Mía đường & cuộc chiến không cân sức

07:00 | 08/06/2019

544 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhiều năm gần đây, ngành mía đường phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn. Một trong những nguyên nhân, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, là do sự cạnh tranh không bình đẳng đã khiến các hộ nông dân trồng mía, doanh nghiệp (DN) chế biến đường chịu tổn hại nặng nề. Vậy, “làm gì để ngành mía đường vượt khó?” là câu hỏi rất cần câu trả lời từ các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, DN mía đường.

Doanh nghiệp thua lỗ, nông dân điêu đứng

Theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan với sản phẩm đường của khu vực ASEAN từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, trước những khó khăn của ngành mía đường, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ cho hoãn thực thi cam kết ATIGA thêm 2 năm để các DN mía đường và nông dân có thời gian thích ứng. Đến thời điểm hiện tại, quá trình trì hoãn đó đã đi được gần 3/4 chặng đường nhưng ngành mía đường vẫn loay hoay chưa tìm ra lối thoát.

mia duong cuoc chien khong can suc

Thực tế, trong nhiều năm qua, mía đường luôn phải đối mặt với những khó khăn chồng chất. Điều dễ nhận thấy nhất là lượng đường tồn kho cao (có thời điểm lên tới 70-75% tổng lượng đường sản xuất). Có nhà máy đường đã phải bán sản phẩm ngang bằng hoặc thấp hơn giá thành, nhưng vẫn không thể cạnh tranh nổi với đường nhập lậu đang ngày đêm thẩm lậu vào Việt Nam với số lượng “khủng” - ước tính khoảng 500.000-700.000 tấn/năm. Đặc biệt, lượng đường lỏng nhập khẩu tiếp tục gia tăng, năm 2014 nhập khẩu 46.000 tấn thì năm 2018 nhập khẩu lên tới 140.000 tấn, tăng gấp 3 lần. Trong cuộc chiến không cân sức với đường nhập lậu, DN mía đường gặp nhiều bất lợi, luôn rơi vào thế thua.

Nhận định về tình hình nhập lậu đường, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Phạm Quốc Doanh lo lắng: “Tình trạng nhập lậu đường diễn biến ngày càng phức tạp, hoạt động công khai, số lượng lớn chưa được kiểm soát, có nguy cơ hủy diệt ngành mía đường… Đây cũng là tác nhân chính xóa bỏ mọi nỗ lực chuẩn bị hội nhập của các DN đường và nông dân trồng mía”.

Giá đường giảm sâu đồng nghĩa với việc người nông dân trồng mía gặp khó. Là người có nhiều năm gắn bó với mảnh đất Trà Phú - nơi tập trung nhiều diện tích mía của tỉnh Trà Vinh, ông Thạch Phước Bình - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Trà Vinh - cho hay, thời gian trước, đời sống của nông dân và các DN mía đường rất tốt, mía đường là một trong những ngành sản xuất mũi nhọn của tỉnh với khoảng 4.500-5.000ha đất trồng mía. Tuy nhiên, gần đây giá mía giảm sâu, đời sống nông dân vô cùng khó khăn. Diện tích trồng mía giảm chỉ còn khoảng 3.500ha, khiến nguyên liệu cung cấp cho nhà máy đường trên địa bàn tỉnh giảm nên DN phải mua mía của các nơi khác.

Vị đại biểu Quốc hội chia sẻ thêm, hiện bà con nông dân trong vùng trồng mía nợ ngân hàng rất nhiều, một số hộ phải cầm cố đất đai, thậm chí có tình trạng người dân đã bỏ mặc mía đường vì càng đầu tư càng lỗ. Nhiều hộ nông dân chuyển sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản, nhưng việc chuyển đổi không hề đơn giản.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam khẳng định, nguyên nhân gây ra khó khăn trầm trọng với ngành mía đường tập trung ở việc đối tác chính trong lĩnh vực mía đường ASEAN là Thái Lan đã gian lận thương mại ở quy mô quốc tế và các nhà máy đường của Thái Lan dư sức xuất khẩu đường ra thị trường quốc tế với bất kỳ mức giá nào.

“Tôi rất quan tâm đến giải pháp trong đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đề nghị nên làm ngay để bà con nông dân đỡ khổ. Có thể nói, nghề trồng mía trở thành nghề truyền thống “cha truyền con nối” của người dân nơi đây, bà con nông dân từng làm giàu từ cây mía, nhưng giờ đây rất nhiều gia đình đã trở thành hộ tái nghèo” - ông Thạch Phước Bình nói.

Chịu thua trong sân chơi xuất khẩu

Tại văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ hôm 24/5/2019, Hiệp hội Mía đường Việt Nam khẳng định, nguyên nhân gây ra khó khăn trầm trọng với ngành mía đường tập trung ở việc đối tác chính trong lĩnh vực mía đường ASEAN là Thái Lan đã gian lận thương mại ở quy mô quốc tế và các nhà máy đường của Thái Lan dư sức xuất khẩu đường ra thị trường quốc tế với bất kỳ mức giá nào. Đây lại là một cuộc chiến không cân sức khác của mía đường Việt Nam trên sân chơi thương mại đường thế giới.

Lãnh đạo một DN hoạt động lâu năm trong ngành mía đường cho rằng, chính quyền Thái Lan can dự sâu vào nhiều khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất mía đường, điển hình như trực tiếp chỉ đạo khu vực canh tác, thanh toán trực tiếp cho người trồng mía, cho vay ưu đãi, trợ cấp đầu vào cho các nhà sản xuất, trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua giá cả đường nội địa…

Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lộc - nguyên Tổng giám đốc Công ty Đường Biên Hòa - cho hay, thực chất cách hội nhập của DN Thái Lan là... gian lận thương mại. Giá thành sản xuất đường của Thái Lan không thấp hơn Việt Nam, nhưng Thái Lan trợ cấp cho nông dân, trợ cấp cho đường xuất khẩu, khiến giá đường xuất khẩu của họ thấp hơn cả giá thành sản xuất. “Brazil đã có đủ bằng chứng về việc này, họ đã kiện ngành đường Thái Lan tới WTO” - ông Lộc thông tin.

Với thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu loại bỏ hoàn toàn hạn ngạch thuế quan đường để thực thi ATIGA sẽ đồng nghĩa với việc ngành mía đường Việt Nam phải đối mặt trực diện với sự cạnh tranh bất bình đẳng của đường Thái Lan. Các hộ nông dân trồng mía, DN chế biến đường chắc chắn sẽ chịu tổn hại lớn. Và, thị trường gần 100 triệu dân Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ phụ thuộc hoàn toàn vào đường nhập khẩu.

Các nhà quản lý cần phải tính toán, phân tích một cách đầy đủ, sâu sắc hệ lụy của việc thực thi ATIGA đến lợi ích người nông dân, DN mía đường và các ngành hàng khác trên quy mô toàn quốc.

Nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp nói gì?

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD): Khuyến khích lập quỹ phát triển mía đường

mia duong cuoc chien khong can suc

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang có kế hoạch hành động để triển khai Quyết định số 1369/QĐ-BNN-CBTTNS (ngày 18/4/2018) phê duyệt đề án phát triển mía đường Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Sau Quyết định 1369 là kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường đến năm 2020. Năm 2018, đã có 8 nghị định của Chính phủ liên quan đến ngành mía đường, từ Nghị định 57/2018/NĐ-CP khuyến khích DN đầu tư nông nghiệp nông thôn, đến Nghị định 116/2018/NĐ-CP về đổi mới tín dụng ngành nông nghiệp, liên kết hợp tác xã...

Quan điểm chung khi hội nhập kinh tế quốc tế là phải tận dụng được những lợi thế và thúc đẩy năng lực cạnh tranh. Bộ NN&PTNT rất đồng ý, khuyến khích Hiệp hội Mía đường lập quỹ phát triển mía đường để hỗ trợ người trồng mía, phù hợp với cơ chế thị trường. Đây là những ý chính trong Đề án phát triển mía đường Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Có hai điểm rất cần DN và Hiệp hội Mía đường lưu ý để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lực cạnh tranh.

Thứ nhất, việc hợp tác liên kết giữa DN với hợp tác xã chưa rõ nét, chưa mạnh, một phần là do hợp tác xã còn nhỏ, yếu, do vậy, DN nên tính tới phương án trực tiếp tham gia cùng hợp tác xã. Nếu kết hợp bài bản, chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã và DN thì mía đường sẽ có được mức giá cạnh tranh.

Thứ hai, thời gian tới có rất nhiều chương trình của Chính phủ liên quan đến cơ chế hỗ trợ, kể cả hỗ trợ về vốn cho DN mía đường. Lần đầu tiên có giải ngân quỹ tín dụng thông qua chuỗi giá trị, DN cần quan tâm để vay vốn.

TS Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Rà soát lại các quyền hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân

mia duong cuoc chien khong can suc

Tôi nghĩ rằng, chậm nhất trong 3 tháng tới phải nghiên cứu, chỉ ra được khó khăn thực sự của ngành mía đường để giải cứu ngay lập tức. Phải xác định được nhà máy nào “chết” và nguyên nhân “chết” do đâu? “Chết” vì đường nhập khẩu theo hạn ngạch hay vì đường nhập lậu? Nếu vì đường nhập lậu thì chúng ta có giải pháp hữu hiệu hay không? Nghiên cứu này rất cần thiết để cứu ngành mía đường trong bối cảnh hiện nay và cũng là cái để đặt lên trên bàn đàm phán nếu phải tiến tới phương án đàm phán lại ATIGA.

Đồng thời, cần phải rà soát lại các quyền hỗ trợ hiện nay dành cho ngành nông nghiệp, dành cho người nông dân. Trên cơ sở nghiên cứu này sẽ có những giải pháp ổn định xã hội. Điều này tôi nghĩ có thể làm ngay được để chuẩn bị tâm thế trong trường hợp phải đàm phán lại ATIGA. Đây không phải là vấn đề mới, trước đây chúng ta cũng từng có tiền lệ với ngành ôtô. Trong đàm phán luôn có sự đánh đổi, được cái này sẽ phải mất cái khác. Trong lúc này, sự chuẩn bị của Bộ Công Thương rất quan trọng.

TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD): Cứu nông dân trước, hỗ trợ DN sau

mia duong cuoc chien khong can suc

Ngành mía đường phải có cơ cấu tập trung. Vùng nguyên liệu nào, DN nào mạnh thì tập trung nguồn lực phát triển, còn vùng nguyên liệu nào yếu thì phải chuyển đổi mô hình phát triển. Giải quyết khó khăn của nông dân, cứu nông dân trước, rồi hỗ trợ DN sau. Vì DN “chết” thì ngân hàng “chết”, ngân hàng “chết” thì Nhà nước khó khăn. Về dài hạn, Nhà nước phải làm tròn vai trò của mình. Hiện tại, chúng ta đang tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giảm tỷ trọng cao su, điều chỉnh lại tỷ trọng chăn nuôi, các ngành hàng đó còn khó khăn hơn mía đường rất nhiều. Việc tái cơ cấu cần có thời gian. Nếu chúng ta làm căn cơ thì phải có nghiên cứu khoa học cẩn thận, địa bàn nào, đối tượng nào chịu tác động? Phải xử lý bằng biện pháp ngắn hạn thế nào, dài hạn ra sao?

Các nước trên thế giới thành công dựa nhiều vào hiệp hội ngành hàng, nơi DN, Nhà nước, nông dân cùng tham gia. Về vấn đề này, chúng ta còn chật vật, lúng túng. Tôi cho rằng, hạ tầng là cơ chế thị trường thì thượng tầng cũng phải là cơ chế thị trường. Hiệp hội phải là hiệp hội thật sự, có sự tham gia của DN. Về giống, không chỉ riêng ngành mía đường mà ngành hàng rau, củ, quả Việt Nam cũng còn chưa làm chủ được giống. Ngay tới con lợn cũng trông chờ vào DN giữ giống. An ninh nông nghiệp rõ ràng còn nhiều bất cập.

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (VIE): Phải nhìn nhận rõ đối thủ cạnh tranh

mia duong cuoc chien khong can suc

Chúng ta cần phải nhìn nhận năng lực thực sự của bản thân cho tới đối thủ cạnh tranh hiện nay của ngành mía đường.

Cần xác định được năng lực cạnh tranh của ngành hàng mía đường Việt Nam đang ở đâu so với đối thủ cạnh tranh? Nếu năng lực yếu, không mang lại thu nhập cho người nông dân như kỳ vọng thì chúng ta không nên khuyến khích người nông dân trồng mía nữa. Trước đây, Việt Nam đặt ra mục tiêu 1 triệu tấn đường để mang lại lợi ích cho người nông dân. Nếu bây giờ mở cửa hội nhập thì 1 triệu tấn đường phải tính toán xem cần bao nhiêu diện tích trồng mía? Nhà máy nào sống được? Ngoài ra, chúng ta còn phải tập trung tái cơ cấu như thế nào để tăng hiệu quả? Cây mía thì làm được gì ngoài sản xuất đường, điều đó cũng phải tính tới? Bên cạnh đó, phải liên kết để phát triển, thậm chí cho phá sản nhiều DN làm ăn không hiệu quả.

Với đối thủ cạnh tranh, chúng ta cần phải xác định đối thủ là ai, sử dụng những chiêu thức gì, để nâng cao năng lực cạnh tranh của chúng ta. Biết chiêu thức của đối thủ để chúng ta có chiêu thức đối phó lại phù hợp. Đơn cử như với Thái Lan, chúng ta có thể đàm phán với họ để liên kết, tạo ra sức mạnh cùng phát triển. Đây là sự sống còn của ngành mía đường, chúng ta cần phải quyết liệt mới có thể giải được bài toán này.

Ông Đặng Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Sơn La và Kon Tum: Nếu hội nhập công bằng...

mia duong cuoc chien khong can suc

Thực tế hiện nay, tình trạng đường nhập lậu, gian lận thương mại đang diễn ra rất phổ biến. Nguyên nhân là do giá đường của Việt Nam cao hơn đường Thái Lan. Thực tế đó đang “bóp nghẹt” cơ hội phát triển ngành mía đường Việt Nam. Công ty Mía đường Sơn La và Kon Tum là 2 DN mía đường đã phá sản từ năm 2005-2006, chúng tôi đã tích cực tái cơ cấu. Từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2012-2013, 2 DN này chưa bao giờ thua lỗ. Có những thời điểm, cổ phiếu đã mang lại thu nhập cao cho nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Hà Nội.

Chúng tôi đã chủ động đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật... bảo đảm năng suất trồng mía, thu nhập cho bà con nông dân. Trước đây, năng suất trồng mía bình quân chỉ có 40-45 tấn/ha thì nay với quy mô sản xuất nông hộ nhưng vẫn có năng suất tới 70 tấn/ha tại các vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn. Trong khi đó, điều kiện của Thái Lan tốt hơn nhiều, thậm chí nông dân còn được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mía… nhưng cũng mới chỉ đạt năng suất 72-75 tấn/ha.

Khi chúng tôi tiếp quản, công suất chế biến của Nhà máy đường Sơn La chỉ đạt 1.500 tấn mía/ngày, đến nay, đã lên tới 5.000 tấn mía/ngày. Cũng thời điểm tiếp quản, nhà máy có 2.000ha đất trồng mía, hiện nay đã có hơn 10.000ha trồng mía và hơn 14.000 hộ gia đình tham gia trồng mía cho nhà máy. Điều đó một lần nữa khẳng định, từ năng lực sản xuất đến diện tích, năng suất mía nguyên liệu, chúng ta không thua kém ai. Nếu hội nhập một cách công bằng thì chúng tôi sẽ “đuổi” đường Thái Lan về nước.

mia duong cuoc chien khong can suc“Không bao giờ Chính phủ để một ngành lớn như ngành đường chết”
mia duong cuoc chien khong can sucSức ép ngày càng gia tăng đối với ngành mía đường
mia duong cuoc chien khong can sucDoanh nghiệp mía đường vẫn kinh doanh “ảm đạm”
mia duong cuoc chien khong can sucVị đắng mía đường
mia duong cuoc chien khong can sucDoanh nghiệp đường lo “khó chồng khó”

Minh Loan