Ngành dịch vụ phát triển chưa xứng tầm

11:00 | 12/03/2013

3,311 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Khu vực dịch vụ được đánh giá là khu vực trọng điểm cho sự phát triển kinh tế ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt ở nhóm nước phát triển, dịch vụ có thể đóng góp từ 70-80% GDP. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay ngành dịch vụ chỉ đóng góp khoảng 40% GDP, được đánh giá là rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tăng trưởng chưa bền vững

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong 5 năm trở lại đây ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng bình quân 7,49%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn nền kinh tế (6,55%). Tốc độ tăng trưởng của ngành này được đánh giá là không ổn định, thường xuyên bị nhập siêu. Trừ ngành vận tải, bưu điện, du lịch, các ngành dịch vụ chủ chốt gần đây đều tăng trưởng chậm lại: Dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng gặp nhiều khó khăn, dịch vụ tư vấn kinh doanh bất động sản sa sút, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn giảm mạnh.

Điều đáng quan ngại là hai ngành dịch vụ quan trọng tạo tiền đề cho việc nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là khoa học - công nghệ và hoạt động hành chính - dịch vụ hỗ trợ lại có tốc độ tăng trưởng thấp nhất (chỉ tăng trưởng khoảng 4,2-4,8%).

Dịch vụ du lịch ở nhiều nơi được đánh giá là đơn điệu, thiếu sự đầu tư

Tỷ trọng trong GDP của ngành dịch vụ ở nước ta hiện không đạt được theo mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cũng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia. Điều đáng lưu ý, so với nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, thu nhập thấp, kém phát triển, thậm chí đến các nước nghèo tỷ trọng trong GDP của ngành dịch vụ ở nước ta cũng thấp hơn. Đây là điều chúng ta cần nhìn lại để xem xét sự phát triển của khu vực dịch vụ trong những năm qua.

Theo TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, so với 5 năm trước, tỷ trọng của các ngành dịch vụ trong GDP hầu như không thay đổi đáng kể. Đặc biệt, các ngành dịch vụ mang tính chất “động lực” hay “huyết mạch” của nền kinh tế như tài chính - tín dụng, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo chiếm tỷ trọng rất nhỏ, phản ánh chất lượng tăng trưởng không cao.

Ngoài ra, tuy số lượng doanh nghiệp trong ngành dịch vụ tăng nhanh nhưng quy mô còn rất nhỏ và giá trị gia tăng bình quân của một doanh nghiệp dịch vụ đang có xu hướng giảm. Nếu xét theo vốn, đa phần các doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỉ đồng; xét quy mô lao động, số các doanh nghiệp có quy mô lao động 10-49 người, chiếm tỷ trọng cao. Có thể nói, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hiện nay đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Nhìn chung, ngành dịch vụ không thể hiện được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, chưa thực sự có vai trò dẫn dắt tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. So với các nước, quy mô và chất lượng dịch vụ của chúng ta quá thấp; tốc độ chuyển dịch cơ cấu GDP của nền kinh tế theo hướng dịch vụ hóa còn rất chậm, hầu như không có gì biến đổi trong một thời gian dài và tác động lan tỏa rất thấp; thương mại dịch vụ thâm hụt cao, chuyên môn hóa thấp; hiệu quả đầu tư của ngành dịch vụ cũng thấp hơn hiệu quả đầu tư ở ngành sản xuất và ở toàn nền kinh tế.

Mức độ lan tỏa thấp

Theo các chuyên gia, khi xét đến hiệu quả của một khu vực kinh tế, bên cạnh xét đến tốc độ tăng trưởng, đóng góp vào GDP của ngành đó, thì một yếu tố quan trọng cần xét đến là khả năng lan tỏa, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Các chuyên gia cho rằng, một ngành có thể phát triển tốt nhưng nếu không tạo ra sự thúc đẩy, lôi kéo được các ngành khác phát triển hoặc người dân, những thành phần trong xã hội không thể tiếp cận được với ngành đó thì sự phát triển của nó cũng không mang nhiều ý nghĩa.

Ở khía cạnh này, chúng ta thấy điều đáng lo ngại là hệ số lan tỏa của hầu hết các nhóm ngành dịch vụ nước ta đều thấp hơn bình quân chung của nền kinh tế và hệ số này hầu hết đều nhỏ hơn 1 - là mức không tốt đối với sự phát triển của các ngành nghề. Điều đó thể hiện cơ cấu dịch vụ còn thiên về các dịch vụ truyền thống và tiêu dùng cuối cùng, chưa phát triển các ngành dịch vụ có khả năng lan tỏa và lôi kéo các ngành khác phát triển.

Ngành tài chính tăng trưởng “nóng” về quy mô nhưng tỷ trọng trong GDP hầu như không tăng

Có thể lấy ví dụ từ ngành tài chính nước ta, nhìn vào cứ ngỡ trong những năm gần đây ngành này phát triển như “vũ bão”, bởi về quy mô thì ngành tài chính đã tăng gấp 2-3 lần so với 5 năm về trước nhưng nếu xét về tổng đóng góp vào GDP thì hiện nay ngành này cũng chỉ đóng góp khoảng 1,8% GDP, tương đương với mức của 5 năm về trước; tỷ lệ người trưởng thành sử dụng dịch vụ ngân hàng cũng chỉ đạt 29%, thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ này thấp nhất trong khu vực.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, chúng ta không cần có một ngành du lịch phát triển mà các resort xuất hiện dọc theo các bãi biển nhưng người dân không thể tiếp cận được; chúng ta cũng không cần có một hệ thống ngân hàng, một thị trường chứng khoán phát triển một cách bùng nổ đem lại hiệu quả cao cho bản thân những ngành này nhưng thiếu khả năng thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Để sự phát triển thật sự có hiệu quả, ngành dịch vụ phải là đầu vào của các ngành khác, đồng thời ngành dịch vụ cũng sử dụng các ngành khác với tư cách là đầu vào, lôi kéo các ngành khác phát triển.

Theo TS Võ Trí Thành, trong giai đoạn “mở cửa” nền kinh tế hiện nay, sức ép cạnh tranh đối với ngành dịch vụ cũng không quá lớn, các nhà cung cấp nước ngoài tham gia vào thị trường dịch vụ nước ta chưa nhiều, đồng thời do dịch vụ đòi hỏi “giao diện” trong khi đó không ai hiểu người Việt Nam hơn chính người Việt Nam và người Việt cũng được đánh giá là linh hoạt, nhanh nhạy, có truyền thống giao tiếp cẩn trọng, tình cảm... đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành dịch vụ. Tuy nhiên, khu vực dịch vụ ở nước ta lại chiếm tỷ trọng quá thấp, như vậy có nghĩa là dư địa phát triển ở lĩnh vực này còn rất lớn.

Để phát huy tiềm năng của ngành dịch vụ, các chuyên gia cho rằng, cần hiểu rõ vai trò, vị trí của ngành dịch vụ trong thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra giá trị gia tăng để có những định hướng phát triển bền vững cho khu vực này trong thời gian tới, cần nhấn mạnh yếu tố chất lượng của dịch vụ chứ không phải giá cả; thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích các phát minh, sáng tạo trong ngành; đặc biệt, cần nâng cao năng suất lao động, tính chuyên nghiệp trong hoạt động dịch vụ, coi đây là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu.

Mai Phương