Lượng biến đổi thành chất!

15:18 | 30/01/2018

279 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thành tích kỳ diệu của Đội tuyển Bóng đá U23 Việt Nam tại giải châu Á đã khơi dậy một niềm tin mãnh liệt về sự trỗi dậy của nước nhà trong quá trình hội nhập quốc tế.

Một câu hỏi được đặt ra, sức mạnh nào đã khiến nền bóng đá Việt Nam lột xác đến ngỡ ngàng như vậy? Liệu nền kinh tế nước ta trong tương lai có rút ra được bài học qua sự kiện ngoài sức tưởng tượng ấy?

Khi tạm đặt những cảm xúc sang một bên để soi xét lại quá trình phát triển bóng đá nước nhà khoảng chục năm gần đây sẽ thấy, thành tích của Đội tuyển U23 Việt Nam đã có sự tích lũy về lượng đầy đủ để có thể tạo một dấu ấn biến đổi về chất khi có điều kiện thuận lợi.

Nhiều người hẳn còn nhớ một thông tin hồi đầu năm 2007 đã từng khiến nhiều người hâm mộ bóng đá nức lòng, đó là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chính thức tuyên bố hợp tác với CLB Arsenal hình thành Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG trên khu đất là 5 ha, cách thành phố Pleiku 13km.

Chuyên gia bóng đá của học viện đã tổ chức tuyển chọn kỹ lưỡng trong khắp cả nước những em ở độ tuổi 10-12 có tố chất, năng khiếu và nhiều tiêu chuẩn khắt khe khác, với mong muốn ươm mầm tài năng cho nền bóng đá nước nhà trong tương lai.

luong bien doi thanh chat
U23 Việt Nam vui mừng sau loạt luân lưu ở trận đấu với U23 Qatar

Khuôn viên học viện có 10 sân bóng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài những sân tập chính ngoài trời, học viện còn đầu tư một sân tập có mái che cùng các công trình phụ trợ phục vụ cho việc tập luyện và sinh hoạt của các thành viên như: 6 khu nhà, hồ bơi, sân tennis, phòng xông hơi, tập tạ...

Các học viên được đào tạo tại đây trong 7 năm, không phải đóng bất kỳ khoản chi phí nào. Trúng tuyển, học viên được học viện lo toàn bộ chi phí ăn, học văn hóa, tiếng Anh và tiếng Pháp. Chế độ sinh hoạt, ăn uống của các học viên ở đây với chi phí khoảng 400 triệu đồng/em/năm…

Vâng, cứ âm thầm như thế, miệt mài như thế, với lượng tiền đầu tư như thế, một thế hệ cầu thủ trẻ, tài năng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh… đã xuất hiện và gây nên những ấn tượng khó phai mờ tại các giải đấu trong nước và quốc tế ở lứa U19, U20…

Không chỉ tại Hoàng Anh Gia Lai, nhiều trung tâm đào tạo bóng đá trẻ khác cũng đã tiếp nối ra đời, như CLB Hà Nội, PVF, Viettel... cũng với những nguồn kinh phí đầu tư khổng lồ đã sản sinh ra những gương mặt tài năng mới, như Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng, Đỗ Duy Mạnh…

Và thời cơ chín muồi đã đến, đó là xuất hiện một huấn luyện viên tài năng - ông Park Hang-seo.

Kết quả thì ai cũng biết rồi. Đến nỗi bình luận viên Jackie của tờ Siam Sport (Thái Lan) phải thốt lên rằng: “Những gì U23 Việt Nam làm được ở U23 châu Á là quá kỳ vĩ, xứng đáng để cả nền bóng đá khu vực Đông Nam Á và cả châu Á phải học hỏi”.

Chuyển sang hy vọng của nền kinh tế nước nhà trong tương lai, liệu sẽ có một cuộc lột xác ngoạn mục như trong bóng đá?

Cho đến nay, công cuộc đổi mới của Việt Nam đã tiến hành được hơn 30 năm. Về lượng thời gian, như thế đã quá đủ cho một cuộc lột xác. Còn về các chỉ tiêu kinh tế khác thì sao?

Cũng ở chuyên mục này cách đây ít ngày, tôi đã có bài viết về những con số kỷ lục của năm 2017. Đó là tổng số doanh nghiệp thành lập mới là 126.859; con số này của năm 2016 là 110.100 doanh nghiệp. Đó là vừa sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng kỷ lục 48.333.400 cổ phiếu Vinamilk với giá trúng thầu 186.000 đồng/cổ phiếu, Nhà nước thu về thêm gần 9.000 tỉ đồng thì lập tức bị phá vỡ bởi thương vụ kỷ lục bán vốn Nhà nước tại SABECO, mang về cho ngân sách 110.000 tỉ đồng. Đó là lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 400 tỉ USD. Đó là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam năm 2017 đạt kỷ lục với số vốn đăng ký gần 36 tỉ USD, tăng gần 45% so với năm 2016. Đó là lượng khách du lịch nước ngoài lên trên 13 triệu người, dự trữ ngoại hối vượt 50 tỉ USD...

Tuy vậy, không phải có những con số kỷ lục ấy, có thành tích ngoài sức tưởng tượng ấy trong bóng đá mà ta quên mất thực trạng nền kinh tế nước nhà hiện nay còn thua kém nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói rộng hơn, về thu nhập bình quân tính theo đầu người, về năng suất lao động, về chỉ số năng lực cạnh tranh…

Nhưng kỳ tích của Đội tuyển U23 Việt Nam vẫn kích thích trong tâm cảm nhiều người về một cuộc lột xác kỳ diệu, về một con hổ kinh tế trong tương lai.

Bình luận viên Jackie của tờ Siam Sport, Thái Lan: “Vượt trên tất cả, sau những gì Đội tuyển U23 Việt Nam đã thể hiện qua những trận đấu kịch tính đến nghẹt thở, tạo quá nhiều cảm xúc cho người xem. Có cảm giác, đó không còn là đội bóng của riêng người Việt Nam nữa mà là đội bóng của cả khối ASEAN. U23 Việt Nam đã tạo ra một chuẩn mực mới cho nền bóng đá Đông Nam Á. Truyền cảm hứng, niềm tin bất tận rằng, từ đây bóng đá khu vực Đông Nam Á đã ngẩng cao đầu trước đấu trường châu lục, không còn một sự tự ti hay e dè gì nữa”.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc