Mười năm triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về hội nhập quốc tế”: Nhìn lại để hướng tới tương lai

09:49 | 27/04/2023

253 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 10-3-2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW, “Về hội nhập quốc tế”. Mười năm đã trôi qua, việc cùng nhìn lại để đánh giá tổng thể quá trình triển khai Nghị quyết, rút ra các bài học cho giai đoạn tiếp theo, góp phần đưa đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng, toàn diện vào khu vực và thế giới, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đánh giá quá trình triển khai một nghị quyết là vấn đề lớn và phức tạp, đòi hỏi cần nghiên cứu kỹ lưỡng với sự đóng góp của nhiều bộ, ban, ngành.

Nhiều tư duy mới đi vào cuộc sống

Nếu cho rằng, hội nhập quốc tế là giai đoạn phát triển cao của hợp tác quốc tế, thì Việt Nam đã triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế từ trước khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước (năm 1986). Tuy nhiên, kể từ khi tiến hành đổi mới đất nước, nhất là khi Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN, năm 1995), hội nhập quốc tế của Việt Nam mới dần được đẩy nhanh và mở rộng. Trong quá trình đó, một số văn kiện của Đảng, nhất là Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 27-11-2002, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập kinh tế quốc tế”, đã xác định những biện pháp cụ thể, toàn diện để triển khai hội nhập kinh tế quốc tế. Song, đến Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-3-2013, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế”, các vấn đề cơ bản về tư duy hội nhập quốc tế, nhất là khái niệm, quan điểm chỉ đạo và các định hướng lớn cho hội nhập quốc tế, mới được làm rõ. Mười năm qua, nhiều điểm mới về tư duy, nhận thức về hội nhập quốc tế trong Nghị quyết số 22-NQ/TW đã được triển khai hiệu quả.

Mười năm triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về hội nhập quốc tế”: Nhìn lại để hướng tới tương lai
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel _Ảnh: TTXVN

Về khái niệm, Nghị quyết số 22-NQ/TW khẳng định, hội nhập quốc tế là sự “Nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế”(1). Khái niệm này chỉ rõ ba loại hoạt động hội nhập quốc tế, bao gồm: 1- Tuân thủ “luật chơi”; 2- Tham gia xây dựng “luật chơi”; 3- Tham gia các hoạt động chung của khu vực và quốc tế. Đây là cách tiếp cận dễ hiểu, dễ triển khai và hiệu quả trong việc hướng dẫn “hành vi” cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia hội nhập quốc tế. Thực tiễn hội nhập quốc tế của Việt Nam trong mười năm qua, nhất là quá trình đàm phán, ký kết, nội luật hóa và triển khai thực hiện cam kết đối với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), là minh chứng rõ nét cho thấy Việt Nam luôn nghiêm chỉnh tuân thủ “luật chơi”, tích cực tham gia đóng góp xây dựng “luật chơi”.

Về quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết số 22-NQ/TW nhấn mạnh, hội nhập quốc tế “là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(2). Quan điểm này xác định vị trí quan trọng của hội nhập quốc tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chấm dứt sự do dự trong hội nhập quốc tế vì quan ngại về các tác động tiêu cực đến từ môi trường bên ngoài. Do vậy, quan điểm này đã góp phần tạo nên sự đồng thuận trong nhận thức về tầm quan trọng của hội nhập quốc tế ở Việt Nam mười năm qua.

Quan điểm chỉ đạo cũng nhấn mạnh, hội nhập quốc tế là “sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước”(3). Điều này xác định các chủ thể của hội nhập quốc tế. Theo đó, hội nhập quốc tế là công việc của tất cả các tổ chức và cá nhân, đều có trách nhiệm tham gia và được hưởng lợi ích từ quá trình hội nhập quốc tế. Quá trình đó phải tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Mười năm qua, Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ về hoạt động của các chủ thể đi kèm với việc ra đời của các thể chế ở các cấp độ nhằm phục vụ triển khai Nghị quyết. Ở Trung ương, ngày 24-4-2014, Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế được thành lập. Tiếp đó, Ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội lần lượt được thành lập. Ngày 7-1-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và hơn 50 định hướng thúc đẩy hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực(4). Ở cấp độ địa phương, phần lớn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và triển khai chiến lược hội nhập quốc tế; đồng thời, lồng ghép các hoạt động hội nhập quốc tế vào tất cả các định hướng phát triển của địa phương. Ở cấp độ cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp…, sự phát triển của mô hình “nhà lưu trú” (homestay) là một trong những ví dụ rõ nét nhất. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, tính đến hết năm 2018, cả nước có 3.018 nhà lưu trú, với khoảng 21.000 phòng(5).

Về quan hệ giữa các lĩnh vực hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 22-NQ/TW khẳng định: “Hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế”(6). Tuân thủ quan điểm chỉ đạo này, thời gian qua, hội nhập quốc tế của Việt Nam trong các lĩnh vực khác, nhất là quốc phòng - an ninh, đã từng bước thay đổi theo hướng tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh việc khẳng định: “Hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc”, Nghị quyết số 22-NQ/TW khẳng định nguyên tắc: “… không tham gia vào các tập hợp lực lượng, các liên minh của bên này chống bên kia”(7). Đây chính là giới hạn của hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Mười năm qua, các hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm chỉnh nguyên tắc này. Trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 khẳng định nguyên tắc “bốn không”(8). Đối với các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực, các hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng được triển khai một cách công khai, minh bạch, tránh bị hiểu lầm là “đi với bên này chống bên kia”.

Về các định hướng lớn, nhiều điểm mới trong Nghị quyết số 22-NQ/TW đã được triển khai thành công, đặc biệt là định hướng nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thúc đẩy hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế và các lĩnh vực khác.

Mười năm qua, mặc dù nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực từ bên ngoài, như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, đại dịch COVID-19…, nhưng Việt Nam vẫn nằm ở nhóm đầu các nước trong khu vực về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có quyết sách đàm phán, ký kết và thực hiện cam kết với nhiều FTA, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA).

Triển khai định hướng đưa các mối quan hệ đã được thiết lập đi vào chiều sâu, Việt Nam đã nâng quan hệ với 7 nước lên đối tác chiến lược. Phù hợp với mức độ quan hệ tổng thể, độ sâu và mức độ thực chất trong nhiều lĩnh vực hợp tác với phần lớn các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện cũng được nâng lên. Với mạng lưới quan hệ hiện nay, nếu xử lý tốt và khai thác hiệu quả quan hệ với 17 đối tác chiến lược(9), 13 đối tác toàn diện(10), Việt Nam sẽ có thể duy trì được môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển và bảo vệ an ninh Tổ quốc, cho dù tình hình khu vực và thế giới biến động phức tạp, khó lường.

Đối với hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, điểm mới về định hướng: “… Xây dựng và triển khai kế hoạch gia nhập các cơ chế đa phương khác; trong đó, có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn, như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”(11) đã có tiến triển thiết thực. Tháng 5-2014, hai sĩ quan quân đội Việt Nam đầu tiên đã nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Sudan. Đến nay, Việt Nam đã gửi 512 lượt quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình đến ba phái bộ và trụ sở Liên hợp quốc, trong đó có một bệnh viện dã chiến cấp 2, một đội công binh(12). Tháng 10-2022, ba sĩ quan Công an nhân dân đầu tiên đã tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn lực lượng công an nhân dân tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Các nội hàm của hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế và các lĩnh vực khác, bao gồm cả việc tham gia và áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế, cũng được lồng ghép vào quá trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển trong những lĩnh vực này. Đơn cử như, việc xây dựng các hồ sơ và vận động Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận các di sản, tiếp đó là quá trình thay đổi quy trình, phương pháp bảo tồn và phát huy các di sản, thay đổi lối sống của các cộng đồng dân cư liên quan đến di sản... Mười năm qua, Việt Nam đã có thêm 1 di sản văn hóa vật thể và 8 di sản văn hóa phi vật thể(13) được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Mười năm triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về hội nhập quốc tế”: Nhìn lại để hướng tới tương lai
Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xoè Thái” vào danh sách Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại _Nguồn: chinhphu.vn

Tuy nhiên, không ít tư duy, định hướng mới về hội nhập quốc tế trong Nghị quyết số 22-NQ/TW được triển khai chưa hiệu quả, mang lại kết quả hạn chế.

Một là, Nghị quyết số 22-NQ/TW nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, do vậy, “… Mọi cơ chế, chính sách phải phát huy tính chủ động, tích cực và khả năng sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân”. Theo đó, Nhà nước vừa là chủ thể chính của hội nhập, vừa phải tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát huy tính chủ động, tích cực và khả năng sáng tạo trong hội nhập vào khu vực và quốc tế. Là chủ thể chính của hội nhập quốc tế, mười năm qua, Nhà nước đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ, nhất là trong quá trình Việt Nam tham gia các FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới. Thế nhưng, chức năng khuyến khích và tạo môi trường cho các cá nhân, tổ chức, nhất là doanh nghiệp, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế chưa được thực hiện hiệu quả. Mức độ vươn ra thế giới của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Mười năm qua, chỉ có Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel)(14), Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH (TH True Milk)(15) cùng một số doanh nghiệp Việt Nam khác kinh doanh và đầu tư ra nước ngoài có lợi nhuận.

Hai là, việc thực hiện quan điểm chỉ đạo về gắn kết chặt chẽ giữa hội nhập quốc tế với nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh quốc gia tăng cường mức độ liên kết giữa các vùng, miền, khu vực trong nước… Mặc dù trong những năm qua, sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã tăng lên, nhưng khoảng cách so với các nước trong khu vực chưa được thu hẹp. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và một số tổ chức quốc tế đánh giá, nhiều chỉ số của Việt Nam vẫn đứng sau các nước ASEAN-5, nhất là những chỉ số về chất lượng tăng trưởng, mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII). Nếu quy đổi các cách xếp hạng của WEF từ năm 2013(16)đến năm 2019, có thể thấy, thứ bậc về năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam so với các nước ASEAN không có nhiều thay đổi. Tương tự, mức độ liên kết giữa các vùng, miền, khu vực trong cả nước cũng gia tăng chưa đáng kể. Nghiên cứu mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với khu vực miền Trung đã chỉ ra 8 hạn chế của liên kết vùng, miền, khu vực trong cả nước, bao gồm tất cả các khâu, từ xây dựng và triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển, kết nối và khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng, đến phát triển và sử dụng nguồn nhân lực(17).

Ba là, chủ trương về tăng cường kết nối giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế quốc nội (cả kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân). Có thể xem xét mức độ kết nối thông qua ba tiêu chí: 1- Số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; 2- Tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm; 3- Tỷ lệ các doanh nghiệp hỗ trợ. Chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi tỷ lệ này ở Malaysia, Thái Lan lần lượt là 60%(18). Về tỷ lệ nội địa hóa, dệt may là ngành Việt Nam có thế mạnh nhưng cũng chỉ đạt gần 60%(19), còn ngành ô-tô chỉ đạt 8% - 10%(20). Về tỷ lệ doanh nghiệp hỗ trợ, đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo(21). Đây là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt Nam bị phân tán và có ít cơ hội được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức…

Bốn là, quan điểm chỉ đạo về gắn kết chặt chẽ giữa hội nhập quốc tế với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tính đến năm 2019, Việt Nam có 2/3 lực lượng lao động thiếu kỹ năng về lao động và kỹ thuật; 55% số lượng doanh nghiệp cho rằng, khó có thể tìm kiếm được nguồn lao động chất lượng cao; chất lượng lao động tại các doanh nghiệp có vốn dầu tư nước ngoài không gia tăng. Theo Báo cáo của Công ty TNHH Manpower Việt Nam và Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (ILSSA), lực lượng lao động phổ thông ở các doanh nghiệp có vốn FDI chiếm tỷ lệ cao đặc biệt. Đơn cử như, lĩnh vực lắp ráp ô-tô/xe máy chiếm 71%, may mặc (59%) và điện tử (49%). Trong khi đó, đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên... (nhóm kỹ năng cao) chỉ chiếm chưa tới 1/5 lực lượng lao động. Nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi kết thúc hợp đồng về nước cũng gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Theo nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), có đến 3/4 số lượng người lao động Việt Nam - tỷ lệ cao nhất trong các nước khu vực - kết thúc hợp đồng lao động ở Nhật Bản về nước không tìm được việc làm(22).

Mười năm triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về hội nhập quốc tế”: Nhìn lại để hướng tới tương lai
Sản xuất ô tô du lịch tại nhà máy lắp ráp ô tô Ford Hải Dương _Ảnh: TTXVN

Năm là, triển khai định hướng “Tích cực tham gia các thể chế hợp tác về môi trường, đóng góp vào nỗ lực chung phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, nguồn nước, động vật, thực vật ở nước ta và trên thế giới”. Trong khi Việt Nam tham gia tích cực các thể chế hợp tác quốc tế về lĩnh vực môi trường, đặc biệt là cam kết không còn rác thải nhựa dùng một lần vào năm 2025(23) và mới đây nhất là cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, thì quá trình nội luật hóa và triển khai các cam kết của Việt Nam chưa có nhiều biến chuyển. Mười năm qua, cùng với sự gia tăng của quá trình hội nhập quốc tế, các vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, nhất là tại các khu công nghiệp, các làng nghề, thành phố lớn. Theo Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Việt Nam là một trong 5 nước đứng đầu thế giới về xả rác thải nhựa xuống biển(24).

Thách thức đối với tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian tới

Thế giới đang chuyển sang một cục diện mới: cục diện hậu đại dịch COVID-19, hậu xung đột Nga - Ukraine. Quá trình chuyển đổi mang lại cho tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam cả cơ hội lẫn thách thức. Có thể nêu bốn thách thức chính được cho là sẽ tác động đến tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0). Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra không ít thách thức đối với tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, thể hiện trên ba khía cạnh chủ yếu: Một là, các doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu do năng lực và mức độ sẵn sàng còn thấp. Theo khảo sát của Bộ Công Thương phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đa số các doanh nghiệp Việt Nam còn đứng bên ngoài cuộc cách mạng này, tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh; ít áp dụng các công nghệ tiên tiến; hầu hết các doanh nghiệp hiện nay chưa xây dựng và triển khai chiến lược Cách mạng công nghiệp 4.0(25). Hai là, cơ hội thu hút FDI của các doanh nghiệp Việt Nam có thể giảm so với trước đây. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng chuyển các nhà máy về gần với thị trường tiêu thụ sẽ giảm dần tính hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút FDI. Quan trọng hơn, xu hướng này còn tác động tiêu cực tới các dòng vốn đầu tư dài hạn - nguồn lực quan trọng để Việt Nam gia tăng năng lực sản xuất, xuất khẩu và học hỏi công nghệ, kỹ năng quản lý. Ba là, nhiều cơ hội việc làm của người lao động Việt Nam sẽ bị thay thế bởi máy móc và rô-bốt (người máy) cùng xu hướng chuyển đầu tư, chuỗi cung ứng sản xuất về gần theo khoảng cách địa lý đối với thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, xu thế toàn cầu hóa. Có thể xem toàn cầu hóa là một quá trình kép, bao gồm: 1- Quá trình quốc tế hóa ở phạm vi toàn cầu, trên mọi mặt của đời sống nhân loại, chủ yếu do các tập đoàn đa quốc gia thúc đẩy; 2- Quá trình thể chế hóa các mối quan hệ toàn cầu thành các thỏa thuận giữa các quốc gia. Hiện có nhiều minh chứng cho thấy, xu thế toàn cầu hóa tuy không còn diễn ra mạnh mẽ như trước, nhưng vẫn tiếp tục, cho dù bị tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và các lệnh cấm vận kinh tế đối với Nga và Trung Quốc; quá trình thể chế hóa các mối quan hệ toàn cầu bị chậm lại, các vòng đàm phán trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tiếp tục bế tắc do mâu thuẫn, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Nhìn tổng thể, sự chậm lại của quá trình toàn cầu hóa còn do tác động của chủ nghĩa dân tộc, trào lưu phản toàn cầu hóa và xu hướng “tự chủ”, “tự chủ chiến lược” nổi lên bởi một số nguyên nhân, như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Toàn cầu hóa chậm lại tác động tới các nước ở mức độ khác nhau. Đối với Việt Nam, toàn cầu hóa vừa là động lực, vừa là môi trường cho hội nhập quốc tế. Do đó, Việt Nam vẫn có thể hội nhập quốc tế hiệu quả nếu khai thác tốt các cơ hội từ các FTA và quan hệ với mạng lưới 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện hiện có.

Thứ ba, về quan hệ giữa các nước lớn. Trong 5 - 10 năm tới, các nước lớn tuy vẫn hợp tác, nhưng mức độ cạnh tranh, thậm chí đối đầu, căng thẳng được dự báo sẽ nhiều hơn so với giai đoạn 5 - 10 năm qua, nhất là những vấn đề liên quan đến địa - chính trị, an ninh - quân sự, khoa học - công nghệ…, tại các khu vực, như châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Nga, sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt thêm 10.608 lệnh trừng phạt lên các tổ chức và cá nhân người dân Nga(26). Đối với Trung Quốc, chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden là “cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể, đối đầu khi bắt buộc”(27). Về phía Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Mỹ J. Biden cùng hầu hết các nhà lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính quyền và Quốc hội Mỹ(28). Tương tự, tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố chống chủ nghĩa bá quyền và “sẵn sàng đương đầu với sóng to, gió lớn và thậm chí là cả những cơn bão nguy hiểm”(29). Từ góc độ thách thức, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc, vừa gây khó khăn cho Việt Nam trong quá trình thúc đẩy quan hệ với từng nước, vừa làm suy giảm cách tiếp cận đa phương, các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương mà nước ta đã và đang tham gia.

Nền kinh tế thế giới cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với giai đoạn trước. Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng khoảng 2,7% - mức thấp nhất kể từ năm 2001 (trừ giai đoạn xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009 và đại dịch COVID-19), lạm phát có thể gia tăng nhanh và kéo dài ít nhất đến hết năm 2024, nhiều nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái(30). Thương mại, đầu tư quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19 tiếp tục chịu thêm tác động tiêu cực bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine. Đồng thời, các chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu vốn đứt gãy lại đứt gãy thêm và càng khó phục hồi. Các nước lớn (nhất là Mỹ và Trung Quốc) nhiều khả năng có thể điều chỉnh quan hệ với nhau, nhưng tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đến nền kinh tế thế giới vẫn sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới. Do đó, các mục tiêu hội nhập quốc tế để gia tăng thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển đổi mô hình tăng trưởng,… của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW trong bối cảnh mới

Với chức năng là văn bản định hướng quá trình hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 22-NQ/TW đến nay vẫn còn nguyên giá trị; tuy nhiên, để hiện thực hóa được mục tiêu cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại vào năm 2030, trở thành một nước phát triển có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á vào năm 2045, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam cần tiếp tục được thúc đẩy và triển khai hiệu quả hơn, trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, toàn diện về những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân trong triển khai Nghị quyết 10 năm qua và định liệu những quyết sách cần thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, cần chú trọng một số nội dung:

Một là, cần khẳng định, thực chất hội nhập quốc tế của Việt Nam vẫn là nghiêm chỉnh tuân thủ “luật chơi” và tham gia xây dựng “luật chơi”. Điểm khác trước là giai đoạn tới đây, Việt Nam sẽ tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào việc xây dựng “luật chơi” phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam; theo đó, tích cực, chủ động hơn trong các “sân chơi” khu vực và toàn cầu; đưa ra các sáng kiến và sẵn sàng đóng góp nguồn lực (kể cả nguồn lực tài chính) vào việc giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.

Hai là, nỗ lực phát huy vai trò trung tâm của người dân và doanh nghiệp. Hội nhập quốc tế chỉ thành công khi việc áp dụng các quy tắc và luật lệ chung trở thành văn hóa tự giác của mọi tổ chức cá nhân, nhất là người dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh sự đứt gãy các chuỗi cung ứng và các cú sốc từ bên ngoài trở nên thường xuyên hơn, sự tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo của người dân và doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hiệu quả và sự bền vững của hội nhập quốc tế.

Mười năm triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về hội nhập quốc tế”: Nhìn lại để hướng tới tương lai
Thử nghiệm mô hình đào tạo lái xe trong sân bay sử dụng thực tế ảo tại Triển lãm quốc tế hàng không Việt Nam 2022 _Ảnh: TTXVN

Ba là, tăng cường kết nối giữa hội nhập quốc tế và hội nhập trong nước, nhất là kết nối giữa các vùng, miền, địa phương; kết nối giữa khu vực FDI và các doanh nghiệp trong nước; kết nối thị trường, lực lượng lao động trong các khu vực kinh tế, trong nước và ngoài nước; kết nối giữa các ngành, lĩnh vực, giữa nghiên cứu và triển khai… Bản chất của toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là liên ngành, liên lĩnh vực, không có kết nối chặt chẽ sẽ không thể nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.

Bốn là, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ trí thức tài năng công nghệ. Để hội nhập quốc tế đạt được mục tiêu như Nghị quyết số 22-NQ/TW đề ra, nguồn lực quan trọng nhất của Việt Nam là con người. Không có nguồn lực đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế, Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong chế tạo, chế biến xuất khẩu… và quan trọng hơn, không thể gia tăng được các kết nối nêu trên. Trong giai đoạn tới, dưới tác động của toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không có quyết sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam không những sẽ mất đi nguồn lực này, mà còn phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội do người lao động bị mất việc làm, phân hóa giàu, nghèo gia tăng…

Năm là, gắn kết giữa hội nhập quốc tế với bảo vệ môi trường. Khác với thời điểm Nghị quyết số 22-NQ/TW được ban hành, trong thời gian tới, bảo vệ môi trường vừa là vấn đề bức thiết đối với cuộc sống của người dân, vừa là điều kiện phải tuân thủ nếu Việt Nam muốn hội nhập sâu rộng, toàn diện vào khu vực và thế giới. Theo đó, các tiêu chuẩn về môi trường cần được quan tâm, tuân thủ trong nhiều hoạt động hội nhập quốc tế, từ thu hút đầu tư nước ngoài, sản xuất hàng xuất khẩu, thu hút du lịch đến chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tuần hoàn…

Sáu là, phương châm “tích cực, chủ động” hội nhập quốc tế cần có nội hàm mới. So với giai đoạn trước, nhiều hoạt động hội nhập của Việt Nam phải chấp nhận mức độ cạnh tranh khắc nghiệt hơn. Mặt khác, để nâng cao vị thế, uy tín của đất nước ở khu vực và thế giới, Việt Nam cũng cần có cách tiếp cận mới trong hội nhập quốc tế. Theo đó, phương châm “tích cực, chủ động” trong hội nhập quốc tế cần có thêm nội hàm trách nhiệm sẵn sàng “dấn thân”, đóng góp vào công việc chung của khu vực và thế giới, kể cả trong các lĩnh vực, vấn đề Việt Nam không có thế mạnh, không có lợi ích trước mắt nhưng cần thiết cho cộng đồng khu vực và quốc tế.

Mười năm trước, Nghị quyết số 22-NQ/TW đánh dấu bước chuyển quan trọng của Đảng ta về tư duy và định hướng hội nhập quốc tế. Nhiều điểm mới về tư duy đã được triển khai nghiêm túc, giúp hội nhập quốc tế thực sự trở thành một chiến lược lớn để phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cũng có nhiều nội dung chưa được thực hiện hiệu quả, gây những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội và môi trường. Thời gian tới, khát vọng phát triển của đất nước và bối cảnh mới của thế giới đòi hỏi tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam phải được đẩy mạnh với một số nội hàm mới. Để hội nhập quốc tế thành công, vai trò quyết định vẫn là sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, đồng thời cần phát huy được vai trò trung tâm, sự tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo của cả người dân và doanh nghiệp./.

PGS, TS ĐẶNG ĐÌNH QUÝ

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

------------------------------

(1), (2), (3), (6), (7), (11), Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-22-nqtw-ngay-1042013-cua-bo-chinh-tri-ve-hoi-nhap-quoc-te-264

(4) Quyết định số 40/QĐ-TTg, ngày 7-1-2016, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Quyet-dinh-40-QD-TTg-phe-duyet-chien-luoc-tong-the-hoi-nhap-quoc-te-2020-2030-2016-299890.aspx

(5) Hồng Phúc: “Một góc nhìn về homestay”, Báo Dân tộc và Phát triển điện tử, ngày 17-9-2019, https://baodantoc.vn/mot-goc-nhin-ve-homestay-45128.htm

(8) Không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế

(9) Hiện nay, Việt Nam có 17 đối tác chiến lược, trong đó có 4 đối tác chiến lược toàn diện, bao gồm: Nga (năm 2001); Ấn Độ (năm 2007); Trung Quốc (năm 2008); Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Ban Nha (năm 2009); Anh (năm 2010); Đức (năm 2011); Italy, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Pháp (năm 2013); Malaysia, Philippines (năm 2015); Australia (năm 2018); New Zealand (năm 2020)

(10) 13 đối tác toàn diện, bao gồm: Nam Phi (năm 2004); Chile, Brazin, Venezuela (năm 2007); Argentina (năm 2010); Ukraine (năm 2011); Mỹ, Đan Mạch (năm 2013); Myanmar, Canada (năm 2017); Hungary (năm 2018); Bruney, Hà Lan (năm 2019)

(12) Xem: Kiều Giang: “Những sứ giả của một Việt Nam yêu chuộng hòa bình”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 30-6-2022, https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/bai-4-dau-an-viet-nam-trong-su-menh-gin-giu-hoa-binh-615197.html

(13) Thông tấn xã Việt Nam: “14 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Việt Nam”, Báo điện tử Vietnam+, ngày 7-2-2022, https://www.vietnamplus.vn/14-di-san-van-hoa-phi-vat-the-dai-dien-nhan-loai-cua-viet-nam/771732.vnp

(14) Tính đến tháng 4-2022, Tập đoàn Viettel đã đầu tư ra 9 nước và đứng đầu về thị phần ở 5/9 nước, bao gồm: Mi-an-ma, Cam-pu-chia, Lào, Đông Ti-mo, Bu-run-đi. Xem: Tú Ân: “Viettel đứng số 1 về thuê bao tại 5 thị trường nước ngoài”, Báo điện tử Đầu tư, ngày 21-4-2022, https://baodautu.vn/viettel-dung-so-1-ve-thue-bao-tai-5-thi-truong-nuoc-ngoai-d164383.html

(15) Xem: TL: “2019 - Dấu ấn TH true MILK trên bản đồ sữa thế giới”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 5-2-2020, https://dangcongsan.vn/thong-tin-kinh-te/2019-dau-an-th-true-milk-tren-ban-do-sua-the-gioi-563461.html

(16) Xem: Klaus Schwab: “The Global Competitiveness Report 2013 - 2014” (Tạm dịch: Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013 - 2014), World Economic Forum, 2013, https://www3.weforum.org/docs/WEF_GlobalCompetitivenessReport_2013-14.pdf; Wikipedia: “Global Competitiveness Report” (Tạm dịch: Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu), https://en.wikipedia.org/wiki/Global_Competitiveness_Report#2019_rankings

(17) Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế: “Liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung kém hiệu lực, hiệu quả”, Trang thông tin điện tử Ban Kinh tế Trung ương, ngày 30-6-2022, http://kinhtetrunguong.vn/kinh-te/lien-ket-phat-trien-vung-kinh-te-trong-diem-mien-trung-kem-hieu-luc-hieu-qua.html

(18) Dương Hà: “Doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, Cổng thông tin điện tử Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, ngày 1-10-2021, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM215702

(19) Xuân Quảng: “Tỷ lệ nội địa hóa dệt may Việt Nam lên cao nhất, gần mục tiêu 60%”, Báo điện tử Vietnam+, ngày 27-2-2023, https://www.vietnamplus.vn/ty-le-noi-dia-hoa-det-may-viet-nam-len-cao-nhat-gan-muc-tieu-60/817198.vnp

(20) Đình Tuyên: “Góc nhìn chuyên gia: Tỷ lệ nội địa hóa ô tô lắp ráp tại Việt Nam thấp, vì đâu?”, Báo Thanh niên điện tử, ngày 21-7-2021, https://thanhnien.vn/goc-nhin-chuyen-gia-ti-le-noi-dia-hoa-o-to-lap-rap-tai-viet-nam-thap-vi-dau-post1271143.html

(21) Nguyễn Vũ Nhật Anh: “Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo điện tử, ngày 25-3-2022, https://kinhtevadubao.vn/phat-trien-nganh-cong-nghiep-ho-tro-o-viet-nam-hien-nay-21974.html

(22) Xem: Phan Hoạt: “Lao động từ Nhật Bản trở về thất nghiệp - Vì sao?”, Tạp chí Công an nhân dân điện tử, ngày 28-9-2022, https://cand.com.vn/Xa-hoi/lao-dong-tu-nhat-ban-tro-ve-that-nghiep--vi-sao--i669015/

(23) Xem: Đức Tuân: “Phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng túi nilon dùng một lần”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 9-6-2019, https://baochinhphu.vn/phan-dau-den-nam-2025-ca-nuoc-khong-su-dung-tui-nilon-dung-mot-lan-102257070.htm

(24) Xem: “Reduction of Plastic Waste” (Tạm dịch: Giảm thiểu chất thải nhựa), Ajinomoto, 2020, https://www.ajinomoto.com.vn/en/ajinomoto-vietnam-environment-activities/reduction-plastic-waste

(25) Xem: Trần Tuấn Anh: ““Bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực” trong quá trình tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển nền công nghiệp hiện đại của đất nước”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 20-4-2021, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/-bat-kip-tien-cung-va-vuot-len-o-mot-so-linh-vuc-trong-qua-trinh-tiep-can-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-de-phat-trien-nen-cong-nghiep-hien-dai-cua-

(26) Xem: “Total number of list-based sanctions imposed on Russia by territories and organizations worldwide from February 22, 2022 to February 10, 2023, by target” (Tạm dịch: Tổng số lệnh trừng phạt dựa trên danh sách áp đặt đối với Nga theo các vùng lãnh thổ và tổ chức trên toàn thế giới từ ngày 22-2-2022 đến 10-2-2023, theo mục tiêu), Statista Research Department, ngày 21-2-2023, https://www.statista.com/statistics/1293531/western-sanctions-imposed-on-russia-by-target/

(27) Cheng Li: “Biden’s China strategy: Coalition-driven competition or Cold War-style confrontation?” (Tạm dịch: Chiến lược đối với Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn: Cạnh tranh do liên minh thúc đẩy hay đối đầu theo kiểu Chiến tranh lạnh?), Brookings, tháng 5-2021, https://www.brookings.edu/research/bidens-china-strategy-coalition-driven-competition-or-cold-war-style-confrontation/

(28) Maegan Vazquez: “Russia issues sanctions against Biden and a long list of US officials and political figures” (Tạm dịch: Nga ban hành lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Mỹ Giô Biden và một danh sách dài các quan chức cùng nhân vật chính trị của Mỹ), CNN, ngày 15-3-2022, https://edition.cnn.com/2022/03/15/politics/biden-us-officials-russia-sanctions/index.html

(29) Huaxia: “Full text of the report to the 20th National Congress of the Communist Party of China” (Tạm dịch: Toàn văn báo cáo Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc), Xinhua, ngày 25-10-2022, https://english.news.cn/20221025/8eb6f5239f984f01a2bc45b5b5db0c51/c.html

(30) Xem: “World Economic Outlook: Countering the cost - of - living crisis” (Tạm dịch: Triển vọng kinh tế thế giới: Ứng phó với khủng hoảng chi phí sinh hoạt), International Monetary Fund, tháng 10-2022, https://www.imf.org/en/Publications/WEO/Issues/2022/10/11/world-economic-outlook-october-2022

Theo Tạp chí Cộng sản

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong xu thế hội nhập quốc tếXây dựng văn hóa doanh nghiệp trong xu thế hội nhập quốc tế
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế ở Việt NamĐẩy mạnh phát triển công nghiệp góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế ở Việt Nam
Hợp tác giữa các quốc gia trong ứng phó với những vấn đề toàn cầu: Thực trạng và triển vọngHợp tác giữa các quốc gia trong ứng phó với những vấn đề toàn cầu: Thực trạng và triển vọng