Nếu ngành than còn... “đơn độc”!

07:00 | 20/04/2013

777 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vùng ranh giới quản lý khai thác giữa các đơn vị khai thác chính là nơi than thổ phỉ nhòm ngó nhiều nhất. Lợi dụng thực tế quyền hạn của lực lượng bảo vệ bị hạn chế, quân số mỏng, rất nhiều vụ cướp trắng trợn, khai thác trộm xảy ra ngoài tầm kiểm soát của Vinacomin lẫn địa phương.

Tăng quyền cho lực lượng bảo vệ mỏ

Tổ hợp Công ty TNHH MTV Than Uông Bí (TUB) có khá nhiều đơn vị thành viên. Mỗi thành viên lại phụ trách khác một mỏ khác nhau, nằm rải rác trên địa bàn huyện Đông Triều, huyện Hoành Bồ và thành phố Uông Bí. Trong diện tích hàng chục km2 đang cho khai thác, công ty phải đối mặt với một vấn đề lớn và thường trực - đó là ranh giới mỏ giữa các đơn vị thành viên (đại diện cho Vinacomin - PV) với than lậu, than thổ phỉ. Thống kê nhanh từ Công an TP Uông Bí, chỉ tính từ năm 2009 đến nay đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ phạm pháp hình sự tại khai trường thuộc Vinacomin quản lý. Điển hình là việc khởi tố vụ trộm cắp tới gần 50 tấn than; triệt phá 26 lò khai thác than trái phép. Đặc biệt là trong lần phối hợp cùng lực lượng bảo vệ Công ty TNHH MTV Than Hồng Thái kiểm tra lán trại tại ranh giới mỏ, công an đã phát hiện thu giữ hàng chục khẩu súng tự chế, bộ áo giáp cùng đạn các loại, triệt phá 86 lán trại, giải tỏa 5 điểm thu gom than trái phép.

Thực tế cho thấy, điều kiện phải khai thác hầm lò xa trung tâm, gần rừng núi là nơi nguy hiểm nhất. Nói một cách đơn giản, khi đối tượng lưu manh muốn cướp tài sản cá nhân (chứ chưa nói đến than - PV), chúng cũng thực hiện dễ dàng hơn so với khu vực đô thị hoặc có dân cư nhất định. Ngoài việc lực lượng phòng vệ của các công ty than vừa mỏng vừa ít quyền hạn, còn một vấn đề lớn, đó là đối tượng xâm phạm ngày càng manh động và liều lĩnh. Vấn đề mấu chốt lại nằm ở hậu quả cuối cùng.

Khai trường quá rộng là miếng mồi béo bở của than lậu và than thổ phỉ

“Đối tượng xâm phạm ranh giới mỏ hết sức liều lĩnh, chưa kể được trang bị cả vũ khí thô sơ (súng hoa cải) và... kiến thức chuyên môn trong khai thác than. Điều đó giải thích vì sao, khi cướp than và khai thác trộm than, chúng không chỉ manh động, mà còn mất rất ít thời gian, gọn gàng, tinh vi...”, Phó chánh văn phòng TUB Trịnh Hoài Vũ chia sẻ cùng Báo Năng lượng Mới. “Và dĩ nhiên, khi cán bộ trực của công ty tại khai trường thông tin được về tới đơn vị và chính quyền thì đối tượng đã cao chạy xa bay. Đó là cái khó khăn nhất của chúng tôi. Về số lượng bảo vệ và dân quân, ngành than có thể bổ sung, thậm chí hỗ trợ chính quyền địa phương cho tăng nhanh theo cấp số nhân nếu cần”.

Theo tìm hiểu thực tế của người viết, trong khai trường của một số đơn vị, lực lượng bảo vệ ngành than vô cùng mỏng. Vì quyền lợi của chính mình, người công nhân mỏ cũng có thể tham gia bảo vệ khi đơn vị gặp đối tượng xâm phạm trái phép. Tuy nhiên, không phải ai cũng thể hiện trách nhiệm, bởi nói gì thì nói, họ vẫn trông chờ... chính quyền là chính. Với trọng trách là chủ mỏ trên toàn quốc, chắc chắn ngành than chẳng dại gì thờ ơ với chính quyền sở tại. 100% đơn vị thành viên Vinacomin đều có biên bản thỏa thuận hợp tác ở mức độ nhất định với công an xã, huyện trên địa bàn, bất chấp yếu tố linh hoạt của cơ quan công quyền luôn hạn chế.

Tại ranh giới quản lý mỏ của Xí nghiệp Than Hoành Bồ (Công ty Than Uông Bí) và của Công ty TNHH 45, tình trạng khai thác than trái phép xuất hiện từ đầu năm 2013. Mỗi khi phát hiện dấu hiệu khai thác than trái phép, Xí nghiệp Khai thác than Hoành Bồ đều làm văn bản gửi các cấp, ngành liên quan. Tuy nhiên, ranh giới mỏ thuộc quản lý của nhiều đơn vị như Xí nghiệp Than Đồng Vông, Xí nghiệp Khai thác than Hoành Bồ và Công ty TNHH 45 nên rất khó kiểm soát. Cái khó trong việc ngăn chặn vấn nạn khai thác than trái phép ở đây là do chế tài quá yếu, chính quyền địa phương chỉ có thể phạt hành chính, tiêu hủy các phương tiện giá trị nhỏ mà không được quyền tịch thu các phương tiện tham gia khai thác, vận chuyển than trái phép có giá trị lớn. Thêm nữa, các điểm khai thác ở xa, sâu trong rừng và than tặc thường tổ chức người cảnh giới từ ngoài nên hễ có động là bọn chúng nhanh chân tẩu tán, chính quyền địa phương không thể bắt quả tang khi chúng thực hiện hành vi khai thác than trái phép.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng từng chỉ ra 3 yếu tố bất cập trong quản lý khai thác than giữa địa phương và Vinacomin. Đó là đa số khu vực khai thác nằm rải rác, xen kẽ với các khu dân cư. Cho dù có quy hoạch nhưng người dân chưa được tái định cư, do vậy họ vẫn sống trên than và vì thế họ dễ khai thác trái phép. Kế đó, vùng tài nguyên than nằm xen kẽ với các vùng rừng đặc dụng, rừng bảo hộ, dưới các di sản văn hóa, Chính phủ đã quy định nhưng vẫn để xen lẫn, dễ bị xâm hại. Yếu tố cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, đó là nhiều nơi khai thác than ở vùng núi nhưng vận chuyển ra bến sông, lẫn lộn giữa đường công vụ với đường dân sinh, không có đường chuyên dụng. Khi ra đường quốc lộ, tải trọng của xe chở than rất lớn nên phá đường rất nhanh, không thể có tiền để đầu tư sửa chữa kịp.

Kiểm soát khai trường chặt chẽ

Trong quan điểm điều hành, lãnh đạo Công ty Than Núi Béo luôn chủ động trong việc ngăn chặn từ gốc là tiêu chí cao nhất để bảo vệ ranh giới mỏ. Do đặc điểm ranh giới quản lý tài nguyên rộng tới trên 860ha, trong đó diện tích công ty được cấp phép khai thác chỉ có 378ha, còn lại 482ha nằm xen kẽ trong các khu dân cư thuộc địa bàn các phường Hà Tu, Hà Trung, Hà Phong, nên đây là điều kiện dễ phát sinh những nguy cơ tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Vì vậy, để giữ vững ranh giới mỏ, lãnh đạo công ty xác định kiểm soát chặt chẽ ngay từ khai trường.

Được sự tham mưu của các phòng, ban chức năng thuộc công an tỉnh, công ty đã chủ động xây dựng cho mình các phương án bảo vệ nội bộ mà tiêu biểu là các “mô hình tự quản an ninh trật tự” tại các đơn vị trực thuộc. Hiện nay, mô hình này của công ty đang ngày càng được nhân rộng lên với 5 cụm, 20 ban và 97 tổ tự quản với số lượng lên đến gần 600 tổ viên là các cán bộ, công nhân viên trong công ty. Qua đó đã phát huy vai trò tích cực trong việc bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn tài sản, tài nguyên, cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp các phòng ban chức năng công ty giải quyết kịp thời nhiều vụ việc vi phạm.

Cùng với đó, công tác kiểm soát các phương tiện ra vào khai trường, ngăn ngừa các hoạt động tuồn than trái phép ra bên ngoài cũng được công ty rất coi trọng với những giải pháp mang tính thực tiễn cao như: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, bố trí các trạm bảo vệ và lực lượng tuần tra, canh gác thường xuyên trên các tuyến đường vận chuyển than từ kho đến nơi tiêu thụ. Đặc biệt, công ty đã tiến hành triển khai lắp thiết bị định vị toàn cầu (GPS) trên hầu hết các phương tiện vận tải, xúc gạt hoạt động trên khai trường công ty và thành lập riêng 1 tổ giám sát 24/24 hệ thống này nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Nhờ vậy, trong năm qua tình hình an ninh khai trường của công ty đã cơ bản được giữ vững, không có các hoạt động gây mất an ninh trật tự xảy ra.

Hữu Tùng