Ngọc Trinh và Nick Vujicic hay bài học về sự kém cỏi của giới truyền thông

07:00 | 26/06/2013

1,626 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sự xuất hiện của Nick tại Việt Nam vừa qua đã làm giới truyền thông không khỏi phải giật mình “tỉnh giấc”. Sự kiện ấy đã cho thấy một điều rằng truyền thông xứ ta còn quá kém cỏi, truyền thông lâu nay cứ mải mê chạy theo những chuyện giật gân câu khách, những sự kiện có nhà tài trợ mà không chú trọng tôn vinh những nhân vật đáng tôn vinh.

1. Người viết bài sẽ không tiếp tục bàn đến chuyện có lãng phí không với con số hàng chục tỉ để mời Nick đến diễn thuyết trong bài viết này. Bởi thực chất chuyện đó vốn không có gì để bàn cãi. Rõ ràng rằng, mang chuyện Nick đến Việt Nam diễn thuyết truyền niềm tin và nghị lực sống cho hàng vạn người để so sánh với số tiền hơn 30 tỉ là quá vô lý.

Tiền là vật chất có thể trực tiếp cân đong đo đếm, nhưng việc vạn người, đặc biệt là những người khuyết tật đang hằng ngày đối diện khó khăn về vật chất, tinh thần, thể xác có thêm những niềm tin và nghị lực sống giúp họ vươn lên trong tương lai qua cuộc gặp gỡ với Nick bằng xương bằng thịt lại là một giá trị tinh thần! Khỏi phải nói, giá trị ấy là vô giá đối với cuộc sống mỗi con người. 

Nếu truyền thông Việt giỏi thì chúng ta đã có rất nhiều "Nick Việt Nam"

Không những thế, thông qua câu chuyện của Nick đến Việt Nam, báo chí truyền thông xứ ta còn có dịp rút ra được một bài học kinh điển cho mình. Đó chính là việc lựa chọn những nhân vật làm nhân vật truyền thông. Nhớ lúc Nick còn đang diễn thuyết ở nước ta, rất nhiều ý kiến cho rằng việc mời Nick đến Việt Nam là một biểu hiện của căn bệnh cố hữu của nhiều người Việt, bệnh “sính ngoại”. Người ta bảo rằng, tại sao phải mời Nick trong khi ở Việt Nam có biết bao nhiêu là tấm gương người khuyết tật giàu nghị lực, thậm chí có nhiều người còn có nghị lực hơn cả Nick!

Sự thật thì đúng là những người khuyết tật nhưng giàu nghị lực, nhưng không chấp nhận đầu hàng nghịch cảnh như Nick ở Việt Nam có không ít. Đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, “hiệp sĩ” công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng… Tất cả họ còn xứng đáng vinh danh hơn, bởi ai cũng biết, mọi điều kiện sống, sinh hoạt, học tập, vui chơi của họ đều thua xa Nick nhưng họ đã vươn lên và làm được những chuyện phi thường.

Song, vấn đề là trong số họ chưa có ai trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng, có tên tuổi đủ sức lan tỏa dù là trong phạm vi lãnh thổ để có thể truyền cảm hứng như Nick, trong khi đáng ra là họ hoàn toàn có thể. Câu trả lời cho điều đáng tiếc ấy chính là bởi vì truyền thông ta kém cỏi, là vì truyền thông ta chưa biết cách để tôn vinh những tấm gương rất đáng tôn vinh như thế!

Sự xuất hiện của Nick làm một bộ phận truyền thông xứ ta phải biết cảm thấy xấu hổ. Lâu nay truyền thông chỉ mải mê chạy theo mục tiêu câu khách rẻ tiền và nhân vật của truyền thông hầu hết là những nhân vật… phản diện. Đó là những tên tội phạm khát máu, những nhân vật “scandal”, những cô nàng người mẫu hớ hênh, phản cảm trong giới giải trí. Truyền thông đang biến những nhân vật ấy trở thành người nổi tiếng, trở thành nhân vật của công chúng chỉ để câu khách, đó là một sự thật.

Trong khi đó thì những nhân vật chính diện, những nhân vật đáng để biểu dương để trở thành những tấm gương sáng cho mọi người thì lại hiếm khi được nhắc đến. Đơn giản bởi vì họ không có những câu chuyện giật gân, gây “sốc” và vì họ không có nhà tài trợ nên không thể trở thành mục tiêu của truyền thông!

Thực tế hiện nay thật khó để chúng ta tiếp cận với những giá trị nhân văn, những tấm gương tốt đẹp trong xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng; bởi nó thường bị che khuất sau những tin bài sự kiện giải trí giật gân, hay cuộc tranh cãi về việc cô người mẫu nọ lộ nội y, tụt váy trong một chương trình chẳng hạn!

2. Nhưng, các phương tiện truyền thông báo chí không có lỗi trong chuyện này, vì truyền thông cũng chỉ đóng vai trò thể hiện những gì người ta viết lên đấy. Chính xác thì đó là lỗi là ở người viết, người làm báo mà điển hình nhất hiện tại là các nhà báo viết mảng Văn hóa giải trí, những người hay làm việc với các chân dài, người đẹp.

Vừa qua, nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, một trang báo có viết một loạt bài về những nhà báo đi làm quản lý, “bầu sô” cho các ca sĩ, người mẫu, diễn viên. Thật ra đây không phải là vấn đề mới mẻ gì, từ nhiều năm nay đã có rất nhiều những cái bắt tay giữa các nhà báo và nghệ sĩ như thế. Vì sao có sự hợp tác ấy? Nói thẳng ra thì một bên là cần “quyền lực” của báo để dễ tiến thân trong giới showbiz, còn một bên vì tiền!

Những phát ngôn sốc, sự hở hang của các người đẹp luôn là tâm điểm của truyền thông

Người của công chúng, nhất là những gương mặt trẻ thì cần người có mối quan hệ sâu rộng trong giới giải trí như với các bầu sô, các nhạc sĩ, đạo diễn… để tiện lợi hơn cho việc liên hệ làm việc phục vụ cho công tác sản xuất các sản phẩm. Đặc biệt nhất, đó là vấn đề quảng bá hình ảnh, sản phẩm của người nghệ sĩ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Với những công việc này, có thể nói, không ai có thể đảm bảo làm tốt được ngoài nhà báo viết mảng giải trí!

Còn phía nhà báo, ai cũng biết rằng công việc viết lách rất mệt óc, lại không phải là nghề để làm giàu! Vì thế có thể nói những ai muốn bám trụ với nghề viết thì cần có lòng yêu nghề mãnh liệt. Song, “tránh làm sao cho khỏi lắm tất son” khi thu nhập hằng tháng của nhà báo kiêm quản lý, “bầu sô” lên đến hàng nghìn USD. Dẫu con số đó chỉ có thể do “nổ” mà ra bởi thực tế thấp hơn nhiều, song nó vẫn đủ sức hấp dẫn với các nhà báo!

Nhưng xin thưa, không phải tất cả những cuộc hợp tác với nghệ sĩ thì những nhà báo đều trở thành người quản lý! Số đông trong đó chỉ đóng vai trò là người làm thuê, chỉ là trợ lý cho các “ngôi sao” mà thôi. Họ thường làm các công việc như nhận sô, lên lịch diễn, liên hệ các đối tác để làm việc… và đặc biệt là công việc “phụ trách truyền thông”. Nói cho oai như thế, song đó cũng chỉ là công việc viết bài thuê, hay cố gắng tìm kiếm chiêu trò gì đó để nhân vật của mình được xuất hiện càng dày đặc trên các trang báo càng tốt.

Trong khi đó, người quản lý đúng nghĩa phải là những người đủ kinh nghiệm, kiến thức về nghề để từ đó hoạch định ra các chiến lược, các kế hoạch dài hơi cho người nghệ sĩ thực hiện. Nhưng, rất nhiều nhà báo, một nốt nhạc cắn đôi còn không biết thì lấy gì để quản lý ca sĩ đây?!

Nói chung, trong cuộc hợp tác với nghệ sĩ, nhà báo đóng vai trò là người làm quảng cáo cho nghệ sĩ là chính, cũng tương tự như người đẹp đi làm quảng cáo cho rượu mạnh vậy! Với phương châm nhân vật của mình phủ sóng trên báo càng nhiều càng tốt, các nhà báo lao vào cuộc chiến thông tin.

Hàng loạt những tin giật gân về hậu trường, những phát ngôn sốc, tố đồng nghiệp, đưa tin đồn thất thiệt bôi nhọ đối thủ… đến những thông tin nhảm nhí kiểu sao hôm nay đi đâu, mặc gì, ăn gì, thậm chí người đẹp nọ mọc cục mụn cũng có thể trở thành tâm điểm của truyền thông… Nói chung bất kỳ thông tin gì của sao cũng đều được đưa lên báo nhờ “quyền lực” của các “quản lý” là nhà báo. Và thảm họa thông tin xuất hiện tràn ngập trên các trang báo hiện nay cũng xuất phát từ lý do đó!

Vì thế, thay vì trách căn bệnh “sính ngoại” của nhiều người, thay vì trách thị hiếu thấp của người đọc… thì chúng ta hãy hỏi lại trách nhiệm của những người làm truyền thông báo chí, những nhà báo đã làm gì để các phương tiện của mình tràn ngập các nhân vật truyền thông là những nhân vật phản diện, trong khi đó thì những tấm gương sáng, những anh hùng… đều vắng bóng!

 

Hoàng Lãm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc