Nét đẹp lễ chùa đầu năm của người Việt

19:00 | 22/01/2023

|
(PetroTimes) - Ngay sau thời khắc đón Giao thừa, người dân thường tìm về các đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho gia đình với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Theo quan niệm của người Việt, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Người dân Thủ đô lễ chùa cầu an sau đêm Giao thừa Xuân Quy Mão
Người dân Thủ đô lễ chùa cầu an sau đêm Giao thừa Xuân Quý Mão

Cũng có những người đi lễ chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên, nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Nhưng nhìn chung, khi đến cửa Phật, cửa Thánh, hòa vào dòng người hành lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời - đất. Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.

Người dân Việt Nam đi chùa còn để xin chữ đầu năm hay những câu đối có ý nghĩa để đem về nhà treo ở nơi trang trọng nhất, cầu nguyện thành đạt cho cuộc sống và học hành thi cử cho con cái. Đặc biệt, tiếng chuông chùa ngân vang giữa đất trời, khói nhang quyện tỏa, màu sắc đèn hoa và những nụ cười nơi cửa Phật..., tất cả đã tạo nên không khí yên bình, tâm hồn thanh tịnh.

Nét đẹp lễ chùa đầu năm của người Việt
Người dân lễ chùa Quán Sứ

Ông Minh Đức, trú tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội cho biết, năm nào cũng vậy, sau khi hoàn tất nghi lễ cúng gia tiên, cúng thần linh, tại gia đình, việc làm đầu tiên trong năm mới của gia đình ông là phải đến cửa chùa làm lễ. Đây là dịp để ông và người thân của mình mong tìm được sự thanh tịnh và hướng những việc cần phải làm cho năm mới.

“Nhiều người cũng quan niệm đi lễ chùa ngay sau thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ giúp gia đình có được sự an lạc, cả năm may mắn. Tôi muốn các con, các cháu biết được điều này, để chúng biết trân trọng nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình”, ông Đức chia sẻ.

Cửa chùa đất Phật là chốn bình yên, thanh tịnh, bởi thế nên người Việt luôn tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để ước nguyện mà đó còn là thời gian để con người tìm về với chốn tâm linh bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Về nơi cửa Phật, hòa vào dòng người đi lễ đầu năm, giữa không gian thanh tịnh, bất kì ai cũng cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào xuân, sự thành tâm trong lòng mỗi người. Cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân vang cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn con người thanh bình đến lạ.

Trong khói hương trầm bay thoảng, quyện cùng khí xuân trong tiết trời se lạnh. Thành kính chắp tay nơi cửa phật, bác Phạm Thanh Trà, trú tại Lạc Long Long, Tây Hồ cầu chúc mong năm mới gia đình được bình an, sức khỏe, mọi việc được hanh thông. Bác Trà cho hay, theo truyền thống gia đình, sau lễ cúng đêm giao thừa, cả gia đình sẽ cùng nhau đi lễ chùa. “Đầu năm đi lễ chùa là thời khắc để tôi bình tâm nhìn lại một năm đã qua và định hướng cho bản thân trong năm tới. Việc làm này khiến tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, an lạc và bình an, thư thái quên đi những lo toan trong cuộc sống thường ngày".

Nét đẹp lễ chùa đầu năm của người Việt
Các bạn trẻ lễ chùa đầu năm

Đối với các bạn trẻ, đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình mà còn là dịp đi ngắm cảnh, hiểu hơn về truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Bạn Nguyễn Duy Linh (tập thể 28B Điện Biên Phủ, Ba Đình) chia sẻ: "Ngày mùng 1, tôi và người thân thường đi lễ chùa, trước là để vãn cảnh, sau là cầu mong cho bản thân, gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Ở nơi linh thiêng cửa Phật, tôi luôn cảm thấy được thư thái, an yên, được hiểu hơn về văn hóa truyền thống, nét đẹp của dân tộc”.

Đối với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, hương trầm lan tỏa hòa cùng sắc màu của đèn hoa, mới thấy lòng mình lắng lại, thanh thản và nhẹ nhàng hơn.

Minh Châu