Ngày đầu năm Rắn, phiếm luận chuyện con Rồng

06:00 | 01/01/2013

1,847 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Lại một năm qua đi - năm con Rồng. Từ đầu năm ai cũng hy vọng rằng mọi sự sẽ bay lên như Rồng. Nhưng hình như có một sự đảo ngược: thứ mong ước bay lên là kinh tế lại cắm đầu xuống đất. Thứ mong ước cắm xuống là tệ nạn xã hội thì lại... bay lên! Nền kinh tế thế giới suy thoái trầm trọng và không ai dám chắc rằng sang năm con Rắn 2013 sẽ có tia hy vọng nào sáng sủa hơn.

Quả đất tròn bây giờ là một thế giới phẳng và có cảm tưởng như đang là một cơ thể thống nhất. Một quốc gia tận đẩu tận đâu xảy ra suy thoái kinh tế, xảy ra biến động chính trị thì cũng có tác động đến nước ta, hoặc lớn, hoặc nhỏ.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nền kinh tế trong nước khó khăn bộn bề, vậy mà năm nay lạm phát giảm, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 5,3% và điều ngạc nhiên là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, chúng ta đã xuất siêu được khoảng 264 triệu đôla; rồi Việt Nam vươn lên là nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới… Điều này nói lên gì?

Đó là do những định hướng chiến lược của Chính phủ đã thực sự có hiệu quả. Đó là do các bộ, ban, ngành, các cơ quan, tập đoàn kinh tế Nhà nước… đã thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công, tiết kiệm chi phí… Những con số khái quát về sự tăng trưởng và tình hình lạm phát ở Việt Nam trong năm qua thật đáng tự hào.

Cũng năm 2012, có thể nói ngày nào, tháng nào cũng có những sự kiện đáng chú ý

Nghị quyết Trung ương IV về xây dựng và chỉnh đốn Đảng như một luồng gió mát xua đi phần nào nỗi bức bối, bực bội trong đảng viên, trong nhân dân về tình trạng tham nhũng, thoái hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Những cuộc tranh cãi nảy lửa ở Quốc hội về chuyện bỏ phiếu tín nhiệm những người do Quốc hội bầu ra; rồi một loạt những chính sách, biện pháp mới ra đời đã phải sửa chữa ngay do chưa được sự đồng thuận cao của nhân dân như là việc làm chứng minh thư có ghi tên bố mẹ, là việc thực hiện Nghị định 71 về sang tên, đổi chủ phương tiện giao thông… đã thể hiện Đảng, Nhà nước đang nghiêm khắc với chính mình và xu thế dân chủ, có lãnh đạo, có định hướng đang dần dần trở thành một động lực cho sự phát triển của đất nước.

Điều đó cũng cho thấy rằng, Đảng ta ngày càng dân chủ và chúng ta đang theo lời Bác Hồ dạy, đó là không che giấu khuyết điểm. Napolêon có một câu rất hay khi định nghĩa thế nào là người thông minh: “Người thông minh nhất là người biết sửa chữa những thiếu sót của mình một cách nhanh nhất”. Chúng ta đã nhìn thấy những thiếu sót, những khiếm khuyết trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước; những bất cập trong việc ban hành những chủ trương, chính sách và cũng đang sửa chữa quyết liệt. Hy vọng rằng, (lại hy vọng và hy vọng) năm tới việc sửa chữa khuyết điểm sẽ nhanh hơn.

Người ta bảo “năm mới, nói chuyện cũ”, tôi xin kể hầu bạn đọc 2 câu chuyện này.

Chuyện thứ nhất, là vào tháng 3/2008, tôi được tòa soạn cử đi viết bài phục vụ một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đi thăm một loạt các nước châu Âu. Đi cùng đoàn có đến hơn 100 doanh nghiệp lớn, bé các loại, trong đó có khá nhiều đại gia danh tiếng. Một bầu không khí vui vẻ, hồ hởi, phấn khởi bao trùm lên chiếc chuyên cơ. Máy bay cất cánh được khoảng 20 phút, đồng chí lãnh đạo xuống gặp gỡ phóng viên báo chí và các doanh nhân, chuyện trò vui vẻ. Chợt có một đại gia ngồi cạnh, ghé tai tôi nói: “Không biết liệu sếp cười được mấy ngày nữa?”. Tôi ngạc nhiên hỏi anh: “Ông nói thế là thế nào? Sao ông lại bảo sếp cười được mấy ngày?”. Anh ta cười nhạt và bảo tôi: “Quả bóng kinh tế sắp vỡ tung rồi. Thị trường chứng khoán sập đến nơi rồi”.

Tôi ngạc nhiên và bảo: “Thế bao giờ sập?”. Anh ta nói thủng thẳng: “Theo bọn tôi tính toán, không quá nửa tháng nữa”. Thú thật, tôi không hiểu biết gì về kinh tế, đặc biệt là cái thị trường chứng khoán thì tôi càng không biết gì và tôi cũng chẳng quan tâm, bởi lẽ có tiền đâu mà chơi chứng khoán. Vậy nên câu chuyện anh ta nói, tôi để đấy. Nhưng thật bất ngờ, chỉ ba ngày sau đó, thị trường chứng khoán đổ sập.

Ông Tổng thư ký của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vội vàng bay trở về để giải quyết. Trong bữa ăn sáng, tôi gặp lại đại gia đó: “Ông quá giỏi. Không ngờ điều ông nói lại đến sớm thế. Nhưng tại sao ông lại biết?”. Anh ta cười nhạt và bảo: “Hầu như tất cả dân làm kinh tế đều biết thị trường này sẽ vỡ, chỉ có điều chẳng ai nói mà thôi. Tất cả các đại gia đang tìm cách thổi thật to quả bóng chứng khoán này lên để kiếm lời và như thế, ắt đến lúc vỡ”.

Tôi hỏi anh: “Vậy theo anh, Chính phủ sẽ xử lý thế nào đối với vấn đề này?”. Anh ta nói với vẻ dửng dưng như không: “À, các ông Ngân hàng sẽ tham mưu cho Chính phủ là mang tiền ngân sách đi cứu chứng khoán, làm sao để giữ được giá. Nhưng thị trường chứng khoán là như một thị trường cờ bạc. Đổ bao nhiêu tiền vào cũng chẳng có giá trị gì cả. Đây là cách làm theo kiểu cho thằng chết khát uống rượu”. Quả nhiên, mấy hôm sau, tôi đọc thấy thông báo rằng, ngành Ngân hàng bỏ ra 6.500 tỉ để cứu thị trường chứng khoán. Nhưng kết quả thế nào, thì bạn đọc bây giờ thấy đấy. Thị trường chứng khoán xuống dốc từ tháng 3/2008 và bây giờ vẫn tiếp tục đang như “con rắn chui vào hang”.

Lại một câu chuyện nữa, ấy là vào cuối năm 2007, tôi đi viết phóng sự “Quái kiệt trên cao nguyên” - về ông vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ. Tôi có hỏi Đặng Lê Nguyên Vũ rằng, tại sao anh không tham gia thị trường chứng khoán? Nguyên Vũ mở to cặp mắt tròn thô lố và bảo: “Tôi không tham gia thị trường ảo đó. Thị trường chứng khoán hiện nay đang được một số đại gia thổi giá lên và đang tìm cách móc túi người dân. Họ đã lợi dụng tâm lý bầy đàn, sự kém hiểu biết về kinh tế của người dân để làm giàu.

Hơn nữa, họ còn lợi dụng sự mù mờ, không minh bạch trong quản lý kinh tế của Việt Nam để làm giàu. Nhưng rồi còn tôi, còn anh, anh sẽ thấy, chỉ vài tháng nữa thôi, thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ và rồi các đại gia bây giờ đang huyênh hoang vỗ ngực giàu nhất, giàu nhì trên thị trường chứng khoán sẽ đến lúc chẳng còn tiền để mua dây thừng mà treo cổ tự tử đâu”.

Một người nữa là Đỗ Thành Trung - người từng nổi danh ở vùng than Quảng Ninh với việc dập tắt được mỏ than Mông-gioăng (Cẩm Phả) đã cháy âm ỉ suốt từ những năm 40 của thế kỷ trước. Trung cũng là một người có tiếng, bởi cách làm ăn quyết đoán, sáng tạo của mình. Đỗ Thành Trung là ông chủ tư nhân đầu tiên được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc kết nạp Đảng cho Trung là do Ban Tổ chức Trung ương quyết định, còn Tỉnh ủy Quảng Ninh lúc ấy không dám kết nạp cho anh. Bởi lẽ, nếu kết nạp Đảng cho anh thì sai về nguyên tắc, vì anh làm kinh tế tư nhân. Nhưng một người có đóng góp lớn cho tỉnh như vậy, làm kinh tế giỏi, thực hiện các nghĩa vụ về tài chính, quyền lợi của người lao động đầy đủ, thì hà cớ gì người ta xin vào Đảng lại không cho vào? Chẳng lẽ lại cứ kết nạp những người thật nghèo vào Đảng để cho Đảng được “trong sạch” hay sao?

Tỉnh ủy làm báo cáo lên Ban Bí thư, Ban Bí thư giao cho Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương đã đồng ý kết nạp Đảng cho Đỗ Thành Trung. Tôi cũng hỏi Trung rằng, tại sao công ty của Trung đang ăn nên làm ra như vậy lại không phát hành cổ phiếu, không tham gia thị trường chứng khoán… Trung lắc đầu và bảo: “Em không tin được thị trường chứng khoán này. Sớm muộn cũng sẽ sập. Ông anh chớ có dại mà nghe lời chúng nó, bỏ tiền vào chơi chứng khoán đấy nhé”.

Cho đến bây giờ, ngẫm lại những câu chuyện cũ về kinh tế mới thấy rằng, hóa ra rất nhiều doanh nhân đã biết trước tình hình kinh tế này từ lâu và đã có sự chuẩn bị. Chỉ có một nhóm người không biết, hoặc không chịu biết, hoặc biết mà không nói, không cảnh báo - ấy là các nhà quản lý có trách nhiệm quản lý kinh tế và hoạch định chính sách cho kinh tế vĩ mô. Trong một tác phẩm của mình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi đang là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã nói về tình trạng một số cán bộ “nói rồng leo, làm mèo mửa”. Năm 2012, Đảng ta đã tuyên chiến với những loại cán bộ này. Hy vọng rằng, năm 2013, năm con Rắn thì đánh rắn phải biết đánh dập đầu.

Như Thổ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc