Lộn xộn phẫu thuật thẩm mỹ

09:49 | 20/09/2017

1,494 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ trong thời gian ngắn, đã xảy ra 2 vụ tử vong vì phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) tại TP HCM. Là một lĩnh vực phát triển “nóng”, trong thời gian gần đây do nhu cầu làm đẹp ngày càng cao của người dân, PTTM đang diễn ra với nhiều hoạt động phức tạp, rủi ro khôn lường.

Vượt chuyên môn được phép

Gần đây nhất là vụ tử vong của người đàn ông quốc tịch Mỹ khi cắt da thừa ở bụng tại Viện PTTM Việt Thành, số 565 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP HCM. Theo chủ cơ sở Viện PTTM Việt Thành - bác sĩ Nguyễn Việt Thành tường trình với Cơ quan Công an, lúc 11h ngày 19-7, ông Edward Hartley đến phòng khám với lý do muốn cắt da dư vùng bụng sau khi sụt khoảng 20kg. Tại đây, bác sĩ Nguyễn Việt Thành đã khám và chỉ định phẫu thuật cắt da dư cho vị khách này. 16h cùng ngày, ông Edward Hartley trở lại phòng khám để thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, sau khi tiêm thuốc tê khoảng 10-15 phút, ông Edward Hartley có dấu hiệu trụy mạch. Bác sĩ Thành đã hồi sức tim, phổi cho bệnh nhân, đồng thời gọi ngay BS Bệnh viện Trưng Vương đến hỗ trợ hồi sức. Tuy nhiên, ông Edward Hartley vẫn tử vong.

lon xon phau thuat tham my
Diễn viên Thẩm Thúy Hằng với những biến chứng của phẫu thuật thẩm mỹ

Sai phạm của Viện PTTM Việt Thành chính là đã vượt quá chuyên môn được cấp phép. Giấy phép hoạt động, chỉ cho phép làm tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm… nhưng vị bác sĩ này nhận cắt da bụng thừa - một phẫu thuật được giới chuyên môn nhận định không đơn giản.

Tương tự, một thai phụ, 22 tuổi ở Hóc Môn làm phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (quận 10, TP HCM) bị tử vong. Thông tin từ Sở Y tế TP HCM cho biết, khoảng giữa tháng 4, thai phụ này được một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM đưa đến Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh để phẫu thuật đặt túi nâng ngực và ông cũng là người trực tiếp phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được cho về nhưng phải uống thuốc kháng sinh, giảm đau để chống viêm nhiễm, bảo vệ vết thương. Uống hết thuốc, vết mổ vẫn chảy dịch, thai phụ phải ra ngoài mua thêm thuốc uống nhưng uống xong, bệnh nhân thấy khó thở, tụt huyết áp, gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn. Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn hậu phẫu, phải chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện Nhân dân 115 điều trị. Dù đã được tích cực cứu chữa như lọc máu, thở máy nhưng bệnh nhân vẫn tử vong do suy đa tạng, không phục hồi dẫn đến hôn mê sâu, gia đình xin đưa về lo hậu sự.

Điều đáng nói trong vụ việc này là bác sĩ phẫu thuật nâng ngực cho bệnh nhân chuyên môn chỉ giới hạn về răng hàm mặt (chuyên khoa răng hàm mặt), không chuyên khoa về phẫu thuật tạo hình. Chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM Bùi Minh Trạng nói: “Bác sĩ đã nhận bệnh nhân từ phòng khám và đưa sang Bệnh viện Vạn Hạnh để mổ. Về chuyên môn, bác sĩ răng hàm mặt không được phép phẫu thuật nâng ngực”.

Bất cập đủ đường

Tại buổi tọa đàm “Ngành PTTM - Bất cập và giải pháp phát triển”, đánh giá chung về lĩnh vực này các chuyên gia, nhà quản lý đã nhận định: Hiện nay, tốc độ phát triển của ngành PTTM quá nhanh dẫn đến quá nguy hiểm, gây nhiều hệ lụy cho khách hàng. Các vụ tử vong, biến chứng liên tiếp xảy ra trong khi các trung tâm làm đẹp vẫn mọc lên như nấm. Đáng ngại nhất là tay nghề của không ít người đang hành nghề PTTM không bảo đảm, không thực hiện theo đúng chuyên khoa được đào tạo hoặc được cấp phép.

PGS.BS Đỗ Quang Hùng, Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM

Hút mỡ bụng là kỹ thuật khó nhất trong PTTM. Nhân viên y tế phải trải qua 54 tháng đào tạo chuyên khoa thẩm mỹ. Tuy nhiên, hiện có nhiều bác sĩ chưa có chứng chỉ đã thực hiện kỹ thuật này.

Theo quy định của Bộ Y tế, để được hành nghề, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải đáp ứng nhiều yêu cầu về cơ sở vật chất và đặc biệt là trình độ của đội ngũ y, bác sĩ. Thế nhưng, tại các thành phố lớn như Hà Nội chẳng hạn, vẫn tồn tại những cơ sở không đủ điều kiện nhưng vẫn hành nghề, thậm chí còn đào tạo nghề PTTM cho cơ sở khác, cá nhân khác.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội thẳng thắn nhận định: Một số spa, thẩm mỹ viện không có bác sĩ cũng nhận tiến hành PTTM. Như vậy là trái quy định pháp luật. Bên cạnh đó, có tình trạng hồ sơ cấp phép chỉ được làm một số kỹ thuật, nhưng khi thực hiện lại quá phạm vi cho phép, không an toàn cho khách hàng.

Đồng quan điểm, TS Phạm Trình Quốc Khanh, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ TP HCM, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương cũng cho rằng, việc phạt hành chính không khiến các thẩm mỹ viện lo ngại, bởi số tiền phạt chỉ 50-70 triệu đồng, không đủ sức răn đe. Họ sẵn sàng nộp phạt, nếu bị rút giấy phép họ lại mở cơ sở khác.

Một nguyên nhân khác cũng được đề cập, đó chính là ý thức của khách hàng, “sính ngoại”, thiếu tham khảo thông tin, lựa chọn “chớp nhoáng”… Để chấn chỉnh hoạt động PTTM, theo bà Trần Thị Nhị Hà, ngoài ưu tiên các giải pháp quản lý, cần tích cực tuyên truyền giúp người dân nắm bắt được thông tin lĩnh vực mình cần biết, nếu có ý định phẫu thuật. Đối với các cơ sở vi phạm, ngoài phạt tiền, sẽ bị thu hồi, tước giấy phép hành nghề để có tác dụng răn đe hơn.

Được biết, tới đây, Bộ Y tế sẽ bổ sung các văn bản quy định rõ về chứng chỉ, cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo… để đảm bảo quy định chuyên ngành gì thì được thực hành phẫu thuật phạm vi nào. Việc tổ chức thực hiện cần sự phối hợp giữa Sở Y tế và Sở Công Thương để phát hiện, hướng dẫn và xử lý vấn đề nhanh chóng, chặt chẽ nhất.

PGS Nguyễn Tài Sơn, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hà Nội, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đánh giá:

Trình độ và khả năng PTTM của nhiều bác sĩ còn yếu dẫn đến những vụ việc nghiêm trọng đến mức chết người. Các quy định, chế tài, công tác quản lý chưa đồng bộ, tạo nhiều kẽ hở, khiến nhiều cơ sở PTTM hoạt động chui, quảng cáo quá phạm vi cho phép, hoạt động không đúng chức năng... khiến lĩnh vực PTTM lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp.

Nguyễn Anh