GS.TS Trần Văn Khê:

“Âm nhạc dân tộc đã giúp tôi hồi sinh”

14:55 | 01/03/2013

1,599 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Từ bỏ trường y khoa để theo phong trào “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, từ bỏ nhạc Tây để quay về với âm nhạc dân tộc, từ bỏ lời mời làm việc ở Canada với mức lương hậu hĩnh để ở lại Pháp hy vọng một ngày quy cố hương và từ bỏ cuộc sống an nhàn về hưu ở Pháp để quay về Việt Nam, đó là GS.TS Trần Văn Khê. Một hành trình dài trong đời ông với nhiều khúc quanh, nhiều cung bậc, nhiều thăng trầm… nhưng cuối cùng với ước nguyện lớn nhất - quy cố hương, sống trong căn nhà thuần Việt để ăn món Việt; nghe giọng nói, tiếng cười, lời chào bằng tiếng Việt; dạy âm nhạc dân tộc và truyền bá âm nhạc dân tộc đã bù đắp 54 năm ly hương của ông.

1. Cách đây không lâu, tôi dự buổi giao lưu biểu diễn giới thiệu đàn tranh Việt Nam và đàn Koto Nhật Bản tại nhà GS.TS Trần Văn Khê. Hôm đó, phía bạn có GS Toshiko Nagasa, nữ nghệ sĩ biểu diễn đàn Koto của Trường Yamada (Nhật Bản) và nghệ sĩ chơi tiêu Kenzan Nagase. Có thể nói, qua những dịp như thế người yêu âm nhạc dân tộc có thêm nhiều kiến thức rất hay, thú vị về các loại đàn, các thể thức âm nhạc truyền thống dân tộc.

Thật thú vị khi nghe các giáo sư diễn giải về nguồn gốc đàn tranh và đàn Koto. Riêng GS Trần Văn Khê thì diễn giải rất cặn kẽ: “Nguồn gốc đàn tranh Việt Nam là đàn “tranh” giống như đàn “sắt” từ Trung Quốc truyền sang nước Việt, có thể từ đời Trần hay trước nữa, dùng trong dân dã dưới dạng 9 dây, 15 dây, 16 dây và từ xưa đến giờ thay đổi kích thước, số dây, từ dây tơ sang dây đồng đến dây thép.Nhưng qua bảy, tám thế kỷ, người nước Việt dùng nó, tạo cho nó một phong cách đặc thù trong thủ pháp, ngón đàn, tay nhấn nhá, trong thang âm điệu thức, trong bài bản. Đàn tranh đã thành nhạc cụ hoàn toàn mang tính dân tộc Việt Nam, vì đã được người Việt ưa dùng, truyền từ đời này đến đời kia hàng bảy, tám trăm năm, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Việt và nói rất rõ ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam”.

GS.TS Trần Văn Khê

Đây cũng chỉ là một trong những lần tôi đến tư gia nhà GS Trần Văn Khê nghe các buổi sinh hoạt thường niên về âm nhạc dân tộc nhưng chưa bao giờ tôi có dịp trò chuyện với ông lâu như lần này. Gần 2 tiếng đồng hồ, tôi như đang chu du cùng ông từ Việt Nam qua Pháp, Nhật, Mỹ… rồi cuối cùng là về Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc dân tộc đã giúp cậu bé Trần Văn Khê mới 6 tuổi đã được cô Ba Viện và cậu Năm Khương dạy đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, biết đàn những bản dễ như “Lưu Thủy”, “Bình Bán Vắn”, “Kim Tiền”, “Long Hổ Hội”.

Cũng vì thế mà ông cho rằng, mình rất may mắn khi được thai giáo từ trong bụng mẹ và “có lẽ nhờ tiếng sáo của cậu năm, tiếng đờn kìm của ba, tiếng đờn Tỳ Bà của ông nội và tiếng đờn tranh của cô ba từ lúc tôi còn là thai nhi đã giúp tôi thấm nhuần và tràn ngập tình yêu đối với âm nhạc dân tộc Việt Nam. Lúc lên 2 tuổi tôi đã biết nhảy nhịp theo tiếng đờn của ông nội, lên 6 tuổi đã biết đờn kìm, lên 8 tuổi đã biết đờn cò, 12 tuổi biết đờn tranh và 14 tuổi biết đánh trống nhạc. Và cho đến mãi sau này, tình yêu âm nhạc dân tộc vẫn luôn chảy tràn trong huyết quản đã tiếp tục giữ tôi trên con đường học hỏi, luyện tập, biểu diễn, sưu tầm, phổ biến và phát huy âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam”.

Có thể nhiều người chưa biết nhiều về GS Khê thì sẽ đinh ninh rằng, được hấp thụ âm nhạc dân tộc từ tấm bé như thế, ắt hẳn ông sẽ chọn con đường âm nhạc dân tộc là nghề nghiệp trong cuộc đời, nhưng đó là chuyện sau này còn khi mới lớn lên ông có một lối rẽ khác.

Nhờ học giỏi và rất thông minh, chàng thanh niên Trần Văn Khê nhận được học bổng và năm 1942 ra Hà Nội học y khoa. Nếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió thì 7 năm sau, ông cầm trong tay tấm bằng bác sĩ, hành nghề y và có thể nuôi sống cả gia đình, nhưng đời đâu nói hết chữ ngờ. Đất nước đang thời loạn lạc, giặc ngoại xâm đang giày xéo quê hương, nhất là trong khoảng năm 1944-1945, nạn đói hoành hành miền Bắc với gần 2 triệu đồng bào chết đói. Chàng sinh viên Trần Văn Khê hằng ngày đi học và chứng kiến cảnh dân lành đói chết dọc đường, lòng xót xa không yên, trái tim như quặn thắt và luôn tự vấn lương tâm, tại sao trong khi bao nhiêu người chết đói mà mình vẫn cắp sách đến trường?!

Cùng lúc đó, các bạn ông là Huỳnh Văn Tiễng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ… dấy lên phong trào “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Chính điều này thúc giục ông tạm gác bút trong 6 tháng và trở về Nam nhưng lại bị đau nặng, chứng sốt rét đã làm sưng lá lách của ông. Trở về Nam, ông cùng Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiễng lập gánh hát sinh viên đi khắp Nam kỳ lục tỉnh hát để có tiền cứu đói cho dân, đồng thời tiếp tục tham gia phong trào thanh niên tiền phong. 

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, chàng sinh viên Khê đi theo kháng chiến nhưng với quan niệm: “Không muốn cầm súng bắn ai và cũng không muốn ai bắn mình”, nên ông không ra chiến trường, may mà bạn Huỳnh Văn Tiễng hiểu ông và để ông luyện tập âm nhạc trong quân đội, khi cách mạng thành công sẽ hát phục vụ cách mạng và gánh hát sẽ có tiền để giúp đỡ một bệnh viện.

Ba sự kiện lớn đó đã góp phần tạo nên bước ngoặc mới trong cuộc đời chàng sinh viên Trần Văn Khê, mãi mãi rời xa y khoa. Nhưng chính nhờ 3 năm học trường y đã giúp ông có kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm đỡ đẻ cho vợ trong một ca sinh khó và đứa con trai Trần Quang Hải chào đời được ông bế đầu tiên. Âu cũng là cái duyên trong cuộc đời ông. Sau này con trai Trần Quang Hải cũng theo nghiệp cha và hiện là giáo sư nhạc học - chuyên gia về âm nhạc Á châu trên thế giới. GS Trần Quang Hải cùng vợ là danh ca Bạch Yến mấy chục năm qua đem âm nhạc dân tộc Việt Nam truyền bá khắp thế giới.

2. Năm 1948, Trần Văn Khê về Sài Gòn hoạt động thì bị địch bắt, rồi lại bị đau nặng. Lúc này bạn bè khuyên ông nên sang Pháp chữa bệnh cùng lý do nữa là đang bị địch theo dõi. Ra đi, xa quê hương ngàn dặm nhưng ông không quên hình ảnh nước nhà đang chìm trong lửa đạn. Do đó, giữa ở lại và ra đi là một sự lựa chọn khó khăn cho chàng trai trẻ lúc này. Qua Pháp chữa bệnh nhưng ông vẫn liên lạc với Hội Việt kiều yêu nước tại Pháp.

Cuộc sống nơi đất khách quê người không hề đơn giản chút nào. Sau khi đỡ bệnh, ông trở lại cuộc sống thường nhật và mưu sinh với nhiều nghề nhưng không hề bỏ trường lớp. Vừa học, vừa viết báo và với tâm nguyện cố gắng học thật giỏi nên hè năm 1951, ông thi đậu tốt nghiệp Trường Chính trị, Khoa Giao dịch quốc tế. Cũng trong năm đó, Liên Hiệp Quốc tổ chức đại hội tại Pháp và họ cần 15 chuyên viên trong lĩnh vực luật quốc tế, Ban Tổ chức về trường chọn và sinh viên Trần Văn Khê là 1 trong 15 chuyên viên đó. Được chọn vì sinh viên Khê là một người năng động, nói được tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt, lại biết chữ Hán.

Nhạc cụ dân tộc trong nhà GS.TS Trần Văn Khê (ảnh: Nguyệt Anh)

Theo lịch trình của Liên Hiệp Quốc thì ngày 1/9/1951, sinh viên Trần Văn Khê chính thức vào làm chuyên viên luật quốc tế cho tổ chức này. Lúc đó, bản thân ông mong rằng: “Vào đó, có thể giúp được cho cuộc kháng chiến của dân tộc”, nhưng oái oăm thay, ngày 15/8/1951 ông bị đau nặng, phải mổ gấp và thế là ước mong có chân trong tổ chức Liên Hiệp Quốc để đại diện cho tiếng nói của dân tộc Việt Nam tan thành mây khói. Bị bệnh nặng, ông phải nằm viện đến 3 năm 2 tháng, quả là thời gian nghỉ ngơi quá lâu đối với một người còn quá trẻ và năng động như ông lúc này.

Nhưng như người ta thường nói “trong cái rủi có cái may”, nhờ thời gian bị chôn chân ở bệnh viện mà chàng sinh viên Khê tự nhìn lại mình và dù cũng có những lúc ông thối chí, chán nản, cảm giác mình như là người bỏ đi và đã cảm thán sáng tác những bài thơ rất bi lụy.

Tuy nhiên, 3 năm “nghỉ ngơi” ở bệnh viện cho ông nhận ra là dường như mình đi sai đường dù bản thân lúc trước ông rất mê nhạc Tây. Trong đó, có sự kiện rất quan trọng giúp ông quay về nguồn là nhờ những bài đàn tranh đi đàn ở tiệm ăn La Paillote mà ông có tiền sống được nơi đất khách lúc khốn khó, rồi được tham gia Liên hoan thanh niên các nước phe xã hội chủ nghĩa ở Budapest - Hunggari và đoạt giải Nhì với tác phẩm âm nhạc dân tộc. Vì thế: “Tôi quyết định trở lại âm nhạc dân tộc và với mong ước, phải làm sao cho cả thế giới biết được âm nhạc truyền thống của Việt Nam nên tôi quyết định làm luận án tiến sĩ về âm nhạc dân tộc Việt Nam”, GS Trần Văn Khê hồi tưởng.

Tháng 6-1958, ông đậu Tiến sĩ Văn khoa - môn Nhạc học của Trường đại học Sorbonne. Đó là một sự kiện vô cùng quan trọng trong cuộc đời GS.TS Trần Văn Khê. Chính bước ngoặt này đã đưa ông về hẳn với âm nhạc dân tộc. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, ông được tuyển vào CNRS (Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học) của Pháp làm việc tại Khoa Âm nhạc học. Con đường phía trước rất thuận lợi, thênh thang và cứ ngỡ ông yên ổn, nào ngờ…

3. Năm 1975, Đại học Ottawa - Canada tặng ông bằng tiến sĩ danh dự và mời ông tham gia tổ chức thành lập Khoa Âm nhạc châu Á, với mức lương hậu hĩnh, cao gấp đôi ở Pháp lúc bấy giờ, kèm theo lời hứa là sau 3 năm sẽ thành công dân Canada.

Cũng năm đó, mùa xuân 1975 nước nhà độc lập, non sông thu về một mối, vì thế nếu ông qua Canada định cư thì con đường quy cố hương xa tít, còn ở lại Pháp thì cơ hội nhiều hơn. Ở lại Pháp hay sang Canada tiếp tục là sự lựa chọn khó khăn lúc này và cuối cùng, GS Trần Văn Khê quyết định ở lại Pháp, chờ ngày trở về. Ước nguyện bao năm xa quê được đền đáp khi năm 1976, ông được Hội Nhạc sĩ Việt Nam mời về nước, cùng lúc này: “Tổ chức UNESCO phái tôi về Việt Nam để tìm tư liệu cho âm nhạc truyền thống có giá trị, ghi âm để làm thành đĩa hát mang nhãn hiệu UNESCO tại Pháp”.

GS.TS Trần Văn Khê và GS Toshiko Nagasa trong buổi giao lưu, biểu diễn giới thiệu đàn tranh Việt Nam và đàn Koto Nhật Bản tháng 9/2012

Về Việt Nam, ra Hà Nội, lần đầu tiên ông gặp ca nương Quách Thị Hồ và dù chưa biết nhiều về loại hình nghệ thuật ca trù nhưng ông rất chịu khó mày mò học hỏi các nghệ nhân, những người bạn và cuối cùng đĩa nhạc về ca trù đầu tiên ra đời, mang nhãn hiệu của UNESCO. Nhờ thế mà thế giới biết đến ca trù Việt Nam và đó là những bước đi đầu tiên để sau này UNESCO vinh danh ca trù là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Rồi nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…

Nhờ những việc làm có ý nghĩa thiết thực mà sau đó GS Khê mỗi năm được về nước một lần trong 2 tháng để nghiên cứu các loại hình âm nhạc dân tộc ở Việt Nam. Nhưng ông còn một mong ước cháy bỏng là làm sao được dạy âm nhạc dân tộc cho sinh viên Việt Nam trên chính quê hương mình. Ước nguyện đó thành hiện thực khi bác sĩ Ngô Gia Huy ở Đại học Hùng Vương - TP HCM mời GS Trần Văn Khê về giảng dạy 2 tháng.

Ông nói mà không kiềm được cảm xúc: “Dù lương ít nhưng tinh thần thì sung sướng không thể tưởng tượng nổi”. Niềm hạnh phúc đó nhân lên gấp bội khi thầy dạy âm nhạc dân tộc Trần Văn Khê nhận một bức thư của cô sinh viên: “Từ trước em rất ghét và dị ứng với âm nhạc truyền thống, mỗi khi nghe đài phát thanh phát âm nhạc truyền thống thì em tắt máy. Khi biết nhà trường bảo học 40 tiết âm nhạc dân tộc, em đã có ý định bỏ học Khoa Du lịch. Nhưng khi được biết người giảng là GS Trần Văn Khê, một người mà em đã có dịp xem vài lần trên Đài Truyền hình và vì hiếu kỳ nên em đã dự các buổi học đó. Qua các bài giảng của thầy, càng ngày em càng khám phá cái hay, cái thú vị của âm nhạc truyền thống. Xin cảm ơn thầy không chỉ trao cho em kiến thức mà còn gieo chất men yêu âm nhạc dân tộc vào tim em”. Chính những bức thư đó là động lực lớn mà thầy Khê ngày càng muốn về hẳn Việt Nam. Nhưng về thế nào, làm sao về và mang toàn bộ tài liệu về nước là cả một vấn đề.

Một lần nữa duyên may lại đến với GS Khê, năm 2002 tham dự Festival Huế, ông gặp Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM Trương Ngọc Thủy. Bà Thủy tâm sự: “Nếu mai này thầy ra đi thì kho tư liệu của thầy có định để lại cho ai không? Và nếu thầy muốn chuyển kho tư liệu về Việt Nam để truyền lại cho thế hệ sau thì con sẽ kiến nghị lên trên cấp cho thầy một căn nhà. Nếu sau này thầy mất thì căn nhà đó thành nhà lưu niệm GS.TS Trần Văn Khê”. Nhưng phải đến 3 năm sau, GS Khê mới có được một căn nhà như mong ước. Rất nhiều lần ghé căn nhà GS Khê, tôi vẫn cứ muốn lưu lại không gian nhà Việt này, phía trước trồng cau, sau thì trồng chuối và trúc.

54 năm ở Pháp, cứ tưởng GS Trần Văn Khê đã là người Pháp khi sống trong không gian văn hóa Pháp, ăn, nói, ở… đều Pháp “hóa”, nhưng nhờ âm nhạc dân tộc, nhờ những cây đàn tranh, đàn bầu, đàn cò; ca trù, quan họ, chèo, tuồng, cải lương, vọng cổ, đờn ca tài tử… đã níu tâm hồn ông trở về quê hương. Và mong ước giúp thanh niên Việt Nam quay về âm nhạc dân tộc vẫn được ông thực hiện hằng tuần, hằng tháng… Vì bất cứ khi nào có cơ hội ông cũng sẵn sàng tổ chức những buổi sinh hoạt âm nhạc dân tộc tại nhà. Mỗi buổi sinh hoạt âm nhạc tại nhà GS Trần Văn Khê luôn thu hút đông đảo người yêu âm nhạc truyền thống, trong đó, có rất nhiều học sinh, sinh viên.

Giấc mơ của GS Trần Văn Khê một lần nữa thành sự thật vì sau một thời gian toàn bộ sách, báo, tài liệu của ông tích góp được trong thời gian sinh sống và làm việc ở nước ngoài được cán bộ Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM xử lý nghiệp vụ; tháng 8/2012 vừa qua, “Thư viện Trần Văn Khê” đã ra mắt bạn đọc.

Ra đi khi tóc còn xanh, trở về khi tóc đã bạc nhưng tâm hồn, tình yêu ông dành cho quê hương, cho âm nhạc dân tộc vẫn vẹn nguyên. Dù biết rằng, sự vẹn nguyên đó là cả một quá trình lao động miệt mài, phấn đấu không ngừng, hay có lúc đứng giữa nhiều ngả của sự lựa chọn nhưng cuối cùng, ông vẫn chọn âm nhạc dân tộc và yêu đến cháy lòng, trân trọng như “thánh đường”. “Âm nhạc dân tộc đã giúp tôi hồi sinh” là lời cảm ơn tự đáy lòng mà ông dành cho quê hương, con người, đất nước Việt Nam.

Thư viện của GS.TS Trần Văn Khê đặt tại 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP HCM với tổng số 3.920 nhan đề sách (6.420 cuốn), 802 nhan đề báo - tạp chí (4.374 bản). Ngoài ra, thư viện còn có bài báo của GS Trần Văn Khê và các bài viết về GS Trần Văn Khê được Thư viện Khoa học Tổng hợp số hóa, tổng cộng có 2.230 file. "Thư viện Trần Văn Khê” là kết quả của đề án "Nhà Trần Văn Khê” do ngành văn hóa TP HCM xúc tiến khi biết GS Trần Văn Khê có nguyện vọng trở về Việt Nam sống những năm cuối đời.


Thanh Thanh