Nếu chờ ngân sách Nhà nước thì không có cây số cao tốc nào!

21:23 | 04/01/2016

1,334 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngành Giao thông Vận tải (GTVT) đã đạt được nhiều thành tựu trong giai đoạn 2011-2015, tuy nhiên cần tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện cả nước có hơn 700km đường cao tốc, phải phấn đầu đến 2020 đạt mục tiêu có trên 2.000km đường cao tốc.
neu cho ngan sach nha nuoc thi khong co cay so cao toc nao
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết của ngành giao thông vận tải.

“Nếu chờ ngân sách thì không có cây số cao tốc nào đâu!" -  đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ; Công tác đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; Triển khai nhiệm vụ kế hoạch 2016 do Bộ GTVT tổ chức vào chiều 4/1.

Tổng lực phát triển hạ tầng giao thông

Báo cáo tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, giai đoạn 2011-2015, đã thu hút, ký kết được 6,24 tỉ USD vốn ODA cho 33 dự án (tổng số vốn ODA đã cam kết được đến nay là 18,46 tỉ USD cho 133 dự án).

Cũng trong thời gian này, ngành GTVT đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông lên tới hơn 327.000 tỉ đồng trên tổng số 379.000 tỉ đồng được huy động từ trước tới nay.

Đến hết năm 2015, ngành GTVT đã hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển đã được Nghị quyết 13 xác định.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết thêm, về đường bộ đã đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước) sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch. Hoàn thành nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Đã có 704 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác (vượt 104 km so với mục tiêu Nghị quyết đề ra).

Giai đoạn 2011 - 2015 đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 4.400 km đường bộ và hơn 94.000 m dài cầu đường bộ.

neu cho ngan sach nha nuoc thi khong co cay so cao toc nao
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và chủ trì hội nghị.

Đường sắt, đã triển khai các dự án cải tạo cầu yếu, thông tin tín hiệu. Nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Đường thuỷ nội địa, thông qua nguồn vốn WB5, WB6 đã và đang nâng cấp 1.082 km đường thủy vùng đồng bằng sông Cửu Long và 462 km đường thủy vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhờ đó đã góp phần nâng cao năng lực vận tải đường thủy nội địa.

Trên lĩnh vực hàng hải, đã hoàn thành đầu tư cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và nhiều cảng khác, đưa tổng công suất các cảng từ 420 triệu tấn năm 2011 lên khoảng 470 triệu tấn năm 2015. Đang đầu tư cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu và kêu gọi xã hội hóa đầu tư các cảng và nạo vét, duy tu luồng lạch.

Về hàng không, đã hoàn thành, đưa vào khai thác Nhà ga T2 - Nội Bài và các công trình quan trọng khác ở Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinh, Phú Quốc, Liên Khương, Pleiku, Thọ Xuân, Cát Bi...; cùng với đó là các công trình quản lý hoạt động bay, như Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội, các trạm giám sát hoạt động bay phía Bắc, các trạm radar Sơn Trà, Quy Nhơn... Đưa tổng năng lực của các cảng hàng không từ 42 triệu hành khách năm 2010, lên khoảng 70 triệu hành khách năm 2015.

Về giao thông đô thị, ngành giao thông đã tập trung đầu tư các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị. Đặc biệt ưu tiên là các vành đai Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cùng với tập trung triển khai 6 dự án đường sắt đô thị. Riêng giao thông nông thôn, giai đoạn 2011-2015, đã tiến hành xây dựng mới, nâng cấp được hơn 47.400 km đường giao thông nông thôn, xây mới hơn 15.400 cầu và cứng hóa hơn 220.000km đường giao thông nông thôn…

Hiện, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông cho vùng dân tộc thiểu số với mục tiêu xây dựng 4.145 cầu dân sinh tại 50 tỉnh, thành phố. Hiện đã triển khai và hoàn thành 187 cầu treo dân sinh với tổng vốn đầu tư khoảng 931,7 tỉ đồng trên phạm vi 29 tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng chỉ ra hàng loạt các khó khăn về nguồn vốn ODA dành cho phát triển hạ tầng giao thông ngày càng giảm sút sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Đặc biệt, các hình thức huy động vốn khác bị hạn chế do ảnh hưởng đến quy mô trần nợ công.

Các chính sách về phí sử dụng dịch vụ hạ tầng chậm được đổi mới, chưa có cơ chế bảo lãnh một số rủi ro theo thông lệ quốc tế nên chưa thu hút được các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia đầu tư theo hình thức PPP; thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển hạ tầng còn hạn chế.

Huy động tổng lực nguồn vốn phát triển hạ tầng

Nói về nhiệm vụ từ nay đến năm 2020, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nêu rõ: Đường bộ phấn đấu đến năm 2020 có từ 2.000 km đến 2.500 km đường cao tốc để cơ bản nối thông cao tốc Bắc - Nam; hoàn thành và tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế lớn, kết nối với các cảng biển, sân bay cửa khẩu...

Cùng đó là hoàn thành 601 km đường Hồ Chí Minh để cơ bản nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh; Nâng cấp các quốc lộ thuộc hệ thống vành đai phía Bắc, phía Tây Nam, tuyến nối các cảng biển Việt Nam với các nước láng giềng.

Đường sắt sẽ tập trung nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có. Trong đó ưu tiên tuyến Bắc - Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách và 50 - 60 km/h đối với tàu hàng. Từng bước xóa bỏ các giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt. Nghiên cứu phương án xây dựng mới đường sắt đôi tốc độ cao trên trục Bắc - Nam khổ 1,435 m…

Hàng không sẽ tập trung đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế, đưa tổng năng lực thông qua tại các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm. Triển khai đầu tư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, phấn đấu hoàn thành vào năm 2023.

neu cho ngan sach nha nuoc thi khong co cay so cao toc nao
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Hàng hải tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận tàu container thế hệ mới. Hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ khu bến cảng Lạch Huyện. Khuyến khích đầu tư nước ngoài phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong…

Đồng tình với kết quả của Bộ GTVT đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, 5 năm qua, ngành GTVT huy động nhiều nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng từ trước đến nay với tổng số  327.000/379.000 tỉ đồng, riêng đường bộ huy động được 186.000/202.000 tỉ đồng.

Chặng đường này, nước ta xây dựng nhiều công trình giao thông đồng bộ, hiện đại như cầu Nhật Tân, đường Nhật Tân-Nội Bài, Nhà ga T2… trong khi nền kinh tế đang gặp khó khăn về nguồn vốn, lạm phát tăng. Nguồn vốn ngoài ngân sách là nguồn lực quyết định đầu tư nhất, không chỉ ở đô thị mà còn cả giao thông nông thôn. Nguồn lực ngân sách những năm tới cũng chỉ có hạn, muốn đầu tư đồng bộ hạ tầng thì phải huy động nguồn lực ngoài xã hội trong và ngoài nước vào đầu tư. Muốn làm được thì phải có cơ chế, chính sách, hoàn thiện thể chế.

Để hạ tầng giao thông phát triển hơn nữa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ GTVT tập trung huy động các nguồn lực ngoài xã hội, kết hợp với nguồn lực của Chính phủ để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Nếu chỉ chờ ngân sách Nhà nước thì còn rất lâu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Hệ thống đường cao tốc 5 năm tới làm gần 2.000km, nếu chờ ngân sách thì không có cây số cao tốc nào đâu. Đường sắt cố gắng nâng cao chất lượng hiệu quả theo hướng cổ phần hóa, mạnh dạn huy động nguồn lực xã hội. Riêng khổ đường sắt 1435mm đoạn nào hiệu quả tính toán huy động vốn để làm nhằm hợp lý hóa vận tải hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Chiếm gần 27% cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu về việc thực hiện công tác đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp. Bộ GTVT cũng đã triển khai cổ phần hóa 137 doanh nghiệp Nhà nước trên tổng số 514 doanh nghiệp cả nước (chiếm 26,6%) được cổ phần hóa trong giai đoạn này.

Năm 2015, Bộ GTVT đã hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa và thực hiện đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 33 doanh nghiệp; hoàn thành thẩm định báo cáo quyết toán và bàn giao vốn Nhà nước sang công ty cổ phần đối với 27 doanh nghiệp; hoàn thành thoái phần vốn Nhà nước tại 37 doanh nghiệp, tổng số tiền thoái vốn thu về là 2.398 tỉ đồng; phê duyệt phương án bán cổ phần theo lô để thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các Tổng Công ty như Cienco 5, Cienco 6, Công nghiệp ôtô Việt Nam…

Liên quan đến về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ GTVT trong năm 2016 tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước để nâng chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh cao hơn. Tái cơ cấu doanh nghiệp để phục vụ tốt hơn vì người dân và doanh nghiệp.

Về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Bộ GTVT cùng các ban, ngành và cả hệ thống chính trị đã kiểm soát hiệu quả về tai nạn giao thông, khắc phục một bước về ùn tắc giao thông. Tai nạn giao thông 5 năm trước là 12.000 người chết/năm, nhưng giờ giảm xuống còn hơn 8.000 người chết/năm. Vậy trong nhiệm kỳ 5 năm tới đây có giảm được xuống còn 5.000 hoặc 3.000 tử vong do tai nạn giao thông không?

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc