Ngành Giao thông vận tải năm 2015 - những con số có hồn

07:05 | 25/12/2015

1,164 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2015, ngành Giao thông Vận tải (GTVT) để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, trong đó “điểm sáng” nổi bật ở các vấn đề nóng như tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương); hàng loạt các công trình trọng điểm được đưa vào khai thác, hoàn thành vượt tiến độ; công tác tái cơ cấu doanh nghiệp được thực hiện quyết liệt… Có được những thành công này là do sự đồng lòng của cán bộ, công nhân viên toàn ngành giao thông, đặc biệt là lãnh đạo của người đứng đầu ngành GTVT với những đột phá về tư duy và quyết liệt trong hành động, thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề làm được và khắc phục sửa chữa ngay những thiếu sót. Những đột phá đó đã đem lại nhiều thay đổi cho cuộc sống của người dân và trong sự phát triển kinh tế - xã hội nhiều vùng miền.

Tai nạn giao thông tiếp tục giảm

Trong rất nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, lãnh đạo ngành GTVT đều thừa nhận, để có được con số dưới 9.000 người tử vong vì tai nạn giao thông/năm đáng kinh ngạc này là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Đảng, Chính phủ, bộ, ban, ngành và nhân dân.

Trong 3 năm qua, tai nạn giao thông liên tục giảm trên cả 3 tiêu chí. Số người thiệt mạng đã giảm từ hơn 13.000 người xuống dưới 9.000 người, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên, trong thành quả đó cũng phải nhấn mạnh đến sự kết hợp đồng bộ của các giải pháp như vận động, tuyên truyền người dân tham gia giao thông; xóa bỏ các điểm đen; điểm giao nhau đồng mức giữa đường sắt và đường bộ; xây dựng các hầm chui; siết chặt quản lý phương tiện, đặc biệt là quản lý các xe quá khổ, quá tải, đẩy mạnh phương tiện vận chuyển hành khách công cộng, ứng dụng giao thông thông minh trong quản lý…

nganh giao thong van tai nam 2015 nhung con so co hon

Cây cầu nối những bờ vui

Hình ảnh những em nhỏ phải dậy từ mờ sáng băng rừng, lội suối tới trường, cô giáo chui vào túi nilon qua sông, hay cảnh bà con đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa dùng ròng rọc di chuyển qua dòng nước siết ngay bên dưới đã không còn nữa. Đã có 187 cây cầu mới được xây dựng, ước mơ của người dân 28 tỉnh vùng cao đã được hiện thực hóa, diện mạo của các tỉnh vùng cao phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi. Những con đường quanh co trước kia giờ là những đoạn đường ngắn hơn trên những cây cầu vững chãi.

Năm 2014, người dân nhiều vùng thuộc tỉnh Đắk Lắk chỉ với chiếc ròng rọc móc vào một sợi cáp vậy là có thể di chuyển qua dòng nước chảy xiết ngay bên dưới. Từ buôn làng này sang buôn làng khác, người dân bảo nhau cách làm đó đu qua sông. Người dân đu dây, hàng hóa đu dây và cả vật nuôi cũng đu dây… nếu không đu dây thì chỉ còn cách lội suối.

Mong ước có một cây cầu để qua sông chân không ướt, nỗi nhọc nhằn sẽ vơi đi trên vai cha, niềm cơ cực sẽ tan trên lưng mẹ và đong đầy ánh mắt con trẻ khi đến trường không còn lấm lem. Và rồi, ước mơ có cầu đã thành hiện thực, sau gần 1 năm phát động chương trình “Nhịp cầu yêu thương” với mục tiêu đến năm 2019 xây dựng xong 4.145 cầu treo dân sinh tại vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn đã nhận được cam kết ủng hộ của rất nhiều doanh nghiệp.

Thông xe toàn tuyến Quốc lộ 1

Quốc lộ (QL) 1A từ Hà Nội đến Cần Thơ dài khoảng 1.948km, đi qua 20 tỉnh, thành phố. Trừ các đoạn đã mở rộng qua các thành phố, thị xã và các đoạn đường cao tốc song song, tổng chiều dài đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng QL1A trong giai đoạn 2013-2015 là 1.475 km.

Theo dự kiến, tiến độ việc mở rộng QL1A từ Hà Nội đến Cần Thơ sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2016. Sau khi mở rộng, QL1A đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ sẽ có 4 làn cho xe cơ giới, hai làn cho xe máy và có dải phân cách cứng ở giữa. Tuy nhiên, với sự triển khai quyết liệt từ phía BTVT phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành nơi có dự án đi qua thì việc thi công của các chủ đầu tư, nhà thầu đã được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2015, vượt kế hoạch 1 năm so với thời gian mà Quốc hội giao.

Dải lụa Tây Nguyên

Trong suốt 6 năm thi công QL14, người dân gọi đây là con đường đau khổ. Thế nhưng, một quyết định được đưa ra cho phép huy động vốn ngoài ngân sách, con đường đau khổ trở thành dải lụa ở Tây Nguyên. Hơn 600km QL14 đã làm thay đổi cuộc sống của người dân 5 tỉnh Tây Nguyên.

Trên con đường đau khổ ngày nào giờ đây là niềm vui, nụ cười người dân. Theo ông Trần Việt Hùng - Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, QL14 được đưa vào sử dụng đã nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, giúp người dân tiết giảm được chi phí cũng như thời gian đi chuyển. Với số lượng hàng hóa ước tính trong năm 2014, thì hằng năm tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng.

Thêm 700km đường cao tốc

Sau khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động, người dân từ Hà Nội lên Lào Cai chỉ mất hơn 3 tiếng đồng hồ, thay vì 7 tiếng đồng hồ như trước đây. Và hoàn toàn có thể làm được việc ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở Lào Cai, tối trở về Hà Nội. Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, mỗi ngày có khoảng 20 nghìn lượt ôtô đến với địa phương. Nhờ tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, năm 2015 Lào Cai đón 3 triệu khách du lịch. Cũng nhờ con đường này, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Lào Cai đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ.

Với việc lựa chọn đi tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, mỗi tháng các doanh nghiệp cũng tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn về xăng dầu, các tài xế cũng bớt được thời gian chạy xe trên đường. Theo ông Phạm Văn Tải - Phó giám đốc Công ty CP Vận tải Bộ Tân Cảng, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây từ khi đi vào hoạt động đến nay chưa bao giờ xảy ra tắc đường. Lượng nhiên liệu tiết kiệm được 1/3 so với trước đây. Sau hơn 1 năm đi vào khai thác, hơn 10 triệu lượt xe đã đi qua cao tốc này, tiết kiệm được hơn 4.000 tỉ đồng cho xã hội.

Và mới đây nhất, tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam đã được đưa vào khai thác, nếu như trước đây từ Hà Nội đi Hải Phòng phải mất gần 3 tiếng chạy xe thì giờ chỉ mất gần 1 tiếng. Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước có 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, với nhiều trang thiết bị công nghệ mới hiện đại. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế vùng, rút ngắn khoảng cách giữa thủ đô và cảng biển.

Hãng hàng không 4 sao

Năm 2015 là một năm với nhiều đột phá của ngành hàng không dân dụng. Khi có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ về hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không với các công trình được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo được Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đưa vào sử dụng. Tiêu biểu là Nhà ga hành khách T2 của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài với công suất 10 triệu hành khách/năm, Nhà ga nội địa Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất với công suất 15 triệu hành khách/năm, Cảng Hàng không Vinh với nhà ga và sân đỗ mở rộng được xây dựng mới có công suất 2 triệu hành khách/năm… Trong giai đoạn này, thị trường hành khách hàng không cũng có sự tăng trưởng đột biến với tốc độ tăng trưởng vượt dự báo. Với sự tăng trưởng mạnh của thị trường nội địa, tổng lượng khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 30 triệu khách.

nganh giao thong van tai nam 2015 nhung con so co hon

Ngành hàng không năm 2015 đã có những bước chuyển mình lớn trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ với sự thay đổi, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Thể hiện đồng bộ ở tất cả các khâu của dây chuyền vận chuyển hàng không từ thể chế, chính sách đến đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, quản lý giờ hạ cất cánh, giảm tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến bay cho đến việc phục vụ các nhóm đối tượng khách đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật hay người có công với cách mạng.

Chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không được cải thiện, có nhiều tiến bộ so với năm 2014. Tất cả các khâu dịch vụ của các hãng hàng không như làm thủ tục chuyến bay, dịch vụ lên tàu bay, dịch vụ trên tàu bay cũng như thái độ kỹ năng giao tiếp của nhân viên đều đã được chuẩn hóa với các quy trình. Các hãng hàng không đều đã sử dụng các biện pháp khác nhau để khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của hành khách đối với dịch vụ của hãng cũng như thu thập các ý kiến phản hồi từ phía hành khách để kịp thời xử lý và điều chỉnh hoạt động của mình nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo báo cáo của các hãng, các chỉ số đánh giá từ phía khách hàng cũng như của các phương tiện thông tin đại chúng về dịch vụ của các hãng hàng không như bán vé, đặt chỗ, mặt đất, trên không đều tương đối tích cực.

Đến nay, cuộc sống của người dân, doanh nghiệp và địa phương cũng đều đã đổi thay trên mọi cung đường. Với dịch vụ hàng không giá rẻ, những chuyến bay giờ đã đến với mọi nhà, không phải chỉ những doanh nhân, bà con nông dân chân lấm tay bùn ai cũng có thể trở thành hành khách trên những chuyến bay.

Trong đó, nổi lên là chất lượng dịch vụ mặt đất và trên không được nâng cấp theo tiêu chuẩn 4 sao của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airline). Đây là hãng đầu tiên ở Châu Á - Thái Bình Dương khai thác hai dòng máy bay hiện đại nhất thế giới Airbus A350-900 XWB và giấc mơ bay Boeing 787-9.

Những đường bay đã đưa người dân Việt Nam kết nối với gần 30 quốc gia trên thế giới. Paris, London giờ chỉ còn cách Hà Nội, TP Hồ Chí Minh một giấc ngủ trên bầu trời. Nhà ga hành khách hiện đại được đưa vào khai thác đánh dấu bước chuyển mình tiến lên vị thế mới. Không lâu nữa, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành sẽ thành trung tâm trung chuyển của cả khu vực, tạo động lực cho sự phát triển đất nước.

Cổ phần hóa doanh nghiệp

Cách đây chỉ 2 năm, doanh nghiệp của ngành GTVT bị thua lỗ tới hàng nghìn tỉ đồng, nợ thuế, nợ lương công nhân chồng chất. Con tàu Trần Hưng Đạo,  tài sản vài trăm tỉ cũng phải xếp xó để Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy công bố phá sản. Thế nhưng, một giải pháp đột phá cho đơn vị này là Bộ GTVT trao quyền cho doanh nghiệp tự chọn nhà đầu tư chiến lược khi tiến hành cổ phần hóa.

Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy đã bán được 30% cổ phần, do đó IPO lần đầu tiên đã diễn ra ngoài mong đợi. Không những 100% cổ phần được bán hết mà số lượng người đặt mua thậm chí còn gấp đôi so với số lượng chào bán. Hơn 40 tỉ đồng được đầu tư để sửa chữa đại tu tàu Trần Hưng Đạo. Tổng Công ty đã nhanh chóng nhận được nhiều dự án mới, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng từ đó ổn định dần. Sau khi cổ phần hóa thành công, tái cơ cấu nợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này đã hoàn toàn thay đổi.

Câu chuyện cổ phần hóa không chỉ làm thay đổi bộ mặt của Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy, nhiều doanh nghiệp của ngành GTVT được tái sinh nhờ vào quyết sách này. Được giao chỉ tiêu cổ phần hóa 70 doanh nghiệp, nhưng chỉ trong 4 năm trở lại đây, Bộ GTVT đã cổ phần hóa gấp đôi con số này, đứng đầu các bộ, ngành. Bên cạnh nỗ lực cố gắng của các doanh nghiệp, phải kể đến việc Bộ GTVT đã chủ động đề xuất những cơ chế đột phá. Theo đó, cổ phần hóa công ty mẹ cùng công ty con, đổi từ giao đất sang thuê đất... những cơ chế này đã nhanh chóng giải quyết triệt để vướng mắc của các doanh nghiệp. Nhờ đó, mà 137 doanh nghiệp cổ phần hóa đều về đích sớm so với thời gian quy định. Việc huy động tối đa các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đã được thực hiện với một cơ chế minh bạch, thông thoáng.

Tiết giảm hơn 57.000 tỉ đồng

Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, từ năm 2011 đến nay, Bộ GTVT đã chỉ đạo rà soát 68 dự án, tiết giảm so với tổng mức vốn đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 57.242 tỉ đồng.

Cụ thể, qua rà soát phân kỳ thời gian đầu tư ước tính giảm kinh phí khoảng 13.463 tỉ đồng. Rà soát phân kỳ quy mô đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật ước giảm khoảng 16.245 tỉ đồng. Kiểm định, gia cường để kéo dài thời hạn khai thác của các cầu ước tính giảm khoảng 1.658 tỉ đồng. Rà soát lựa chọn các giải pháp thiết kế hợp lý, tiết kiệm ước tính giảm khoảng 15.942 tỉ đồng.

Đặc biệt, thông qua việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công do đó tiết kiệm được các kinh phí giải phóng mặt bằng, tiết kiệm chi phí dự phòng trượt giá do rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí lãi vay đối với các dự án BOT, tiết kiệm 5% dự toán đối với các dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên) sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ ước tính giảm khoảng 9.934 tỉ đồng.

Ngoài ra, thực hiện việc tiết giảm chi phí đầu tư công, Bộ GTVT đã có nhiều biện pháp để hạn chế chi tiêu từ ngân sách. Cụ thể, trong năm 2014, bằng việc yêu cầu lãnh đạo, nhân viên đi máy bay giá rẻ, Bộ GTVT đã tiết kiệm được hơn 1,7 tỉ đồng…

Điển hình, Dự án QL1A đoạn qua Nghi Sơn, theo kế hoạch sẽ có 12 cây cầu mới được xây dựng nhưng sau khi rà soát nhiều cây cầu chỉ cần tu sửa vẫn sử dụng tốt vì thế chủ đầu tư đã định chỉ xây mới 6 cầu giảm được lên đến 120 tỉ. Nhiều con đường, nhiều cây cầu mới lại tiếp tục được đầu tư xây dựng từ chính số tiền tiết giảm này.

Trảm tướng

Tuyến Nội Bài - Lào Cai là đường cao tốc dài nhất và hiện đại bậc nhất. Trong 3 năm đầu thi công, việc giải phóng mặt bằng rất chậm chạp và dự án có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ. Một giải pháp quyết liệt đã được đưa ra là loại bỏ những nhà thầu yếu kém, thay vào đó là những đơn vị có năng lực tốt. Hàng chục nhà thầu phụ bị thay thế, 8 giám đốc của các nhà thầu bị sa thải… Kể từ đó, tình hình triển khai dự án được thay đổi rõ rệt.

Theo ông Mai Anh Tuấn - Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho hay, một mắt xích yếu kém không đáp ứng được yêu cầu, buộc chúng ta phải đưa ra những giải pháp và những giải pháp đó là cần thiết, bắt buộc, nên làm. Qua những dự án đã làm thì chúng tôi cũng phải rút kinh nghiêm cho những dự án sau. Việc thực hiện chấm điểm để phân loại nhà thầu đã được Bộ GTVT thực hiện cách đây 3 năm, những đơn vị yếu từng bị loại khỏi các dự án sẽ trừ điểm và gặp nhiều khó khăn khi đấu thầu dự án mới. Từ đây, cuộc đua trong quản lý giữa các nhà thầu trở nên gay gắt

Đến nay, số lượng các nhà thầu yếu kém bị xử lý đã giảm dần. Năm 2012 có tới vài chục nhà thầu bị xử lý, đến năm 2014 chỉ còn khoảng chục và từ đầu năm 2015 đến nay hầu như chưa có nhà thầu nào bị xử lý. Điều này góp phần vào thành tích 100% các dự án đã về đích đúng và vượt tiến độ.

Đường hằn lún và thêm trạm thu phí

Hàng loạt các tuyến đường mới thi công xong và đưa vào khai thác sử dụng nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã xuất hiện hằn, lún hư hỏng. Và câu hỏi được nhiều người dân quan tâm đó là, chất lượng thi công của các chủ đầu tư, nhà thầu đã đúng quy trình, tư vấn giám sát có làm việc với trách nhiệm cao nhất? Giải pháp nào để khắc phục thực trạng này?

Nhiều hội thảo về truy tìm nguyên nhân gây hằn lún vệt bánh xe tại nhiều tuyến QL được tổ chức nhưng vẫn chưa truy được “thủ phạm”, thậm chí, ngay cả Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng đặt ra sự nghi ngại về hiện tượng này khi, toàn ngành giao thông đau đầu và ngay bản thân ông nhiều đêm mất ngủ vì mọi người đã cố gắng làm tốt nhưng tại sao vẫn chưa giải quyết được triệt để?

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, ngành GTVT chưa tìm được ra nguyên nhân cũng như chưa có một giải pháp nào hiệu quả để khắc phục triệt để vấn đề nhức nhối này. Nhiều cuộc hội thảo tầm cỡ, nhiều chuyên gia đầu ngành đã vào cuộc, nhiều thử nghiệm đã tiến hành nhưng đường thì vẫn lún! Tất cả các đơn vị đều báo cáo công nghệ áp dụng đúng, đang làm đúng theo tiêu chuẩn thế giới nhưng đường thì càng lún. Vật liệu, do chất lượng nhựa đường đã giao Cienco 4 sang Singapore nhập về thảm lại nhưng đường vẫn bị hằn lún. Có ý kiến nói nguyên nhân do giám sát nhưng giám sát nội, ngoại Cuba ở tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Nội Bài - Lào Cai tư vấn Getinsa của châu Âu cũng lún.

Để khắc phục, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã gay gắt khi nói rằng, GTVT là ngành tiêu nhiều tiền của dân nhất, vì vậy phải tiêu sao cho hiệu quả, xứng với đồng tiền của nhân dân. Bây giờ, các anh không cần theo quy trình, quy phạm. Nếu có giải pháp được, tôi sẵn sàng ký, thậm chí không cần phải trình, miễn là mặt đường không bị hỏng, bảo hành trong 5 năm. Không thể để tình trạng này mấy năm nay càng khắc phục càng lún, trái với quy luật như vậy. Trong khi ai nói cũng đúng hết. Chưa tìm được nguyên nhân phải có biện pháp khắc phục mà trước hết là dừng thu phí đối với những tuyến đường hằn, lún hư hỏng.

Thiên Minh

Năng lượng Mới 485