Thu phí phương tiện cơ giới vào nội thành Hà Nội

Ngược, xuôi đa chiều - Người dân, chuyên gia nói gì?

14:39 | 05/10/2018

287 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hàng loạt các đề xuất để giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông, giải thoát cho đô thị, cứu lấy môi trường… đã được đưa ra trong thời gian vừa qua nhưng chưa được thực hiện do thiếu sự đồng thuận của người dân. TP Hà Nội mới đây lại tiếp tục đề xuất thu phí phương tiện cơ giới vào nội thành, gây nhiều tranh luận.

Đề xuất các loại phí mới

Văn bản số 3977 do Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký, gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất 3 nội dung chính, gồm: Lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực nội thành; quy định mức phụ thu phí ô nhiễm môi trường theo khí thải thông qua đăng kiểm phương tiện; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hoàn thiện quy định quản lý xe đạp điện, ôtô điện.

Động thái của UBND TP Hà Nội là nhằm triển khai các giải pháp hành chính và kinh tế để từng bước hạn chế phương tiện trong khu vực nội thành (từ đường vành đai 3 trở vào) theo lộ trình triển khai Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đã được HĐND TP Hà Nội thông qua năm 2017.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho rằng, thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực nội thành là biện pháp kinh tế nhằm tăng cường quản lý phương tiện, thông qua việc nộp phí lưu hành để giảm lưu lượng phương tiện tại một số khu vực. Biện pháp này cũng đang được các thành phố lớn như London (Anh), Singapore… áp dụng và khá hiệu quả khi hạn chế được lượng lớn ôtô đi vào nội thành, hạn chế ùn tắc, ô nhiễm môi trường.

nguoc xuoi da chieu nguoi dan chuyen gia noi gi
Ùn tắc đường vào giờ tan tầm

Vướng mắc lớn nhất để thực hiện đề xuất là không có khoản phí phương tiện cơ giới vào nội thành trên địa bàn thành phố trong danh mục phí, lệ phí của Luật Phí và lệ phí hiện hành. Vì vậy, UBND TP Hà Nội đề xuất Chính phủ bổ sung khoản phí này vào danh mục của Luật Phí và lệ phí.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đề xuất phụ thu phí ô nhiễm môi trường, khí thải thông qua đăng kiểm phương tiện. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho rằng, đến năm 2020, Thủ đô sẽ có hơn 843 nghìn ôtô, hơn 6 triệu xe môtô, xe gắn máy; đến năm 2030 sẽ có hơn 1,9 triệu ôtô, hơn 7,5 triệu xe máy (hiện nay đang có khoảng 5 triệu xe máy, 500.000 ôtô). Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trong thời gian tới sẽ rất nghiêm trọng. Do vậy, cùng với thu phí phương tiện cơ giới vào nội thành, Hà Nội đề xuất Chính phủ xem xét, giao các bộ, ngành liên quan xây dựng quy định để thực hiện việc thu phí bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm.

Thu phí từ vành đai 3 trở vào

Liên quan đến đề xuất này, đại diện sở GTVT Hà Nội cho biết, trước khi thực hiện việc thu phí vào nội thành, Sở GTVT sẽ cùng với liên ngành thành phố khảo sát, phân ra từng khu vực, từng tuyến phố cần hạn chế xe đi vào để giảm ùn tắc. Khu vực đầu tiên được xác định để phân vùng phương tiện cơ giới hoạt động sẽ phải đóng phí là từ vành đai 3 trở vào. Thành phố sẽ có biện pháp thu phí hiện đại, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện khi tham gia giao thông.

Hà Nội sẽ thu phí tự động các phương tiện cơ giới đi vào nội thành. Các phương tiện như ôtô phải mở tài khoản ngân hàng và trang bị thiết bị thu phí tự động để các trạm thu phí tự nhận biết, trừ tiền; cơ quản lý kiểm soát, điều tiết khi đi vào các khu vực bị hạn chế.

Cùng với đó, các phương tiện cơ giới sẽ phải đóng phí môi trường khi đến các trạm đăng kiểm theo định kỳ như đóng phí sử dụng đường bộ hiện nay. Nếu được Chính phủ thông qua sớm, dự kiến Sở GTVT sẽ triển khai các công tác chuẩn bị từ năm 2019.

Người dân nói gì?

Đề xuất thu phí phương tiện cơ giới vào nội thành hiện đang được công khai, lấy ý kiến của người dân.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Năng lượng Mới, đề xuất này được đăng tải trên nhiều diễn đàn về giao thông và có khá nhiều quan điểm không đồng tình. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, hiện các phương tiện cơ giới đã phải đóng hơn 1 loại phí khi lăn bánh. Nếu tiếp tục thu 2 loại phí như trong đề xuất sẽ dẫn đến tình trạng phí chồng phí.

Anh Hoàng Quang Nguyên (40 tuổi, lái xe taxi ở Hà Nội) nói: “Tôi đồng ý với việc đưa ra các biện pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên, thu phí vào nội thành là cách làm không thích hợp, sẽ tạo thêm nhiều chốt chặn, nhiều nút thắt cục bộ. Hằng ngày, người dân ra vào thành phố để làm ăn, buôn bán, nếu bị thu phí vào nội thành có thể dẫn đến việc bỏ thêm 1 đồng phí thì người ta sẽ tìm cách thu thêm 2 đồng lợi, dẫn đến nhiều hệ lụy”.

Anh Nguyên cũng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng ùn tắc giao thông xuất phát từ ý thức tham gia giao thông của người dân. Vì vậy, thay vì đưa ra các mức phí để hạn chế phương tiện vào nội thành, các cơ quan chức năng nên tăng cường tuyên truyền về luật giao thông để nâng cao ý thức cho người dân trước khi có các giải pháp khác”.

nguoc xuoi da chieu nguoi dan chuyen gia noi gi
Thu phí phương tiện vào nội thành đang là vấn đề được người dân quan tâm

Bà Nguyễn Thị Huyền (50 tuổi, ở Hoàng Mai) cho rằng, việc thu phí phương tiện vào nội thành sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thương. “Các phương tiện vào nội thành là để giao thương kinh tế, mang lại nguồn thu cho thành phố. Nếu thu phí có thể sẽ giảm lượng phương tiện, đồng thời đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Vì vậy, tôi nghĩ đề xuất này không hiệu quả. Để giải quyết nạn ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn cần phải giảm việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng, chung cư. Bởi lượng người từ các chung cư, nhà cao tầng là rất lớn, chứ người từ bên ngoài vào nội thành chỉ là một phần nguyên nhân gây ùn tắc. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có chủ trương di dời các trụ sở ra vùng ngoại thành, nếu thực hiện được chắc chắn sẽ giảm ùn tắc giao thông” - bà Huyền nói.

Khó áp dụng?

Nhìn nhận đề xuất này từ góc độ giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia tư vấn cao cấp Dự án JICA (Nhật Bản) chia sẻ: “Việc thu phí các phương tiện vào nội thành Hà Nội sẽ rất khó được áp dụng, vì phải sửa luật mới thu phí được. Việc thu phí phải thực hiện theo luật chứ không phải muốn thu là thu được ngay. Nếu muốn thu phí các phương tiện cơ giới vào nội thành để giảm ùn tắc, Hà Nội phải xác định chỗ nào là điểm ùn tắc thì mới thu phí, nhưng ùn tắc giao thông ít khi xuất hiện cả ngày, chỉ ùn tắc trong một thời gian nhất định. Hà Nội có nhiều đường đi vào nội thành, mỗi một đường đặt 1 trạm thu phí là không ổn”.

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên: “Các nước trên thế giới đã thực hiện việc thu phí phương tiện vào khu vực nội thành, đơn cử như Singapore. Việc làm này gắn với trách nhiệm của người dân với giao thông, nên Hà Nội học tập là đúng. Tuy nhiên, ý thức chấp hành giao thông của người dân chưa cao nên thực hiện không đúng lộ trình, không có bài bản sẽ thất bại.

Tiến sĩ Đức phân tích: “Hà Nội ùn tắc giao thông đâu phải lỗi của người dân mà có cả lỗi của cơ quan quy hoạch, quản lý. Một đoạn đường hẹp phải gồng gánh tới hàng chục tòa nhà chung cư, tắc đường là chuyện hiển nhiên. Một bài toán khó, cần có lời giải nữa là việc Hà Nội sẽ thu phí ra sao, thu phí bằng cách nào... để bảo đảm công bằng cho người dân? Chưa hết, phương tiện của người dân ngoại thành vào nội thành có bị thu phí không? Hay thu theo biển số xe? Nếu thu phí theo kiểu không dừng thì lại phải lập bao nhiêu trạm thu phí tại các điểm ùn tắc? Hà Nội đâu phải lúc nào, đường nào cũng ùn tắc giao thông mà lập trạm thu phí, chưa kể đến việc dán tem thu phí không dừng. Điểm bất cập nữa là những người ở tỉnh lẻ, cả năm họ mới lên Hà Nội một vài lần, chẳng lẽ phương tiện của họ cũng phải dán tem thu phí? Việc thu phí sẽ khiến giá hàng hóa đưa vào nội thành sẽ tăng lên. Hà Nội đã có hàng chục giải pháp chống ùn tắc giao thông từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả, phải chăng Hà Nội bế tắc trong việc giải quyết ùn tắc nên nghĩ ra việc thu phí này?”.

Còn đối với phí môi trường, hiện nay, chúng ta đã thu thuế môi trường vào xăng dầu rồi, bây giờ lại thu phí khí thải xe thì có phải là phí chồng phí không? Để thu được phí môi trường từ các phương tiện cơ giới lại phải tiêu tốn thêm các chi phí kiểm định chất lượng. Đáng chú ý nữa, thu phí là một hình thức để tăng nguồn thu chứ không phải là một biện pháp để cưỡng chế cho những việc khác.

Mới chỉ giải quyết “phần ngọn”

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản GTVT (Bộ GTVT) - nêu quan điểm: “Trong khi chúng ta chưa có đủ phương tiện công cộng, sự hấp dẫn của các loại hình vận tải công cộng không cao mà tăng thêm phí với người sử dụng phương tiện cá nhân là không hợp lý. Đặc biệt, khi đa phần người lao động phải sử dụng phương tiện cá nhân của mình để mưu sinh, kiếm sống mà lại tăng phí là thiếu thiện ý. Chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề này một cách kỹ lưỡng. Việc tăng phí có phải là phục vụ nhân dân không? Tôi cho rằng, việc này đang thiếu cả tính khoa học lẫn thực tiễn. Thành phố cần tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối các phương tiện công cộng nhằm thu hút người dân sử dụng. Đó mới là bản chất của vấn đề. Thu phí như vậy chỉ là phần ngọn. Khi phương tiện công cộng chưa hấp dẫn, người dân không có giải pháp thay thế ngoài việc sử dụng phương tiện cá nhân. Vậy thu thêm phí, cấm đoán thì họ sử dụng cái gì?”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, vấn đề ùn tắc giao thông được rất nhiều người quan tâm từ nhiều năm về trước. Các chuyên gia cũng đã đưa ra các ý kiến về việc phải phát triển phương tiện công cộng, tàu điện, đường sắt đô thị… Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển giao thông công cộng còn rất dang dở. “Không thể cứ ùn tắc giao thông lại đổ trách nhiệm do người dân. Văn hóa giao thông chỉ là một trong những yếu tố phụ chứ không phải yếu tố chính dẫn tới ùn tắc. Nếu đường rộng, hè thoáng thì văn hóa giao thông sẽ khác đi” - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy: “Trong khi chúng ta chưa có đủ phương tiện công cộng, sự hấp dẫn của các loại hình vận tải công cộng không cao mà tăng thêm phí với người sử dụng phương tiện cá nhân là không hợp lý. Đặc biệt, khi đa phần người lao động phải sử dụng phương tiện cá nhân của mình để mưu sinh, kiếm sống mà lại tăng phí là thiếu thiện ý”.

Từng đăng đàn trả lời báo chí về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho biết: “Theo quan điểm của tôi, phí thuộc thẩm quyền của HĐND và HĐND phải quyết định dựa trên cơ sở của pháp luật và theo quy định của Luật Phí và lệ phí. Việc thu phí phải dựa trên những cơ sở nhất định chứ không phải bất kỳ lúc nào cũng đặt ra các loại phí. Những quy định liên quan đến quyền lợi của người dân, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân, phải có sự đánh giá tác động khi ban hành những quy định đó, phải có cơ sở khoa học và thực tiễn.

Phí là khoản thu mang tính chất bù đắp cho những chi phí thường xuyên hay bất thường, nếu dùng phí để điều tiết lượng phương tiện cơ giới thì không đúng với mục tiêu đó”.

Tháng 9/2017, Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (ITD) đã báo cáo Sở GTVT TP HCM về đề án thu phí ôtô vào trung tâm sau khi đã hoàn thiện, chỉnh sửa đề án cũ trình UBND thành phố từ năm 2012. Đề án mới đề xuất phương án lắp trạm thu phí theo hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu triển khai năm 2019: Xây dựng 36 cổng thu phí không dừng trên một vành đai khép kín khu vực trung tâm TP HCM. Trung tâm điều hành sẽ kết nối các cổng, xử lý thông tin và quản lý các hoạt động thu phí của hệ thống.

Giai đoạn hai: Xây bổ sung 3 cổng trên các tuyến ùn tắc ở khu vực Tân Sơn Nhất như Trường Sơn, Trường Chinh, Cộng Hòa, khi thành phố đã có phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như tuyến metro số 1, xe buýt nhanh...

Công nghệ nhận diện vô tuyến (RFID) kết hợp tự động nhận dạng biển số (ANPR) sẽ được áp dụng để thu phí, bảo đảm khả năng thu phí đa làn không dừng với công suất 1.800 ôtô mỗi giờ trên một làn.

Xuân Hinh