Mối đe dọa đối với tham vọng dầu mỏ của Nga

07:00 | 24/11/2021

697 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vào đầu những năm 2000, chính quyền Nga bắt đầu tạo nhiều ảnh hưởng hơn đối với lĩnh vực khai thác mỏ của mình. Điều này giúp gia tăng đáng kể thu nhập của nhà nước. Việc sản xuất các nguyên liệu thô diễn ra mạnh mẽ tại những khu vực giàu tài nguyên của Nga, trong đó dầu mỏ là tài nguyên quan trọng nhất cho đến nay khi nguồn thu từ dầu mỏ đã cung cấp những nguồn lực cần thiết cho quá trình hiện đại hóa xã hội. Vì vậy, Chính phủ Nga đã và đang duy trì xuất khẩu dầu thô và nguồn thu ổn định từ dầu mỏ.
Mối đe dọa đối với tham vọng dầu mỏ của Nga

Theo đánh giá của báo Kommersant, sản xuất dầu thô của Nga có thể đã đạt đỉnh trong năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19) với sản lượng khai thác đạt 11,3 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 561 triệu tấn. Trong thời gian đại dịch, sản lượng khai thác dầu thô của Nga đã giảm đáng kể khi nước này phải thực hiện các cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+. Tuy nhiên, chính sách thả nổi tỷ giá hối đoái của Nga đã góp phần giảm bớt những tác động tiêu cực của việc giảm doanh số xuất khẩu dầu vì các giao dịch dầu thô thường được thực hiện bằng USD.

Trước đại dịch, ước tính hơn 30% nguồn thu ngân sách nhà nước Nga đến từ xuất khẩu năng lượng. Con số này tăng lên 40% nếu tính cả thu nhập thuế từ các lĩnh vực khoáng sản khác nhau. Do đó, việc Nga duy trì vị thế là siêu cường quốc năng lượng trong thế kỷ XXI ngày càng được củng cố.

Theo các kịch bản dự báo, sản xuất dầu thô của Nga nhiều khả năng sẽ tăng lên 11,1 triệu thùng/ngày vào năm 2030, thấp hơn 200.000 thùng/ngày so với kỷ lục của năm 2019. Sau đó, sản lượng khai thác có thể giảm dần xuống mức 9,4 triệu thùng/ngày vào năm 2035. Ở kịch bản lạc quan nhất trong điều kiện giá dầu và nhu cầu tiêu thụ tăng cao, sản lượng khai thác có thể đạt mức kỷ lục 12,8 triệu thùng/ngày trong năm 2030.

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga có lịch sử lâu đời. Kể từ khi phát hiện ra mỏ dầu đầu tiên ở Kavkaz, cho đến nay Nga đã tiến xa hơn về phía bắc và sâu hơn trong vùng lãnh thổ Siberia để tìm kiếm và khai thác các trữ lượng dầu mới. Hầu hết các mỏ dầu chưa được khai thác hiện nay đang tập trung ở khu vực Bắc Cực, nơi tốn nhiều chi phí để phát triển mỏ do điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Tuy nhiên, theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, khu vực này có thể chứa tới 16% lượng dầu chưa được khám phá trên thế giới.

LB Nga đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của khu vực Bắc Cực. Trong lộ trình phát triển cơ sở tài nguyên tại khu vực này, các công ty và nhà đầu tư đến khu vực Bắc Cực sẽ được hưởng ưu đãi thuế đáng kể. Ví dụ, tập đoàn dầu khí Rosneft đã công bố siêu dự án Vostok Oil, kỳ vọng sẽ tạo ra 130.000 việc làm mới và cho phép Nga thu hồi khoảng 5 tỷ thùng dầu. Hãng dự kiến sẽ khai thác 30 triệu tấn dầu thô vào năm 2024, sau đó tăng lên 100 triệu tấn vào tại dự án này vào năm 2030.

Mối đe dọa lớn đối với vị thế siêu cường quốc năng lượng của Nga là quá trình chuyển đổi năng lượng và điện khí hóa toàn xã hội. Điều này sẽ bù đắp nhu cầu đối với các loại nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù nhiên liệu hydro đang dần xâm nhập vào chiến lược năng lượng của Nga, phần lớn nỗ lực của ngành năng lượng Nga hiện nay vẫn là duy trì sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Trong khi các công ty dầu khí toàn cầu (majors) đang chuyển đổi sang mô hình công ty năng lượng hoặc mở rộng kinh doanh NLTT, các công ty dầu khí Nga khó có thể cạnh tranh với họ trong lĩnh vực năng lượng mới. Mặt khác, quá trình chuyển đổi năng lượng cũng là cơ hội cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga. Các majors của phương Tây như Shell và BP đang tích cực đầu tư vào các công nghệ phát thải carbon thấp và giảm dầu đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. Điều này có nghĩa là ngay cả khi nhu cầu tiêu thụ dầu giảm, Nga vẫn có thể duy trì thị phần và vị thế siêu cường quốc năng lượng của mình.

Theo nghiên cứu của Rystad Energy, đại dịch Covid-19 đã thay đổi đáng kể triển vọng về nhu cầu dầu toàn cầu. Trước đây, nhiều dự báo cho rằng, nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 ở mức 106 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, Rystad đã thay đổi dự báo và điều chỉnh nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ đạt 102 triệu thùng/ngày vào năm 2028 và nhanh chóng giảm xuống 62 triệu thùng/ngày vào năm 2050.

Các công ty dầu khí của Nga đã và đang tăng cường sự hiện diện của mình ở những khu vực mà nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sẽ tăng trưởng trong tương lai gần như châu Á và châu Phi. Mặc dù các nước phát triển có khả năng khử carbon, nhưng ở phần còn lại của thế giới điều này sẽ không sớm xảy ra. Do đó, vị thế siêu cường quốc năng lượng của Nga khả năng cao sẽ tiếp tục được duy trì trong những thập niên tiếp theo.

Viễn Đông