Luang Prabang và Viêng Chăn

16:54 | 05/01/2019

2,624 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Bạn đọc: Trước kia ta gọi thủ đô của Lào là Vạn Tượng còn bây giờ lại gọi là Viêng Chăn; vậy hai tên này có cùng một gốc? Có người còn nói kinh đô xưa của Lào là Luang Prabang, có đúng không thưa ông; và Luang Prabang có phải là tiếng Sanskrit?

Học giả An Chi: Luang Prabang là cách ghi theo phương Tây tên kinh đô xưa của nước Lào, mà tiếng Lào là Luổng Phạ Bang. Đây là một danh ngữ tiếng Lào, gồm ba hình vị: một gốc Hán, một gốc Sanskrit và một thì gốc… Tày - Thái.

“Luổng” có nghĩa gốc là to, lớn và là một từ Tày - Thái mà ta còn có thể thấy ở từ “luông” trong tiếng Tày, tiếng Nùng và tiếng Thái ở Tây Bắc. Còn xét về nguồn gốc sâu xa thì đây lại là một từ Tày - Thái gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [隆] mà âm Hán Việt hiện đại là “long”, có nghĩa là to lớn, hưng thịnh, tốt đẹp, v.v... Nhưng trong tiếng Lào thì từ nguồn gốc tính từ, “luổng” cũng đã chuyển biến từ loại thành một danh từ riêng biệt để chỉ nhân vật cao cả, người có chức quyền cao và có thể dịch sang tiếng Việt thành “đấng”, “đức”, như trong danh ngữ đang bàn.

“Phạ” là một từ dùng để chỉ Đức Phật hoặc nhà sư và nếu đứng trước một danh từ chỉ người thì nó chỉ tính chất thiêng liêng, cao cả của nhân vật đó. Đây là một từ Lào gốc Sanskrit, bắt nguồn ở từ “vara”, như đã được ghi chú trong Dictionnaire laotien-francais của Marc Reinhorn (Centre National de la Recherche Scientifique, tome II, Paris, 1970, p.1515). “Vara” có nghĩa là ưu việt, xuất sắc, thượng hạng, tốt nhất, v.v... Đi vào tiếng Lào từ tiếng Khmer thông qua tiếng Xiêm (Thái Lan), “vara” đã trở thành “phạ”.

Còn “bang” là một từ “thuần Lào”, đã được Wikipedia tiếng Việt (dẫn chiều 5/11/2012) viết thành “băng” và giảng trong đoạn văn ngắn dưới đây:

“Luangprabang (phiên âm kiểu Việt Nam là Luông Pra Băng, hay Luông Pha Băng, Luông Phá Băng (nghĩa là Phật Vàng Lớn), (phiên âm Latinh kiểu phương Tây: Luang Prabang, hay Louangphrabang), là một huyện ở miền Bắc Lào”.

Nhưng giảng “Luông Phá Băng” là “Phật Vàng Lớn” thì rất sai. “Luông” ở đây không còn mang nghĩa gốc là “lớn” nữa, mà tương đương với “đấng”, “đức”, như đã nói ở trên. Còn “bang” thì càng không có nghĩa là “vàng”, mà là “mỏng” (nghĩa gốc), “mảnh mai”, “mảnh khảnh”, như còn có thể thấy ở nhiều ngôn ngữ Tày - Thái quen thuộc khác (Xiêm [Thái Lan], Thái Tây Bắc [Việt Nam], Tày, Nùng, v.v...). Dịch cho sát thì ba tiếng “Luổng Phạ Bang” chỉ có nghĩa là “Đức Phật mảnh khảnh”.

Là một thành phố nằm ở miền Bắc nước Lào, nay là thị xã của một tỉnh cùng tên, Luổng Phạ Bang vốn là kinh đô của vương quốc Lạn Xang từ thế kỷ XIV cho đến năm 1946. Còn Vạn Tượng [萬象á] có nghĩa là “mười ngàn voi”, dùng để chỉ thủ đô Viêng Chăn của Lào, thì vốn là tên cũ bằng tiếng Hán của Vương quốc Lan Xang, là nước mà cái tên có nghĩa là “triệu voi” (Lan = triệu; Xang = voi). Về từ nguyên, Vạn Tượng không có liên quan gì đến Viêng Chăn, mà tiếng Anh và tiếng Pháp đều phiên thành Vientiane còn Tàu ở Singapore, Mã Lai, Indonesia, Đài Loan, Hongkong và Úc thì phiên bằng hai chữ [永珍], mà âm Hán Việt hiện đại là “Vĩnh Trân”.

Vậy “Viêng Chăn” có nghĩa là gì? Wikipedia tiếng Việt (chiều 5/11/2012) giảng như sau:

“Tên gọi của thành phố bắt nguồn từ tiếng Pali, ngôn ngữ diễn đạt văn chương của Phật giáo tiểu thừa và những nghĩa ban đầu của nó là “Khu rừng đàn hương của nhà vua”, loại cây quý vì mùi hương của nó theo kinh điển Ấn Độ. Nghĩa của Viêng Chăn là “Thành (phố) Trăng” trong tiếng Lào. Cách phát âm và phép chính tả hiện đại Lào không phản ánh rõ ràng từ nguyên tiếng Pali này. Tuy nhiên, tên gọi trong tiếng Thái เวียงจันทน์ vẫn giữ được nguyên gốc từ nguyên và “Thành Đàn hương” là nghĩa gốc của tên gọi này”.

Thực ra, địa danh “Viêng Chăn” được đặt bằng những đơn vị sẵn có trong từ vựng của tiếng Lào chứ không trực tiếp dính dáng gì đến tiếng Pali cả. Đây là một danh ngữ tiếng Lào trong đó “viêng” là trung tâm còn “chăn” bổ nghĩa cho nó, là một từ tiếng Lào gốc ở từ Sanskrit/Pali “candana” - nghĩa là một từ đã bị “Lào hóa” - có nghĩa là “(cây) đàn hương”. Cho nên nói tên gọi của nó bắt nguồn từ tiếng Pali là hoàn toàn trái ngược với sự thật. Huống chi, “viêng” cũng không phải vốn có nghĩa là “khu rừng”, như Wikipedia đã suy luận.

Trong tiếng Xiêm và tiếng Lào, nó có nghĩa là “thành phố” nhưng đây là một cái nghĩa “tiến triển” theo thời gian chứ ban đầu vốn không phải là thế. Ban đầu nó cũng chỉ có nghĩa như từ “viềng” của tiếng Thái Tây Bắc (Việt Nam) mà quyển “Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái” (Đặng Nghiêm Vạn chủ biên, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977) đã giải thích như sau: “Thành đắp bằng đất hay rào bằng nhiều lớp tre để chống cự với giặc. Viềng thường ở trong những chiềng, là nơi thủ phủ một mường” (tr.479). Và ở Viêng Chăn ngày xưa, thay vì rào bằng tre thì người ta rào bằng cây đàn hương. Cho nên giảng “Viêng Chăn” là “Thành Trăng” thì cũng sai. Dân Lào hồi đó đâu có lãng mạn như thế. Wikipedia đã đúng khi giảng “Viêng Chăn” là “Thành Đàn hương”.

A.C

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.