Múa lân sư rồng - Nét đẹp văn hóa tết Việt

10:00 | 31/01/2017

5,698 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không ai nhớ múa lân - sư - rồng du nhập vào Việt Nam khi nào, nhưng múa lân đặc biệt ở Nam Bộ còn kết hợp với nghệ thuật võ cổ truyền, múa dân gian, múa truyền thống đi kèm với bài quyền, pháp…

Các chương trình múa lân - sư - rồng ở Nam Bộ có nhiều tiết mục như: Múa cờ khai đắc thắng, múa nhang, múa võ theo nhạc, thổi lửa, nhào lộn, múa lân, múa rồng, múa song sư hí cầu, múa chồng la hán, võ thuật, nội công…

Trong những ngày lễ lớn và nhất là dịp xuân về, các đoàn lân ở khắp nơi thường tựu về biểu diễn, thi thố cùng nhau. Trước đây Sân Tinh Võ ở quận 5 và khu văn hóa Đại Thế Giới thành phố Hồ Chí Minh là những điểm thường xuyên tổ chức. Nơi đây hội tụ nhiều đoàn lân lớn như: Liên Nghĩa Đường, Nhơn Nghĩa Đường, Tinh Anh Đường, Hằng Anh Đường, Liên Hữu Đường, Trung Anh Đường, Thắng Nghĩa Đường… Đây là dịp các đoàn trổ tài tuyệt kỹ công phu của mình, từ nội công, khí công… đến các chiêu mới của lân như một dịp chào hàng cùng các Mạnh Thường Quân và cũng là dịp học hỏi tài nghệ lẫn nhau.

mua lan su rong net dep van hoa tet viet
Múa lân ngày tết ở thành phố Hồ Chí Minh

Múa lân đòi hỏi phải có nghệ thuật, bài bản rõ ràng thông qua hàng loạt những động tác phức tạp. Một bài múa đầy đủ phải qua các bước cao trào, sắp xếp các điệu múa nhịp nhàng với nhau, khi dồn dập, lúc khoan thai của các điệu thất tinh, phù hợp với 7 động tác liên hoàn. Sau đó là điệu tam hoa, biểu trưng cho ba bông hoa thể hiện sự vui mừng. Lẫn vào giữa hai cao trào này là các bước mã bộ của từng thế võ, từ bộ pháp, tấn, cách đi... đều mang nét đặc trưng của võ cổ truyền Việt Nam. Người múa lân phải giỏi võ để biểu diễn những màn nhào lộn tung người trên không như song đấu, nội công. Nếu thiếu võ thuật, múa lân chỉ còn đơn giản là đội múa tuồng. Nổi bật trong các thế múa là tạo dáng đi cho lân có động tác vừa dí dỏm, duyên dáng, vừa oai hùng. Múa lân bao gồm những động tác linh hoạt, vừa múa, vừa lắc, dãy, nghiêng, ngó... lúc lân vờn, vồ, lúc đùa giỡn.

Múa sư tử khác múa lân. Người múa núp kín thân mình trong bụng sư tử giả và sư tử thì không có sừng. Một tiết mục múa sư của người Hoa gồm 4 người: 2 người múa, 1 người đánh trống, 1 người cầm quả cầu. Trống trong múa sư được đánh theo nhịp khác với múa lân, người ta gọi nhịp trống trong múa sư là nhịp trống Bắc Kinh.

Múa rồng của người Hoa xuất hiện muộn hơn múa lân và múa sư. Rồng là một linh vật tượng trưng cho sức mạnh, quyền uy và sự cao quý, nên hình tượng của rồng được xây dựng ở ngai vàng, cung điện, lăng tẩm, dinh phủ, đình, chùa và những nơi thờ phụng tôn nghiêm. Rồng còn tượng trưng cho sức bật đổi mới vươn lên, phồn vinh, thịnh vượng nên những đất nước phát triển toàn diện được ngợi ca là “hóa rồng”.

Ở Việt Nam, rồng còn là hình ảnh mang lại mưa thuận gió hòa, đời sống no cơm, ấm áo cho nhân dân. Đối với nhân dân Việt Nam, những người tự hào mình là con rồng, cháu tiên thì rồng còn là hình ảnh chí tôn, hình ảnh cội nguồn của dân tộc.

Rồng được chia thành ba loại: Rồng tơ được chế tạo bằng vải gắn chặt vào cây cứng để múa; rồng tròn được làm bằng giấy cứng, có bụng tròn và dài; rồng cứng chỉ dùng để rước, khiêng, chứ không để biểu diễn. Múa lân hoặc sư chỉ cần hai người, nhưng múa rồng thì phải có nhiều người tập rất công phu để thể hiện được các động tác đồng bộ khi rồng uốn khúc, rồng phóng tới, rồng đảo lại. Ít nhất phải có 6 người múa rồng, nhiều hơn khoảng 20 người, thậm chí 30 người, cùng điều khiển con rồng phô diễn thần oai.

mua lan su rong net dep van hoa tet viet

Múa lân - sư - rồng thì phải có ông Ðịa, hiện thân của Ðức Di Lặc, một vị Phật lúc nào cũng tươi vui, hiền lành. Một truyền thuyết cho rằng, Ðức Di Lặc đã hóa thân thành ông Địa, chế ngự được một quái vật từ dưới biển lên bờ tìm các sinh vật ăn sống, nuốt tươi gây kinh hoàng cho mọi người bằng cách lấy linh chi thảo trên núi cho quái thú ăn và hàng phục được nó, biến nó từ quái thú ăn thịt sống thành con thú ăn bắp cải và hoa quả.

Từ đó, mỗi năm ông Ðịa lại dẫn nó xuống núi chúc tết mọi người, chứng tỏ quái thú đã thành thú lành, cái ác trở thành cái thiện. Ông Ðịa và con lân đi đến đâu là giáng phúc tới đó, nên nhà nào cũng hoan hỉ treo rau xanh và giấy đỏ đón chào. Sau này, người có tiền thường treo giải bằng tiền buộc trong một miếng vải đỏ, treo cùng bắp cải hoặc rau xanh. Lân phải trèo lên cao lấy bằng được “thức ăn” này. Tất nhiên, ông Ðịa không cùng trèo với lân mà chỉ cùng lân múa, phe phẩy chiếc quạt to, ru lân ngủ hoặc đánh thức lân dậy. Cảnh ông Ðịa vuốt ve lân và lân mơn trớn ông Ðịa, thật nghệ thuật, thật chan hòa tình yêu thương giữa người và vật, thể hiện được tính cảm thông sâu sắc giữa loài vật và loài người trong một bầu không khí thanh bình, hoan lạc.

Múa lân - sư - rồng mà không có tiếng trống, tiếng thanh la, chũm chọe thì toàn cảnh không khác hơn bức tranh tĩnh vật. “Tùng cheng, cắc cắc, tùng cheng…” là âm điệu giao hòa của trống, thanh la và chũm chọe. Trống đánh trong các cuộc múa lân - sư - rồng gọi là Thất Tinh Cổ (trống bảy sao). Người đánh trống phải là người trưởng phái hoặc phụ tá thứ nhất của trưởng phái. Trống đánh phải có bài bản, phù hợp với các bộ pháp như chào, lạy, nằm, leo lên, tuột xuống, lúc khoan lúc nhặt, lúc dồn dập liên hồi như trống trận, mới diễn tả hết hùng khí của lân, oai phong của sư và oanh liệt như rồng. Ở đâu vang lên tiếng trống Thất Tinh, ở đó có bầu không khí rộn ràng của cuộc múa lân - sư - rồng. Ở đâu có múa lân - sư - rồng, ở đó có cả một trời xuân.

Vì nghệ thuật múa lân - sư - rồng ngày càng đa dạng, phức tạp, có độ khó cao, nên ngày nay hầu như chỉ có các võ đường lớn của môn võ cổ truyền mới có thể duy trì lâu dài và phát triển các đội lân - sư - rồng. Họ tự nuôi dưỡng các đội lân - sư - rồng của mình với đôi, ba chục quân, có khi lên đến hàng trăm quân để phục vụ cho các lễ hội quốc gia, lễ hội địa phương, các lễ khai trương, khánh thành của các công ty, doanh nghiệp, khách sạn và các ngày lễ trọng ở đình, chùa, hội quán...

Một con lân chuẩn phải hội đủ bốn quý tướng của tứ linh: Hàm rồng, mũi lân, mày phượng, sau gáy có đuôi rùa. Ngoài ra gần mép có gai như vây cá, vì cá (ngư) tượng trưng cho thành đạt, thăng tiến, như cá vượt vũ môn, cá hóa rồng. Còn đối với lễ khai trương người ta đem lân râu vàng và râu bạch kim, tượng trưng cho vàng và bạc, múa trước bàn thờ Thần Tài, hàm ý cầu mong cho làm ăn phát tài, lúc nào cũng dồi dào vàng bạc.

Nguyễn Hiển

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.