Ngoại cảm – cần tiếng nói công bằng!

14:25 | 31/10/2013

1,931 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong nhiều năm qua, rất nhiều nhà khoa học Việt Nam, rất nhiều tổ chức, cơ quan chuyên ngành đã đầu tư công sức, tiền của để nghiên cứu rõ một lĩnh vực được coi là nhạy cảm, đó là ngoại cảm. Ngoại cảm xét ở khía cạnh nào cũng đều nhuốm màu sắc tâm linh và khi đó nó rất dễ bị lợi dụng. Thực tế hiện nay, các nhà ngoại cảm thực tài chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn ngoại cảm rởm thì không đếm xuể. Làm thế nào để có một tiếng nói công bằng nhất để không uổng phí tài năng và trả lại sự trong sạch cho ngoại cảm?

Hiện nay, ở Việt Nam, chỉ có 3 cơ quan duy nhất được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện chương trình khảo nghiệm các khả năng đặc biệt là: Liên hiệp Khoa học UIA (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) do Tiến sĩ Vũ Thế Khanh làm Tổng giám đốc, Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an do Tiến sĩ Ngô Tiến Quý làm Viện trưởng, Trung tâm bảo trợ Văn hóa Kỹ thuật truyền thống (thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) do Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Phan Đăng Nhật làm Giám đốc.

Công bằng mà nói, trong 20 năm qua, nhiều hiện tượng lạ đã được kiểm định, đánh giá một cách khoa học và đã đóng góp vào việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn.

Đã có hàng chục vạn ngôi mộ thất lạc được tìm thấy bằng khả năng ngoại cảm mà chưa cần đến kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước. Trong số những ngôi mộ ấy có mộ của Tổng bí thư Trần Phú, nhà văn liệt sĩ Nam Cao, Trung tướng Nguyễn Bình, anh hùng Trần Bình, Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ Ngô Duy Phớn, các liệt sĩ tình báo ở tử ngục Chín Hầm, Liệt sĩ tiền bối cách mạng Bùi Văn Thịnh, anh hùng liệt sĩ đoàn tàu không số Nguyễn Văn Hiệu, cùng hàng ngàn liệt sĩ ở trong các hầm mộ chôn tập thể tại Phú Quốc, Quảng Trị…

Phải khẳng định một điều rằng, khả năng ngoại cảm là khả năng có thật của con người. Điều này đã được các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới nghiên cứu và khẳng định trong nhiều năm qua. Ở Việt Nam, chính ông Nguyễn Văn Liên là một trong những nhà ngoại cảm đầu tiên được nghiên cứu, khảo nghiệm và đưa vào ứng dụng. Từ năm 1997, khi chứng kiến những hiện tượng khó giải thích về hiện tượng ngoại cảm, Liên hiệp Khoa học UIA đã có công văn gửi nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cùng Văn phòng Chính phủ về hiện tượng này.

Công văn ấy nêu rõ: Trong cuộc sống thực tế hiện nay đang diễn ra nhiều hiện tượng khác thường khó phân biệt giữa mê tín dị đoan và khoa học như: Đỗ Bá Hiệp, Phan Thị Bích Hằng, Thẩm Thúy Hoàn… Các trường hợp ấy thường có hai chiều đánh giá khen chê ngược nhau, được phản ánh trong dư luận xã hội, do đó cần được nghiên cứu một cách khách quan, khoa học để chỉ ra đúng sai.

Liên hiệp Khoa học UIA đề nghị được tiến hành chương trình trắc nghiệm thực tế với những trường hợp ngoại cảm để tìm ra sự thật. Sau khi khảo nghiệm đưa vào ứng dụng, nhiều nhà ngoại cảm đã rất thành công trong việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. Không những tìm được mộ liệt sĩ, khả năng ngoại cảm còn có thể ứng dụng tìm được người sống bị mất tích hơn 60 năm, xác minh tội phạm của các vụ án hình sự và nhiều ứng dụng trong công tác dự báo, tìm kiếm đắm tàu.

Những thành quả từ hiện tượng ngoại cảm là điều không thể phủ nhận. Liên hiệp Khoa học UIA trong một thời gian dài đã khảo nghiệm và xác định được những nhà ngoại cảm tiêu biểu như: Đỗ Bá Hiệp, Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Thị Nguyện, Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Minh Nghĩa, Trần Văn Tìa, Nguyễn Văn Lư…

Những nhà ngoại cảm được trao Gương Huyền Thông A1000 là: Đỗ Bá Hiệp, Nguyễn Văn Liên, Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Thị Nguyện, Nguyễn Văn Nhã, Vũ Thị Minh Nghĩa, Phạm Huy Lập, Lê Thanh Trong, Nguyễn Văn Lư, Nguyễn Ngọc Hoài, Dương Thị Năng.

Không khó hiểu để nhận thấy rằng, khi một số tài năng được khẳng định thì trong xã hội cũng liên tiếp xuất hiện các hiện tượng tiêu cực, mê tín dị đoan.

Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng trên đường tìm mộ liệt sĩ

Song song với việc làm sáng tỏ những khả năng ngoại cảm có thật và các khả năng đặc biệt khác, chương trình nghiên cứu của Liên hiệp Khoa học UIA cũng đã phát hiện ra hàng trăm đối tượng lừa đảo, hoang tưởng, thậm chí giả danh các nhà ngoại cảm để hành nghề bất chính. Những “tài năng tự phong” mê tín này đang hoành hành tại khắp các địa phương trên toàn quốc, chiếm tỷ lệ trên 90% trong số được khảo nghiệm. Liên hiệp Khoa học UIA cũng đã vạch trần những thủ đoạn lừa đảo của những “dị nhân hoang tưởng” như: phóng chưởng cách không chữa bệnh, hô phong hoàn vũ, đuổi bão ở biển Đông, che mưa cho Hà Nội, khử mùi nước ở Hồ Tây bằng con lắc, xuất hồn đến tháp Ephen, nhập đồng giả danh liệt sĩ, giả danh lãnh tụ, giả danh thánh thần, giả danh Trời, Phật, Bồ Tát…

Thực tế hiện nay, nhu cầu tìm mộ liệt sĩ thất lạc là nhu cầu bức thiết của nhiều gia đình trên khắp cả nước. Lợi dụng tâm lý này, ngoại cảm trá hình, lừa đảo nổi lên ở khắp nơi. Nhiều người dân không có hiểu biết nhiều về lĩnh vực này nghe lời dụ dỗ, xui khiến và làm theo lời nhà ngoại cảm “rởm” một cách rồ dại, mù quáng.

Chính những nhà ngoại cảm bất chính kia đã làm hoen ố hình ảnh của những nhà ngoại cảm chân chính, có khả năng thực sự vẫn đang cần mẫn và thiện tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nơi rừng sâu, núi thẳm.

Làm sáng tỏ ranh giới giữa thực và ảo, giữa đúng và sai, giữa thật và giả trong giới ngoại cảm là một việc cần làm hơn bao giờ hết ngay lúc này. Dư luật cũng cần có một cách nhìn công bằng, thẳng thắn hơn về ngoại cảm; những nhà ngoại cảm có khả năng cần được bồi dưỡng, sử dụng và những nhà ngoại cảm “rởm” cần bị trừng trị, ngăn chặn.

Hải Hậu