Lừa đảo chuyển khoản & trách nhiệm của ngân hàng

07:13 | 11/10/2023

292 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo qua điện thoại, người gọi yêu cầu người dân chuyển khoản ngân hàng để chiếm đoạt. Các cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, khó lường này. Ở góc độ quản lý, trách nhiệm của ngân hàng ở đâu?
Lừa đảo chuyển khoản & trách nhiệm của ngân hàng

Bẫy giăng khắp nơi

Thời gian vừa qua, những kẻ lừa đảo dùng mọi thủ đoạn tinh vi, chẳng hạn như sử dụng công nghệ AI để giả giọng người thân lừa tiền, giả danh giáo viên gọi điện thoại cho phụ huynh yêu cầu chuyển tiền đóng viện phí cho con đang cấp cứu tại bệnh viện... Những kẻ lừa đảo cũng sử dụng chiêu trò chuyển nhầm tiền vào tài khoản để lừa cho vay nặng lãi hay đánh cắp thông tin cá nhân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản...

Một số trường hợp, kẻ xấu dụ người dân truy cập vào những đường link do chúng kiểm soát và bị chúng rút sạch số tiền trong tài khoản. Có nhiều hình thức lừa đảo mới như lừa nhập thông tin tài khoản vào các website giả mạo website của ngân hàng hoặc lừa đảo có mã giảm giá, chiết khấu cao giả mạo các sàn thương mại điện tử để dụ dỗ nạn nhân...

Điểm chung của các hình thức lừa đảo đó là kẻ gian đều sử dụng tài khoản ngân hàng để lừa nạn nhân chuyển tiền vào rồi chiếm đoạt.

Các hình thức lừa đảo qua mạng ngày càng nở rộ khiến người tiêu dùng, nhất là những người có tài khoản ngân hàng, người có sổ tiết kiệm hoang mang, lo lắng.

Lừa đảo chuyển khoản & trách nhiệm của ngân hàng

Trách nhiệm của ngân hàng

Trước thực trạng đó, không chỉ người dân bức xúc mà các chuyên gia cũng chỉ rõ những bất cập trong quản lý của các ngân hàng.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho biết: “Khó có thể nói là ngân hàng đứng ngoài cuộc, hoàn toàn không liên quan đến tệ nạn lừa đảo. Hiện ngân hàng nào cũng khuyến khích khách mở tài khoản, mở càng nhiều càng tốt, một người thậm chí có thể có nhiều tài khoản tại một ngân hàng. Như vậy, việc quản lý liệu có dễ dàng, hiệu quả không? Tôi nghĩ rằng ngân hàng phải kiểm soát thật chặt các khách hàng mở tài khoản và cần phải có công cụ bảo mật thật tốt, đồng thời cũng nên hạn chế mở tài khoản, bởi vì mở mà không sử dụng hoặc được mở quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mua bán tài khoản. Việc này, ngân hàng hoàn toàn có thể kiểm soát và làm được”.

Ở góc nhìn pháp lý, trao đổi với phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới, luật sư Lê Thu Hằng (Công ty Luật TAT Law Firm) phân tích: Hiện nay, có vô số hình thức lừa đảo qua mạng để đánh cắp, chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng của người dân. “Bị lừa chuyển tiền qua ngân hàng” là chuyện nghịch thường gặp trong cuộc sống, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, với những thủ đoạn tinh vi. Tuy nhiên, rất khó xác định trách nhiệm của ngân hàng liên quan đến các tài khoản này. Bởi vì nhiều trường hợp cần cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để xác minh, điều tra làm rõ, mới có căn cứ để xác định trách nhiệm của ngân hàng nếu có. Theo đó, ngân hàng có trách nhiệm phối hợp, xác định các thông tin của chủ tài khoản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để tìm ra những kẻ lừa đảo.

Về nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng, Nghị định 117/2018/NĐ-CP quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng nêu rõ: “Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017 Nghị định này và pháp luật có liên quan”. Như vậy, thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được bảo mật tuyệt đối, trừ các trường hợp pháp luật quy định được phép cung cấp.

Bảo mật thông tin của khách hàng là trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Các cơ quan, tổ chức này không được tự ý tiết lộ thông tin khách hàng hay thực hiện bất kỳ hành vi bất chính nào như việc trục lợi, sử dụng trái phép, mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin khách hàng.

Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan đều ghi nhận các chế tài mà các tổ chức tín dụng sẽ phải gánh chịu tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm như bị xử lý kỷ luật, phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, phải bồi thường thiệt hại.

Đồng thời, Nghị định 117/2018/NĐ-CP cũng có quy định về việc khách hàng có thể bảo vệ mình trong trường hợp có vi phạm xảy ra. Theo đó, khách hàng có quyền khiếu nại, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật trong trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp, sử dụng thông tin khách hàng không đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Hằng cho biết thêm, người dân có đầy đủ hành lang pháp lý để khởi kiện, tố cáo, đòi lại số tiền bị lừa đảo thông qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, trong thực tế còn gặp một số trở ngại do các đối tượng lừa đảo ở nước ngoài hoặc sử dụng công nghệ cao thông qua các máy chủ ở nước ngoài nên việc xác định tội phạm mất nhiều thời gian, công sức và nhiều trường hợp không có căn cứ xử lý. Cũng có trường hợp đối tượng lừa đảo bị phát hiện nhưng đã bỏ trốn hoặc không có tài sản để thi hành án thì người dân khó có thể nhận lại được tài sản của mình.

Do đó, luật sư Hằng khuyến cáo: Người dân cần phải tỉnh táo trong các cuộc điện thoại, nâng cao cảnh giác trước mọi quyết định chuyển tiền trực tuyến cho bất kỳ ai. Hơn ai hết, trước khi ngân hàng vào cuộc và được pháp luật bảo vệ, bản thân người dân phải tự bảo vệ tài sản của mình. Để lấy lại tài sản bị mất, người bị hại có thể làm đơn tố giác tội phạm đến cơ quan công an nơi bị hại đã chuyển tiền hoặc biết nơi cư trú, làm việc của cá nhân đó.

Các ngân hàng phải tăng cường các biện pháp bảo mật thông tin khách hàng, tăng cường khả năng phối hợp và xử lý thông tin liên quan đến các vụ việc khiếu kiện nhằm hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng phát hiện tội phạm để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến tài khoản ngân hàng.

Theo Nghị định 117/2018/NĐ-CP, khách hàng có quyền khiếu nại, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp, sử dụng thông tin khách hàng không đúng quy định của pháp luật.
Lại xuất hiện vụ việc nghi bị lừa đảo trong xuất khẩu điềuLại xuất hiện vụ việc nghi bị lừa đảo trong xuất khẩu điều
Hàng loạt vụ lừa đảo qua chuyển khoản: Trách nhiệm của ngân hàng ở đâu?Hàng loạt vụ lừa đảo qua chuyển khoản: Trách nhiệm của ngân hàng ở đâu?
Cảnh báo tình trạng mạo danh cơ quan thuế để lừa đảoCảnh báo tình trạng mạo danh cơ quan thuế để lừa đảo

Mạnh Tưởng