Miền Trung ứng phó siêu bão Haiyan

06:00 | 09/11/2013

432 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định đã ra công điện, thông báo chỉ đạo công tác triển khai ứng phó với siêu bão Haiyan.

Bão Haiyan đang đi vào biển Đông.

Cơn bão Hải Yến (Haiyan) hiện nay có cường độ rất mạnh tới cấp 17, giật trên cấp 17. Dự kiến, trong vòng 24 và 36 giờ tới bão tiếp tục di chuyển nhanh với tốc độ 25 đến 30km/giờ theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương chiều ngày 8/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, bão Haiyan được dự báo là siêu bão, một trong những cơn bão có cường độ mạnh nhất trong năm nay. Theo dự báo, cơn bão này sẽ đi vào Biển Đông và ảnh hưởng đến miền Trung nước ta với tốc độ nhanh, diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị cần phải tập trung cao nhất, bằng nhiều giải pháp hạn chế thấp nhất các thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, nhà nước.

Hiện thời vẫn chưa xác định được bão sẽ vào tỉnh nào nhưng toàn bộ các tỉnh từ vĩ độ 14, từ Bình Định trở lên, đến Bắc của miền Trung, Hà Tĩnh và Nghệ An là vùng tâm bão có thể đổ bộ vào. Các vùng từ vĩ tuyến 9 đến vĩ tuyến 17 là vùng hoàn lưu bão sẽ bao phủ có gió giật cấp 7, cấp 8 trở lên, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14 thậm chí giật cấp 15, cấp 16, cấp 17 và biển động cực kỳ nguy hiểm, sóng biển có thể cao từ 10 đến 15m.

Hiện, các tỉnh ven biển miền Trung đã lên kế hoạch sơ tán, di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven sông, ven biển, vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở núi, vùng nguy cơ ngập lụt và khu vực hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Tổng hợp công tác triển khai ứng phó với siêu bão Haiyan tại một số tỉnh thành

Tỉnh Quảng Bình: Đã kêu gọi trên 3 nghìn tàu đánh cá vào bờ; sẵng sàng phương án di dời dân cư ven biển và vùng núi có nguy cơ sạt lở tại các địa phương.

Thừa Thiên Huế:  UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Đến nay, tất cả 1.810 phương tiện tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào nơi neo đậu, trú ẩn an toàn. Toàn tỉnh dự kiến có 29.507 hộ với 113.020 nhân khẩu phải sơ tán, di dời từ vùng nguy hiểm đến nơi an toàn trước khi có bão, lũ đến; riêng khu vực ven biển, theo kế hoạch sẽ sơ tán 11.274 hộ với 50.072 nhân khẩu. Công tác di dời dân được các địa phương, ban, ngành chuẩn bị sẵn sàng và triển khai khi có lệnh của tỉnh. Việc kiểm tra, giằng chống nhà đang được các địa phương, ban, ngành chỉ đạo triển khai. Các đơn vị cũng đã dự trữ 100 tấn gạo; 100 tấn mì ăn liền; 230 ngàn lít xăng, dầu hỏa, diezel; riêng 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới, mỗi huyện dự trữ thêm 30 tấn gạo, 10 tấn muối và các loại nhu yếu phẩm để cứu trợ khi cần thiết. Các địa phương còn hướng dẫn các vùng sâu vùng xa, vùng bị ngập lụt chỉ đạo nhân dân chủ động dự trữ thêm hàng hóa, nhu yếu phẩm... tối thiểu 7 ngày.

Tại âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, đã có hơn 850 tàu thuyền của các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định vào neo đậu, tránh trú bão. Bộ đội biên phòng Đà Nẵng cũng đã liên tục phát đi thông báo để kêu gọi ngư dân biết hướng đi của bão để phòng tránh. Bên cạnh đó, hàng trăm chiến sỹ cũng đã sẳn sàng nhận lệnh, lên đường chống bão.

Quảng Nam: Mưa lớn vẫn tiếp diễn nhiều ngày qua phổ biến ở mức 150- 160mm có nơi 200mm các hồ chưa đã ở mức căng thẳng, các sông xấp xỉ mức báo động 2- 3. Có 46 hồ chứa đã đầy nước và đang tràn tự do, các hồ còn lại cũng đã đạt 80% dung tích. Hiện địa phương này đã liên lạc với 400 tàu, thuyền đánh cá tìm cách neo đậu, trú bão ở đảo Song Tử Tây vì không kịp về. Hiện Quảng Nam còn 1 tàu với 13 lao động chưa liên lạc được. Lãnh đạo tỉnh cũng đã lên kế hoạch sơ tán toàn bộ nhà dân cấp 3-4 ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi; sơ tán các nhà dân ở khu vực gần hồ chứa yếu và các nhà dân có nguy cơ bị sạt lở hoặc lũ quét.

Quảng Ngãi sẵn sàng triển khai phương án di dời, sơ tán 54.050 hộ/216.000 khẩu theo kế hoạch khi có bão ảnh hưởng trực tiếp hoặc gây mưa, lũ lớn. Đặc biệt chú trọng 5.189 hộ/21.370 khẩu có mức rủi ro cao trước ảnh hưởng của gió bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, vùng hạ du công trình thủy điện…

Tại Khánh Hòa, sáng ngày 8/11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, cho biết do ảnh hưởng của ATNĐ trong 2 ngày 6 và 7/11 toàn tỉnh có 1 người mất tích do chìm ghe, 9 ngôi nhà bị sập, 34 ngôi nhà bị tốc mái, sập vách và bị ngập; hoa màu bị ngập hơn 1.300ha, trong đó có hơn 730ha mất trắng, sập hai chiếc cầu…, ước tính tổng thiệt hại 4,2 tỉ đồng.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều nơi đang bị cô lập do nước lũ trên thượng nguồn đổ về. Cụ thể, tại huyện Khánh Vĩnh, cầu tràn Thác Ngựa, cầu nối liền ba xã Liên Sang, Giang Ly, Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh), nước tràn qua cao hơn mặt cầu từ 1 đến 3m, chia cắt các xã.

Tại xã Khánh Hiệp, bờ tràn Cà Thiêu bị ngập hơn 3m nước, hàng trăm hộ dân tại đây bị chia cắt hoàn toàn. Hiện UBND huyện Khánh Vĩnh đã đặt biển báo cấm và cắt cử người túc trực tại những điểm cầu tràn để tránh sự cố đáng tiếc.

Hiện ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa đang khắc phục các sự cố, đồng thời có công điện chỉ đạo ban chỉ đạo phòng chống lụt bão các huyện, thành phố phải sẵn sàng để đối phó với cơn bão Hải Yến đang đi vào biển Đông và có khả năng đổ bộ vào Khánh Hòa và các tỉnh Trung Trung bộ.

Bình Định: Trong 2  ngày 8- 9/11 lực lượng công an toàn tỉnh đã cử toàn bộ lực lượng về các địa phương đôn đốc công tác phòng chống bão; đảm bảo tính mạng nhân dân. Bình Định còn hơn 2 nghìn tàu, thuyền đánh cá với hơn 7 nghìn người đang hoạt động trên biển, trong đó còn 193 tàu đang hoạt động vùng nguy hiểm đã được hướng dẫn đi về phía đảo Hải Nam trú bão, 129 tàu đã thoát nguy hiểm. Địa phương này cũng đã lên phương án di dời trên 22 nghìn hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm nếu bão ảnh hưởng trực tiếp.

 

 

P.V