Làm luật và sửa luật

06:00 | 28/05/2014

518 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kỳ họp này, trong 28 ngày làm việc Quốc hội phải thông qua và xem xét 27 luật, dự luật, bình quân mỗi ngày 1 luật. Mà không phải chỉ kỳ họp này mà hầu như kỳ họp nào của Quốc hội, gánh nặng làm luật và sửa luật đều đè nặng lên vai mỗi đại biểu.

Năng lượng Mới số 325

Trong các lần tiếp xúc đại biểu Quốc hội, cử tri đều có ý kiến yêu cầu các luật ban hành phải sớm phát huy tác dụng khi đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, tình trạng “nợ” văn bản hướng dẫn thi hành luật tồn tại qua các khóa Quốc hội và Chính phủ vẫn luôn phải nhận khuyết điểm trước các đại biểu của nhân dân.

Xin nhớ rằng ở nước ta hiện nay, việc ban hành văn bản luật và các quy phạm pháp luật lại phân quyền cho quá nhiều cơ quan thực hiện. Chính phủ thì trình nhưng có trình được hay không vẫn phải chờ các bộ, ngành chuẩn bị từ A đến Z. Vì vậy, dù luật đã được ban hành nhưng chậm hoàn thành văn bản hướng dẫn nên chưa thể đi vào cuộc sống.

Bạn đọc hãy hình dung, riêng trong năm 2013, trên các trang công báo đã công bố việc ban hành một bản Hiến pháp sửa đổi, 20 luật và pháp lệnh, 22 nghị quyết của Quốc hội, 8 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 215 nghị định của Chính phủ; 703 thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; 106 thông tư liên tịch. Người ta tính rằng, trong 365 ngày mà các văn bản pháp luật được ban hành đã vượt con số 1.000, chưa kể các lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và mấy vạn văn bản của chính quyền cấp tỉnh. Cả một rừng luật miên man, tìm cho ra văn bản số bao nhiêu, ra ngày nào, ai ký cũng đủ làm khổ các nhân viên văn thư hành chính.

Đại biểu Quốc hội thảo luận xây dựng luật tại hội trường

Không có ai, không có cơ quan nào có thể “quán triệt” nổi số văn bản pháp luật, nếu đóng thành sách có thể nặng tới cả chục kilôgam như vậy. Chẳng thế mà trong phiên tòa xử “bầu” Kiên đang diễn ra ở Hà Nội, khi HĐXX hỏi đại diện một bộ về vấn đề quy định kinh doanh cũng phải đợi người đại diện này alô về xin “sự giúp đỡ của người thân”, y chang trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú”. Chuyên viên cao cấp còn không sao thuộc nổi quy định của bộ mình thì làm sao người dân nắm được cả một “rừng” luật dài dòng, rắc rối, nhiêu khê! Đã có nhiều vụ tranh tụng quyết liệt tại công đường về điều này, khoản kia của luật do bị hiểu lầm, hiểu sai đấy thôi. Có lẽ điều này lý giải vì sao hầu như đạo luật nào cũng phải sửa đổi, bổ sung một số điều sau vài năm đưa vào cuộc sống. Công việc lập pháp này choán quá nhiều thời gian của một tập thể đại biểu Quốc hội, có rất nhiều người không mấy am hiểu về luật pháp.

Làm gì để khắc phục tình trạng này, trước hết đòi hỏi Quốc hội ngày càng phải chuyên nghiệp hơn, phải giải quyết nhiều hơn những yêu cầu của quá trình hiến định. Có lẽ trước hết phải sửa ngay luật về đại biểu Quốc hội để tăng thêm số đại biểu chuyên trách, mà trong đó có nhiều người có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ luật.

Xưa nay, suốt 13 khóa, bao giờ Quốc hội cũng là cơ quan ban hành các đạo luật hoặc pháp luật khi điều kiện ra luật chưa thật chín muồi. Thế nhưng, xin đừng quên rằng, tất cả các dự luật lại do Chính phủ chuẩn bị và Chính phủ lại giao cho các bộ, ngành soạn thảo. Khoan nói đến điều “tế nhị” là có khá nhiều nội dung điều luật bị “lợi ích ngành” chi phối và do đó, khá nhiều nội dung dự thảo có chuyện “vướng”, chuyện “va” với các luật khác bị các đại biểu Quốc hội vạch ra khi thảo luận từng chương, từng điều, từng khoản trong dự luật. Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật khiến nhiều luật chậm đi vào cuộc sống.

Có chuyên gia gọi tình trạng trên là tình trạng “lập pháp ủy quyền” khi chuyển một phần nhiệm vụ xây dựng luật pháp sang cho Chính phủ và các bộ, ngành. Lý do được chỉ ra rằng, các ủy ban của Quốc hội chỉ có thể thẩm định chứ chưa soạn thảo dự luật.

Như vậy trật tự, nguyên tắc và giá trị vốn có của hệ thống pháp luật sẽ bị phân tán, dễ dẫn đến tùy tiện trong giải thích và thực thi luật pháp của các cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền. Không ít vụ án bị tòa án tối cao, hội đồng thẩm phán buộc phải hủy bỏ chỉ vì vận dụng luật không chuẩn.

Với các đạo luật, sau khi Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước công bố, Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật là thuận lẽ nhưng lại thiếu cơ chế xác định rõ nội dung, mục đích và phạm vi ủy quyền, hình thức giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện nghĩa vụ ban hành quy phạm được ủy quyền ra sao. Các chuyên gia đề nghị, ngay trong khóa này, Quốc hội cần làm rõ điều này để có một nghị quyết cụ thể về cơ chế ủy quyền, cơ chế giám sát để bảo đảm các đạo luật được thực hiện đúng yêu cầu.

Không phải ngẫu nhiên mà trong các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu vẫn bàn cãi về câu chữ, văn phạm vì dự luật có cách diễn giải dài dòng, khó hiểu, khó nhớ, khó vận dụng và ít có hiệu lực lâu dài. Chúng ta hầu như chưa có các đạo luật được thực thi tức thì mà không cần văn bản hướng dẫn.

Đã đến lúc phải thay đổi cách làm luật và sửa luật để luật ra luật.

Minh Nghĩa