"Ngày cưới là ngày vui, không nên biến thành ngày trả nợ!"

11:18 | 10/10/2012

934 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau một tuần, kể từ ngày 3/10, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 11 về việc thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong tổ chức tiệc cưới, người dân Hà Nội đã tỏ ra rất quan tâm đến vấn đề này. Lâu nay, những đám cưới xa hoa lãng phí đã tạo nên không ít những bức xúc trong dư luận xã hội khi đời sống, kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn...

Petrotimes ghi lại một số ý kiến mong mỏi, đóng góp của người dân để Chỉ thị có thể thực sự đi vào cuộc sống:

Lan Hoàng Thảo ([email protected])

Người dân bình thường sẽ khó có thể tổ chức tiệc cưới ở những nơi sang trọng, xa hoa. Thường chỉ những người có điều kiện kinh tế mới tổ chức đám cưới phô trương. Tôi ủng hộ chỉ thị này. Chúng ta nên coi việc tổ chức đám cưới là ngày vui gia đình chứ không phải là ngày trả nợ nhau.

Hằng ([email protected])

Các quy định trên là rất đúng. Nhưng tôi rất mong, quy định được ban hành thì phải được thực hiện triệt để nhằm tránh trường hợp ban hành cứ ban hành còn thực hiện hay không là việc khác. Để thực hiện được thì cần có sự thanh tra, giám sát hàng ngày của các cơ quan chức năng.

Trần Nam ([email protected])

Tôi đang chuẩn bị tổ chức đám cưới cho con và cũng đang hướng tới việc tổ chức chức thật đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả. Đọc chỉ thị mới về thực hiện nếp sống văn minh và TP vừa đưa ra, tôi rất ủng hộ. Quan trọng là con trẻ có hạnh phúc hay không chứ không phải là tiệc cưới to và hoành tráng.

Hùng ([email protected])

Xa hoa, lãng phí trong tiệc cưới là vấn đề đã có từ lâu, vì vậy, quy định trên đưa ra là kịp thời. Tôi rất hy vọng, các đảng viên, cán bộ, lãnh đạo sẽ là những người đi tiên phong trong việc thực hiện các quy định trên khi tổ chức đám cưới cho con em mình.

Thanh ([email protected])

Tôi thấy việc đưa ra quy định trên là rất sáng suốt bởi thời gian qua, nhiều gia đình tổ chức lễ cưới cho con cái rất tốn kém, rình rang, trong khi đất nước ta còn nhiều người rất nghèo khổ. Nếu họ tổ chức cưới ở mức vừa phải và dành một phần tiền cho người nghèo thì tốt biết bao.

Ngô Kim Thuỷ ([email protected])

Tôi rất đồng tình với chỉ thị này. Kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, việc cưới xin tuy là trọng đại của đời người nhưng cũng nên tiết kiệm để tránh lãng phí không cần thiết.

Lê Hương Giang ([email protected])

Đây là chủ trương đúng đắn và kịp thời để người dân kịp dừng lại những việc làm lãng phí trong khi nền kinh tế đang cần sự chi tiêu tiết kiệm để giảm khó khăn chung...

Phạm Huy Trung ([email protected])

Tôi chứng kiến nhiều đám cưới thừa mứa cỗ bàn mà thấy xót xa... Đó là sự xa xỉ không đáng có!

Nguyễn Thuỳ ([email protected])

Đúng là cần có quy định nghiêm ngặt cho việc tổ chức lễ cưới, tôi thấy nhiều khổ chủ "méo mặt" vì lo đám cưới rồi lại trả nợ...

Minh Huệ ([email protected])

Hà Nội vừa ban hành các quy định cụ thể về nếp sống văn minh trong tiệc cưới trên địa bàn là rất thiết thực. Mong rằng các cán bộ, đảng viên, quan chức phải gương mẫu đi đầu, tránh không được “vượt rào”. Với những trường hợp cố tình vi phạm, thành phố cần xử lý thật nghiêm.

Trần An ([email protected])

Rất đúng. Dẫu biết đời người việc cưới là quan trọng nhưng chúng ta phải tổ chức sao cho phù hợp, văn minh. Làm được như vậy tránh được lãng phí và những hệ lụy khác. Xin cảm ơn.

Hải Thanh ([email protected])

Tôi thấy Hà Nội đưa ra Chỉ thị này rất đúng. Hiện nay, việc cưới con của lãnh đạo tổ chức thường là ở nơi sang trọng và tốn kém. Vì vậy lãnh đạo làm gương, đi đầu việc này sẽ thành công.

Hà Thành ([email protected])

Việc này cần phải cán bộ, đảng viên và những người đương chức do có nhiều quan hệ rộng mới cần phải mời nhiều khách, vì vậy những đối tượng này cần đi đầu và làm gương cho nhân dân.

Nguyễn Tuấn ([email protected])

Quả thật, dân ta nên nhìn nhận lại cách thức tổ chức tiệc tùng của ta. Tôi thấy ở nông thôn, nhiều gia đình kinh tế không khá giả gì mà cũng cố để tổ chức đám cưới hoành tráng, cỗ bàn linh đình mấy ngày,... để rồi chính các cặp vợ chồng mới cưới lại vất vả trả nợ.

Thu Phuong ([email protected])

Ý thức tiết kiệm của mỗi cá nhân là chính, tự những người trong cuộc tổ chức tiết kiệm thì những người đi dự đám cưới cũng không cảm thấy áy náy việc phong bì ít hay nhiều.

Nguyen Thang ([email protected])

Tôi nghĩ bắt đầu từ chính những người đảng viên, lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước nên gương mẫu thực hiện trước, rồi mới tạo thành thói quen cho người dân.

Dao Binh ([email protected])

Chủ trương là đúng đắn, tuy nhiên để thực hiện được cần phải có ý thức tự giác của người dân, nhất là cán bộ. Người dân sẽ là người trực tiếp giám sát từng đám cưới thì mới chặt chẽ được.

Nguoinhaque ([email protected])

Ở làng quê, đi đám cưới là vì cái tình, cái nghĩa nhưng ở thành phố, tiêu chuẩn hạnh phúc trong đám cưới phụ thuộc một phần vào “trọng lượng” của phong bì. Với những công chức thu nhập trung bình như tôi, tháng nào liên tiếp phải đi ăn “cơm bụi giá cao” thì thật sự trở thành nỗi khiếp đảm

VTDuc ([email protected])

Chỉ thị này "đánh vào" sự xa hoa, lãng phí trong tổ chức cưới hỏi của dân ta hiện nay, nhất là có quy định cụ thể về số lượng người đi dự đám cưới cũng như địa điểm phô trương. Tuy nhiên, cần phải có sự kiểm tra, giám sát để xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Thanh Ngà ([email protected])

Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu đi đầu trong việc tổ chức cưới hỏi cho chính con em mình. Bởi nhiều đám cưới hỏi của con em các vị lãnh đạo được tổ chức rất linh đình, phô trương, trong đó hàm chứa cả mục đích vụ lợi.

PV (Tổng hợp)