Làm thế nào để sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong dịp Tết Nguyên đán?

07:30 | 10/02/2021

176 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ông Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trao đổi về công tác sử dụng điện trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021
Làm thế nào để sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong dịp Tết Nguyên đán?
Ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban Kinh doanh (EVN)

PV: Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, EVN đã có các giải pháp như thế nào để cung cấp điện an toàn, ổn định thưa ông?

Ông Trần Viết Nguyên: Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong dịp Tết năm nay, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), Tổng công ty Truyền tại điện Quốc gia; các Tổng công ty Điện lực (TCT) và các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án đảm bảo hệ thống được vận hành an toàn, ổn định và tin cậy nhất.

Có thể kể tới một số công tác chuẩn bị chính như lập phương thức huy động hợp lý các nguồn điện, lên phương án điều hành phù hợp các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) và các nguồn điện khác. Các đơn vị rà soát và tạm ngừng thực hiện các kế hoạch ngừng, giảm cung cấp điện liên quan đến công tác bảo dưỡng, sửa chữa lưới điệp trong dịp tết. Thường xuyên kiểm tra hệ thống lưới điện, phát hiện và xử lý các khiếm khuyết bất thường nâng cao độ tin cậy vận hành. Chuẩn bị vật tư, thiết bị, phương tiện vận chuyển, máy móc thi công, các kênh thông tin liên lạc,… để khắc phục kịp thời các sự cố bất thường xảy ra (nếu có).

EVN cũng phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thuỷ lợi trong công tác đổ ải phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đảm bảo sử dụng nước hiệu quả.

Mặt khác, các đơn vị tuyên truyền tới khách hàng và người dân, sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; làm việc với các khách hàng để phối hợp vận hành các nguồn điện NLTT (thủy điện nhỏ, gió, mặt trời) đảm bảo vận hành hệ thống an toàn, ổn định và kinh tế trong thời gian nghỉ tết (khi hệ thống yêu cầu),...

PV: Công tác vận hành hệ thống điện quốc gia cũng như đảm bảo điện Tết Nguyên đán năm nay có gì khác biệt và đáng lưu ý so với các năm trước không, thưa ông?

Ông Trần Viết Nguyên: Thời gian qua, đã có hơn 100.000 dự án điện mặt trời mái nhà với công suất 9.500MWp được đưa vào vận hành. Ngoài ra do ảnh hưởng của dịch COVID -19 nên nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng cũng thấp hơn nhiều, điều này dẫn tới hệ thống điện đang thừa công suất.

Nhu cầu sử dụng điện của hệ thống dịp Tết năm này dự kiến sẽ thấp hơn bình thường. Cụ thể, công suất đỉnh (cực đại) của toàn hệ thống dự báo chỉ khoảng 17.000MW – 19.000MW, công suất thấp nhất của hệ thống từ 12.000MW – 13.000MW, tăng khoảng 1 – 1,5% so với cùng kỳ năm 2020. Vì vậy, tình trạng thừa nguồn sẽ xảy ra, gây nguy hiểm cho lưới điện cả nước, công tác vận hành sẽ gặp nhiều khó khăn.

Khi phụ tải thấp dẫn tới điện áp và tần số có thể tăng cao, EVN phải đảm bảo giữa tần số và điện áp trong giới hạn cho phép để hệ thống vận hành thông suốt; cân bằng giữa công suất phát và phụ tải tiêu thụ; tính toán các mức dự phòng quay, dự phòng khởi động nhanh…để ngăn ngừa sự cố. Các đơn vị Điện lực đang tích cực phối hợp với các chủ đầu tư dự án NLTT (gió và mặt trời) về việc vận hành các nguồn điện NLTT an toàn, ổn định và kinh tế.

PV: Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo, hướng dẫn về sử dụng điện an toàn, việc quá tải, chập/cháy… dẫn đến tai nạn, cháy nhà; mất an toàn cho trẻ nhỏ và người dân vẫn còn. Vậy những nguyên nhân này là do đâu và EVN có khuyến cáo gì tới khách hàng sử dụng điện?

Ông Trần Viết Nguyên: Nguyên nhân, chập cháy trong sử dụng điện là do sự cố hệ thống điện (dây và cáp điện, thiết bị đóng ngắt, công tắc, ổ cắm …), từ thiết bị điện (bóng đèn, bàn là, tủ lạnh, quạt, bếp, nồi cơm điện…). Do vậy, mỗi người dân, mỗi gia đình phải tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về PCCC để đảm bảo an toàn và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Khách hàng sử dụng điện cần chủ động kiểm tra hệ thống điện từ sau công tơ đến các thiết bị tiêu thụ điện trong gia đình để kịp thời phát hiện và xử lý hoặc thay thế dây dẫn sau công tơ, các thiết bị điện không đảm bảo vận hành. Thực hiện thay thế dây dẫn, các thiết bị bảo vệ trong gia đình (cầu dao, cầu chì, aptomat) phù hợp với phụ tải để tránh quá tải và gây cháy nổ. Các thiết bị điện như máy nước nóng, tủ lạnh, máy giặt,… thực hiện nối đất theo đúng quy định của nhà sản xuất.

Các đơn vị tổ chức sự kiện vui chơi, giải trí, chợ hoa... trong dịp Tết bố trí hệ thống điện an toàn, tránh nguy cơ bị điện giật. Không bắn pháo bông, pháo sáng lên đường dây điện; không thả diều, dựng cây nêu gần công trình điện. Không treo pano, băng rôn lên các cột trạm biến áp hoặc cột điện mà không đảm bảo khoảng cách an toàn. Hạn chế sử dụng đồng thời các thiết bị điện vào giờ cao điểm, trong giờ giao thừa để tránh quá tải cục bộ cho hệ thống điện. Phối hợp với đơn vị điện lực sở tại/địa phương vận hành hệ thống điện mặt trời khi có yêu cầu từ hệ thống.

PV: Xin cảm ơn ông!

Quý khách hàng có bất cứ yêu cầu nào về các dịch vụ điện, xử lý sự cố điện, liên lạc với qua Tổng đài Trung tâm chăm sóc khách hàng để được hướng dẫn giải quyết:

- Khách hàng khu vực TP. Hà Nội: 19001288;

- Khách hàng khu vực miền Bắc (trừ TP. Hà Nội): 19006769;

- Khách hàng khu vực miền Nam và TP.HCM: 19001006; 19009000; 1900545454;

- Khách hàng khu vực miền Trung: 19001909;

Huyền Thương (thực hiện)