, Côn Đảo có khoảng 3.000 dân, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn đủ đường.

Năm 1982, Côn Đảo chính thức có điện. Năm 1983, sau 3 năm làm việc ở Trạm điện nước Côn Đảo, ông Tranh được cử đi học sửa chữa máy phát điện diesel ở Trường Điện lực Hóc Môn (nay là Trường Cao đẳng Điện lực TP HCM). Trở lại đơn vị, ông được giao làm Tổ trưởng Tổ Quản lý máy phát điện, 6 năm sau làm Quản đốc phân xưởng, Phó giám đốc rồi Giám đốc Điện lực Côn Đảo.

Năm 1991, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập. Côn Đảo trở thành một huyện đảo thuộc tỉnh mới với bao bộn bề, khó khăn ập đến. Ông Tranh kể: “Đầu thập niên 90, nhiều người lần lượt đến Côn Đảo với ý tưởng xây dựng kinh tế, nhưng vì gặp quá nhiều khó khăn, họ đã lặng lẽ trở về đất liền. Tôi cũng rất thông cảm với họ, vì lúc ấy ở Côn Đảo quá khó khăn, khổ đủ mọi đường. Bản thân mình cũng có lúc nao núng, nhưng nghĩ lại, đất nước đang khó khăn, mình đi đâu cũng vậy thôi. Ở đây, mình được đi học nghề mình yêu thích, có công việc, có điều kiện để cống hiến thì không nên đi đâu nữa. Vì vậy, tôi quyết định ở lại gắn bó với nơi đảo xa này, vừa tiếp tục làm việc, vừa là trả ơn cho mảnh đất và con người nơi đây”.

Cùng Côn Đảo chuyển mình

So với nhiều năm trước, kinh tế - xã hội của Côn Đảo hiện nay đã khá hơn rất nhiều, phát triển rất nhanh, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, thu hút được đông đảo khách đến tham quan, nghỉ dưỡng... Ngoài ra, ngành điện cũng rất quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện trên đảo, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội Côn Đảo.

nguoi gan bo voi dong dien tren dao xa

Công nhân Điện lực huyện Côn Đảo bảo trì đường dây

Trước đây, điện chỉ được cấp từ 18h đến 21h30 mỗi ngày, chủ yếu phục vụ khu vực trung tâm đảo. Hằng năm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao cho một khoản kinh phí và dầu máy, Điện lực Côn Đảo phải tự cân đối sao cho vừa đáp ứng đủ điện, vừa bảo đảm được tiền lương cho CBCNV, ngoài ra còn phải có dự phòng kinh phí khi sửa chữa, thay thế máy móc, đường dây bị hư hỏng.

100% hộ dân ở Côn Đảo được sử dụng điện, giá điện ngang bằng với giá điện trong đất liền. Điều đó không chỉ mang lại niềm vui lớn cho người dân trên đảo mà còn thật sự có ý nghĩa với những người làm nghề điện trên đảo xa.

Đến nay, nguồn điện cấp cho Côn Đảo chủ yếu đến từ điện diesel của Nhà máy Điện An Hội với tổng công suất 9,8 MW, ngoài ra còn có thêm nguồn phát điện từ hệ thống điện mặt trời của Nhà máy Điện An Hội (36 kWp) vận hành năm 2015 và tại nhà điều hành Điện lực Côn Đảo (100 kWp) vận hành năm 2017. “Bây giờ, 100% hộ dân trên đảo được sử dụng điện, giá điện ngang bằng với giá điện trong đất liền. Điều đó không chỉ mang lại niềm vui lớn cho người dân trên đảo mà còn thật sự có ý nghĩa với những người làm nghề điện trên đảo xa như chúng tôi” - ông Tranh tự hào nói.

Điện lực Côn Đảo hiện đang có hơn 50 CBCNV và người lao động. Nhiều người sinh ra và lớn lên ở các miền quê khác nhau, nhưng đều xác định nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Nhiều người đã lập gia đình, làm nhà, sinh con trên đảo. Ai cũng đều yêu thương nhau, không phân biệt trình độ, chức vụ, quê quán. Đó cũng là văn hóa doanh nghiệp của Điện lực Côn Đảo - ông Tranh chia sẻ.

nguoi gan bo voi dong dien tren dao xa

Côn Đảo ngày nay

Anh Danh Kim Quang - Đội trưởng Đội Vận hành đường dây và trạm biến áp, Điện lực Côn Đảo - cho biết, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của CBCNV, Giám đốc Đoàn Văn Tranh đã sắp xếp lại quỹ đất của đơn vị, xây dựng ký túc xá cho CBCNV xa quê có chỗ ăn, nghỉ; bố trí ca, kíp thuận lợi giúp mọi người có thể làm thêm để cải thiện đời sống. Mọi người đều được tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. “Đó chính là cái tâm của một người lãnh đạo, là tình cảm của một người thân với người thân trong đại gia đình điện lực” - anh Quang nhận xét về người lãnh đạo của mình.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Tranh nói: “Tôi ước mong một ngày gần nhất, điện lưới quốc gia sẽ tới Côn Đảo. Với tôi, còn sức khỏe, còn làm việc ngày nào, tôi nguyện gắn bó với dòng điện Côn Đảo, quê hương thứ hai của tôi

Phan Huy