Mang thai hộ hay đẻ thuê?

07:00 | 30/12/2014

2,036 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bắt đầu từ năm 2015, mang thai hộ sẽ được phép thực hiện theo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa mới. Tuy nhiên, rất nhiều người đang nhầm lẫn giữa việc mang thai hộ và đẻ thuê.

“Hộ” chứ không phải “thuê”

Theo cách  hiểu của nhiều người, mang thai hộ nghĩa là người mang thai ngoài việc mang phôi thai còn phải cho noãn (trứng) cho người nhờ mang thai. Nhưng không phải vậy mà việc mang thai hộ trên cơ sở nhân đạo được hiểu là một phụ nữ tự nguyện mang thai cho đôi vợ chồng không thể mang thai và sinh con ngay cả khi đã áp sụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản.

Việc mang thai hộ này được thực hiện lấy phôi của cặp vợ chồng nhờ mang thai (đã được thụ tinh ống nghiệm) cấy vào tử cung của người mang thai hộ rồi người đó “mang nặng” cho đến lúc sinh đứa trẻ ra. Khi đứa trẻ chào đời thì lập tức được trao cho vợ chồng nhờ mang thai và người mang thai hộ không có liên quan gì về mặt pháp lý, nghĩa là không được coi là “đấng sinh thành”.

Việc mang thai hộ được thực hiện hoàn toàn trong sáng, không nhằm mục đích kinh tế hay bất kể lợi ích vật chất nào khác.

Đối với người vô sinh, phải xin tinh trùng hay noãn của người khác để thụ thai (thụ tinh ống nghiệm) thì đây lại là vấn đề cần được tư vấn của các chuyên gia y tế ở những nơi được phép hỗ trợ các cặp vợ chồng cần người mang thai hộ và chuyên gia pháp lý để không xảy ra những bất trắc của việc mang thai hộ. Bộ Y tế quyết định 3 cơ sở là Viện Bảo vệ Bà mẹ và trẻ em (tên gọi cũ là Bệnh viện Phụ sản Trung ương), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ được phép thực hiện việc mang thai hộ.

700 người có nhu cầu mỗi năm

Hiện nay, do tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng mà dự báo việc mang thai hộ sẽ trở thành nhu cầu cao trong xã hội. PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, mặc dù, sang năm điều Luật cho phép mang thai hộ mới đi vào cuộc sống nhưng bây giờ đã có rất nhiều cặp vợ chồng đã nộp hồ sơ cho Bệnh viện Phụ sản Trung ương để xin thực hiện thủ tục này.  

PGS.TS Nguyễn Viết Tiến còn cho biết: “Tính tổng số ở 3 cơ sở được phép thực hiện các thủ tục, kỹ thuật mang thai hộ thì mỗi năm có khoảng 500-700 người có nhu cầu nhờ người mang thai hộ”.

Trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Tuy nhiên, xung quanh chuyện cho phép mang thai hộ vẫn còn một số vấn đề đặt ra là: chỉ được phép mang thai hộ một lần, người mang thai hộ phải là người trong dòng họ, bảo đảm hoàn toàn tính trong sáng và nhân đạo của việc mang thai hộ… Vậy đối với điều Luật chỉ được phép mang thai hộ một lần chẳng hạn: nếu trong lần mang thai hộ duy nhất ấy nếu không được thì như thế nào? Vì mang thai để thành công không phải là chuyện đơn giản. Và hiểu rõ thực tế này, trong số những hồ sơ nhờ người mang thai hộ gửi đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhiều cặp vợ chồng đã “chuẩn bị” sẵn phương án có đến 3 người mang thai hộ, hay: Chỉ được người cùng dòng họ mang thai hộ, nếu trong dòng họ không có ai là phụ nữ thì sao… Đây là những câu hỏi mà các nhà thực hiện cũng chưa biết cách nào để giải quyết cho thấu đáo.

Để thực hiện việc mang thai hộ, về mặt kỹ thuật, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến khẳng định: “Với kinh nghiệm hàng chục năm qua về hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp y học, y học trong nước đã thành công nhất định kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm với tỷ lệ thành công 30-40%. Bởi vậy, chi phí cho việc mang thai hộ cũng chỉ khoảng 40 - 60 triệu đồng, tương đương 2000-3000 đô la. Trong khi đó tại các nước phát triển khoảng 700 triệu đồng, tương đương 35.000 đô la.

Trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt dân số đáng kể. Nghiên cứu trên toàn quốc do Bệnh viện Phụ sản trung ương và ĐH Y Hà Nội thực hiện trên 14.300 cặp vợ chồng độ tuổi sinh đẻ (15-49) ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái của Việt Nam cho thấy, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng là 7,7%, trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Như vậy, ước tính trên mặt bằng dân số chung có từ 700 nghìn đến 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh.

Anh Tú (Tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc