Ngư dân thua lỗ, tàu cá nằm bờ
Ngư dân chán nản
Đi một vòng quanh cảng cá ấp Tân An, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhóm phóng viên chúng tôi không khỏi xót xa khi thời điểm hiện nay đang là cao điểm của mùa đánh bắt cá nhưng hàng loạt tàu cá xếp dài, neo đậu, nằm im.
Bắt chuyện với ngư dân Nguyễn Văn Tèo, anh cho chúng tôi biết: Trước đây, mỗi chuyến biển kéo dài khoảng 30-40 ngày. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngư trường suy giảm nguồn cá nên việc đánh bắt khó khăn. Mỗi chuyến biển phải kéo dài lên khoảng 3 tháng mới kéo đủ lượng hải sản có thể đắp đổi chi phí. Giá xăng dầu tăng, các chi phí khác cũng đồng loạt tăng cao. Tổng chi phí cho một chuyến đi của tàu nhà anh Tèo tới hơn 400 triệu đồng. Nhiều chuyến biển gần đây của anh không có lãi, thậm chí thua lỗ nên anh đã phải bán tàu.
![]() |
Tàu cá xếp hàng dài “nằm bờ” |
Chị Nguyễn Thị Tuyến, vợ anh Tèo, cho biết thêm: Những chuyến biển thua lỗ triền miên khiến nhiều chủ tàu phải neo tàu hay đánh bắt cầm chừng. Đã có nhiều người rao bán tàu vì không còn thiết tha với nghề biển… Gia đình chị có 2 cặp tàu phải chấp nhận bán lỗ, chồng chị hiện phải đi làm thuê cho người khác để trả nợ. “Bán được tàu đã may vì nhiều chủ tàu muốn bán tàu cũng chẳng ai mua, phải để nằm bờ cả năm trời”, chị Tuyến phân trần.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu qua nhiều đợt tăng kéo theo các phí tổn khác tăng cao. Do thua lỗ liên tục, nhiều chủ tàu cá trên địa bàn xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền không dám ra khơi đánh bắt.
Theo ông Nguyễn Tôn Niên (ấp Phước An, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), năm nay giá dầu tăng cao, sản lượng đánh bắt lại giảm nên ông đã bị thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Do đó, ông quyết định không đánh bắt vụ biển cuối cùng như mọi năm mà để 3 tàu lưới nằm bờ. Ông Niên giải thích thêm, việc cho tàu nằm bờ là tình hình chung hiện nay không chỉ vì giá dầu tăng kéo theo chi phí tăng mà còn do không có bạn tàu. Những vụ đánh bắt liên tiếp không hiệu quả nên số tiền để chia cho bạn tàu cũng rất ít. Mỗi chuyến biển ròng rã 3 tháng xa nhà, rất vất vả, nguy hiểm, nhưng mỗi người chỉ được chia chưa tới 10 triệu đồng. Vì vậy, nhiều bạn tàu cũng bỏ nghề đi tìm công việc mới, chỉ còn một số ít bám trụ với nghề vì không biết làm gì khác để kiếm sống.
![]() |
Cửa hàng xăng dầu tạm đóng cửa do ít tàu ra khơi |
Cuối tháng 10 vừa qua, tàu cá của ông Nguyễn Văn Minh (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cập cảng Phước Tỉnh sau chuyến đánh bắt kéo dài hơn 3 tháng. Ông thở dài thườn thượt khi số tôm, cá, ghẹ, mực bán được chỉ hơn 1,7 tỉ đồng. Chuyến đi này ông lỗ tới 400 triệu đồng. Tàu ông có 12 người. Trước khi xuất bến, họ phải được ứng trước tiền công, đó là luật bất thành văn. Ông Minh phải vay ngân hàng 300 triệu đồng để trang trải chi phí ban đầu cho chuyến đi.
“Nặng nhất vẫn là tiền dầu, riêng chuyến này tiêu tốn hết 93.000 lít và từ đầu năm đến nay dầu đã tăng hơn 3.000 đồng mỗi lít khiến chi phí đội lên quá cao, trong khi giá bán hải sản không tăng”, ông nói.
Ông Minh cho biết thêm, ở cảng cá Phước Tỉnh, hàng trăm tàu xa bờ xếp hàng dài dọc theo các ụ tàu dài hơn 1km. Nếu tiếp tục ra khơi đánh bắt chuyến biển cuối cùng của năm thì khả năng tiếp tục bị thua lỗ là rất lớn. Tàu nằm bờ đồng nghĩa cuộc sống các gia đình ngư dân sẽ rất khó khăn - ông Minh trăn trở.
Tại cảng mới ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh, những năm trước, 3 cửa hàng xăng dầu phục vụ tàu thuyền của ngư dân đi đánh bắt cá đông vui nhộn nhịp, giờ đây vắng tanh, 2 cửa hàng đã tạm đóng cửa. Anh Long, nhân viên bán xăng dầu cho biết, ngư dân ở đây không đi tàu nhiều nên lượng xăng dầu bán giảm mạnh.
![]() |
Tàu của ông Nguyễn Văn Minh cập cảng |
Hỗ trợ ngư dân cơ giới hóa
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, cán bộ phụ trách thủy sản xã Phước Tỉnh: Trên địa bàn xã có khoảng gần 1.000 tàu đánh bắt xa bờ. Hiện nay, do gặp nhiều khó khăn nên có gần 200 tàu đang phải nằm bờ, chủ yếu là tàu lưới kéo do loại tàu này chi phí rất cao. Tình hình khai thác thủy sản gặp khó là có thật, nhưng việc thống kê số tàu nằm bờ khó chính xác. Bởi ngư dân thường nghe ngóng tình hình, khi ngư trường không thuận lợi thì để tàu nằm bờ, khi thuận lợi lại đưa tàu ra khơi. Ở thành phố Vũng Tàu và các địa phương khác trong tỉnh, hàng trăm chủ tàu vẫn đang nghe ngóng tình hình đánh bắt của các tàu ngoài khơi để quyết định ra khơi hay không.
Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ngoài giá nhiên liệu tăng, tỷ lệ cơ giới hóa trên các tàu cá rất thấp nên phải cần nhiều lao động. Người làm bây giờ tìm đã khó, lại còn phải ứng tiền công trước, nhiều chủ tàu không kham nổi, buộc phải để tàu nằm bờ. “Ngư dân nên cơ giới hóa để giảm sức lao động và chú trọng bảo quản hải sản sau đánh bắt để bán được giá, bù đắp chi phí chuyến đi. Đồng thời, ngư dân phải trang bị những thiết bị dò tìm nguồn cá để tránh tình trạng đánh bắt hên xui, rủi ro rất cao như hiện nay”, ông Văn khuyến nghị.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều ngư dân bày tỏ mong muốn Nhà nước có thêm những chính sách hỗ trợ để giúp họ an tâm bám biển. Chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có giải pháp hỗ trợ ngư dân chuyển sang các phương tiện đánh bắt ít tiêu hao nhiên liệu, đồng thời doanh nghiệp hỗ trợ khâu tiêu thụ hải sản, không để thương lái ép giá, bởi hiện nay đa số các tàu cá sau khi đánh bắt về đều bán sản phẩm cho thương lái, ít có doanh nghiệp chế biến nào trực tiếp thu mua.
Đơn cử như tại Phước Tỉnh, đội tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ lên tới hơn 1.000 tàu, hoạt động trên một ngư trường rộng lớn, sản lượng hơn 80.000 tấn mỗi năm, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp chế biến thủy hải sản tầm cỡ nào đặt cơ sở thu mua tại đây. Việc thu mua hải sản phần lớn đều do các thương lái tại địa phương thực hiện, dẫn đến tình trạng một số thương lái liên kết với nhau thu mua hải sản giá thấp và thanh toán tiền rất chậm. Hầu hết các ngư dân sau khi bán hải sản phải chấp nhận đợi từ 1-2 tháng mới nhận hết tiền. Trong khi đó, muốn ra khơi đánh bắt thì mọi chi phí như nhiên liệu, đá lạnh, thực phẩm, nhân công và các vật dụng khác, ngư dân phải thanh toán ngay.
Tại Phước Tỉnh, đội tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ lên tới hơn 1.000 tàu, hoạt động trên một ngư trường rộng lớn, sản lượng hơn 80.000 tấn mỗi năm, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp chế biến thủy hải sản tầm cỡ nào đặt cơ sở thu mua tại đây. |
Hồng Thắm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025