Năm 2016: Việt Nam chống tắc đường bằng điện thoại di động

07:00 | 19/03/2015

1,831 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông vào quản lý, điều hành giao thông. Đây là giải pháp có tính hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, nước ta vẫn còn chậm so với các nước và phải đến năm 2016 mới có thể đưa công nghệ vào giám sát trực tuyến giao thông.

Tại Hội nghị “Ứng dụng công nghệ giám sát phương tiện giao thông trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức, diễn ra tại Hà Nội vào sáng 18/3, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, năm 2016, ngành Giao thông Vận tải mới bắt đầu khai thác dữ liệu trong công tác giám sát hành trình nhằm quản lý các loại hình kinh doanh vận tải, bảo đảm an toàn giao thông.

Sơ đồ hệ thống quản lý giao thông thông minh - ảnh minh họa.

Đây là công nghệ nhằm kết nối giữa một bên là giải pháp tổng thể quản lý giao thông với một bên là giải pháp liên quan đến việc sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô và điện thoại di động để giám sát, phân tích trạng thái của giao thông. Từ đó, có thể cung cấp thông tin cho người dùng qua Internet hay điện thoại di động.

Về thực trạng ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, ông Khuất Việt Hùng cho hay, hiện trên các tuyến đường cao tốc, ngành giao thông đã áp dụng hệ thống camera giám sát, triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng. Ngành Đường sắt Việt Nam cũng đã ứng dụng công nghệ bán vé điện tử thông qua mạng Internet. Thành phố Hà Nội đã đưa vào trung tâm điều khiển giao thông, bắt đầu ứng dụng dữ liệu từ camera giám sát trong việc xử phạt vi phạm giao thông.

Tuy nhiên, để có thể ứng dụng giao thông thông minh vào giải quyết đầy đủ các mục tiêu về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thì Việt Nam mới đang chập chững bước đi.

Hiện, Việt Nam đang chậm hơn so với các quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông. Việt Nam chưa thể giám sát trực tuyến giao thông, cũng như chưa thể cung cấp trạng thái giao thông cho người dân thông qua kênh như Internet hoặc điện thoại di động.

Để bắt kịp xu thế, thời gian qua ngành Giao thông Vận tải cũng đã thực hiện nhiều cuộc thảo luận và nghiên cứu các ứng dụng giao thông thông minh của nước ngoài để áp dụng vào Việt Nam. Khi ứng dụng công nghệ mới, chúng ta có thể cung cấp thông tin các tuyến đường để người dân lựa chọn lộ trình trước khi xuất phát, tránh không ùn tắc. Đồng thời, trong quá trình tham gia giao thông, ứng dụng này cho phép chủ phương tiện điều chỉnh tuyến đường đi. Như vậy, trạng thái giao thông sẽ được cập nhật liên tục về mạng lưới giao thông để người dân nắm bắt và có những thay đổi kịp thời.

“Khi đưa công nghệ sử dụng dữ liệu điện thoại di động để giám sát trực tuyến giao thông vào ứng dụng trong đời sống của người dân. Các cơ quan quản lý Nhà nước muốn sử dụng dữ liệu này để cung cấp thông tin cho người dân thì hoàn toàn có thể giải quyết được. Bản thân ứng dụng này được các nhà kinh doanh vận tải, hay Tổng cục Đường bộ Việt Nam áp dụng vào quản lý Nhà nước. Trước mắt, thí điểm tại Hà Nội, sau đó mở rộng ra Đà Nẵng” – ông Khuất Việt Hùng nói.

Thiên Minh (tổng hợp)