Báo cáo của quan - Lớp học của dân

06:46 | 23/09/2012

1,984 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Luật Phổ cập giáo dục tiểu học được ban hành ngày 16/8/1991 và đã hết hiệu lực, bởi theo các báo cáo chính thống, nước ta đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. Chuyện toàn dân biết chữ, đọc thông viết thạo được chữ Việt, ký được tên mình ngỡ rằng là điều hiển nhiên khỏi cần bàn cãi.

Từ năm 2000, Việt Nam đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập tiểu học. Tỷ lệ biết chữ của người lớn trong độ tuổi 15-24 đã đạt gần 95%, số năm đi học trung bình của người dân đạt mức 7,3 năm. Tỷ lệ học sinh tiểu học nhập học đúng độ tuổi đã tăng lên gần 98% so với mục tiêu đạt 97% vào năm 2005.

Đi làm công nhân còn phải đi học bổ túc tiểu học

Báo cáo là vậy nhưng, kể từ khi công bố hoàn thành phổ cập tiểu học đến nay, hầu như không có địa phương nào,  đơn vị giáo dục nào quan tâm tiếp tục bổ túc văn hóa cho những người đã thanh toán được nạn mù chữ nên tình trạng tái mù rất nhiều, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa… Công tác xóa nạn mù chữ, chống tái mù chữ ở những nơi này gặp nhiều khó khăn, phức tạp do ngôn ngữ, văn tự luôn luôn trong tình trạng không vững chắc và ổn định. Người được xóa mù chữ bằng chữ dân tộc hiện nay rất ít, người được xóa mù chữ bằng tiếng phổ thông thì trong môi trường sinh hoạt hằng ngày ít sử dụng tiếng nói và chữ viết bằng tiếng Việt nên cũng chóng quên. Còn ở vùng đồng bằng, nạn mù chữ vẫn tràn lan. Họ là những người dân ven biển, ven sông, quanh năm sống bằng nghề chài lưới, nay đây mai đó. Theo điều tra báo chí, có 45,5% số dân không hoàn thành cấp học nào, 32,87% tốt nghiệp tiểu học, 13,51% có bằng THCS, 5,43% tốt nghiệp THPT. Hàng vạn người lao động ở nông thôn lên thành phố, đô thị kiếm sống, vẫn mù chữ. Thậm chí cán bộ cũng còn người chỉ biết ký mà không biết đọc, biết viết. Ngay tại các khu công nghiệp cũng có công nhân mù chữ. Họ không thể sử dụng điện thoại di động, thẻ ATM. Hóa ra trong khi đi điều tra số người mù chữ người ta cũng chỉ điều tra số người có hộ khẩu ở thành phố. Như vậy, những người lao động từ các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa về làm ăn sinh sống vẫn nằm ngoài diện được xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học…

Hiện nay, còn hàng triệu người đang mù chữ, chưa được phổ cập giáo dục tiểu học, ước tính chiếm đến 1/9 dân số đang cần gấp rút xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và bổ túc thêm văn hóa để những người trực tiếp làm ra củ khoai, hạt lúa có thêm kiến thức, nâng cao năng suất cây trồng, chống các tệ nạn xã hội, tích cực xóa đói, giảm nghèo, góp phần thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới do Đảng và Nhà nước ban hành.

Vượt qua những thành tích “ảo” một thời, Bộ GD-ĐT có “Đề án Xóa mù chữ giai đoạn từ 2012-2020” cho những người mù chữ. Đây thật sự là tin vui, mang tính nhân văn rất cao vì không còn phân biệt tuổi tác, bảo đảm “ai cũng được học hành” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Báo cáo là của quan chức, còn lớp học xóa mù chữ là của dân tự mở. Vì vậy, càng cần tôn vinh các giáo viên tình nguyện dạy chữ cho công nhân ở các khu công nghiệp. Còn công nhân đi học vì muốn biết dùng điện thoại di dộng, thẻ ATM để lĩnh tiền, biết ký tên mình thay vì điểm chỉ. Đã có những lớp học xóa nạn mù chữ “dân lập” được các bạn trẻ ở Bình Dương mở ra cho công nhân các khu công nghiệp. Thầy cố dạy, trò ráng học. Ở Lái Thiêu có lớp học mở được hơn một tháng, nhiều công nhân đã có thể tự đánh vần và đọc được chữ. Biết chữ rồi, anh chị em mới tâm sự rằng, quả thật không biết chữ khổ trăm bề. Ở quê không biết chữ thì có thể làm ruộng, làm mướn. Lên thành phố không biết chữ, muốn xin làm công nhân cũng rất khó, thậm chí đi ra đường không khéo còn bị lạc, dễ bị kẻ gian lừa.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là tia sáng mong manh, đốm lửa nhỏ. Một mình Hội Liên hiệp Thanh niên phường, xã không thể “kham” nổi sự nghiệp tái phổ cập tiểu học. Đề án xóa mù chữ giai đoạn từ 2012-2020 của Bộ GD-ĐT cần được chính ngành giáo dục thực hiện với kế hoạch cụ thể về sách giáo khoa, giáo viên, học viên, kinh phí cụ thể với thời hạn cụ thể cho từng địa bàn. Đề án này cũng cần có sự tham gia của các ban quản lý khu công nghiệp, tổ chức công đoàn, thanh niên… cùng vào cuộc để làm sao khi kết thúc đề án không còn công nhân, cư dân mù chữ. Ở khu vực nông thôn, việc xóa nạn mù chữ phải là một nội dung trong nhóm tiêu chí về văn hóa xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Minh nghĩa

(Năng lượng Mới số 156, ra thứ Ba ngày 18/9/2012)