Nghịch cảnh dưới chân thủy điện 'treo'

09:00 | 05/05/2021

820 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Người dân xã Phước Năng, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam nhìn đập Thủy điện Nước Chè kỳ vọng khi thủy điện hoàn thành, cuộc sống của họ sẽ đổi thay. Ác nỗi, Thủy điện Nước Chè bị “treo”, hệ thống giếng, lọc nước thay thế nguồn nước “ăn đời ở kiếp” của người dân như lời hứa của chủ đầu tư mãi chẳng thấy đâu...
Nghịch cảnh dưới chân thủy điện 'treo'
Đập thủy điện Nước Chè đang thi công dang dở, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Miền Trung đã vào hè, nhưng đêm ở Phước Năng vẫn lạnh. 4 giờ 30 phút sáng, ông Hồ Văn Tú (xã Phước Năng) đã dậy, mở cửa nhìn sương núi giăng từng đợt thấm đẫm cây cỏ. Thấy khách trở mình, ông Tú bảo: “Cứ ngủ đi, tôi già rồi, ngủ ít, thức dậy chờ trời sáng rồi đi lấy nước”. “Lấy nước” ở đây là xuống phía chân Thủy điện Nước Chè hứng nước ở khe Dút. Thôn 1 xã Phước Năng có 254 hộ với 888 khẩu đều lấy nước uống ở khe này.

Mỗi buổi sáng, buổi chiều, khe Dút đông nghịt người đến lấy nước như một thói quen, người đến trước lấy trước, người đến sau lấy sau, tuyệt đối không chen lấn. 8 giờ sáng, mặt trời lên cao, cây cối xung quanh như héo đi vì nắng, thế nhưng, từ một ống nhỏ cắm thẳng vào đá núi, nước cứ chảy ra mát lạnh. Nước khe Dút, theo lý giải của người dân địa phương, là nguồn nước tinh khiết nhất cho cả làng. Nguồn nước chưa bao giờ bị phèn, bị đục hay bốc mùi, dù nắng nóng, khô hạn cỡ nào cũng không cạn. Nhưng nếu Thủy điện Nước Chè hoàn thành và bắt đầu tích nước thì khe nước này sẽ hoàn toàn biến mất khi chìm xuống dưới lòng hồ thủy điện.

“Người Bhơ-noong thôn này từ trước đến giờ chỉ dùng nước này để ăn uống. Năm này qua năm khác, đời này qua đời khác. Kể cả khi thủy điện khoan giếng cho chúng tôi, cũng không thể giống nước khe này được. Huống hồ họ chỉ hứa vậy thôi, chứ chưa có làm” - ông Tú nói. Cuối tháng 3 vừa qua, những lo ngại về nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân thôn 1 lại dấy lên, hiện hữu cả trong văn bản báo cáo của UBND xã Phước Năng.

Nhiều phương án đã được bàn tính. Nhưng sau cùng, người dân thống nhất phía nhà máy thủy điện sẽ khảo sát, tìm nơi khoan giếng, lắp đặt hệ thống lọc. Nhưng đó chỉ mới là thỏa thuận, vẫn chưa có giếng khoan nào được thi công, nghĩa là nguồn nước mới vẫn chỉ tồn tại trong lời hứa. Người dân nhường đất đai, nhường sông suối mà họ đã “ăn đời ở kiếp” để xây dựng nhà máy thủy điện, nhưng sắp tới, cả thôn với gần 900 con người có thể phải chịu cảnh khát nước ở ngay trên quê hương mình, dù cho phía trên kia là hàng triệu mét khối nước hồ thủy điện. Đó chẳng phải là nghịch lý sao?

Nghịch cảnh dưới chân thủy điện 'treo'
Trưởng thôn Hồ Văn Rương lấy nước từ khe Dút

2. Ba hộ chưa nhận đền bù. Thiệt hại về cầu treo dân sinh gây khó khăn cho việc đi lại của người dân khi thu hoạch mùa màng. Thủy điện hứa nhưng chưa thực hiện việc giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho dân... Đó là những gì mà xã Phước Năng thể hiện trong báo cáo về ảnh hưởng của thủy điện đến đời sống dân sinh, vỏn vẹn chưa đến 10 dòng trên một trang giấy A4. Thế nhưng, tâm tư của bà con thì chắc chắn nhiều hơn thế.

Anh Hồ Văn Rương, trưởng thôn 1, nói: “Năm 2018, thủy điện mang máy móc lên khảo sát, phát mất một vạt chuối của dân, bị người dân phát hiện. Họ từng hứa khi làm bất cứ vấn đề gì phải xin phép chính quyền địa phương, nếu chưa được bà con thống nhất sẽ không đem máy móc đi thi công, nhưng rồi lại làm hư hại hoa màu, khi bà con kiến nghị mới thỏa thuận lại này nọ. Nhưng có những việc thỏa thuận rồi họ cũng chẳng làm”.

Năm 2018, công trình Thủy điện Nước Chè từng vấp phải phản ứng dữ dội của người dân vì chưa đền bù đã ồ ạt mở đường, san lấp mặt bằng. Thời điểm đó, chính quyền huyện Phước Sơn phải ra văn bản yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động thi công các hạng mục dự án thủy điện trong thời gian chờ giải quyết xong các thủ tục liên quan đến đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng.

Tháng 8-2020, một vụ vi phạm pháp luật liên quan đến mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ tại công trình Thủy điện Nước Chè bị phát hiện. 8 đối tượng bị khởi tố hình sự, trong đó có Giám đốc Công ty CP Thủy điện Nước Chè bị bắt giữ để điều tra về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ. Thủy điện dừng lại, công trình dở dang, nhiều người mòn mỏi chờ đền bù cùng với những nỗi lo khác chất chồng về sản xuất và đời sống, nhà tái định cư không phù hợp với thói quen sinh hoạt của người dân, bố trí đất tái sản xuất quá xa...

Trở lại câu chuyện ở Thủy điện Nước Chè, đã có những mảnh rẫy, những mảnh rừng của người dân nằm đâu đó trong quy hoạch thủy điện, một thời gian nữa cũng sẽ nằm dưới hàng triệu mét khối nước, rồi theo đó, nguồn nước sinh hoạt qua nhiều đời cũng sẽ mất đi. Thế nhưng, điều đáng nói là Thủy điện Nước Chè bị “treo”, chưa biết đến bao giờ hoàn thành, tiền đền bù chưa đến tay người dân trong khi sinh kế, cuộc sống người dân cứ bị “treo” dưới chân đập. Người dân thôn 1 đang ở trong tình cảnh “đi cũng dở, ở chẳng xong”.

Ở những vùng núi của tỉnh Quảng Nam này, những bản làng chịu ảnh hưởng của thủy điện như thôn 1 xã Phước Năng không phải là hiếm. Những đồng tiền đền bù vụt đến rồi vụt đi, những bản làng lại tái nghèo chỉ sau vài năm nhận tiền đền bù, còn dòng điện thì hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần làm giàu ở tít một nơi xa nào đó.

Người dân nhường đất đai, nhường sông suối mà họ đã “ăn đời ở kiếp” để xây dựng nhà máy thủy điện, nhưng sắp tới, cả thôn với gần 900 con người có thể phải chịu cảnh khát nước dù phía trên kia là hàng triệu mét khối nước hồ thủy điện. Đó chẳng phải là nghịch lý sao?

Hà Anh

Thủy điện A Vương sẽ xả nước vào các ngày 30/4-1/5Thủy điện A Vương sẽ xả nước vào các ngày 30/4-1/5
Ký kết gói thầu trị giá 2.365 tỷ đồng thi công xây lắp Dự án Nhà máy thuỷ điện Ialy mở rộngKý kết gói thầu trị giá 2.365 tỷ đồng thi công xây lắp Dự án Nhà máy thuỷ điện Ialy mở rộng

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps