Lộ diện 7 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam trong tháng 4/2023

15:30 | 30/04/2023

74 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Tổng cục Thống kê (GSO), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4 của Việt Nam ước đạt 53,57 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8%; nhập khẩu hàng hóa đạt 102,22 tỷ USD, giảm 15,4%. Việt Nam ước tính xuất siêu 1,51 tỷ USD trong tháng 4 và xuất siêu 6,35 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2023.

Về thị trường, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4/2023, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đạt kim ngạch cao nhất với 28,4 tỷ USD, đứng thứ 2 là Trung Quốc với 16,4 tỷ USD.

Việt Nam xuất siêu hàng hóa sang Mỹ ước đạt 24,4 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 9,3 tỷ USD, giảm 12,7%; xuất siêu sang Nhật Bản 367 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 589 triệu USD).

Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với 33,3 tỷ USD, đứng thứ 2 là Hàn Quốc với 16,7 tỷ USD.

Lộ diện 7 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam trong tháng 4/2023
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc ước đạt 16,8 tỷ USD, giảm 18,1%; nhập siêu từ Hàn Quốc 8,9 tỷ USD, giảm 36,9%; nhập siêu từ ASEAN 2,3 tỷ USD, giảm 53%.

Trong tháng 4/2023, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước đạt 7,12 tỷ USD, giảm 8,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,42 tỷ USD, giảm 6,9%.

Việt Nam có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch tỷ USD tháng 4/2023 với tổng trị giá đạt 17,75 tỷ USD, tương ứng chiếm 64,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng.

Lộ diện 7 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam trong tháng 4/2023
Máy vi tính, điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với 4,1 tỷ USD

Máy vi tính, điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với 4,1 tỷ USD. Đứng thứ 2 là điện thoại và linh kiện đạt 4 tỷ USD; tiếp đến là máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 3,2 tỷ USD; hàng dệt may đạt 2,4 tỷ USD; giày dép đạt 1,8 tỷ USD; phương tiện vận tải phụ tùng đạt 1,2 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,05 tỷ USD.

Trong nhóm nông sản, gạo là mặt hàng có trị giá xuất khẩu lớn nhất với 574 triệu USD. Cà phê là mặt hàng đứng thứ 2 với 474 triệu USD; tiếp đến là rau quả với 410 triệu USD…

Trong tổng 34 mặt hàng xuất khẩu chính (theo công bố của GSO), có tới 27 mặt hàng ghi nhận kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm 2022. Xăng dầu là mặt hàng có mức giảm lớn nhất với 59%; đứng sau là dầu thô với 37%; sắt thép với 34,7%; gỗ và sản phẩm gỗ với 34,6%...

Lộ diện 7 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam trong tháng 4/2023
Gạo là mặt hàng có mức tăng kim ngạch xuất khẩu cao nhất với 108% so với cùng kỳ năm 2022

Ngược lại, gạo là mặt hàng có mức tăng kim ngạch xuất khẩu cao nhất với 108% so với cùng kỳ năm 2022. Đứng sau là cà phê với 30,7%; rau quả với 27,8%; phương tiện vận tải phụ tùng tăng 27%... Đáng chú ý, có tới 4/7 mặt hàng tăng trưởng dương thuộc nhóm hàng nông sản, bao gồm rau quả, hạt điều, cà phê và gạo.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2023 của Việt Nam ước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với tháng trước và giảm 20,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,13 tỷ USD, giảm 13%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,9 tỷ USD, giảm 5,2%.

Trong tháng 4/2023, có 3 mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó máy vi tính, điện tử và linh kiện đạt 6,1 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 3,25 tỷ USD; vải đạt 1,2 tỷ USD.

Tổng trị giá nhập khẩu của 3 mặt hàng trên đạt 10,55 tỷ USD, tương ứng chiếm 40,5% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4.

Về tăng trưởng, điện thoại và linh kiện là mặt hàng nhập khẩu có mức giảm kim ngạch lớn nhất với 64% so với cùng kỳ năm 2022. Đứng thứ 2 là khí đốt hóa lỏng với 49% ; tiếp đến là xăng dầu với 41%; than đá 40%; chất dẻo 36%...

Ở chiều ngược lại, phế liệu sắt thép là mặt hàng nhập khẩu có mức tăng cao nhất với 37%; đứng sau là thủy sản với 17,9%; ngô với 16,9%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện với 11,8%...

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Tin tức kinh tế ngày 26/4: Xuất khẩu gạo mang về hơn 980 triệu USD trong quý ITin tức kinh tế ngày 26/4: Xuất khẩu gạo mang về hơn 980 triệu USD trong quý I
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu điện thoại lớn nhất của Việt NamTrung Quốc là thị trường xuất khẩu điện thoại lớn nhất của Việt Nam
Tin tức kinh tế ngày 29/4: CPI tháng 4/2023 giảm 0,34%Tin tức kinh tế ngày 29/4: CPI tháng 4/2023 giảm 0,34%
Cần những nỗ lực đặc biệt để khơi thông thị trường vốn năm 2023Cần những nỗ lực đặc biệt để khơi thông thị trường vốn năm 2023