Liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu?

16:37 | 05/10/2022

1,599 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Để vừa đảm bảo nguồn cung trong nước, vừa đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, Liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh chi phí kinh doanh trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu.

Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang phải chịu lỗ khi phục vụ người dân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, mức chiết khấu là mức giảm giá của các đơn vị bán xăng dầu như doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, phân phối... cho các đối tượng khác, nhưng theo pháp luật hiện hành, không có quy định mức chiết khấu trong giá xăng dầu.

Liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu?
Kinh doanh mặt hàng xăng dầu đang phải chịu thua lỗ không đáng có.

Theo tính toán của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), với mức chi phí vận chuyển và phụ phí bị tăng lên như hiện nay, kết cấu tính chi phí của doanh nghiệp xăng dầu bị tính thiếu khoảng 400 đồng/lít xăng và 100 đồng/lít dầu.

Do chiết khấu về 0 đồng, chi phí kinh doanh tăng, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, nếu tình hình hiện tại vẫn tiếp tục, thì hàng ngàn cây xăng chỉ có thể trụ nổi trong khoảng một tháng nữa.

“Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu cho các doanh nghiệp xăng dầu, mà chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng này, doanh nghiệp tự quy định mức chiết khấu cho người mua. Theo đó, khi nguồn cung dồi dào, giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm, doanh nghiệp tăng chiết khấu để đẩy lượng bán ra và ngược lại”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Thừa nhận thời gian qua có tình trạng chiết khấu thấp, bán xăng nhỏ giọt, đại diện Bộ Công Thương đã nêu hai lý do chính: Một là, do từ đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn, tác động đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước; Hai là, trong quý II/2022, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tăng mạnh nhập khẩu, nhưng sang quý III, giá liên tục giảm, doanh nghiệp thua lỗ do nhập khẩu lượng lớn, giá cao, nên buộc phải giảm mức chiết khấu cho hệ thống phân phối.

Bên cạnh đó, từ cuối năm 2021 đến nay, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng, tuy nhiên, để kiểm soát lạm phát, mức tăng của những chi phí này chưa được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh trong giá cơ sở do Nhà nước điều hành. Bởi vậy, để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp đầu mối buộc phải cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có mức chiết khấu cho hệ thống phân phối xăng dầu.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, một số chi phí, phụ phí nhập khẩu xăng dầu hiện đã tăng đến 2 - 3 lần so với giai đoạn trước, song cách tính chi phí xăng dầu không thay đổi, buộc họ phải giảm chiết khấu cho các đại lý, tổng đại lý, hoặc bán nhỏ giọt cho các cây xăng bán lẻ, tác động dây chuyền, gây bất ổn cung - cầu thị trường.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch VINPA chia sẻ, doanh nghiệp xăng dầu mong được tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu để đỡ bị thiệt, nhất là trong giai đoạn thị trường biến động.

Liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu?
Thời gian qua hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị tước giấy phép do vi phạm pháp luật.

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết thêm, Bộ đã nhiều lần đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét việc điều chỉnh các chi phí kinh doanh xăng dầu trong giá cơ sở bán lẻ. Tuy nhiên, thẩm quyền tính toán, điều chỉnh các chi phí thuộc về Bộ Tài chính. Hiện, Bộ Tài chính mới điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo thực tế, còn chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước đến cảng chưa được rà soát, điều chỉnh.

Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng với xăng dầu để kìm đà tăng giá nhiên liệu trong nước trước bối cảnh giá xăng dầu trên thị trường thế giới dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, khó dự báo.

Đặc biệt, Văn phòng Chính phủ mới đây có thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, yêu cầu Bộ Tài chính rà soát các chi phí hợp lý, điều chỉnh phù hợp để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cũng như quyền lợi của doanh nghiệp.

Như vậy, việc các cơ quan quản lý nhà nước thống nhất điều chỉnh các chi phí hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp bán lẻ là vô cùng cần thiết. Nhưng cũng cần đặc biệt lưu ý khi điều chỉnh các chi phí để tuyệt đối không làm tăng giá bán xăng dầu trong nước cũng như tránh "lợi ích nhóm" trong kinh doanh xăng dầu.

P.V

Tăng trích quỹ bình ổn, giá xăng RON95 vẫn giảm hơn 1.000 đồng/lít Tăng trích quỹ bình ổn, giá xăng RON95 vẫn giảm hơn 1.000 đồng/lít
Thứ trưởng Bộ Công Thương chỉ rõ 2 lý do vì sao doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ Thứ trưởng Bộ Công Thương chỉ rõ 2 lý do vì sao doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ
Có nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu? Có nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu?
Các cửa hàng xăng dầu liệu có thực sự gặp khó? Các cửa hàng xăng dầu liệu có thực sự gặp khó?