Lớp học đặc biệt bên dòng sông Con

07:35 | 19/12/2018

264 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ở xã Thành Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) có một lớp học đặc biệt, học trò là những phụ nữ tuổi xấp xỉ 50 trở lên, phần lớn đã lên “chức” bà nội, bà ngoại. Việc học của những học sinh lớn tuổi cũng bắt đầu bằng việc tập đánh vần, viết chữ và làm những phép tính đơn giản. 

Năm nay đã 61 tuổi, đã có đủ cháu nội, ngoại, việc nhà khá bận rộn, nhưng trong vòng 1 năm qua, bà Lương Thị Bình (sinh năm 1957) vẫn đều đặn đến lớp mỗi tuần 4 buổi. Từ chỗ không biết 1 chữ nào, nay bà Bình đã có thể đọc được sách, báo. Bà chia sẻ: “Lúc tôi còn nhỏ, bố mẹ rất nghèo, không có điều kiện đến lớp như bạn bè. Lớn lên, lấy chồng, sinh con rồi lo kiếm sống, tôi càng không có điều kiện đi học. Nay điều kiện kinh tế không còn quá khó khăn, vất vả như trước, lại gặp dịp các thầy cô mở lớp xóa mù chữ nên tôi đăng ký học ngay”.

lop hoc dac biet ben dong song con
Học viên thực hiện các phép tính đơn giản

Câu chuyện đi học của bà Lương Thị Bình gợi sự tò mò, nên chúng tôi quyết định theo bà đến lớp. Lớp học được tổ chức ở nhà văn hóa cộng đồng của bản trên ngọn đồi khá cao, có đầy đủ bảng đen và bàn, ghế. Không hẹn mà gặp, đúng giờ các “bạn” cùng lớp với bà Bình đều cắp sách đến lớp, trên góc bảng ghi sỹ số lớp học là 14. Bà Bình là học trò lớn tuổi nhất, người trẻ tuổi nhất sinh năm 1976, những người còn lại chủ yếu sinh năm 1963-1969. Các bà, các chị đều là người dân tộc Thái, cư trú ở bản Bộng (xã Thành Sơn), nơi hạ nguồn dòng sông Con.

Học trò ngồi ngay ngắn, cô giáo Võ Thị Huyền - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Sơn bước vào, buổi học bắt đầu bằng việc tập đọc. Cô giáo viết lên bảng mấy dòng giới thiệu về tài nguyên thiên nhiên của đất nước, lần lượt mời từng học trò đứng lên đọc. Khi học trò nắm được kỹ năng đọc - hiểu, cô giáo chuyển sang thực hiện các phép tính cộng, trừ, nhân, chia ở con số hàng chục. Ở phần này, các học trò tỏ ra rất hứng thú, thi nhau xung phong lên bảng thực hiện các phép tính khiến không khí lớp học càng thêm sôi nổi…

lop hoc dac biet ben dong song con
Các thầy, cô giáo luôn tận tình với các “học sinh lớn tuổi”

Giờ nghỉ giải lao, chúng tôi có dịp trò chuyện với các “học sinh lớn tuổi” (theo cách gọi của các thầy, cô giáo). Người lớn tuổi sau bà Lương Thị Bình là bà Lô Thị Mai (sinh năm 1960), một trong những học trò chăm chỉ của lớp. Khi được hỏi về việc cắp sách đến lớp ở độ tuổi 58, bà Mai vui vẻ: “Ngày trước khổ lắm, ăn còn không đủ, nói đến việc học. Mới 5-6 tuổi tôi đã phải theo bố mẹ vào rẫy làm cỏ lúa, gùi ngô, sắn về nhà. Rảnh thì ra sông, ra khe chài cá, bắt tôm hay ra bãi hái rau về ăn cho cả nhà. Lớn lên thì bố mẹ gả chồng, không bao giờ tôi nghĩ đến việc học”. Cho đến lúc các con, rồi các cháu lần lượt đi học, về đọc sách truyện và tin tức qua báo chí với bao điều thú vị và bổ ích, người phụ nữ ấy mong muốn được học để biết cái chữ, dù tuổi đã khá cao. Tháng 11-2017, ban quản lý bản thông báo mở lớp học xóa mù chữ, bà Mai lập tức đến đăng ký tham gia.

Còn bà Ngân Thị Miền (sinh năm 1968) năm xưa cũng vì nghèo khổ nên không có cơ hội đến trường học chữ. Theo lời bà, người không biết chữ luôn gặp bất tiện và cảm thấy lạc lõng giữa mọi người. Chẳng hạn, khi đi khám bệnh, chữa bệnh ở bệnh viện, người ta yêu cầu phải mang theo thẻ bảo hiểm, số khám, chữa bệnh và chứng minh nhân dân. Đến khi thanh toán và làm thủ tục ra viện phải mấy lần ký tên, không biết chữ nên bà Miền phải dùng mực lăn tay. “Những lúc lăn tay vào các loại giấy tờ, những người xung quanh nhìn với ánh mắt ái ngại khiến tôi rất ngượng” - bà Miền chia sẻ. Và chính điều ấy đã thôi thúc bà đến với lớp xóa mù chữ. Sau 1 năm miệt mài học tập, nay bà không những ký được họ tên của mình mỗi khi khám, chữa bệnh mà còn viết được thư gửi con trai ở miền Nam.

lop hoc dac biet ben dong song con
Học viên lớp xóa mù chữ trong giờ tập đọc

Chị Lô Thị Tấm (sinh năm 1972), năm nay 46 tuổi - độ tuổi chưa thật sự cao. Chị đến lớp học với mong muốn biết chữ để dùng điện thoại di động gửi tin nhắn cho các con đang đi làm xa. Sau 1 năm, chị Tấm đã đạt được mong ước, ngày nào chị cũng nhắn tin trên điện thoại trò chuyện với các con. Không những thế, chị còn học dùng facebook, trở thành “cư dân mạng”, vừa để liên lạc với các con được thuận tiện hơn, vừa khám phá được vô vàn thông tin trên mạng xã hội. Và đặc biệt, theo như chị nói, vì không biết tính toán nên trước kia mỗi khi bán nông lâm sản hoặc lợn, gà thường để tư thương cân, đong trả tiền chừng nào nhận chừng đó. Nay đi học, được các thầy, cô giáo hướng dẫn làm các phép tính đơn giản nên mỗi khi bán hàng hóa, chị đã biết cân, đong và tính tiền.

Phó hiệu trưởng Võ Thị Huyền cho biết, lớp xóa mù chữ ở bản Bộng có 14 học viên, khai giảng từ tháng 11/2017. Họ đều là những phụ nữ dân tộc Thái, hồi còn nhỏ do hoàn cảnh khó khăn nên không được đến trường. Ban đầu, việc mở lớp gặp không ít khó khăn, phải điều tra và khảo sát kỹ càng, chỉ có số ít học viên tự nguyện tham gia, còn lại phải đến tận nhà để vận động. Hầu hết các “đức lang quân” ở đây không muốn cho vợ đi học, lý lẽ họ đưa ra là: “Đi ban đêm xảy ra nhiều chuyện phức tạp lắm”. Thậm chí, có ông chồng thấy các thầy, cô giáo đến vận động thì đuổi ra khỏi nhà và nói: “Già rồi, cần chi chữ nghĩa”.

Trước những tình huống ấy, các thầy, cô giáo phải phối hợp với Ban Quản lý bản và Chi hội Phụ nữ vận động nên mới đủ số lượng học viên để mở lớp. Việc học chủ yếu diễn ra buổi tối, vì ban ngày các bà, các chị còn phải chăm lo ruộng đồng, nhà cửa hay đưa, đón cháu, con đến lớp. Thi thoảng, vào thời điểm nông nhàn mới tổ chức dạy học ban ngày để đẩy nhanh chương trình. Các học viên đều chăm chỉ, tích cực và có ý thức học tập, luôn tỏ rõ niềm hứng thú trong mỗi buổi học. Đến nay, sau 1 năm khai giảng, các bà, các chị đã bắt đầu làm quen với chương trình lớp 3, hầu hết các bà, các chị đã biết đọc, biết viết và thực hiện các phép tính đơn giản trong phạm vi hàng chục.

Chị Lương Thị Hảo - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thành Sơn cho biết: “Số lượng chị em phụ nữ dân tộc Thái ở địa phương khá nhiều nên chịu những thiệt thòi nhất định, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin. Vì thế, việc mở và duy trì các lớp xóa mù chữ là thực sự cần thiết, giúp chị em không bị tụt hậu quá nhiều so với thời đại”.

Các học viên đều chăm chỉ, tích cực và có ý thức học tập, luôn tỏ rõ niềm hứng thú trong mỗi buổi học. Đến nay, sau một năm khai giảng, các bà, các chị đã bắt đầu làm quen với chương trình lớp 3, hầu hết các bà, các chị đã biết đọc, biết viết và thực hiện các phép tính đơn giản trong phạm vi hàng chục.

Trần Công Kiên

lop hoc dac biet ben dong song conChuyện một lớp học đặc biệt
lop hoc dac biet ben dong song conLớp học tình thương của ông giáo 83 tuổi
lop hoc dac biet ben dong song conBà giáo của những số phận bất hạnh
lop hoc dac biet ben dong song con“Thầy giáo nhí” với lớp học đặc biệt
lop hoc dac biet ben dong song conLớp học gió lùa bên kỳ quan Sơn Đoòng