Ngành y tế cũng “phạt cho tồn tại”!

06:33 | 07/11/2013

1,136 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày qua, vụ việc bác sĩ ném xác gây chấn động dư luận nhưng còn một vấn đề bỏ ngỏ là trách nhiệm của những cơ quan quản lý đến đâu. Trong đó, nổi lên trách nhiệm của ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội.

Phát ngôn và trách nhiệm

Vụ việc xảy ra động trời, mọi người đều biết mà ông Cường còn phát ngôn trên báo chí cứ như “người trên trời rơi xuống”: “Do cơ sở y tế hoạt động không phép nên Sở Y tế không có cơ sở để nắm được thông tin. Sở cũng chưa nhận được báo cáo kiểm tra, giám sát cơ sở này của Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng”.

Trong khi đó, ông Cường lại trả lời tỏ ra biết rất rõ: “Hiện nay, TP Hà Nội có 35 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được hành nghề thẩm mỹ như cắt mí, xăm mày... nhưng chưa có cơ sở nào được cấp phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ như nâng ngực, hút mỡ...”. Chỉ có 35 cơ sở thì chắc không đến nỗi lực lượng thanh tra không thể thường xuyên nắm chắc tình hình được. Cái gọi là “không biết” xét cho cùng chính là sự thiếu trách nhiệm, nếu như không muốn nói là vô trách nhiệm của lực lượng thanh tra y tế hiện nay.

Nếu theo dõi tất cả các vụ ồn ào trên báo chí như vụ phòng khám Maria làm chết người, vụ Bệnh viện Mắt tới vụ Cát Tường, người ta thường thấy một “điệp khúc” quen thuộc. Cứ khi xảy ra chết người Sở Y tế lại “kiên quyết thanh kiểm tra” rồi lại… có người chết. Cái vòng luẩn quẩn, “chết người - kiểm tra, xử lý - chết người” cứ lặp đi lặp lại, chưa thấy một cán bộ y tế nào bị kỷ luật, chưa ai bị cách chức. Chắc chắn, những khối u tiêu cực cứ thế sẽ to lên, không hề có sự chuyển biến.

 Ông Cường vẫn tươi cười khi nói về các vụ việc gây chết người khiến dư luận đau xót

Câu hỏi đặt ra ở đây là, Thanh tra Y tế Hà Nội không biết hoặc biết nhưng cố tình làm ngơ? Và họ có bao giờ đi thanh, kiểm tra những cơ sở hoạt động chui lủi như cơ sở Thẩm mỹ viện Cát Tường? Hoặc cơ sở này có ai đó bảo kê cho hoạt động trái phép...?

Sau khi sự việc xảy ra, một chuyện khá “bi hài” nữa đã lộ diện khi cả ông Giám đốc và Chánh thanh tra Sở Y tế đều thi nhau “đổ lỗi” cho quận Hai Bà Trưng. Sự thật thì quận chỉ có thể quản lý về mặt hành chính, còn Sở quản lý về mặt chuyên môn khám chữa bệnh, không thể viện dẫn văn bản nọ kia  để né tránh việc Sở Y tế Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp.

Cũng chính ông Nguyễn Việt Cường cho hay, đối với phòng phẫu thuật thẩm mỹ từ đầu năm tới giờ thanh tra sở đã tiến hành thanh tra được 17 cơ sở. Đối với lĩnh vực khám chữa bệnh, từ đầu năm thanh tra Sở đã tiến hành được kiểm tra được 120 lượt cơ sở. Đình chỉ 5 cơ sở khám chữa bệnh không phép. Xử phạt 40 cơ sở, số tiền 483 triệu. Tuy nhiên, các đợt thanh tra đều trong tình trạng “giơ cao đánh khẽ”, để “con voi chui lọt lỗ kim”. Bằng chứng là như chính ông Cường trả lời báo chí thì lỗi vi phạm chủ yếu là hành nghề không đúng phép; quảng cáo sai; biển hiệu không đúng quy định; không có giấy phép hoạt động...

Cũng trong trả lời của ông Cường, lại “lòi” ra một điều khác khi ông nói: “Không chỉ có Cát Tường mà ngay cả dọc đường Giải Phóng cũng không có phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ nào có phép”. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với thông tin ban đầu ông Cường cho rằng, Phòng Y tế chưa báo cáo nên “chưa nắm được”. Như vậy, là Chánh thanh tra, ông Cường đã nắm rất chắc tình hình các phòng khám, cơ sở y tế trên đường Giải Phóng, có điều ông có muốn xử lý hay không mà thôi.

Kỷ luật Thanh tra Y tế Hà Hội

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội có thể cách chức ngay ông Chánh thanh tra vô cảm này khi ông ta nói: “Dù Sở có chủ động, nhưng nếu cơ sở cố tình vi phạm, biết vi phạm vẫn làm thì Sở cũng không làm gì được?”. Là một Chánh thanh tra, có lực lượng trong tay, có pháp luật quản lý, sao lại có thể nói “không làm gì được” thưa ông Cường? Ông hoàn toàn có thể dùng pháp luật trong tay xử phạt, đóng cửa các cơ sở vi phạm, đề nghị truy tố những nơi gây hậu quả nghiêm trọng? Cái gì vượt quá phạm vi thì kiến nghị phối hợp với những ngành khác và cấp trên. Nếu “không làm gì được” thì tốt nhất ông nên từ chức, sẽ có rất nhiều người có thể “làm gì được”?

Theo chúng tôi, ông Nguyễn Việt Cường đang nhầm lẫn giữa 2 khái niệm “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” và “Giấy phép hành nghề” để rồi ông Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng “Ai cấp phép thì người đó chịu trách nhiệm quản lý; Sở Y tế chỉ quản lý các cơ sở y tế mà mình đã cấp phép!”.

Cần phải phân định rõ khái niệm “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” khác với “Giấy phép hành nghề” để thấy rằng, việc Phòng Tài chính kế toán của Quận Hai Bà Trưng cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho cơ sở kinh doanh của BS Nguyễn Mạnh Tường ở số 45 Giải Phóng là đúng thẩm quyền và loại giấy này không phải là “Giấy phép hành nghề”.

Ngày 25/10, TS. BS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Sở Y tế Hà Nội nói vụ việc gây chết người tại Thẩm mỹ viện Cát Tường không liên quan tới mình là vô trách nhiệm.

Thẩm mỹ viện Cát Tường do Nguyễn Mạnh Tường làm giám đốc, có giấy phép kinh doanh nhưng không có giấy phép khám chữa bệnh mà vẫn tiến hoạt động trên địa bàn Hà Nội thì đây là lỗi của Sở Y tế Hà Nội chứ không thể đổ lỗi cho Bệnh viện Bạch Mai được. Bệnh viện Bạch Mai chỉ chịu trách nhiệm liên đới trong vụ việc đau lòng này, giống như việc “con dại cái mang” vậy. Chứ không phải chịu trách nhiệm về mặt hành chính quản lý nào trong vụ việc này.

Trao đổi với báo chí về trách nhiệm trong vụ việc tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng: “Đây là trách nhiệm quản lý Nhà nước. Do vậy, Sở Y tế Hà Nội với trách nhiệm tham mưu cho UBND thành phố trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực này thì phải có trách nhiệm. Tôi không hiểu vì sao lại chối bỏ? Cơ quan này phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra”.

Tôi cho rằng, UBND thành phố phải xem xét trách nhiệm tất cả lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, những người được phân công lãnh đạo, chỉ đạo làm nhiệm vụ này. Đặc biệt lực lượng thanh tra chuyên trách là phải kỷ luật.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề xuất xử lý nghiêm những đơn vị cá nhân liên quan trong vụ việc xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường để làm gương trong xã hội, trong đó có lực lượng thanh tra. Bà Tiến nói: “Chúng tôi thấy có mấy sai phạm. Thứ nhất, cá nhân bác sĩ Tường cố tình làm sai. Thứ hai, Phòng Tài chính kế hoạch của quận Hai Bà Trưng cấp đăng ký kinh doanh, điều kiện hành nghề. Chức năng của phòng này chỉ được cấp giấy đăng ký kinh doanh nhưng sao lại ghi rõ là phẫu thuật tạo hình, đó là không đúng thẩm quyền. Thứ ba, hiện nay Thanh tra Sở Y tế chỉ kiểm tra những cơ sở được cấp phép hoạt động, nhưng những cơ sở hoạt động chui thì lại không kiểm tra, vậy ai chịu trách nhiệm đối với các cơ sở này?”.

Như vậy là đã rõ, ông Nguyễn Việt Cường không thể mãi trốn tránh trách nhiệm. Trong bài báo tới đây, chúng tôi sẽ phân tích rõ hơn cơ sở của việc cần xử lý kỷ luật, cách chức ông Chánh thanh tra để xảy ra nhiều vụ việc động trời có hệ thống này…

Minh Nam - Công Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc