Làm sai, Công an Hải Dương phải "đền" 650 triệu đồng tiền bạch tuộc

11:31 | 12/06/2013

1,544 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lô hàng bạch tuộc không xuất xứ từ vùng có dịch, nhưng lực lượng làm nhiệm vụ lại giữ hàng vì cho rằng lô hàng này không có giấy chứng nhận kiểm dịch.. Trước việc làm sai trái này, Công an Hải Dương đã chấp nhận bồi thường 650 triệu đồng.

Chiều 11/6, đoàn công tác của Công an tỉnh Hải Dương do Đại tá Cao Ngọc Lan - Phó Giám đốc công an tỉnh dẫn đầu, đã có cuộc làm việc kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ với đại diện các ngư dân Cần Giờ bị thiệt hại trong vụ bắt giữ hai tấn bạch tuộc dẫn đến hư hỏng.

Buổi làm việc diễn ra tại Công an phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP HCM) - nơi thường trú của bà Nguyễn Thị Phỉ, đại diện theo ủy quyền của các ngư dân Cần Giờ. Ban đầu, phía ngư dân đòi bồi thường tổng cộng 755 triệu đồng (gồn 1.809 kg bạch tuộc với giá 400.000 đồng/kg, tiền chi phí đi lại để khiếu nại). Tuy nhiên, phía Công an Hải Dương cho rằng, đơn giá như vậy là quá cao và đề nghị giảm xuống.

Sau khi thương lượng, các ngư dân đồng ý không đòi bồi thường chi phí đi lại, đồng thời giảm thêm 10% số tiền trên đơn giá lô hàng hai tấn bạch tuộc.

Chiếc xe tải chở bạch tuộc bị tạm giữ.

Do đó số tiền đòi bồi thường còn 650 triệu đồng. Đến 20h cùng ngày, biên bản thỏa thuận về việc bồi thường đã được ký kết và Công an tỉnh Hải Dương đã chuyển ngay 650 triệu đồng cho ngư dân Cần Giờ.

Đại tá Cao Ngọc Lan cũng cho biết, trước mắt, Công an Hải Dương tiến hành bồi thường để đảm bảo quyền lợi cho người dân; còn sai sót cụ thể như thế nào, trách nhiệm thuộc về ai thì trong thời gian tới sẽ được làm rõ.

Trước diễn biến vụ việc, Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an đã có văn bản yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương báo cáo toàn bộ diễn biến, quá trình giải quyết vụ tạm giữ 2 tấn bạch tuộc gây xôn xao dư luận, và giao Chánh Thanh tra Bộ Công an kiểm tra lại toàn bộ vụ việc, làm rõ đúng, sai, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Nếu phát hiện có sai phạm, phải xử lý nghiêm và nếu sai phạm đó dẫn đến hậu quả thiệt hại thì phải bồi thường.

Trước đó, tối 27/5, xe tải mang BKS 14C - 065.38 do tài xế Nguyễn Quang Hưng (ở huyện Đông Triều, Quảng Ninh) điều khiển. Chiếc xe chở lô hàng bạch tuộc của các chủ hàng lưu thông từ sân bay Nội Bài về tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, khi xe chạy qua địa phận tỉnh Hải Dương đã bị lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Hải Dương yêu cầu dừng xe kiểm tra. Thấy lô hàng là bạch tuộc, lực lượng cảnh sát giao thông đã thông báo cho Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương.

Sau đó, Đội 4 Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương đã đến đưa xe ô tô cùng hàng hóa về lưu giữ tại bãi lưu giữ phương tiện vi phạm hành chính của Công ty TNHH Trường Giang (ở số 57 đường Ngô Quyền, TP Hải Dương), với lý do lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại bãi giữ này, tài xế Nguyễn Quang Hưng yêu cầu lực lượng cảnh sát môi trường phải lập biên bản tạm giữ phương tiện, hiện trạng hàng hóa. Thế nhưng cán bộ trực tiếp xử lý lại không chấp nhận và cũng không lập biên bản tạm giữ phương tiện, không ghi hiện trạng hàng hóa. Trước sự việc trên, tài xế Hưng không chấp nhận và không ký vào biên bản làm việc.

Khoảng 4h ngày 28/5, lực lượng chức năng yêu cầu tài xế ký vào biên bản làm việc và nhận lại phương tiện cùng hàng hóa nhưng anh Hưng không đồng ý vì biết toàn bộ số bạch tuộc đã bị chết, phân hủy do không được bảo quản theo đúng quy trình.

Bức xúc vì lô hàng bị hỏng, sáng ngày 29/5, 10 người dân đại diện cho hơn 40 chủ hàng ở Hồ Chí Minh đã đến trụ sở Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương yêu cầu bồi thường lô hàng bạch tuộc tươi sống hơn 2 tấn (trị giá khoảng gần 1 tỉ đồng) bị đơn vị này tạm giữ đã bị phân hủy bốc mùi nồng nặc.

Theo đại diện chủ hàng, Thông tư số 32/2012 của Bộ NN&PTNT có quy định, thủy sản không phải kiểm dịch nếu không xuất xứ từ vùng có dịch, trong khi TP HCM chưa công bố bạch tuộc có dịch nên việc giữ hàng của Công an tỉnh Hải Dương là sai luật.

Minh Văn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc